Sẻ chia với những mảnh đời nơi rốn lũ

Thứ Hai, 25/10/2010, 16:34
Hơn 2 tỷ đồng ủng hộ đồng bào các tỉnh vùng lũ miền Trung: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị mà Báo CAND và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Vincom, Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) cùng bạn đọc hảo tâm ủng hộ đã đưa đến tận tay người dân thiệt hại do lũ là thể hiện trách nhiệm, tình cảm của lực lượng CAND và cả xã hội sẻ chia với đồng bào vùng lũ.

1. Lũ chồng lên lũ. Chưa gượng dậy sau đợt mưa lũ đầu tháng 10, giờ đây các tỉnh miền Trung lại đang ngập chìm trong đợt lũ mới. Để về được vùng ngập lụt nặng nhất của huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, chúng tôi đã phải bất chấp những cơn sóng lớn ngập ngang thân xe trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Đi trong màn mưa tối trời, tối đất nhưng hình ảnh những người dân Hà Tĩnh ngồi trên nóc nhà giữa mênh mông nước dọc hai bên tuyến đường đi khiến chúng tôi thật xót xa và day dứt.

- Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam: 1 tỷ đồng

- Tập đoàn Vincom: 500 triệu đồng.

- Công ty Nghe nhìn toàn cầu AVG: 500 triệu đồng.

- Một bạn đọc đề nghị không nêu tên: 100 triệu đồng.

- Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi: 50 triệu đồng.

- Một doanh nghiệp ở Hà Nội: 1 tỷ đồng.

Sẩm tối 19/10, trong màn nước mênh mông qua hai lần xuồng tăng bo và lội nước, chúng tôi mới tiếp cận được gia đình bà Lê Thị Tam, 48 tuổi, nhà ở xóm Văn Minh, xã Thạch Tân (huyện Thạch Hà). Ngôi nhà tranh nứa lá với hai người đàn bà neo đơn đang sinh sống. Bà Tam sớm bị mù hai mắt, đang nuôi bà mẹ già Trần Thị Vân, 91 tuổi, quờ quạng mãi mới đẩy được vách liếp để cho chúng tôi lọt qua. Xung quanh căn nhà nước giăng kín. Thứ tài sản của một gia đình nghèo gồm ít gạo cùng chút ngô đã bị dòng nước nuốt chửng. Nước ngập ngang nhà, không thể bắc bếp, giếng nước gia đình cũng bị chìm sâu nên giống như nhiều gia đình trong khu vực, họ đang phải sống những tháng ngày cơ cực. Đã mấy ngày hôm nay hai người đàn bà này phải chống chọi với nước lũ bằng những gói mì tôm và ít nước mưa dành dụm được. Nghẹn ngào, bà Tam nói: "Cảm ơn những món quà của Đoàn công tác, nhờ nó mà mẹ con chúng tôi sẽ có cái ăn trong những ngày tới".

Hoàn cảnh thương tâm là trường hợp gia đình ông Nguyễn Hữu Kỷ, 73 tuổi, cùng xã. Căn nhà ngập trong nước. Ông vốn từng tham gia quân ngũ. Nhà có ba người con thì người con trai là Nguyễn Hữu Cảnh, 29 tuổi, không may bị thiểu năng từ nhỏ, mọi hoạt động đều nhờ vào người thân trong gia đình. Nước lũ lên nhanh gây thiệt hại bất ngờ, những tài sản ít ỏi của gia đình người đàn ông này đã bị nước tàn phá…

Đại diện Báo CAND trao mỳ tôm cứu trợ đồng bào vùng lũ.

Các cụ già sinh sống lâu năm ở vùng "rốn" lũ này kể rằng, từ bé đến giờ họ mới được chứng kiến một trận lũ lớn đến như vậy. Cả làng, cả xã ngập kín là nước. Nhìn đâu cũng chỉ thấy một màu đỏ đục mênh mông nước. Ngay tại thành phố Hà Tĩnh, tối 19/10 nhiều tuyến đường vẫn bị ngập kín. Ngay cả tuyến đường huyết mạch quốc lộ 1A cũng đã bị chia cắt. Hàng ngàn chiếc xe tải, xe khách, xe du lịch Bắc Nam đã phải nằm lại đầu thị xã Hồng Lĩnh và thị trấn Thạch Hà. Nước lên nhanh bất ngờ, khiến nhiều gia đình không kịp trở tay. Điện bị cắt, giếng nước ngập, nước tràn nửa nhà nên thóc lúa, lương thực dự phòng đã bị chìm trong nước… Lũ gây chia cắt và ngập trên diện rộng nên hàng ngàn hộ dân phải cố thủ trên nóc nhà, cầm cự bằng mỳ tôm. Tại một số điểm ngập sâu ở Can Lộc, Đức Thọ, Hương Khê… việc tiếp tế hết sức khó khăn nên có những gia đình bố mẹ đã phải nhịn đói để dành phần ăn ít ỏi lại cho các cháu nhỏ.

Trong số những địa phương bị lũ lụt, thì Hà Tĩnh đã trở thành tâm lũ. Mưa lớn cùng với việc xả lũ tại hồ Kẻ Gỗ để đảm bảo an toàn đã khiến 178 xã thuộc 12 huyện, thành phố, thị xã, trong đó có 105 xã bị ngập sâu chìm trong biển nước và chia cắt hoàn toàn. Đến chiều 18/10 đã có 21 người chết, hàng chục người bị thương, mất tích. Tại hầu hết các điểm ngập lụt, hàng vạn người vẫn đang phải sử dụng lương thực chủ yếu là mỳ tôm cầm hơi. Thiệt hại cho đến thời điểm này chưa thể nào thống kê được hết. Từng nghe câu nói "nhất thuỷ, nhì hỏa" nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được tận mắt thấy sự tàn phá của lũ. Trôi nhà, mất tài sản nhưng nỗi đau lớn nhất là nỗi đau mất người thân trong nước lũ. Suốt dọc đường đi chúng tôi nghẹn ngào khi phải chứng kiến hình ảnh những chiếc lều bạt tạm bợ dựng lên trên đường lộ hoặc các gò đất cao để đặt quan tài của những người xấu số với những tiếng gào khóc thảm thiết của người thân.

Anh Đặng Thọ An ở xóm 4 xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, người vừa mất đứa con trai do cơn lũ, nắm tay chúng tôi nấc lên: "Em mất cháu rồi các anh ơi, cháu đi học về thì bị nước cuốn". Nỗi đau của gia đình người đàn ông này quá lớn. Con trai anh đang là học sinh lớp 9, cháu vừa có tên trong đội thi học sinh giỏi. Chỉ mấy hôm nữa thôi sẽ đến ngày đi thi. Vậy mà giờ đây… Nghi Lộc cũng là huyện ngập nặng của Nghệ An. Trong đó xã Nghi Mỹ, điểm bị cô lập nặng nhất nằm chìm trong biển nước. Người già, trẻ em đã được nhiều chuyến ca nô, xuồng máy đưa ra khỏi khu vực nguy hiểm, hàng chục người dân khác trẻ khoẻ hơn đang phải bám trụ lại trên gác nhà để chống lũ. Gặp chúng tôi, anh Duy đang bám trụ tại đây mừng rỡ: Mấy ngày nay toàn nhai mỳ tôm nhưng cũng phải dè xẻn vì nguồn tiếp tế nhiều lúc cạn kiệt… Giống nhiều vùng bị ngập nặng khác, có đủ mỳ tôm và nước uống bây giờ đã là điều mơ ước và hạnh phúc của những người trong vùng ngập lũ…--PageBreak--

2. Cứu dân là mệnh lệnh cao nhất được phát đi vào thời điểm hiện tại. Ngay trong thời điểm nước lũ bất ngờ dâng cao, tính mạng người dân nguy ngập nhất thì hàng ngàn chiến sỹ Công an, Quân đội đã xả thân cứu đồng bào trong lũ. Ngoài 100% quân số của lực lượng Công an các địa phương tại chỗ, Bộ Công an đã điều động những lực lượng, phương tiện chiến đấu cơ động nhất hành quân tức tốc về vùng lũ. Hơn 600 CBCS Cảnh sát cơ động của Bộ Công an từ Hà Nội và Đà Nẵng đã nhận lệnh có mặt tại các điểm ngập nặng ở Hà Tĩnh để cứu dân.

Cùng với sự hỗ trợ của lực lượng tăng cường, hàng trăm CBCS Công an tỉnh Hà Tĩnh đã dầm mình trong dòng nước lũ tìm kiếm cứu dân ra khỏi những điểm ngập sâu và chuyển mỳ tôm, nước uống cho dân. Rất nhiều CBCS đã phải dầm mình trong nước để cõng bà già, trẻ em thoát khỏi vùng nguy hiểm. Những "cọc tiêu sống" trên quốc lộ 1A đã được thiết lập bởi chính những CBCS CSGT Nghệ An và Hà Tĩnh cho những đoàn xe chở phương tiện xuồng máy và chuyển quân cứu hộ, cứu nạn đi qua. Ngâm mình trong dòng nước lạnh để phương tiện qua điểm ngập nặng đáp ứng yêu cầu cứu dân vùng lũ. Có lẽ hình ảnh đó đẹp và xúc động hơn bao giờ hết về lực lượng Công an nhân dân...

Để "cận cảnh" công tác cứu hộ, giúp dân chống lũ, từ TP Vinh (Nghệ An) chúng tôi ngược lên huyện Nghi Lộc, địa bàn có 30 xã, thị trấn thì tất cả số này đều chìm trong nước lũ. Ngày 19/10, mới tờ mờ sáng nhưng khi đặt chân lên trụ sở Công an huyện Nghi Lộc, chúng tôi bắt gặp không khí cực kỳ khẩn trương tại đây.

Thượng tá Phan Đình Sửu - Trưởng Công an huyện Nghi Lộc đang chỉ huy các mũi công tác tiếp tục xuống địa bàn các xã bị úng ngập để tăng cường giúp người dân. Thượng tá Sửu cho biết: Những ngày qua, người dân sinh sống trên địa bàn, đặc biệt là 11 xã phía Tây, gồm: Nghi Vạn, Nghi Hưng, Nghi Mỹ, Nghi Hoa... đang bị ngập nặng. 80 cán bộ chiến sĩ cùng hơn 20 chiến sĩ do Công an tỉnh tăng cường ứng trực, xuống địa bàn trọng điểm đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm bất luận ngày đêm. Tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã đưa hơn 200 người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, công tác cứu dân vẫn đang được thực hiện rất khẩn trương. Để cứu dân tại điểm "rốn" lũ Nghi Mỹ, mấy chiếc ca nô của đơn vị đã hoạt động 24/24h. Ngày thường là đồng ruộng, bãi tha ma thì giờ đây là mênh mông nước.

Lực lượng cứu hộ giúp bà con chống lũ.

23h ngày 17/10, sau khi cho ca nô đưa hàng chục chuyến vận chuyển dân ra khỏi xã Nghi Mỹ, quá mệt lại do đêm quá tối, nước chảy xiết và giữa mênh mông bốn bề là nước, chiếc ca nô do anh chỉ huy gần như mất phương hướng suýt bị cuốn đi. Phải mất hai tiếng đồng hồ, các anh mới về được điểm tập kết. Ở vùng lũ vào thời điểm hiện tại phương tiện giao thông duy nhất là ca nô. Và cũng chỉ là những tay lái cừ mới có thể hoạt động an toàn trong việc cứu hộ, cứu trợ người dân. Chuyển hàng ngàn gói mỳ tôm, nước uống vào, mang người dân ra - đó là quy trình được lặp lại suốt mấy ngày đêm ròng rã.

Đại tá Nguyễn Xuân Lâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Sau khi nhận được thông tin về diễn biến mưa lũ thất thường trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Công an tỉnh đã có điện chỉ đạo các đơn vị chủ động ứng phó mọi diễn tiến tình hình. Và phải trực 100% quân số cùng phương tiện, trang thiết bị (xuồng máy, xe thùng, áo phao…) sẵn sàng làm nhiệm vụ. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc. Tổng số cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh được huy động trực tiếp tham gia ứng phó, cứu trợ người dân trong mấy ngày qua lên đến hơn 1.000 CBCS. Người dân được cứu giúp, đưa đến nơi an toàn là hàng nghìn lượt…

3. Hơn 2 tỷ đồng ủng hộ đồng bào các tỉnh vùng lũ miền Trung: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị mà Báo CAND và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Vincom, Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) cùng  bạn đọc hảo tâm ủng hộ đã đưa đến tận tay người dân thiệt hại do lũ là thể hiện trách nhiệm, tình cảm của lực lượng CAND và cả xã hội sẻ chia với đồng bào vùng lũ.

Vào thời điểm hiện tại chưa có thể thống kê hết được những hậu quả nặng nề mà người dân miền Trung đang phải nếm trải. Cứu đói trước mắt nhưng hàng ngàn ngôi nhà bị cuốn trôi, bị sập và hư hỏng. Nhiều tài sản dành dụm quanh năm của những người dân nghèo khó đã trôi theo dòng nước. Hàng vạn sách vở, giấy bút của học sinh vùng lũ bị hư hỏng…

Khắc phục hậu quả của lũ lụt, ổn định cuộc sống và để hàng vạn trẻ em được tiếp tục đến trường là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Để giải quyết được những hậu quả đó rất cần đến tấm lòng đùm bọc, sẻ chia với miền Trung thân thương ruột thịt của đồng bào trong và ngoài nước. Và bất chấp mưa lũ, trên những điểm nóng lũ lụt ở các địa phương, chúng tôi vẫn luôn nhìn thấy hình ảnh của những đoàn công tác cứu trợ về với vùng lũ.

Khi bài báo này đến tay bạn đọc, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An vẫn còn ngập chìm trong biển nước và những con số thiệt hại, những hoàn cảnh cùng cực của người dân vẫn tiếp tục tăng lên. Miền Trung cần lắm những tấm lòng, cần lắm những sự sẻ chia để có thể vượt qua trận đại hồng thuỷ lớn nhất trong lịch sử. Viết những dòng này từ tâm lũ, chúng tôi vẫn có niềm tin rằng miền Trung gọi, cả nước sẽ trả lời, bởi đó là truyền thống đùm bọc, sẻ chia từ ngàn đời nay của dân tộc Việt.

Buổi tối ngày 18/10/2010, sau khi xem trực tiếp bản tin thời sự về tình hình bão lũ ở miền Trung, một bạn đọc đề nghị không nêu tên, vừa đến Tòa soạn Báo CAND ủng hộ 100 triệu đồng, đã tiếp tục sẻ chia với đồng bào nơi rốn lũ bằng cách nhắn tin ủng hộ. Chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, chị đã lập kỷ lục khi nhắn tròn 553 tin từ số thuê bao di động 0902222154 theo cú pháp UH gửi 1409. Chị đã nhắn tin cho đến khi số thuê bao trên không thể hoạt động được nữa sau khi đã dừng lại con số 553 tin. Với số tin nhắn này chị đã gửi tới đồng bào vùng rốn lũ thêm 50 triệu đồng.

Xuân Luận - Trần Huy
.
.
.