Tản mạn Hà Nội, phố và cây

Thứ Sáu, 10/12/2010, 15:29
Những ngày Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long đã qua đi. Nhịp sống bình thường lại trở về với những người dân Thủ đô. Sau những dư âm ồn ào của Đại lễ, khi đi trên những con phố nhỏ ngang dọc Thủ đô, tôi bỗng có những cảm xúc kỳ lạ. Những cảm xúc bắt nguồn từ những câu chuyện về phố và cây…

…là sự bình yên, dịu dàng cho những người đang ngày ngày khó nhọc mưu sinh trong lòng Hà Nội; là nỗi nhớ nhung khắc khoải của những người Hà Nội xa xứ. Trải qua hàng trăm năm, có những hàng cây đã tạo nên vẻ đẹp và trở thành biểu tượng của nhiều con phố Hà Nội…

Những con đường không thể nào quên…

Bất chấp những biến cố lớn của lịch sử, bất chấp sự tàn phá của bom đạn chiến tranh, qua năm tháng, những hàng cây tỏa bóng mát trên những con đường dọc ngang Hà Nội sẽ vẫn mãi là niềm tự hào của Thủ đô; là sự bình yên, dịu dàng cho những người đang ngày ngày khó nhọc mưu sinh trong lòng Hà Nội; là nỗi nhớ nhung khắc khoải của những người Hà Nội xa xứ. Trải qua hàng trăm năm, có những hàng cây đã tạo nên vẻ đẹp và trở thành biểu tượng của nhiều con phố Hà Nội.

Hà Nội có hơn 1.400 cây sấu cổ thụ, trồng ở khắp nơi trong thàh phố, từ công viên, vườn Bách thảo đến những ngõ nhỏ; nhưng nhiều nhất vẫn là ở phố Phan Đình Phùng. Thế kỷ XIX, Phan Đình Phùng là dãy hào chạy dọc phía Bắc thành Thăng Long, người Pháp đặt tên là đại lộ Boulevard Carnot. Từ năm 1945, phố được đổi tên theo tên của nhà yêu nước nổi tiếng Phan Đình Phùng và giữ tên đó cho đến ngày nay.

Nhưng bên cạnh hai cái tên chính thức đó, nhiều người Hà Nội vẫn biết đến con phố này với một cái tên bình dân là "phố cây sấu". Những cây sấu ở Phan Đình Phùng đều được trồng từ hàng trăm năm trước, dưới thời Pháp thuộc. Nếu người Pháp không chọn cây sấu mà là một loài cây du nhập từ phương Tây, thì chắc sẽ chẳng bao giờ có những hàng sấu cổ thụ chạy dọc Phan Đình Phùng như bây giờ. Cũng sẽ chẳng có một hương vị đặc trưng Hà Nội mà khiến người Hà Nội nào dù đi đến đâu cũng mênh mang nhớ về.

Nhà văn Băng Sơn từng nói: "Trong máu người Hà Nội có vị sấu chua". Quả sấu không phải là cao lương, mĩ vị; cũng không phải là thứ không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày. Nhưng chỉ một bát canh rau muống dầm sấu, hay một quả ô mai vừa ngọt vừa giòn cũng khiến sấu trở thành thứ quả bình dân được người Hà Nội yêu thích nhất; và cũng là món quà quý gửi bạn bè, người thân ở phương xa. Khi đi xa, cái người Hà Nội nhớ về Thủ đô là hồ Hoàn Kiếm, là Tháp Bút, là Văn Miếu và cả vị sấu chua thơm mát.

Đã có một thời, trẻ lang thang ở Hà Nội sống bằng nghề hái sấu; đã có một thời, cái cụm từ "kẻ trèo me, hái sấu" được dùng với nghĩa miệt thị những người nghèo; đã từng có một thời, người ta tranh nhau giành quyền thu hoạch sấu, khi loại cây này còn giá trị kinh tế cao. Bây giờ, người hái sấu mang đi bán không còn nhiều, cụm từ "trèo me, hái sấu" cũng đã đi vào quên lãng. Nhưng những con đường rụng vàng lá sấu, hay vị chua mát của cốc nước sấu uống vội trong cơn khát sẽ vẫn là những cái không bao giờ bị lãng quên trong ký ức người Hà Nội.

Qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử, những hàng sấu vẫn đứng hiên ngang dọc phố Phan Đình Phùng; để nhuộm vàng vỉa hè mùa lá rụng; để xoa dịu lòng người trong những ngày hè oi bức; để rì rầm kể với gió những câu chuyện về Hà Nội mỗi buổi bình minh…

Hà Nội bây giờ đã có nhiều nơi trồng sao đen; những cây sao đen ở Lò Đúc cũng đã trở nên già cỗi theo thời gian, không còn cái vẻ mượt mà ngày nào. Nhưng nhắc đến cây sao đen, Lò Đúc vẫn là cái tên đầu tiên gợi ra trong trí nhớ của những người yêu Hà Nội.

Thời Pháp, phố Lò Đúc từng được gọi là phố Lò Lợn (Rue de L'Abattorie), rồi lại được đổi thành Armand Rouseau. Đó là con phố duy nhất trồng sao đen ở Hà Nội đầu thế kỷ XX. Con phố với gần 50 cây sao đen thẳng vút, hiên ngang ấy đã từng có một cái tên hóm hỉnh là "phố cò ỉa".

Thời đó, những tán sao đen um tùm là nơi hàng nghìn con cò làm tổ. Những buổi chiều mùa hè, những con cò đi kiếm ăn từ các đầm hồ bay trở về tổ rợp cả góc phố Lò Đúc. Những người già sống ở Lò Đúc đều không thể quên cái thời mình chỉ là những đứa bé mặc quần đùi, đi chân đất, cầm rổ chạy dọc phố để lượm lặt những con cá, con tôm mà cò mẹ đi kiếm ăn về lỡ đánh rơi. Phố Lò Đúc khi ấy lúc nào cũng trắng xoá phân cò. Những người tản bộ qua đấy cũng rất dễ trở thành nạn nhân với những cái đầu lấm tấm trắng.

Sau những năm Mỹ bắn phá miền Bắc, còi báo động hú suốt ngày đêm, đàn cò ở Lò Đúc rủ nhau bỏ đi và không bao giờ quay trở lại. Không còn bị làm phiền bởi nạn cò ỉa, nhưng những người dân ở Lò Đúc vẫn ngậm ngùi vì mất đi một thứ vốn dĩ đã quá quen thuộc với cuộc sống của mình.

Bao nhiêu năm nay, những con đường cây xanh ở Hà Nội không chỉ là lá phổi sống điều hoà không khí, đem lại sự trong lành cho người dân Thủ đô mà còn là những góc đẹp nhất, sâu lắng nhất, tạo nên dấu ấn cho Hà Nội.

Phan Đình Phùng có cây sấu. Lý Thường Kiệt có cây cơm nguội. Đường Hoàng Diệu lừng lững những tán xà cừ cổ thụ. Trong khi đường Điện Biên Phủ bí ẩn với những gốc đa hàng trăm tuổi, thì đường Hùng Vương thơ mộng với hàng hoa ban tím được mang về từ đất Tây Bắc xa xôi. Nếu những cây liễu đem lại sự mềm mại, thướt tha cho Hồ Gươm, thì hàng sao đen thẳng tắp khiến phố Lò Đúc lúc nào cũng có vẻ nghiêm trang, kín đáo.--PageBreak--

"Đi lạc" dưới những hàng cây này, là cách nhiều người Hà Nội chạy trốn khỏi thế giới ồn ào, náo nhiệt, để lấy lại sự thanh thản cho tâm hồn đang mệt mỏi, lấy lại sức sống cho những cái đầu đã cạn kiệt ý tưởng và sự sáng tạo… để có đủ can đảm quay trở lại đời thực và cháy hết mình cho đến cuộc đào thoát tiếp theo.

Nếu không có những hàng cây xanh xoè bóng mát giữa buổi trưa hè khắc nghiệt, Hà Nội hẳn sẽ không còn dáng vẻ của một thành phố trầm mặc, cổ kính. Nếu chỉ có những con đường khói bụi, ngột ngạt mà thiếu đi sự tươi mát của những hàng cây, Hà Nội sẽ chẳng khác gì một người con gái không có tâm hồn.

Nếu không có "Hà Nội ơi, xanh xanh liễu rủ mặt Hồ Gươm/ cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng..." thì những bài hát về Hà Nội liệu có khiến trái tim những người xa Hà Nội bồi hồi, run rẩy với bao nhiêu nỗi nhớ? Sẽ thật tuyệt vời biết bao nếu có một ngày đi trên khắp các đường phố Hà Nội đều thấy có những hàng cây xanh rợp bóng mát, với những loài cây riêng gắn với từng con phố, để Hà Nội thực sự đúng với tên gọi “Thành phố xanh”.

Cái nôi của những cây xanh Hà Nội

Trước thời Pháp đô hộ, Hà Nội không có những con đường cây xanh đẹp như bây giờ. Suốt những năm tháng nắm quyền cai trị Thủ đô, người Pháp không ngừng tiến hành công cuộc đô thị hoá của mình, trong đó có việc trồng những hàng cây xanh tuyệt vời ở Hà Nội.

Vườn Bách thảo từ một khu vườn hoang, cây cối mọc um tùm, được người Pháp quy hoạch thành một vườn thảo mộc, với nhiệm vụ cung cấp cây xanh cho toàn thành phố Hà Nội. Vì thế những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi đang ngày ngày xoè tán rộng hơn trên khắp các con phố đều được sinh ra ở đây.

Theo bà Nguyễn Thị Thạch (Giám đốc vườn Bách thảo Hà Nội) cho biết: "Ông Le-marie, giám đốc đầu tiên của vườn Bách thảo chính là người có công đưa những loại cây quý, hiếm trong và ngoài nước về đây, biến nơi đây trở thành khu vườn có hệ thực vật đa dạng gần như hôm nay". Những hạt giống tốt nhất đã được chọn về đây, được chăm sóc kĩ lưỡng và khoa học nhất. Qua năm tháng, những hạt mầm được ươm tại đây mọc thành những cây con và cuối cùng trở thành những cây cổ thụ lực lưỡng trên các đường phố.

Khi mới ra đời, vườn Bách thảo có diện tích 33ha. Giờ diện tích của nó chỉ còn gần 11ha. Tuy thu hẹp về diện tích, nhưng có thể khẳng định rằng, đây là nơi ít có những thay đổi nhất Thủ đô. Nếu không trừ việc cây cối ngày càng lớn hơn, um tùm hơn và nhiều loại cây mới được đưa về hơn- thì bất chấp chiến tranh, bom đạn, vườn Bách thảo vẫn giữ nguyên hình hài, dáng vẻ của nó; là nơi bất cứ người Hà Nội nào dù xa quê mấy chục năm, vẫn có thể nhận ra những nét thân quen một thuở.

Trong hơn 2.200 cây được trồng trong vườn Bách thảo, thì có tới 2/3 là những loại cây quý. Nhiều cây có tên trong sách đỏ, được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt. Tuy không còn là nơi ươm giống cây để cung cấp cho toàn thành phố, nhưng vườn Bách thảo Hà Nội vẫn là lá phổi xanh lớn nhất, là khu vườn đẹp nhất của Hà Nội; là nơi bắt đầu cuộc hành trình của màu xanh Hà Nội.

Những con phố mang tên danh nhân và tầm nhìn chiến lược của một nhân sĩ yêu nước

Hàng triệu người dân Thủ đô vẫn ngày ngày đi về trên những con phố mang tên các danh nhân mà tên tuổi đã gắn liền với lịch sử dân tộc. 4000 năm đất nước cũng từ đó mà ăn sâu vào con tim, khối óc nhiều người như một lẽ tự nhiên. Nhưng không nhiều người biết rằng, hầu hết các con phố ở Hà Nội đều do cụ Trần Văn Lai - một thân sĩ yêu nước giữa thế kỉ XX, từng giữ chức Thị trưởng Hà Nội dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim - đặt tên.

Bằng sự tình cờ và may mắn, tôi đã có cơ hội nói chuyện với Tiến sĩ sử học Dương Lan Hải, con dâu cụ Trần Văn Lai, trong ngôi nhà cổ tại ngõ Tức Mạc, nơi gia tộc họ Trần đã sống trong suốt một thế kỷ đầy biến cố đã qua. Cụ Trần Văn Lai đã mất 35 năm, nhưng tất cả những người già trên phố Trần Hưng Đạo vẫn nhắc về cụ với sự biết ơn thành kính và một tình cảm đầy ngưỡng vọng. Trong mắt họ, cụ không chỉ là một bác sĩ nhân đức luôn rộng vòng tay giúp đỡ dân nghèo. Nhưng hơn cả thế, cụ là người đã đặt tên cho hầu hết các con phố Hà Nội từ trước Cách mạng Tháng 8, trong đó có phố Trần Hưng Đạo và cả ngõ nhỏ Tức Mạc nơi cụ đang sinh sống.

Trần Văn Lai sinh ra trong một gia đình làm nghề khảm trai có tiếng đất kinh kỳ, nhưng cụ lại theo học ngành y và trở thành một bác sĩ có tên tuổi theo nguyện vọng của gia đình. Luôn mang trong mình tư tưởng chống Pháp, nên dù là một bác sĩ tài năng ở nhà thương Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt - Đức), người thanh niên Trần Văn Lai đã từng bị Pháp giam giữ tại nhà tù Sơn La và nhà tù Hỏa Lò với những người như Hoàng Công Khanh, Phạm Khắc Hòe.

Đầu năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, bác sĩ Trần Văn Lai được mời ra giữ chức Đốc lý Hà Nội (tương đương với chức thị trưởng). Nhận nhiệm kỳ từ 20/7 và kết thúc khi CMT8 bùng nổ, cụ Lai là thị trưởng đầu tiên và duy nhất của thành phố Hà Nội. Nhưng trong một tháng cầm quyền ngắn ngủi đó, Trần Văn Lai đã làm được một công việc vĩ đại là "thay máu" cho hầu hết các địa danh ở Hà Nội.

Việc đầu tiên mà cụ Lai làm là cho giật đổ tất cả các tượng mà thực dân Pháp đã dựng ở Hà Nội: tượng "mụ đầm xòe" ở vườn hoa Cửa Nam; tượng Sĩ Công Nông Thương ở vườn hoa Canh Nông (nay là vườn hoa India Grandi); tượng Toàn quyền Paul Bert ở vườn hoa Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ).--PageBreak--

Ít người biết rằng Hà Nội cũng có một bức tượng Nữ thần tự do mà người dân quen gọi là "mụ đầm xòe". Đây là bản sao của bức tượng Nữ thần tự do ở Paris và New York, được người Pháp dựng lên ở Hà Nội từ cuối thế kỷ XIX. Tượng làm bằng đồng, cao 3m, là tác phẩm của nhà điêu khắc vĩ đại Frederic Auguste Bartholdi (cha đẻ của tượng Nữ thần tự do).

Để có chỗ dựng tượng, người Pháp đã cho phá chùa Phổ Giác và một số đoạn thành Hà Nội để lấy đất xây lấp các đầm hồ quanh Hồ Gươm. Sau đó tượng được chuyển về vườn hoa Cửa Nam và bị người Hà Nội gọi một cách căm ghét là "mụ đầm xòe". Sau khi bị cụ Trần Văn ra lệnh giật đổ vào năm 1945, bức tượng này được người dân làng Ngũ Xá đem nấu chảy rồi đúc thành tượng Phật.

Về bức tượng Paul Bert, trong cuốn sách "Nhớ một thuở", nhà văn Nguyễn Công Hoan có kể lại: "Sau ngày phát xít Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương 9/3/1945, người Việt Nam được cử làm Đốc lý Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai tổ chức hạ cái tượng quốc sỉ ấy. Trong những người đi xem có một ông già là Mỹ Ký. Thuở bé, hôm dựng tượng Paul Bert, ông Mỹ Ký có đi xem. Hôm nay hạ tượng, ông lại đi xem. Ông sướng quá ôm mặt khóc nức nở". Thế mới biết việc làm của cụ Lai đã được người Hà Nội yêu nước nhiệt tình hưởng ứng thế nào.

Tiếp đó, Trần Văn Lai còn tiến hành đổi một loạt tên phố Hà Nội, làm một cuộc “thay máu” thật sự, để trả lại cho các địa danh Hà Nội những giá trị lịch sử vốn có. Theo nhà văn Tô Hoài kể lại, thì trước đó các phố Hà Nội đều mang tên Tây hoặc những người Việt có công với Tây. Nhưng khi lên cầm quyền, cụ Lai đã đổi hết toàn bộ.

Đại lộ Boulevard Carnot được đổi lại thành Phan Đình Phùng, Boulevard Gambetta được đổi lại thành Trần Hưng Đạo, Henri D' Orleans thành Phùng Hưng, F.Ganier thành Đinh Tiên Hoàng. Riêng các con phố trong khu phố cổ mà tên tuổi gắn liền với các làng nghề đất kinh kỳ, đều được cụ Lai trả lại tên cũ. Những Rue de Lasoire, Rue Paul Bert, Rue des Cantomas đều trở lại thành Hàng Đào, Hàng Khay, Hàng Ngang một thuở.

Tiến sĩ Dương Lan Hải, con dâu cụ Lai có kể rằng, cụ Lai là người rất say mê lịch sử dân tộc và dành sự ngưỡng mộ đặc biệt với các anh hùng có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính vì vậy, tất cả các danh nhân mà cụ biết, cụ đều đặt tên phố: từ Ngô Quyền, đến Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học…

Tầm nhìn của Trần Văn Lai đáng nể ở chỗ, những tên phố Hà Nội không lộn xộn như ở các thành phố khác mà đều được đặt một cách có ý đồ. Khu trung tâm quanh Hồ Gươm là tên các vị vua Đinh, Lý, Lê. Xa hơn về phía đường Trần Hưng Đạo là khu vực của các danh tướng thời Trần. Ngay cả ngõ Tức Mạc (nằm trên đường Trần Hưng Đạo, trước là ngõ Tân Hưng) cũng là lấy tên theo quê quán của dòng họ Trần. Dọc sông Hồng, thì những Vạn Kiếp, Bình Than, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật đều là tên của những vị tướng và những trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử.

"Trùm chăn với Pháp nhưng không trùm chăn với cách mạng"

Sinh thời, cụ Trần Văn Lai là một người rất kín đáo, điềm đạm nhưng vô cùng nhân hậu. Ngôi nhà của cụ ở ngõ Tức Mạc trong nhiều năm liền là nơi người dân nghèo Hà Nội đến khám bệnh và xin thuốc miễn phí. Người dân quanh phố Trần Hưng Đạo đều yêu quý và tin tưởng cụ. Đến mức mà năm 1946, khi Pháp nổ súng tấn công Hà Nội, không ai bảo ai, việc đầu tiên mà người dân khu phố này làm là chạy đến nhà cụ Lai nhờ che chở.

Suốt thời gian kháng chiến toàn quốc, mặc dù không di tản về vùng kháng chiến, nhưng cụ Lai kiên quyết từ chối mọi lời mời ra cộng tác của chính quyền thực dân Pháp, tỏ rõ quan điểm một lòng ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Con trai cụ là Trần Mạnh Chu cũng được cụ cho theo cách mạng về vùng kháng chiến. Thực dân Pháp rất căm ghét cụ, gọi cụ là "trí thức trùm chăn", "ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản".

Thời điểm đầu năm 1954, khi ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Thành ủy Hà Nội đã chủ trương vận động trí thức tiêu biểu ký tên vào bản kiến nghị đòi hòa bình, nhằm tạo lên làn sóng đấu tranh công khai, gây áp lực trên mặt trận ngoại giao. Cụ Trần Văn Lai chính là người góp ý về nội dung bản kiến nghị và là người đầu tiên đặt bút ký tên.

Tên cụ được đặt hàng đầu trong danh sách các nhân sĩ, trí thức kiến nghị, thể hiện uy tín và ảnh hưởng của cụ trong giới trí thức. Bản kiến nghị đã được luật sư Nguyễn Mạnh Hà ở Paris gửi cho báo Le Monde và L' Humanité tại Pháp dưới nhan đề "Les Notabiliter" (những nhân sĩ Hà Nội). Hai tờ báo lớn của nước Pháp đăng bản kiến nghị này đã tạo được tiếng vang lớn trong xã hội Pháp.

Với uy tín, nỗ lực cá nhân và công lao với cách mạng, cụ Trần Văn Lai là một trong 4 nhân sĩ Hà Nội được Bác Hồ tặng chiếc radio sau năm 1954. Khi được mời ra giúp đỡ chính phủ cách mạng, cụ nói: "Tôi trùm chăn với Tây, không trùm chăn với cộng sản". Cụ được cử làm Thứ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội (cụ Vũ Đình Tụng là Bộ trưởng), rồi làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố.

 Với những cống hiến của mình trong việc đặt tên phố, cụ Trần Văn Lai đã để lại những dấu ấn to lớn trong lịch sử Hà Nội thế kỷ XX. Để những vị vua nổi tiếng trong lịch sử đất nước như Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Quang Trung hay những danh tướng như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt trở trở nên quen thuộc với người Hà Nội trên từng con phố trong lòng Hà Nội.n

...là sự bình yên, dịu dàng cho những người đang ngày ngày khó nhọc mưu sinh trong lòng Hà Nội; là nỗi nhớ nhung khắc khoải của những người Hà Nội xa xứ. Trải qua hàng trăm năm, có những hàng cây đã tạo nên vẻ đẹp và trở thành biểu tượng của nhiều con phố Hà Nội...

Những ngày Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long đã qua đi. Nhịp sống bình thường lại trở về với những người dân Thủ đô. Sau những dư âm ồn ào của Đại lễ, khi đi trên những con phố nhỏ ngang dọc Thủ đô, tôi bỗng có những cảm xúc kỳ lạ. Những cảm xúc bắt nguồn từ những câu chuyện về phố và cây…

.
.
.