Vụ trưởng Vụ 1, VKSND tối cao nói về vụ án Nông trường Sông Hậu

Tôi từng nói với bà Sương: "Luật pháp sẽ rất công bằng"

Thứ Tư, 07/07/2010, 11:42
Vụ án liên quan tới "Người phụ nữ ấn tượng châu Á 2002", Giám đốc Nông trường Sông Hậu Trần Ngọc Sương (Ba Sương) gây rúng động dư luận suốt 3 năm qua, nhất là sau phiên tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm do TAND TP Cần Thơ xét xử cuối năm 2009.

Mới đây, theo Quyết định giám đốc thẩm số 22/2010/HS-GĐT, tòa hình sự TAND tối cao quyết định hủy bản án hình sự phúc thẩm của TAND TP Cần Thơ và bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Cờ Đỏ, chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND tối cao để điều tra lại theo quy định pháp luật về trình tự giám đốc thẩm.

Một người từng được vinh danh Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, tôn vinh "Người phụ nữ ấn tượng châu Á" với những đóng góp nổi bật, sau đó lại rơi vào vòng lao lý và trước khi có quyết định giám đốc thẩm, bản án phúc thẩm đã được tuyên 8 năm tù giam. Ông Nguyễn Mạnh Hiền, Vụ trưởng Vụ 1 là người được Viện trưởng VKSND tối cao giao tiếp xúc, trao đổi về đơn kiến nghị của bà Sương ngay từ khi vụ án chưa khởi tố, điều tra. Đồng thời Vụ 1 cử tham gia phối hợp cùng Vụ 3 vào Cần Thơ để kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ vụ án cũng như tất cả các yếu tố, điều kiện liên quan - một trong những bước đi quan trọng để dẫn tới quyết định giám đốc thẩm nói trên của TAND tối cao.

Trước vụ án gây rúng động dư luận, với kinh nghiệm nhiều năm đảm trách cương vị giám sát việc thực hiện pháp luật lĩnh vực án kinh tế, chức vụ, ông Nguyễn Mạnh Hiền đặt vấn đề mang tính khách quan và đầy đủ hơn: Cái khó của ta là phải phát hiện ra cái mới, nhân tố mới, có thể đó là những cái sáng tạo và phải xem nó có tiến bộ, tích cực không, nếu tích cực thì phải ủng hộ chứ nếu mình lại căn cơ làm theo kiểu cực đoan thì rất khó...

- Quá trình kêu cứu, bà Sương có gửi đơn tới VKSND tối cao?

- Có chứ, tôi trực tiếp tiếp bà 3 lần. Viện trưởng VKSND tối cao giao cho tôi trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe ý kiến phản ánh của bà Sương trong cả 3 lần bà đến VKSND tối cao.

- Diễn biến sau đó thế nào, thưa ông?

- Sau khi tiếp xúc, ghi nhận tất cả ý kiến bà phản ánh cùng những tài liệu liên quan, VKSND tối cao cử tổ công tác gồm cán bộ của Vụ 1 và Vụ 3 vào Cần Thơ làm việc.

- Sau mỗi lần gặp gỡ và tiếp xúc nguyên Giám đốc nông trường nổi tiếng, người được vinh danh tầm châu lục, suy nghĩ của ông thế nào?

- Lúc đó bà Sương chưa bị khởi tố nhưng có nguy cơ bị khởi tố. Mà việc tiếp dân là việc bình thường của Viện Kiểm sát. Nhiều trường hợp khi người dân cho rằng oan, sai, họ cũng đến trình bày mà trách nhiệm của mình là phải tiếp thu những phản ánh của họ. Tôi quan niệm rằng người ta đến với mình là người ta còn tin tưởng mình, còn hy vọng vào mình, vì thế mình phải lắng nghe, xem xét ý kiến phản ánh của họ một cách thấu đáo.

- Tâm sự với báo giới, bà bộc bạch: "Tôi buồn lắm, nhiều khi tôi muốn tự sát chết cho rồi. Không chồng, không con, không nhà cửa". Nếu coi cuộc đời không có bước đường cùng, chỉ có những ranh giới thì thưa ông, ranh giới hay đường cùng của một người lúc này được quyết định bởi sự giám sát công minh, đúng lẽ và kịp thời của cơ quan Viện Kiểm sát cấp trên?

- Khi tiếp xúc, bà Trần Ngọc Sương cũng có những tâm lý như thế. Tôi cũng hiểu rằng đó là một trạng thái tâm lý và sau mỗi buổi tiếp, chúng tôi đều động viên bà bình tĩnh, đâu sẽ có đó, luật pháp sẽ rất công bằng.

- Hành vi sai phạm của bà Sương đã được xác định, nhưng vụ án này còn mang dấu ấn của thời kỳ chuyển đổi mô hình kinh tế. Trên cương vị giám sát việc chấp hành pháp luật mảng án kinh tế, chức vụ, ông nhận thấy…

- Thực ra, trước một vi phạm, cơ quan xử lý không chỉ căn cứ vi phạm đó. Để xử lý một vụ việc còn phải căn cứ rất nhiều yếu tố, do đó không phải một hành vi như nhau là xử lý như nhau. Theo đó, cùng một hành vi vi phạm nhưng với người có nhân thân tốt thì mức độ xử lý khác hoặc có thể có những biện pháp xử lý khác so những người có nhân thân xấu. Phải xem xét các yếu tố nhân thân, điều kiện, động cơ dẫn tới phạm tội như thế nào…

- Vậy quan điểm của ông về các yếu tố này ra sao?

- Những vụ như thế này, Viện Kiểm sát xem xét rất kỹ và đây cũng là một chức năng của Viện. Xử lý một người phải nghiên cứu rất nhiều phía, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, điều kiện, nguyên nhân phát sinh tội phạm. Muốn như vậy không chỉ phụ thuộc riêng kết quả điều tra mà Viện Kiểm sát với chức năng của mình phải đi sâu tìm hiểu kỹ lưỡng. Đối với vụ bà Sương, Vụ chúng tôi cùng Vụ 3 đã cử người vào đấy (Cần Thơ) nghiên cứu hồ sơ, làm việc với cơ quan chức năng, từ đó tham mưu cho lãnh đạo Viện cho ý kiến cụ thể.--PageBreak--

- Vụ án này gây phản ứng nhiều chiều trong dư luận, báo chí, quá trình giám sát việc chấp hành pháp luật về vụ án, liệu có sức ép từ dư luận?

- Không, thực ra những phản ánh của báo chí, dư luận là một nguồn để VKS tham khảo. Cái chính là bản chất của sự việc. Báo chí họ phản ánh có thể đúng, cũng có thể chưa đúng vì dù sao cũng mang tính chủ quan của người viết báo. Hơn nữa, báo chí không phải có điều kiện để tiếp xúc sâu khía cạnh này nhưng có thể đi sâu khía cạnh khác. Ví dụ như đi sâu vào hồ sơ vụ án thì báo chí không có điều kiện nhưng về phản ứng của dư luận xã hội đối với việc xử lý thì báo chí có những lợi thế khai thác, có thể tiếp xúc với nhiều kênh để phản ánh. Viện Kiểm sát khi xem xét cũng lưu ý dư luận xã hội nhưng nó chỉ là mặt dư luận thôi, để xử lý chính xác phải đi sâu vấn đề bản chất  sự việc và muốn đi sâu bản chất thì không chỉ trong hồ sơ.

- Một người đã vực dậy nông trường từ cơ chế tập trung sang cơ chế thị trường, và quá trình đó, nếu như trước đây người ta chỉ nói đến thành tích vang dội, như một sự sáng tạo trong đổi mới tư duy kinh tế thì nay lại được biết với các hành vi sai phạm. Cũng có người nói, sai là vì mạo hiểm trong tư duy, đổi mới và vì cái chung thì cái sai đó cần hiểu ở khía cạnh tích cực không vì tư lợi, nhưng cũng có người không đồng tình, cho rằng cứ sai thì phải chịu trách nhiệm. Ông nhận định thế nào về cung cách quản lý, điều hành doanh nghiệp lớn thời điểm giao thời, chuyển đổi mô hình, và những hành vi sai sót, cần được hiểu ra sao? 

- Tôi nghĩ rằng khi kinh tế của ta đang đổi mới, có nhiều vấn đề đặt ra rất mới mẻ, nhất là khi chuyển đổi cơ chế hành chính bao cấp sang nền kinh tế thị trường, kể cả từ phía Nhà nước, trong quản lý không phải không có sai sót. Đối với các đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp, cũng không phải đúng cả. Vậy nên mình đã có chuyển đổi mà chưa hoàn thiện, chưa hoàn thiện cả về vấn đề nhận thức xã hội, chưa hoàn thiện về hành vi kinh tế, chưa hoàn thiện về tư duy, nhận định, đánh giá pháp luật. Thế thì người làm án kinh tế phải có kiến thức rất rộng, phải nắm bắt được cái mới, ủng hộ cái mới. Có những cái mới rất đúng nhưng so quy định pháp luật lại vi phạm.

- Cái sai này cần hiểu trong cơ chế quản lý đổi mới?

- Đúng là cơ chế quản lý, nhưng vấn đề là phải xem động cơ, mục đích của hành vi. Tức là phải làm rõ nguyên nhân vì sao có sai phạm đó, do khách quan hay chủ quan. Những hành vi đó có thể xảy ra nhưng trong cơ chế như thế, để tồn tại, người ta cũng có những cái sai. Song cái sai đó không gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, không gây ra thiệt hại mà có thể vì mục đích muốn phát triển mô hình kinh tế mới nên mạnh dạn làm, và xảy ra sai sót. Nay TAND tối cao chấp nhận huỷ án rồi, vụ án phải được điều tra lại từ đầu theo trình tự giám đốc thẩm, còn việc sửa như thế nào tuỳ thuộc kết quả điều tra lại.

- Thực tế, nếu nhìn cái được thì có lẽ lớn hơn rất nhiều, hơn nữa nhiều người cho rằng nếu căn cơ máy móc bởi sự sai đúng vụn vặt thì sẽ chẳng có sự đột phá, đổi mới nào cả. Như ông nói, vụ án không chỉ xem xét mỗi hồ sơ mà rộng hơn là cả bối cảnh, quá trình, nhân thân, vậy ở tầm nhìn bao quát đó, ông có thể đưa ra đánh giá gì?

- Đúng, cái đó mình phải ủng hộ người ta chứ. Tôi cũng nói thêm, giữa cái tôn vinh và cái sai, xảy ra trong cùng khoảng thời gian. Điều này khiến người ta phân vân, rằng cùng con người đó, cùng khoảng thời gian đó, tại sao lại vừa có tôn vinh anh hùng, lại vừa ràng buộc về lao lý. Cái khó của ta là phải phát hiện ra cái mới, nhân tố mới, có thể đó là những cái sáng tạo và phải xem nó có tiến bộ, tích cực không, nếu tích cực thì phải ủng hộ chứ nếu mình lại căn cơ làm theo kiểu cực đoan thì rất khó...

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trả lời Vietnamnet: "Chính tôi đã đến Nông trường Sông Hậu"

"Chính tôi là người đã từng đi đến Nông trường Sông Hậu để xác minh có xứng đáng tuyên dương danh hiệu Anh hùng hay không thì đã thấy rõ là hoàn toàn xứng đáng… "Tôi biết cô ấy không lập gia đình, cả cuộc đời dành mọi tâm huyết lo lắng cho nông trường, cho cuộc sống biết bao người nông dân, nguyên cái đó thôi cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ về động cơ việc làm của cô ấy".

Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Phải nhìn một cách nhân văn hơn"

"Dưới góc độ một người nghiên cứu lịch sử, tôi thấy vụ án này phản ảnh bước chuyển đổi của xã hội, chuyển đổi về những giá trị và đương nhiên trong đó cốt lõi là luật pháp. Phải nhìn hiện tượng bà Ba Sương trong quá trình của nó, kể cả hành vi cũng như tất cả các yếu tố liên quan mà có thể người ta lấy căn cứ vào đó để xét cấu thành tội phạm chứ không thể nhìn trong hiện tại thuần túy được. Mỗi chúng ta đều liên tưởng trong đời sống xã hội của mình, cơ quan mình cũng có những loại quỹ đời sống như tại Nông trường Sông Hậu…

Tôi cho rằng công và tội phải rõ ràng. Nhưng công và tội luôn có mối quan hệ với nhau bởi cuộc sống của một con người là quá trình liên tục. Cái gì đã khiến một người có công thành có tội? Phải trả lời được câu hỏi này. Một người phụ nữ hơn 60 tuổi, không nhà cửa, không chồng con, thì chúng ta phải nhìn một cách nhân văn hơn. Do vậy, nếu không giải tỏa dư luận trong vụ án này thì bản án không có hiệu ứng như chúng ta mong muốn.  Bỏ một người vào tù là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là để mỗi người bên ngoài nhìn vào tìm thấy những giá trị sống tốt hơn".

Bà Trần Ngọc Sương (sinh năm 1949, còn gọi Ba Sương), Giám đốc Nông trường Sông Hậu giai đoạn 2000 - 2007. Bà đã được phong danh hiệu Anh hùng Lao động và là người phụ nữ  đầu tiên được bình chọn là Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2002. Thời kỳ kháng chiến, bà từng là  giáo viên của những ngôi trường nghèo tại các vùng ĐBSCL. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Cần Thơ, bà cùng cha mình xây dựng nên thương hiệu Nông trường Sông Hậu (cha bà là ông Trần Ngọc Hoằng, cũng là Anh hùng Lao động). Sau khi nghiên cứu kinh tế ở Liên Xô, bà biến vùng đất Sông Hậu bị thiên tai ngập lụt thành trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, lo được đời sống cho hàng chục ngàn nông dân. Hiện bà không chồng, không con, không có nhà riêng.

Năm 2008, bà đã bị khởi tố với tội danh "Lập quỹ trái phép".

Đăng Trường - Minh Khoa
.
.
.