Thùng thuốc súng chưa bén lửa

Thứ Hai, 06/12/2010, 16:18
Thay vì đấu khẩu, hai miền Triều Tiên đã đấu pháo. Chiều ngày 23/11, pháo binh CHDCND Triều Tiên đã nã pháo (CNN nói 200 quả, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói 50 quả) vào đảo Yeon Pyeong, một hòn đảo của Hàn Quốc. Lập tức, Hàn Quốc nã 80 quả đạn đáp trả.

Loại pháo hai bên sử dụng đều là pháo hạng nặng. Pháo của Triều Tiên là loại pháo tự hành 170mm, có tầm bắn từ 40 đến 60km, đặt trên xe tăng T.54 hoặc xe tăng T.62 do Liên Xô (cũ) sản xuất. Phía Hàn Quốc dùng loại pháo tự hành 155mm được mệnh danh là Thần Sấm, đặt trên xe bọc thép bánh xích hoặc bánh hơi do hãng Samsung của Hàn Quốc sản xuất.

Bất ngờ bị đạn pháo trút xuống đầu, hàng trăm người dân trên đảo tháo chạy hoảng loạn. Trên đảo đá Yeon Pyeong, khói mù trời, 60 ngôi nhà trúng đạn, 20 binh sĩ và dân thường chết và bị thương trong đó có 2 binh sĩ và 2 dân thường thiệt mạng. Loa phóng thanh Hàn Quốc kêu gọi mọi người trên đảo nhanh chóng xuống hầm trú ẩn và sơ tán vào đất liền.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung bak ngay lập tức triệu tập cuộc họp khẩn với các quan chức an ninh trong hầm ngầm bàn cách đối phó trước cuộc đụng đầu quân sự nghiêm trọng nhất từ năm 1953 tới nay. Quân đội Hàn Quốc được lệnh báo động cấp cao nhất. Chính phủ nước này đã điều thêm quân đội ra giới tuyến 38 và đảo Yeon Pyeong, nơi đã chi chít công sự phòng thủ, mặt nạ phòng hơi độc và lính phòng vệ; điều tàu chiến tới vùng giới tuyến. Hàn Quốc cũng ra lệnh cho các máy bay chiến đấu F-16 trực chiến sẵn sàng chiến đấu, Bên kia chiến tuyến, lực lượng quân sự của Triều Tiên cũng dàn trận. Không khí chiến tranh căng thẳng bao trùm lên bán đảo trông như củ khoai này. Đài truyền hình Triều Tiên phát đi những tuyên bố với những lời lẽ cứng rắn như "huỷ diệt" đối phương, sẽ dành "một cơn mưa lửa khác nữa, không thương tiếc, làm nổ tung mọi hầm phòng thủ của kẻ thù nếu chúng dám xâm phạm chủ quyền của Triều Tiên". Phía Triều Tiên cũng mô tả cuộc tập tận Mỹ-Hàn là một sự khiêu khích trắng trợn, có nguy cơ làm bùng nổ ngòi lửa chiến tranh trên bán đảo vv…

Hàn Quốc thừa nhận đã bắn pháo trong quá trình diễn tập quân sự.

Một chuỗi những hành động quân sự đang leo thang giữa hai miền. Nó hâm nóng lại việc chiếc tàu tuần tiễu Cheonan bị thuỷ lôi làm nổ tung và chìm dưới đáy biển vùng giới tuyến, giết chết 46 thủy thủ, Hàn Quốc cho rằng thủ phạm của vụ này là Triều Tiên còn Bình Nhưỡng thì ra sức phủ nhận điều đó. Nó cũng xảy ra ngay sau khi Bình Nhưỡng khoe nửa kín nửa hở về một cơ sở làm giàu hạt nhân mới, với những máy li tâm hiện đại sau cơ sở hạt nhân mọi người đã biết. Nó cũng xảy ra sau những thay đổi trong nội các khiến cả thế giới chú ý. Dễ thấy hơn cả, nó diễn ra trước cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn diễn ra từ ngày 28/11 đến 1/12 năm nay, cuộc tập trận mà phía Triều Tiên coi là khiêu khích chiến tranh còn Hàn Quốc coi là một việc làm mang tính cảnh tỉnh, răn đe.

Cuộc tập trận đang diễn ra trên biển Hoàng Hải, vùng biển từng diễn ra nhiều sự kiện đẫm máu. Mặc dù nói cuộc tập trận đã được định trước nhưng sau lời tuyên bố của Tổng thống B. Obama, Mỹ sẽ  luôn đứng bên đồng minh Hàn Quốc của mình và sau cuộc đấu pháo chỉ có 5 ngày, cuộc tập trận rõ ràng là hành động mang ngòi nổ ghè đập bên thùng thuốc súng. Về qui mô cũng như nội dung, cuộc tập trận cũng khác thường.

Tham gia tập trận, Mỹ đã điều tàu sân bay G. Washington mang theo 75 máy bay, nhiều tàu chiến và 6.000 binh sĩ đến bán đảo Triều Tiên, ngay phía Nam giới tuyến (thấp hơn đự kiến là đường phân giới đã được LHQ ấn định nhưng không được Triều Tiên thừa nhận một chút) để phối hợp với Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận "bắn đạn thật, ném bom thật" nhắm phô trương sức mạnh chiến tranh dưới sự theo dõi sát sao của Triều Tiên qua ống nhòm, dưới các chiến hào và hầm ngầm.

Vậy tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ đến đâu, chiến tranh tổng lực chăng? Không, hoặc ít nhất cho đến lúc này là không. Tình hình bán đảo Triều Tiên từ lâu hoặc ít nhất là từ năm1948 đến nay phụ thuộc rất nhiều vào lục giác Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên trên bàn cờ quốc tế. Gây căng thẳng thường xuyên, biến đây thành một lò than âm ỉ, một thùng thuốc súng có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào thì có, nhưng khơi lên ngọn lửa chiến tranh lúc này thì không. Lý do là chưa đỉnh lục giác nào sẵn sàng và không đỉnh lục giác nào có lợi nếu chiến tranh xảy ra. Cuộc đấu pháo vừa qua, cuộc tập trận đang diễn ra và có thể còn những cuộc đụng đầu nữa diễn ra nhưng thùng thuốc súng chưa sẵn sàng bén lửa.

Cuối cùng thì hàng rào kẽm gai dọc vĩ tuyến 38 vẫn là điểm dừng chân cuối cùng của biết bao người dân Triều Tiên hai bên vĩ tuyến. Hàng triệu người, cha mẹ, vợ chồng, họ hàng thân thuộc, nhiều người đã 80 tuổi, 90 tuổi vẫn khao khát ngày sum họp nhưng ngày đó chưa biết lúc nào tới nếu bán đảo Triều Tiên chưa hoà bình, ổn định, giải quyết mọi bất đồng bằng thương lượng như Việt Nam và cả thế giới mong đợi

Vũ Duy Thông
.
.
.