Sau song sắt không thiếu những câu chuyện nhân văn

Thứ Ba, 06/07/2010, 10:50
Là một nơi giam giữ nhiều đối tượng giang hồ, cộm cán, những đối tượng phạm tội nghiêm trọng, thường xuyên vi phạm kỷ luật, nhưng Ban Giám thị và cán bộ trại Xuân Lộc đã có những biện pháp, những ứng xử rất nhân văn để thuần phục những phạm nhân thuộc hàng cứng đầu cứng cổ nhất, giúp họ yên tâm cải tạo và biết khao khát hoàn lương, làm một người lương thiện.

PV: Trại giam Xuân Lộc là nơi giam giữ nhiều đối tượng giang hồ cộm cán, từng giữ  vị trí "thủ lĩnh" trong những băng đảng giang hồ ngoài xã hội. Với cương vị của một Giám thị trại, Đại tá có những phương pháp đặc biệt nào trong việc tiếp cận, thuần phục và giáo dục những đối tượng này?

Đại tá Nguyễn Trọng Nhâm: Quan điểm của tôi là, muốn giáo dục các phạm nhân, đặc biệt là những phạm nhân khi ở ngoài xã hội đã có số có má trong giới giang hồ thì không cách nào tốt hơn là nên gặp riêng họ. Gặp để làm gì? Để cùng họ phân tích đúng sai của những việc họ làm trong quá khứ. Để khơi gợi lương tâm và tình cảm con người trong họ. Để khích lệ họ biết hi vọng và tin tưởng vào tương lai.

Trong các cuộc họp với cán bộ trong trại, tôi vẫn phê bình nhiều cán bộ còn chưa quan tâm đến việc tiếp xúc riêng với từng phạm nhân, mà vẫn còn nặng về giáo dục chung chung. Trại giam là một xã hội thu nhỏ nhưng vô cùng phức tạp, với nhiều thành phần khác nhau trong xã hội: Trộm cắp, cướp giật có; giang hồ cộm cán có; học sinh, sinh viên, giáo sư, tiến sĩ cũng có. Nên dễ hiểu vì sao chúng ta không thể đánh đồng một kiểu giáo dục cho tất cả các phạm nhân được, không thể tập trung họ lại, nói vài câu ba điều chung chung là các anh hãy cố gắng cải tạo tốt, hãy thành tâm hối cải cho những tội lỗi của mình. Điều đó ắt hẳn không mang lại nhiều hiệu quả.

Nên tôi chủ trương chúng ta phải đi sâu vào công tác giáo dục riêng. Mà trước khi giáo dục riêng, chúng ta phải nắm được những cái cơ bản về cuộc đời mỗi phạm nhân, nắm được hoàn cảnh gia đình họ, nguyên nhân, lý do, hoàn cảnh phạm tội cũng như những tính cách cơ bản, từ đó mới có thể có hướng tiếp cận hợp lý. Để xem họ bức xúc cái gì, khó khăn cái gì thì cán bộ sẽ cùng tháo gỡ, giải quyết những khó khăn đó.

PV: Vậy theo ông, cái mà phạm nhân cần nhất là gì?

Đại tá Nguyễn Trọng Nhâm: Bất cứ phạm nhân nào, dù án vài năm hay án chung thân, cái họ khao khát nhất, mong muốn nhất là được trở về đoàn tụ với gia đình. Vì vậy, cách động viên thiết thực nhất là giúp họ rút ngắn thời gian cải tạo. Là giám thị trại giam, tôi cho rằng đó là hành động nhân văn nhất với một phạm nhân.

Ví dụ, tôi vẫn động viên những phạm nhân rằng ai có thành tích tốt trong cải tạo, lao động, rèn luyện con người hay tham gia phong trào của trại thì sẽ được ưu tiên hơn trong quá trình xét giảm án. Mà tôi đã hứa là tôi làm. Có những phạm nhân có thành tích đặc biệt, thông thường chỉ giảm 6 - 9 tháng thì tôi đề nghị lên trên xét giảm từ 9 -12 tháng.

Đặc biệt những phạm nhân án chung thân, đã ở mười mấy năm, thì tôi cũng đề nghị mức giảm án cao hơn như một cách khích lệ họ. Nhờ sự động viên thiết thực đó, họ hăng hái và tích cực cải tạo hơn. Điều quan trọng là những phạm nhân cải tạo tốt được giảm án rồi, sẽ tiếp tục nhỏ to tâm sự với những phạm nhân cải tạo chưa tốt, còn thường xuyên vi phạm. Đó sẽ là động lực lớn khiến họ thay đổi.

Chúng tôi cũng đề nghị với Viện kiểm sát, Tòa án phối hợp để có thể công bố mức giảm án trước những dịp lễ Tết. Ví dụ dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ công bố chậm nhất là ngày 23, để phạm nhân có thể về quê sớm, cùng gia đình sửa soạn đón Tết, tránh cho họ cái cảnh chiều 30 Tết mới ra khỏi trại giam. Những dịp 30-4 và Quốc khánh 2-9 cũng vậy, chúng tôi cố gắng để phạm nhân có thể ra trại trong thời gian sớm nhất.

PV: Chủ trương là như thế, vậy cá nhân Đại tá có thường xuyên tiếp xúc với phạm nhân không?

Đại tá Nguyễn Trọng Nhâm: Tôi phải gương mẫu chứ. Tôi đi gặp phạm nhân, phát hiện ra một chuyện khiến tôi giật mình. Phạm nhân trong trại có đủ các độ tuổi, từ 18 đến 80 tuổi đều có. Thế nhưng nhiều phạm nhân mới 18, 20 có thể thản nhiên gọi một phạm nhân 80 tuổi là mày xưng tao. Tôi gọi cậu phạm nhân trẻ đó lại, nói cho cậu ta nghe về đạo lý truyền thống của người Việt, về yêu trẻ, kính già; về kính trên nhường dưới.

Tôi dạy cậu ta như dạy đứa con nhỏ của mình thôi, sai ở đâu uốn nắn ở đó, để cậu ta hiểu trước khi là một phạm nhân, thì những con người già lão kia hơn cậu ta mấy chục năm tuổi đời. Tôi nhớ lần đó, khi nghe tôi nói thế, và khi được những phạm nhân ít tuổi hơn xưng hô theo đúng tôn ti trật tự, một phạm nhân ngoài 80 tuổi đã khóc, nói rằng: "Cảm ơn cán bộ vì đã giúp tôi được đối xử đúng với tư cách một con người".

Tôi cũng không cho phép mình quan liêu. Nên tôi dành nhiều thời gian để đi thị sát, xem xét, kiểm tra tình hình đời sống, nơi ăn chốn ở, bữa cơm phạm nhân. Tiêu chuẩn mỗi phạm nhân mỗi tháng được bao nhiêu lạng thịt, lạng cá, tôi yêu cầu cán bộ hậu cần theo dõi để phân chia cho đều các ngày trong tháng và đảm bảo khẩu phần của phạm nhân phải đủ đúng như quy định của Nhà nước.

Có những lần, để kiểm tra chất lượng bữa ăn phạm nhân, tôi chủ động tự mình nếm thử các món họ ăn thường ngày, từ bát canh đến miếng thức ăn của họ để xem chất lượng món ăn thế nào, có bị bớt xén gì không, ngon hay dở. Nhiều phạm nhân thấy tôi ăn xong rồi lại còn gật gù khen ngon thì ngạc nhiên lắm, vì họ nghĩ một giám thị trại thì sẽ không bao giờ làm điều đó. Nhưng tôi lại nghĩ khác. Tôi làm thế phần vì muốn thấu hiểu cuộc sống của họ, phần thì muốn gửi cho phạm nhân một thông điệp họ thực sự được quan tâm.

Phạm nhân được đặc xá.

PV: Với những việc làm đó, Đại tá và các cán bộ trại giam Xuân Lộc đã thực sự được phạm nhân ghi nhận?

Đại tá Nguyễn Trọng Nhâm: Tôi tin là những việc mình làm được ghi nhận. Vì phạm nhân trong trại đang cải tạo ngày một tốt hơn, vi phạm giảm đi. Vì có những gia đình, có con đang bị tạm giam đã lặn lội lên gặp Ban Giám thị trại Xuân Lộc để xin cho con về cải tạo ở trại, vì họ bảo các phạm nhân đã ra tù đều nói tốt về Ban Giám thị cũng như cán bộ trại. Dĩ nhiên tôi phải giải thích rõ với họ, việc đó là quyền của Tổng cục 8, trại Xuân Lộc không có quyền. Nhưng trong thâm tâm, tôi vui, vì tin mình đã thu phục được phạm nhân, tạo được thiện cảm với họ, và khiến họ ghi nhận mình. Đó là lý do khiến họ tích cực cải tạo hơn.

Như năm ngoái, vào dịp Tết Nguyên đán, sau khi họp và được sự đồng ý của Đảng ủy, đúng chiều 30 Tết, Ban Giám thị trại đã quyết định dành cho những phạm nhân đang bị kỷ luật, giam riêng những đặc ân rất con người. Thông thường theo quy định, những phạm nhân này sẽ vẫn bị giam, không kể lễ Tết. Nhưng chúng tôi quyết định thả họ ra, để họ đón Tết cổ truyền dân tộc với các phạm nhân khác trong trại. Số phạm nhân này sau đó khác hẳn, rất ít quấy phá, vi phạm trở lại, vì ý thức được sự thiện chí của Ban Giám thị trại.

PV: Từ khi lên giữ cương vị Giám thị trại Xuân Lộc, một trong những hành động của Đại tá được phạm nhân trại Xuân Lộc ca ngợi nhiều nhất, đó là xây dựng, sửa sang khu nghĩa trang phạm nhân thêm khang trang, đặc biệt là xây mộ phần cho những phạm nhân mồ côi, không có người thân thiết, đã chết trong trại giam. Việc làm này của Đại tá và Ban Giám thị trại có nhận được sự ủng hộ tích cực?

Đại tá Nguyễn Trọng Nhâm: Những phạm nhân đã chẳng may qua đời trong trại là những phạm nhân bị ốm yếu, bệnh tật hoặc nhiễm các căn bệnh hiểm nghèo ngoài xã hội, dù đã được tích cực cứu chữa nhưng không qua khỏi. Quan niệm nghĩa tử là nghĩa tận, nhiều phạm nhân không có người thân thích khi chết đi cũng không ai đến thăm viếng,  chính vì thế, chúng tôi đã bàn bạc, thống nhất, xây dựng khu nghĩa trang phạm nhân này. Việc thiết kế nghĩa trang, xây dựng nghĩa trang đều do các phạm nhân có chút năng khiếu về xây dựng đảm nhận, còn tiền mua vật liệu do trại bỏ ra.

Trong quá trình xây dựng, những phạm nhân tham gia đều tỏ ra rất có ý thức và có nhiều cử chỉ mà tôi cho rằng rất là đẹp. Khi đến xem xét việc xây dựng nghĩa trang, tôi có nửa đùa nửa thật cảnh báo với các phạm nhân, là các anh đừng nhân cơ hội này để trốn. Những phạm nhân đó cười xòa, bảo: "Giám thị yên tâm. Làm những việc này, chúng tôi sao dám có ý nghĩ bậy". Có phạm nhân còn nói với tôi: "Xin giám thị hãy cho tôi xây dựng phần mộ này, vì đây là phần mộ của bạn tôi. Tôi muốn tự mình xây nhà cho anh ấy, để anh ấy được thanh thản nơi chín suối". Nhờ những việc đó, tôi càng có niềm tin, những phạm nhân mà mình đang quản lý, cải tạo, giam giữ, dù phạm tội nhưng vẫn giữ được phần thiện, phần đức của con người; tôi tin việc giáo dục của trại đã đem lại hiệu quả. Họ biết nghĩ như thế, thì khi ra khỏi đây, họ nhất định sẽ thành người lương thiện.

Điều tôi vui nhất là những việc làm này đã được người nhà phạm nhân vô cùng ủng hộ. Họ viết thư lên cảm ơn, có người còn đích thân đến trại xin gặp tôi để bày tỏ nỗi niềm. Nhờ những việc này, họ đã không còn những suy nghĩ lệch lạc về trại giam.

Điều cuối cùng mà tôi muốn nói, muốn gửi gắm là chúng tôi - những người làm công tác quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân, đang làm một việc rất nhân văn, đó là hướng thiện cho những tâm hồn lầm lỡ, đưa họ trở về với cuộc sống của một người bình thường.

PV: Xin cảm ơn Đại tá về buổi trò chuyện này!

Nguyên Bình (thực hiện)
.
.
.