Săn lùng kẻ bị truy nã quốc tế

Thứ Bảy, 09/10/2010, 15:13
Trong một thời gian ngắn, lực lượng Cảnh sát Interpol Việt Nam đã xác minh, phối hợp truy bắt được nhiều đối tượng truy nã người nước ngoài đang lẩn trốn và làm "ông chủ" kinh doanh tại Việt Nam. Khi tiếp nhận các đối tượng truy nã nói trên do Cảnh sát Việt Nam trao trả, lực lượng Công an các nước đã cảm ơn chân thành các bạn đồng nghiệp bởi tinh thần tận tụy, nhiệt tình trong việc phối hợp truy bắt tội phạm…

Lật mặt chủ sòng bạc ở khách sạn Caravel

Có một thời gian, Văn phòng Interpol Việt Nam nhận được thông tin về một đối tượng bị Cảnh sát Hàn Quốc truy nã, hiện có thể đang lẩn trốn tại Việt Nam và kinh doanh tại sòng bạc Caravel, TP HCM.  Cảnh sát Hàn Quốc sau đó đã chuyển thông tin đến các cơ quan điều tra của Việt Nam và phối hợp nhằm xác minh di biến động cũng như xác định chính xác đối tượng. Cũng tại thời điểm đó, ở khách sạn hạng sang Caravel ở TP HCM, có một người đàn ông nước ngoài quản lý sòng bài trong khách sạn này có hình thức rất giống với đối tượng trốn truy nã người Hàn Quốc. Từ thông tin đó, các trinh sát Văn phòng Interpol Việt Nam đã tiến hành xác minh.

Việc xác minh ở khách sạn này không hề đơn giản, bởi hằng ngày ở đó có rất đông người ra vào. Hơn nữa, nơi đây có nhiều khách nước ngoài có “máu mặt”, việc xác minh phải hết sức khéo léo, tế nhị, nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của khách sạn. Những ngày đầu có mặt ở khách sạn, tổ công tác Văn phòng Interpol thấy ở khu vực giải trí có một người đàn ông làm công tác quản lý sòng bài thường xuyên có mặt ở đó. Tuy nhiên, trông hình thức của anh ta không giống với đối tượng người nước ngoài đang bị truy nã.

Các trinh sát vẫn kiên nhẫn chờ đợi, bởi biết đâu người các anh cần xác minh vẫn chưa xuất hiện. Đến ngày thứ 14, tổ công tác phát hiện ông trùm sòng bài đã xuất hiện. Qua tấm ảnh dán trên lệnh truy nã cùng thông tin phạm tội mà cảnh sát nước ngoài cung cấp, lực lượng Cảnh sát Interpol Việt Nam đã xác định, ông trùm kia chính là Cha Jea Kiy, quốc tịch Hàn Quốc, người đã gây ra vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền 678.000 USD năm 2006, hiện đang trốn truy nã.

Cũng phải nói thêm, Văn phòng Interpol Việt Nam tiếp nhận lệnh truy nã đối tượng Cha Jea Kiy của tòa án Trung tâm Seoul - Hàn Quốc vào tháng 12/2009. Cho đến tháng 1/2010, các cán bộ Văn phòng Interpol Việt Nam cùng phối hợp với Cục Cảnh sát truy nã, Bộ Công an mới bắt tay vào việc truy tìm đối tượng.

Bước đầu, các anh chuyển hóa thông tin về đối tượng, sau đó gửi thông tin của Cha Jea Kiy về Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam để lần tìm anh ta. Ngoài ra, tổ công tác cũng tìm thông tin của Cha qua việc xuất nhập cảnh, bởi có nhiều tên tội phạm sẽ dùng thủ đoạn thay tên để nhập cảnh, nhưng ảnh và vân tay không thể thay đổi được. Chính vì vậy, khi lần theo dấu xuất nhập cảnh, tổ công tác được biết Cha vẫn sử dụng ảnh và tên của mình để làm thủ tục khai báo. Qua đó được biết, Cha Jea Kiy nhập cảnh vào Việt Nam từ đầu năm 2010, và từ đó đến nay đã hơn 100 lần Cha đi ra đi vào Việt Nam.

Bởi đã ôm được khoản tiền lớn từ việc lừa đảo nhiều nạn nhân bên Hàn Quốc, nên khi sang Việt Nam, Cha Jea Kiy đã đầu tư rất nhiều tiền để mở một sòng bài lớn ở khách sạn Caravel. Anh ta làm chủ quản lý, còn thuê một người Việt Nam đứng tên kinh doanh. Chính vì vậy mới xảy ra chuyện, khi lực lượng Công an Việt Nam đến xác minh, nghi ngờ chân tướng bị bại lộ, Cha Jea Kiy đã rút lui vào "hậu trường" khoảng 2 tuần, để cho người quản lý của mình đứng ra làm "diễn viên đóng thế". Tuy nhiên, hành vi cáo già của anh ta không qua mắt được tinh thần cảnh giác của lực lượng Công an Việt Nam.

Ngày 17/8/2010, việc bắt giữ Cha Jea Kiy đã được triển khai. Theo lời khai ban đầu của đối tượng, trong thời gian lẩn trốn tại Việt Nam, Cha Jea Kiy đã có một cô vợ hờ người Việt Nam, và có chung với cô này một đứa con. Cùng ngày, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc đã có công hàm trao đổi về việc đề nghị Công an Việt Nam trao trả đối tượng Cha Jea Kiy cho Hàn Quốc.

Đến việc truy bắt ông chủ sòng bài trong khách sạn Legend

Từ những trao đổi của Cảnh sát Hàn Quốc với Công an Việt Nam, các cán bộ Văn phòng Interpol được biết, cùng với lệnh truy nã đối tượng Cha Jea Kiy mà Tòa án Trung tâm Seoul - Hàn Quốc gửi, thì một đối tượng khác là Han Ki Bong, 59 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc cũng đang bị truy nã theo lệnh 2010 - 7026 về tội lừa đảo.

Vào ngày 20/3/2008, Han Ki Bong đã lừa các nạn nhân số tiền 1.550 tỷ won, tương đương 1.400.000 USD và nói dối rằng sẽ chuyển quyền quản lý hợp pháp của mình ở sòng bài trong khách sạn Legend - TP HCM - Việt Nam cho các nạn nhân nhưng không thực hiện và bỏ trốn.  Tòa án Trung tâm Seoul đã yêu cầu bắt giữ đối tượng. Lệnh truy nã được tòa án nêu trên yêu cầu từ ngày 15/12/2009 và ngày hết hạn là 30/7/2018.

Khi tiếp nhận lênh truy nã của Tòa án Trung tâm Seoul - Hàn Quốc, Văn phòng Interpol Việt Nam đã phối hợp với Cục Cảnh sát truy nã, Bộ Công an xác minh về quan hệ của Han Ki Bong, đồng thời xác minh việc xuất nhập cảnh của Han trước đó thì sẽ lần ra địa chỉ khai báo của anh ta tại Việt Nam. Qua công tác quản lý đó, lực lượng Công an Việt Nam đã phát hiện Han Ki Bong đang tạm trú tại quận 7, TP HCM. Han thuê nhà ở đó để làm công việc chính là quản lý sòng bài ở khách sạn Legend.

Khi có thông tin và địa chỉ cụ thể nơi Han Ki Bong đang có mặt, Văn phòng Interpol Việt Nam đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, sau đó cùng phối hợp với Cục Cảnh sát truy nã tội phạm và Công an TP HCM lên kế hoạch truy bắt Han.

Ngày 24/8/2010, Han Ki Bong đã bị lực lượng Công an Việt Nam bắt giữ tại quận 7, TP HCM. Sau đó, Công an Việt Nam đã có công văn gửi Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP HCM, thông báo về việc đã bắt giữ thành công Han Ki Bong theo lệnh truy nã của Cảnh sát Hàn Quốc tại Việt Nam. Ngày 30/8, Han Ki Bong đã được Công an Việt Nam trao trả cho các cơ quan chức năng Hàn Quốc để dẫn độ về Hàn Quốc.

Và cuộc truy bắt tên tội phạm hiếp dâm trẻ em

Có tiếp xúc với các cán bộ Văn phòng Interpol Việt Nam thì mới thấu hiểu được những khó khăn mà các anh đã và đang trải qua. Không kể chuyện thường xuyên phải đi xác minh, tiếp cận thông tin về đối tượng truy nã người nước ngoài, thì việc chuyển hóa thông tin từ lệnh truy nã của Cảnh sát các nước cũng đã chiếm rất nhiều thời gian.

Cảnh sát Interpol Việt Nam trao trả David  (đội mũ, đứng thứ 6 từ trái sang) tại sân bay Nội Bài.

Ví như vụ truy bắt đối tượng David Lai Van Mai, người Mỹ gốc Việt bị truy nã về tội hiếp dâm trẻ em. Theo lệnh truy nã của Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI, thì David phạm tội "lạm dụng tình dục trẻ em nhiều lần, có dấu hiệu nguy hiểm". Căn cứ điều luật tương ứng của Việt Nam, các cán bộ Văn phòng Interpol đã chuyển hóa thông tin, David đã phạm tội hiếp dâm trẻ em. Đối tượng này đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nên cảnh sát Mỹ đã ráo riết truy tìm.

Khi tiếp nhận lệnh truy nã của FBI, Văn phòng Interpol Việt Nam đã tiến hành xác minh về đối tượng. Qua đó được biết, cuối năm 2007, David đã về Việt Nam ở hẳn. Trước kia anh ta từng có tiền án về tội trộm cắp  tài sản bên Mỹ, rồi anh ta tiếp tục phạm tội hiếp dâm trẻ em, sau đó trốn về Việt Nam.

Qua xác minh được biết, hồi đầu về Việt Nam, David hay ở một số tỉnh trong Nam. Anh ta cộng tác với một người quen mở một một công ty chuyên sản xuất đồ gỗ. Mặc dù là ông chủ doanh nghiệp, nhưng David rất ít xuất hiện trước các nhân viên. Được một thời gian, làm ăn thua lỗ, David chuyển ra Hải Phòng, nhưng chuyên ở ẩn trong nhà người quen.

Lần theo thông tin của David ở Hải Phòng, cuối cùng lực lượng Công an cũng đã tìm được nơi ở của anh ta. Theo đó, việc bắt giữ David đã được triển khai. Bản chất của tội phạm đang trốn truy nã khá "nhạy" nên vào thời điểm cơ quan Công an truy bắt, David đã trốn khỏi nhà người quen, đến thuê phòng ở tại một khách sạn thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên. Ngày bắt giữ và trao trả David về Mỹ, có 2 sỹ quan của FBI đã đến Việt Nam. Họ nói đã truy tìm David Lai từ rất lâu mà chưa được, bây giờ khi Công an Việt Nam đã bắt được anh ta, họ vô cùng cảm ơn.

Chuyến bay về Mỹ diễn ra lúc 12h. Khi ra sân bay Nội Bài, David tâm trạng rất buồn. Bởi anh ta hiểu, đó là ngày cuối cùng anh ta được tự do trên quê hương mình

H.Giang - T. Hòa
.
.
.