Sáng mãi hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân

Thứ Hai, 16/08/2010, 13:00
7h sáng 17/8, giữa không khí ấm nồng đầy hào sảng của mùa thu Cách mạng, một sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội có ý nghĩa sâu rộng sẽ diễn ra tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình - Hà Nội: Lễ mít tinh cấp Nhà nước chào mừng 65 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (CAND) Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2010), 5 năm Ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" (19/8/2005 - 19/8/2010).

Sau đó chưa đầy 2 ngày, ngay giữa Nha Công an Trung ương Tân Trào, tiền thân của cơ quan Bộ Công an ngày nay, chương trình nghệ thuật đặc biệt "CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" chào mừng các ngày lễ lớn tưng bừng khai cuộc, thu hút sự góp mặt của hàng trăm nghệ sỹ tụ về từ mọi miền đất nước.

Ngay giữa thời khắc kỳ nghỉ hè thường niên còn vương vấn trong khuôn viên các trường học, phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vẫn sáng choang ánh đèn. Ánh sáng của hàng chục ngọn đèn công suất lớn soi rọi, lấp lóa trên những gương mặt tươi trẻ, rạng ngời. 100 sinh viên thanh nhạc các hệ Trung cấp và Đại học, cùng cả trăm nhạc công của Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Học viện Âm nhạc Quốc gia… đang say sưa luyện tập.

Âm thanh lan tỏa khán phòng, khơi gợi những tình cảm thiêng liêng vượt lên bao toan lo bộn bề thường ngày. Bài hát "Giai điệu Tổ quốc" (nhạc và lời: Nhạc sỹ Trần Tiến) dặt dìu, man mác với giọng lĩnh xướng trầm ấm của ca sỹ Quốc Hưng, được dàn hợp xướng phụ họa, trở nên quyến rũ, ám ảnh hơn bao giờ hết.

"Sao Mai" Bùi Lê Mận và Đăng Thuật, chàng trai trẻ đã thể hiện thành công tác phẩm "Lời Bác - lời của non sông" (nhạc và lời: Trung tướng - Nhà văn Hữu Ước) trong Đại lễ hội âm nhạc "Hồ Chí Minh - Cả một đời vì nước, vì dân" ở Quảng trường Ba Đình mùa thu năm ngoái, tiếp tục hòa giọng, rưng rưng, nghẹn ngào, cùng nhau ôn lại ca khúc này. Một buổi tập chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật đặc biệt "CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" đang làm bừng sáng cả những ngày chớm thu, cuối hè oi nồng, nắng gắt.

Mồ hôi chảy dài, loang loáng trên cặp kính cận cố hữu, NSƯT Phạm Ngọc Khôi tất bật, quần quật như một lão nông đang vào vụ, đũa nhạc trên tay, không rời bục chỉ huy, lắng nghe từng ca từ, từng nốt nhạc của dàn hợp xướng và giao hưởng hùng hậu.

Sân khấu chương trình nghệ thuật “CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

100 sinh viên Nhạc viện, 200 sinh viên Học viện An ninh nhân dân, tràn trề sức thanh xuân, bằng âm nhạc, đang làm sống lại một thời sục sôi Cách mạng, tái diễn những chặng đường lịch sử 65 năm CAND Việt Nam chiến đấu, trưởng thành, cống hiến, đảm đương tròn vẹn sứ mệnh cao cả: giữ gìn từng khoảnh khắc yên vui cho cuộc sống của nhân dân, bảo vệ tuyệt đối an ninh Tổ quốc.

Giữa không gian mênh mông của sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, sáng 17/8, màn đại hợp xướng với chủ đề: "Tổ quốc - Đảng - Bác Hồ và Hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ" gồm 4 tác phẩm âm nhạc đồ sộ, neo vào trí nhớ số đông người sẽ được trình diễn, mở đầu cho lễ mít tinh trọng thể.

Những bài hát đi cùng năm tháng, đồng hành cùng đời sống, một lần nữa theo làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam, làn sóng VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam…, tìm đến với nhân dân khắp dọc dài đất nước. "Giai điệu Tổ quốc" (nhạc và lời: Nhạc sỹ Trần Tiến), "Lời Bác - lời của non sông" (nhạc và lời: Trung tướng - Nhà văn Hữu Ước), "Người Hà Nội" (nhạc và lời: Nhà văn Nguyễn Đình Thi), Hành khúc Công an nhân dân (lời: Đại tá - nhà viết kịch Phan Gia Liên, nhạc: Nhạc sỹ Trương Hùng)… khơi gợi trong mỗi con tim tình yêu bất tận với Tổ quốc, với Đảng, với Bác Hồ. Dàn hợp xướng 300 người cất giọng, âm hưởng của các tác phẩm thêm phần oai nghiêm, đầy đặn.

 Vượt qua khoảng địa lý trăm cây số Hà Nội - Tân Trào, âm nhạc sẽ kéo dài không khí lễ hội tại chính nơi các thế hệ tiền bối ngành Công an đã sống, chiến đấu trong những ngày đầu Cách mạng và kháng chiến trăm ngàn gian khó.

Chương trình nghệ thuật "CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ", quy tụ những bài hát có sức truyền cảm vào bậc nhất, những bài hát tràn trề niềm lạc quan, yêu đời, những khúc ca tác thành một biểu tượng bất tử, đầy tình yêu thương của người chiến sỹ Công an trong lòng dân, người chiến sỹ của nhân dân sẽ vang lên từ đây.

Từ TP HCM tới Hà Nội, về Tân Trào, ca sỹ Thanh Thúy gợi lại hình ảnh tuyệt đẹp về người thiếu nữ mãi mãi thanh xuân cùng đất nước trong bài hát "Biết ơn chị Võ Thị Sáu". Đây là tác phẩm giúp nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Không ai hợp hơn Thanh Thúy để xuất hiện cùng khúc ca ngọt ngào về người nữ liệt sỹ Công an trẻ nhất, hy sinh ở tuổi trăng tròn, khi xấp xỉ 20 năm trước, Thanh Thúy đã làm công chúng điện ảnh rưng rưng với hình tượng chị Võ Thị Sáu trong bộ phim "Người con gái Đất Đỏ" do Điện ảnh CAND sản xuất.

Buổi tập luyện của các nghệ sĩ tại Nhạc viện Hà Nội. Ảnh trong bài: Trang Dũng - Minh Trí

Bài hát nổi tiếng "Từ một ngã tư đường phố" mà nhạc sỹ Phạm Tuyên dành làm món quà, tặng những chiến sỹ Cảnh sát giao thông, như một khúc reo vui đầy tình yêu con người, tình yêu cuộc sống vang lên trên môi nhiều nam thanh nữ tú căng bầu ngực tuổi trẻ. Hành khúc "Chúng ta người chiến sỹ Công an" của Giáo sư - Nhạc sỹ Trọng Bằng, đã thành bài ca truyền thống của ngành Công an, không chỉ được những người trong lực lượng Công an yêu mến, mà công chúng rộng rãi cũng biết đến và đón nhận về mình.--PageBreak--

Chương trình nghệ thuật: "CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" cũng là kỷ niệm không thể quên của các nghệ sĩ. Họ được hát những bài hát không thể quên, giữa một địa chỉ cũng không bao giờ có thể lãng quên được: Nha Công an Trung ương trên mảnh đất Tân Trào. Và đồng bào chiến sĩ cả nước cũng đang đón chờ từng giờ những bài hát song hành cùng lịch sử, có sức mạnh của một đạo quân, cảm hóa lòng người, truyền dẫn tình yêu Tổ quốc từ người này sang người khác, kết nối lòng tự hào được là người Việt Nam, được sống giữa đất nước thanh bình, trào dâng sức trẻ sẽ vang lên ngay trong thời khắc trọng đại, 65 năm Quốc khánh 2-9 và 65 năm Ngày truyền thống CAND.

Nhạc sỹ - NSƯT Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam:

Là một nhạc sỹ có cơ hội tham gia dàn dựng chương trình nghệ thuật đặc biệt "CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ", tôi thấm thía, người dân vẫn nặng lòng cùng âm nhạc Cách mạng, cùng các ca khúc bày tỏ tình yêu với Bác Hồ, với quê hương đất nước. Đấy là những trạng thái tình cảm bất biến trong tâm hồn nhiều thế hệ người dân Việt Nam.

Nhạc sỹ viết về Công an là viết về những con người cụ thể, có những buồn vui, yêu ghét, hờn giận thường nhật. Nhưng các anh, các chị cũng là những con người mang trên mình sứ mạng bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân và khi cần, sẵn sàng hy sinh chính cuộc sống của mình cho sứ mạng đó.

Ca sỹ Đăng Dương - Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam:

Là một nghệ sỹ sinh ra và lớn lên khi đất nước đã ngơi tiếng súng, tôi luôn vui sướng vì mình được hát những bài hát không thể quên. Những khúc tráng ca như "Đường chúng ta đi" không bao giờ mất đi. Nếu để những bài hát đó lụi tàn, công chúng tẩy chay, không còn muốn nghe, là có tội với nền âm nhạc Việt Nam.

Chúng tôi hãnh diện vì góp phần làm công chúng yêu thêm, nhớ thêm những bài hát bất hủ đó. Được hát lại "Đường chúng ta đi" ở Tân Trào, chúng tôi sẽ lại biểu diễn bằng chính tình cảm thật của mình, sự xúc động thẳm sâu nhất trong con người mình. Chúng tôi mong, sẽ tạo dựng được phần nào không khí sục sôi của những ngày hào hùng, những ngày cả nước lên đường ra trận, cả nước xuống đường chiến đấu, vì lý tưởng cao đẹp, giành độc lập, tự do cho đất nước.

Ca sỹ Hồ Quỳnh Hương:

Tôi đã thấy cay cay nơi sống mũi, khi biết mình được chọn lựa để thể hiện ca khúc "Bài ca Hồ Chí Minh" của nhạc sỹ EWan MacColl trong chương trình nghệ thuật đặc biệt "CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" cùng một ca sỹ nước ngoài. Tôi đã hát bài hát này trong nhiều dịp trọng đại, nhưng lần này chắc chắn sẽ khơi gợi những xúc cảm khó lòng diễn tả.

Được hát cho đồng bào cả nước nghe bài hát về Bác Hồ giữa Tân Trào lộng gió, nơi di tích Cách mạng mà tôi luôn hình dung trong trí tưởng tượng của mình từ ngày cắp sách đến trường, quả là may mắn hiếm có. Trải nghiệm này tôi sẽ lưu mãi trong hành trình nghệ thuật của mình, và những xúc cảm từ đêm Tân Trào lịch sử 19/8/2010, sẽ theo tôi suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời.

Ngô Hương Sen
.
.
.