Thần chú biến teen "quậy" thành con ngoan

Thứ Sáu, 10/12/2010, 09:23
Khán phòng rộng thênh, bài trí ấm cúng. Ánh sáng dịu dàng và âm nhạc dặt dìu, du dương. Lũ trẻ con háo hức nhìn lên sân khấu, nơi diễn giả Trần Đăng Triều bắt đầu trò chuyện: "Các em đến đây, là đang gặp phải vấn đề với bố mẹ đúng không?". Đám trẻ nhao nhao, sự phấn khích lan tỏa khi được "điểm" trúng huyệt…

"Vậy có em nào muốn… thay đổi bố mẹ mình?". Tất cả những cánh tay đồng loạt giơ cao, những tiếng cười loang ra, không kìm nén. Chừng hơn 60 học sinh, tuổi từ 9 đến 12, tham dự khóa học "Tôi tài giỏi", do Công ty TGM tổ chức tại Hà Nội, đã trải nghiệm những xúc cảm chưa từng có, mong hướng tới mục tiêu: Học giỏi hơn, ngoan ngoãn hơn và tự lập hơn…

Khi bố mẹ bótay.com

Ngày học đầu tiên kết thúc vào 9 giờ tối. Đến đón con sớm nửa tiếng, thấy xung quanh ngập chìm trong không gian tĩnh lặng, yên ắng, một ông bố được huấn luyện viên thì thào giải thích: "Các bạn ấy đang chia sẻ với nhau về gia đình, đang khóc nhiều lắm". Ông bố trẻ ngạc nhiên, sự ức chế dồn ứ lâu ngày bật ra thành những tràng cười ngơ ngác: "Khóc á, nó khóc cơ à. Ở nhà có bao giờ nó khóc đâu, trừ lúc cấm nó chơi game".

Trong giờ học “Tôi tài giỏi”.

"Nó" đây là cậu con trai đang học lớp 6, trông khá lanh lợi, thông minh và chả có vẻ gì là học sinh "cá biệt". Cãi trả bố mẹ, ông bà, lì lợm, ham chơi game hơn ham học, mê chat chit, nhắn tin điện thoại…, là "tội" chung của đám trẻ, được các ông bố bà mẹ (nhân lúc vắng mặt con), thi nhau kể. Cậu quý tử 9 tuổi, nhắm thẳng vào mặt bố tát cái "bốp", kèm theo lời thét gào lộng óc: "Bố vô duyên! Con làm gì bố mà bố đánh con!".

12 tuổi, nữ sinh lớp 7 của một trường trung học cơ sở khá nổi tiếng lại nhơn nhơn: "Mẹ không có quyền nói thế". Bà mẹ gầm lên, tức tối: "Tao đẻ ra mày, tao có quyền". Cô bé vẫn gan góc: "Mẹ học giáo dục công dân đi, không phải cứ là người lớn thì làm gì trẻ con cũng được", khiến bà mẹ trẻ, dù cơn giận trào lên đỉnh đầu, vẫn phải nghiến răng mà nuốt cho xuôi xuống tận đáy lòng.

Mang tâm trạng bất lực với chính con cái mình, những đứa trẻ bị gán cho tiếng cứng đầu, khó bảo, các ông bố bà mẹ đã mạnh tay móc hầu bao, dứt ruột bỏ ra số tiền học phí thuộc hàng "khủng" (6 triệu đồng) cho những cậu ấm, cô chiêu tham gia khóa đào tạo kỹ năng sống, chỉ trong hai ngày cuối tuần.

Hầu hết các bậc phụ huynh, luôn thường trực tâm trạng "uất đến tận cổ" khi những đứa con, đang là học sinh tiểu học và trung học cơ sở, nhăm nhăm cưỡng lại chỉ dạy của mình, sẵn sàng tư thế chống đối. Mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái lúc nào cũng âm ỉ, chỉ chực nổ tung, khiến ngay trong gia đình, những đứa trẻ, nhất là con gái, dễ rơi vào trầm cảm, bất hợp tác: Không nói chuyện với người lớn, không đi chơi cùng cả nhà, ngoài giờ lên lớp, trở về là rúc trong phòng, ôm lấy màn hình máy tính và điện thoại di động, chui thật sâu vào thế giới riêng đầy ẩn ức…

Không có phép mầu, chỉ là phương pháp và sự sẻ chia

Trong tâm niệm của những người chủ xướng khóa học "Tôi tài giỏi", không có trẻ em hư, không có học sinh dốt. Cũng không có phép mầu nhiệm nào được đưa ra làm phù chú, để ngay tắp lự biến những đứa trẻ con ương bướng thành một cá nhân tự chủ, quý trọng bản thân, quan tâm tới xung quanh và biết chia sẻ cảm xúc của mình. Vượt qua những thách thức, dù là nhỏ nhất, cũng luôn đòi hỏi phải rèn giũa từng kỹ năng ngày ngày. Các cô bé, cậu bé, vốn được chiều chuộng nhất mực khi ở nhà, đã trải qua các bài tập tưởng như bất khả kháng.

Hai tay cầm một mảnh giấy đưa thẳng ra phía trước, đôi mắt chăm chú nhìn, đứng bất động trong tư thế ấy chừng 20 phút đồng hồ, một sự chịu đựng xương xẩu ngay với cả người lớn. Nhiều đôi chân bủn rủn, muốn buông xuôi, gục ngã, nhưng các huấn luyện viên luôn kề cận ở bên, thầm thì: Cố lên, cố lên, chuyện nhỏ thế này mà không vượt qua, sao làm được việc lớn. Kết thúc thời gian quy định, đám trẻ con ngã quay lơ ra sàn, trào nước mắt. Mệt, mỏi, nhưng vui và sung sướng, kiêu hãnh vì đã đạt được mục đích. Có bạn không chịu nổi thử thách, ngất xỉu từ trước đó, khi tỉnh dậy vẫn rạng rỡ: "Mình đã cố hết sức rồi, không có gì phải ân hận nữa".

Hai ngày học, như lạc vào một thế giới khác, lũ trẻ con đã hào hứng thổ lộ, và (dám) nói lên suy nghĩ của mình. Tất cả những ước mơ, ý tưởng, dẫu ngớ ngẩn đến đâu, buồn cười đến đâu, cũng được chấp nhận mà không bị dè bỉu, giễu cợt hay lên giọng răn dạy, áp đặt. "Ước mơ của em là thành Tổng thống Mỹ", "Lớn lên em muốn làm mafia", "Em thích trở thành người giàu vì các chú giàu hay có các cô chân dài"….--PageBreak--

Dù muốn ngã bổ chửng trước những lời nói ngộ nghĩnh và hồn nhiên của đám trẻ 9, 10 tuổi, Trần Đăng Triều vẫn phải cười và khích lệ các em khác vỗ tay hưởng ứng. Dần già, Triều và các anh chị huấn luyện viên tỉ tê, tìm hiểu, được biết rằng, em thích mafia vì "xem trên phim thấy các chú mafia toàn đẹp trai, lấy của người giàu chia cho người nghèo", "em thấy ai cũng bảo thích đại gia thích chân dài nên em cũng thích"…

Trẻ con là tấm gương phản chiếu của người lớn, là những tờ giấy trắng mà chính người lớn đã vẽ đủ điều lên đó. Sau những giờ phút thảo luận, tranh cãi, nhiều lúc rất quyết liệt, các em đã nhận ra một điều: Tất cả đều được làm những điều mình thích, được nuôi dưỡng ước mơ, nhưng phải trong khuôn khổ cho phép của pháp luật và đạo đức. Hiện thực hóa ước mơ, công đoạn chuẩn bị đầu tiên của mỗi người, chính là học giỏi.

Tự tin vào bản thân, chấp nhận những nhược điểm của mình cũng là điều lạ lẫm với đám trẻ đang tuổi quàng khăn đỏ. Mụn thì đã làm sao, béo thì đã làm sao, viết sai cũng chẳng làm sao cả, quan trọng phải độc lập, giống những chú đại bàng sải cánh, chứ không như lũ cừu chỉ thích bầy đàn, theo đuôi, con đi sau luôn tìm cách rúc đầu vào mông con đi trước, lũ trẻ ở cái tuổi dở dở ương ương, đã được nhấn mạnh về lòng tự trọng, được hướng tới một sơ đồ tư duy hiện đại để nắm bắt, tiếp cận vấn đề.

Nhiều học sinh đã khóc trong các buổi lên lớp.

Hôm nay viết sai, ngày mai sẽ đúng. Hôm nay chưa ngoan, ngày mai sẽ ngoan. Không phải em học dốt mà do em chưa muốn mình giỏi, chưa tạo được phương pháp tốt và chưa thực sự muốn thay đổi chính mình. Đám trẻ, hơn bao giờ hết, đã tin vào sức mạnh tiềm ẩn, đang chờ khám phá trong con người mình.

Câu chuyện về Adam Khoo, tác giả cuốn sách bán chạy "Tôi tài giỏi, bạn cũng thế", từ một học sinh dốt nhất trong một lớp học cá biệt nhất ở trường học kém nhất của đảo quốc Sư tử, đã trở thành sinh viên xuất sắc tại Đại học quốc gia Singapore, một triệu phú trẻ, một nhà kinh doanh thành đạt được viện dẫn, như lời khích lệ những đứa trẻ. Adam Khoo đã vượt qua cái mặc cảm "bất tài", bỏ ngoài tai những lời miệt thị, phê phán theo suốt tuổi ấu thơ: "đồ vô dụng", "đồ học kém", để sáng tạo ra sơ đồ tư duy, nghĩ ra phương pháp học mới, và minh chứng cho một điều: Chúng ta sinh ra đều là những thiên tài, cốt sao bạn tận dụng được hết sức mạnh bí mật trong con người mình. 

Điểm xuất phát đầy nước mắt

Hai ngày học, gần 40 giờ sống cùng nhau, vui chơi cùng nhau, giây phút chia tay không gọi là bế giảng mà được những người chủ xướng coi như lễ xuất phát. Từ thời khắc này, trong nhận thức của đám trẻ hiếu động, ương ngạnh, đã có nhiều thay đổi. Những biểu hiện đầu tiên đã khiến không ít người ngờ vực vì quá ngạc nhiên, ngỡ ngàng.

Lũ trẻ con mấy chục giờ trước còn mong muốn được đổi bố mẹ, nay mạnh dạn lên sân khấu, nghẹn ngào nói lời xin lỗi: Xin lỗi vì con hay cãi ông bà, bố mẹ, vì con hay bắt nạt em, chưa biết giúp bố mẹ việc nhà. Những vòng tay siết chặt, những cái ôm thổn thức của bố mẹ và con, những đôi mắt ngấn lệ của cả những người chứng kiến, không một ai ngăn được niềm hạnh phúc khi những "núm ruột" thương yêu của chính mình, đang chứa chan trong niềm vui, ngập tràn trong một sự hứng khởi đầy mới mẻ.

Học phí không còn bị coi là quá đắt, bởi cô con gái đành hanh, chuyên cãi trả đã khoác vai cậu em trai ríu ran suốt khoảnh sân mênh mang gió, hay tự mình thu dọn sạch sẽ bàn ăn trước khi rút về phòng riêng, trong sự reo vui lặng lẽ nơi thẳm sâu tâm hồn mỗi thành viên gia đình. Lũ trẻ thấu hiểu, điều chúng đang sở hữu, gia đình và tình thương của bố mẹ, của những người thân là vốn quý nhất trong đời, khi mà trên khắp thế giới, mỗi một ngày qua đi, còn có tới 25 nghìn người chết vì đói, vì không kiếm được miếng ăn.

Đó không phải là phép mầu, sự đổi thay không ẩn chứa điều gì kỳ bí, khó lý giải, Trần Đăng Triều, một trong hai diễn giả chủ chốt của TGM, hai chàng trai 8X, cùng với Trần Đăng Khoa đã Việt hóa chương trình "I am gifted, so are you" (Tôi tài giỏi, bạn cũng thế) vốn rất nổi tiếng ở Singapore và nhiều nước khác, luôn khẳng định: Tất cả chỉ là phương pháp, kỹ năng, và quan trọng hơn, là sự chia sẻ.

Tụi trẻ con phải được chấp nhận, được sống trong một môi trường mà dù học chưa giỏi, dù chưa ngoan, chúng vẫn được tôn trọng, được tự lựa chọn những điều riêng tư cho cá nhân. Bởi vậy, bản thân bố mẹ cũng cần thay đổi, cần làm mới mình, nếu không muốn lâm vào cảnh ngộ, tiếp tục bất đồng ngôn ngữ với con cái. Dẫu chiều chuộng con đến đâu, nhưng nhiều gia đình luôn ngậm ngùi, vì các quý tử lúc nào cũng hằm hè, coi bố mẹ là thách thức, một chướng ngại vật cần phải vượt qua. Nỗi buồn, sự dồn nén tích tụ lâu dần, chỉ đợi đốm lửa nhỏ là bùng phát thành đám cháy dữ dội, khó cách chi dập được.

Không dừng lại ở lứa tuổi thiếu niên (từ 9 đến 12 tuổi), khóa học "Tôi tài giỏi" còn mở ra với các bạn tuổi vị thành niên (từ 13 đến 19 tuổi), với lớp thanh niên (20 đến 29 tuổi), và cả những khóa học "Tôi tài giỏi nâng cao" cho các bạn trẻ năng động, ưa làm việc nhóm.

Huấn luyện kỹ năng sống không còn là chuyện hiếm gặp ở Việt Nam, cũng không phải "mốt" thời thượng, nếu ta liên tưởng: Nếu trau dồi kỹ năng sống tốt hơn, rất nhiều bạn trẻ đã không phải bỏ mạng oan uổng trên sông Lam, trong chuyến xe định mệnh, vào cái ngày đen tối, khi thiên tai nổi giận, dâng lũ tràn bờ

Ngô Hương Sen
.
.
.