"Tôi đẹp, tôi có học vị cao, tôi yêu chồng…tại sao tôi mất hết?

Thứ Năm, 29/07/2010, 10:49
Khi người ta yêu nhau với một tình yêu đẹp, và từ tình yêu tuyệt diệu đó cùng đi tới kết hôn, khi đó con người ta tuyệt đỉnh hạnh phúc. Khi đó không một ai ngờ rằng sẽ có một ngày, tình yêu tưởng chỉ có đơm hoa kết thành trái ngọt, lại bỗng kết cho họ những trái chát chua.

Từ số này, CSTC xin giới thiệu phóng sự dài kỳ, ghi lại những câu chuyện đớn đau có thật của đời sống hôn nhân hiện đại, mà những tiếng kêu bật lên từ những người phụ nữ từng có học vị cao, có địa vị, công danh trong xã hội, mong rằng sẽ cảnh tỉnh một số đời sống hôn nhân nào đó…

Đó là tiếng kêu não lòng, cay đắng nhất của một phụ nữ mà tôi từng nghe thấy trong suốt mấy chục năm làm nghề tư vấn hôn nhân. Nghe chị than, tôi cảm nhận tận đáy sâu trong cõi lòng tan nát của chị một nỗi đau đến tột cùng…

"Tôi đẹp, tôi có học vị cao"…

Quả thật là chị đẹp. Đẹp từ cái tên Hồng Vân, đến dáng người dong dỏng, đẹp đến từng đường nét quý phái trên gương mặt với cái mũi cao thanh tú, với đường lông mày lá liễu, nước da trắng hồng. Bây giờ chị đã sắp bước qua tuổi 45, chứ nếu tôi được gặp chị ngày chị 18-20, thì chắc tôi cũng mê mẩn vẻ đẹp của chị (mặc dù tôi cũng là phụ nữ), huống chi là chồng chị.

Người đàn ông đầy may mắn ấy khi được chị nhận lời yêu đã trở thành nỗi ghen tỵ vô bờ bến của đám bạn cùng trường cấp 3 thời ấy, bây giờ lại trở thành kẻ tội đồ bị bạn bè lên án vì đã và đang phản bội tình yêu của vợ. Mà điều khiến ai biết chuyện, hay được nghe thủng câu chuyện của chị, cũng đều phẫn nộ với chồng chị, bởi vì anh quá kỳ quặc khi bỏ rơi một phụ nữ đẹp, một phụ nữ thành đạt có học vị cao nhất, một phụ nữ tài năng-có thể sử dụng thành thạo 3 ngoại ngữ Nga, Pháp, Anh, và còn là một người đàn bà yêu chồng, yêu con tha thiết như chị, để mà chạy theo một người đàn bà quá đỗi bình thường, thậm chí là tầm thường, cả về sắc đẹp, trí tuệ, lại ít học…

Câu chuyện của chị Hồng Vân đưa ta trở về tuổi trăng tròn của chị. Khi đó Vân và Huấn cùng từ Hà Nội đi sơ tán tại một làng quê vùng trung du Phú Thọ. Nhờ đi sơ tán tránh bom đạn Mỹ, mà họ vô tình học cùng lớp ở nơi sơ tán đó. Gắn bó nhiều năm học như vậy, và cô gái Hà Nội gốc bao đời Hồng Vân bước vào tuổi trăng rằm càng bật lên xinh đẹp nõn nà giữa đám bạn gái nông dân chất phác nơi thôn dã, đã khiến bao chàng trai, kể cả trai làng lẫn dân sơ tán từ Hà Nội về, đều si mê. Đã thế Vân lại học giỏi, cô luôn đứng đầu lớp, đầu cả khối, rồi cô đoạt giải cao trong kỳ thi Học sinh giỏi Toán miền Bắc nữa, khiến cho nhiều chàng trai dù si tình nhưng cũng không dám tới gần.

Chỉ có Huấn, tuy học không xuất sắc lắm, nhưng bố Huấn lúc đó làm việc gì có vẻ "oách" lắm, nên cậu dũng cảm đòi học nhóm với Vân. Thấy Huấn chăm chỉ tìm đến nơi trọ của mình để học nhóm, lại luôn luôn đúng giờ, và bao giờ cậu cũng xách theo một chai dầu hỏa để cho Vân có dầu đốt vào những lúc học khuya.

Thời đó các vùng quê chưa có điện, dầu hỏa để đốt đèn cũng là một thứ quý hiếm. Thêm vào đó, Huấn còn thường đem cho Vân rất nhiều món quà mà mẹ cậu gửi từ Hà Nội lên, có khi là mấy cái kẹo, phong lương khô hay mấy cái bánh bích quy… nên Vân rất hồn nhiên nhiệt tình chỉ bảo cho Huấn giải những bài toán khó. Cứ mỗi đêm học nhóm như vậy xong, cả 2 lại vừa ngoáy 2 lỗ mũi đen xì vì hít khói đèn dầu, vừa phá lên cười khanh khách.

Thế rồi, bỗng một buổi tối, Huấn đến tìm Vân, nhưng không thấy cậu đem theo sách vở để học bài. Thấy Vân ngạc nhiên, Huấn bảo:

- Mình đến chào Vân! Mai mình nhập ngũ…

- Cái gì? Huấn đi bộ đội ư?

- Ừ, chiến tranh đang ác liệt mà…

Vân bàng hoàng dừng tay rửa bát:

- Cậu đi… chiến trường ư?

- Ừ… Vân… có thể đi với Huấn ra dạo chơi ngoài cánh đồng kia một lát không? Sáng mai Huấn đi sớm…

Hai người sánh vai đi dọc cánh đồng lúa. Vân không biết nên nói gì, sắp đến kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, rồi thi đại học, tiếc cho Huấn, sức học của cậu ấy đang ngày càng khá hơn… Bất ngờ, Huấn nắm chặt tay Vân, anh thổ lộ tình yêu. Anh yêu Vân từ lâu lắm, nếu bây giờ không nói ra thì anh sợ không bao giờ còn có cơ hội nữa… Vân đã nhận lời với lời hứa: "Cả hai cùng phấn đấu để dù trong hoàn cảnh nào cũng phải học lên đại học (ĐH)".

Sau đó, Vân thi đỗ ĐH với điểm xuất sắc, nên cô được chọn đi học tại Liên Xô. Bất ngờ, Huấn cũng báo tin vui trong một lá thư rằng, anh đã được xét đỗ vào ĐH do bên đơn vị gửi đi học. Như vậy là Huấn không phải vào chiến trường, mà lại được học ĐH, còn niềm vui gì to lớn hơn. Nhưng Vân đi nước ngoài, xa cách làm cho Vân càng yêu Huấn hơn. Những lá thư hiếm hoi đã duy trì và tạo nên tình yêu thơ mộng của 2 người.

Sau khi tốt nghiệp ĐH với bằng đỏ, Vân được chọn học tiếp lên tiến sỹ, theo sự sắp xếp của Huấn, cô quyết định về nghỉ phép để tổ chức lễ cưới. Sau ngày cưới, Huấn muốn Vân ở nhà sinh con đã, sau này sang học tiếp cũng chưa muộn, nhưng Vân không muốn sự học dang dở, nên cô vẫn kiên quyết trở lại Liên Xô. "4 năm thôi, không dài lắm, chúng ta còn trẻ, anh hãy gắng đợi em", Vân đã nói khi chia tay người chồng trẻ như vậy. 

"Tôi yêu chồng… tại sao tôi mất hết?!"

Sau ngày Vân hoàn thành tiến sỹ trở về nước, chiến tranh đã kết thúc, Huấn đã chuyển ra một cơ quan kinh tế, hai vợ chồng sinh được một cô con gái xinh và thông minh y như Vân vậy. Hai người theo đuổi 2 con đường: Vân mải mê làm khoa học với những đề tài nghiên cứu đi hết vùng này qua miền nọ, Huấn lại mải mê theo các chuyến đi nước ngoài để kinh doanh. Hạnh phúc của họ luôn qua những cánh thư, và sau này là điện thoại di động và email.

Thế rồi, một ngày, Huấn nói với Vân, do công việc kinh doanh mở rộng, Tổng Công ty cần anh vào làm giám đốc một công ty tại TP Hồ Chí Minh, anh sẽ vào trước rồi sắp xếp việc gia đình sau. Vân ngỡ ngàng, con gái mới học cấp 2, Vân đang làm nhiều đề tài ở Viện khoa học Trung ương, bỗng dưng chuyển nhà, chuyển việc, chuyển cả việc học hành của con, thay đổi hoàn toàn môi trường sống đâu có đơn giản, mà sao dễ bỏ nơi đã gắn bó gần cả cuộc đời nhất là Thủ đô, người ta chen nhau vào chả được…

Mặc cho Vân bàn thế nào, Huấn vẫn quyết đi. Bạn bè động viên Vân: "Thôi, đàn ông họ coi trọng sự nghiệp, cậu cứ để cho Huấn vào nhậm chức đi, rồi tính sau". Ừ đành để chồng đi thăng quan tiến chức, rồi mình sẽ lại kéo về, hoặc anh chán vì phải xa vợ con có khi lại sớm trở về, Vân cũng tính vậy và chị nói với chồng: "Anh hãy nhanh trở về với em và con. Hãy nhớ rằng em và con yêu anh!".

Nhưng Huấn vào Sài Gòn mới được mấy tháng đã thấy thư và điện thoại thưa dần. Vân gọi thì anh hoặc cúp máy, hoặc nói thật nhanh gọn, và bao giờ cũng kết thúc với câu: "Anh bận lắm, khi nào rỗi anh gọi lại", nhưng hầu như Huấn không bao giờ gọi lại. Chỉ có Vân mỗi ngày một mong tin chồng. Thế rồi con gái vừa được nghỉ hè, Vân liền lấy vé máy bay đưa con vào Sài Gòn thăm Huấn.

Chị muốn chồng sẽ bất ngờ vì hạnh phúc, nên hai mẹ con vào mà không hề báo trước. Đáp taxi đến đúng địa chỉ nhà Huấn ở, Vân khá bất ngờ, đó một ngôi biệt thự nhỏ nhưng khá đẹp, Huấn lấy tiền đâu mà mua nhỉ, anh chỉ nói với Vân là anh mua nhà ở bình thường thôi mà? Hay là anh thuê? Vân không biết có đúng hay không, thôi cứ thử nhấn chuông, không phải thì xin lỗi chủ nhà. Chuông reo, một cô gái trẻ, xinh đẹp hiện ra trong bộ váy ngủ màu hồng và giọng Sài Gòn trong vắt: "Cô tìm ai?". Vân bàng hoàng, thì ra chồng mình vào đây để chung sống với người đàn bà khác! Huấn cũng sững lại giây lát, nhưng thay vì hối lỗi với vợ, anh ta lại mắng mỏ vợ vì sao đưa con gái vào mà không báo trước? Vân đau đớn dắt con gái chạy thẳng ra sân bay, trở về Hà Nội, mặc cho con gái nước mắt nhạt nhòa.

Trước nỗi uất ức, đau đớn của Vân, bạn bè khuyên chị phải quay vào Sài Gòn làm cho ra lẽ, phải đuổi kẻ "cướp chồng", phải làm cho Huấn tỉnh ngộ mà quay lại với cái gia đình đang đẹp như một bức tranh như vậy. Vân cũng như bạn bè của vợ chồng chị và cả gia đình nhà chồng nữa, không ai tin rằng Huấn dám bỏ "vợ cái, con cột", chắc chỉ là "trò mèo chuột" trong thời gian sống xa vợ thôi, đàn ông thiếu vợ thường sẽ ra nông nỗi ấy.

Trước những lời bàn "vun vào" của mọi người, Vân nuốt hận nghĩ "mình nên tha thứ", chị quyết định sẽ chuyển công việc vào văn phòng phía Nam của Bộ, để chung sống trở lại với chồng, hy vọng níu kéo Huấn về với hạnh phúc gia đình.

Lần này, Vân báo cho Huấn biết chị đã xin chuyển công tác vào Sài Gòn để "hợp lý hóa gia đình" và thông báo trước với Huấn ngày mà mẹ con chị sẽ vào. Nhưng Vân càng thêm bất ngờ, Huấn cho lái xe ra sân bay đón và đưa cho 2 mẹ con chị chìa khóa nhà với lời nhắn: "Anh đi công tác xa vài tuần, 2 mẹ con cứ ở nhà chờ anh".

2 tuần dài dằng dặc rồi cũng trôi qua, Huấn về, nhưng chỉ về để ngủ qua đêm, không trò chuyện, chỉ hỏi vợ con vài câu chiếu lệ, cũng không ăn uống, dù Vân có cầu kỳ nấu những món mà chồng vẫn thích. Thậm chí, Vân có chủ động "tình cảm" thì Huấn cũng im lặng gạt vợ ra, hoặc "anh mệt, cho anh ngủ", khiến Vân quá ư tổn thương. Rồi chỉ hôm trước hôm sau, Huấn "lại đi công tác", vì thế dù Vân đã gắng hết sức vẫn không thể trở lại là một gia đình.

Cuối cùng, sức chịu đựng của Vân cũng cạn kiệt, chị quyết định đề nghị chồng nói chuyện đàng hoàng. Và Vân đã đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. "Tại sao cái gì cô cũng hơn tôi? Tôi không muốn người đàn bà bên cạnh thông minh hơn, học vị cao hơn và là thần tượng của mọi người. Tôi chỉ cần người đàn bà biết làm nũng, biết yêu, biết coi tôi là thần tượng. Đơn giản thế thôi".

Thì ra, từ lâu Huấn đã có suy nghĩ như vậy, đã thường xuyên cặp bồ ở công ty, nhưng Vân quá tự tin, tự tin đến ngạo mạn rằng Huấn yêu mình là mối tình đầu, mối tình đẹp như thế, không thể nào vì những lời đàm tiếu của những người trong công ty ganh ghét bịa đặt cho anh. Bây giờ thì chị đã hiểu. Khi Vân là thần tượng, Huấn phải chiếm được tình yêu của chị để chiến thắng bao chàng trai khác, và  để có được tình yêu trong sáng của Nữ thần Sắc đẹp Venus Hồng Vân thời đó, anh ta đã chọn "giải pháp" xung phong nhập ngũ giữa thời chiến, bởi vì có như vậy thì Huấn mới trở thành thần tượng. Bây giờ, để thỏa mãn thói ích kỷ của mình, Huấn bất chấp tất cả, miễn là trở thành thần tượng trong mắt những người đàn bà lệ thuộc vào mình

Ái Dương
.
.
.