Trò chơi từ thiện đang đấu giá lòng trắc ẩn

Thứ Tư, 08/12/2010, 13:50
Nói không ngoa, chúng ta đang sống trong một thời đại của những kỷ lục. Cứ hễ có lễ hội, đình đám là có kỷ lục ăn theo được xác lập. Cho dù đôi khi kỷ lục được lập chỉ là một điều gì đó vô bổ, tầm phào, chẳng theo một tiêu chí nào thì người ta vẫn cứ đổ xô tìm kiếm, chứng nhận và tuyên truyền nó một cách rầm rộ.

Mục đích dễ hiểu: kỷ lục là một hình thức quảng bá lý tưởng, hiệu quả. Vật phẩm, sản phẩm đạt kỷ lục sẽ dễ dàng bán được với giá cao hơn nhiều so với giá trị thực của nó. Và để bán "được giá", cách nhanh nhất là tìm cách đánh bóng mặt hàng định bán bằng cái mác từ thiện. Không nghi ngờ gì nữa, nhập nhèm, trộn lẫn giữa "kỷ lục" và "từ thiện" đang trở thành một cuộc chơi, một chiêu thức kinh doanh siêu lãi.

Hội đủ cả hai yếu tố trên, nhưng kết cục của cuộc đấu giá từ thiện 4 báu vật  trong khuôn khổ "Đêm hội Hoa hậu Trái đất và Doanh nhân hướng về miền Trung" diễn ra tối 11/11/2010 lại hái được một quả đắng. Nhà tổ chức tưởng mình cao tay cuối cùng lại gặp toàn khách  hàng bịp bợm. Tò mò, dư luận, công luận đổ quá nhiều quan tâm vào đêm hội đã phải nhận một quả lừa. Người nghèo, tình cảm xã hội bị xúc phạm. Và sau hết, hành lang pháp lý cho lĩnh vực đấu giá từ thiện đã lộ rõ một lỗ hổng toang hoác.

Từ khâu tổ chức, đêm hội đã lập ngay "kỷ lục Việt Nam": lần  đầu tiên một hoạt động từ thiện quy tụ được đồng lúc hơn 90 hoa hậu thế giới cùng tham gia. Bốn sản phẩm được rao bán cũng thuộc hàng kỷ lục, hoặc được xem như kỷ lục vì  đều  là "hàng độc", không giống ai, không có phiên bản. Tất nhiên, giá khởi điểm được định cho chúng cũng phải "kỷ lục" theo. Trống đồng kỷ vật 1000 năm Thăng Long, giá khởi điểm 6 tỷ đồng.

Ông Võ Ngọc Hà, Hoa hậu Áo dài và ông Nguyễn Trung Thành của Công ty ASEAN C&C trước bộ Tứ linh.

Viên "Hồng ngọc bảo quốc" (đá rubi) nặng 10kg khởi điểm giá 3 tỷ đồng.  Bức tranh "Khát vọng sống" ghép bằng đá quý có chữ ký  của 80 hoa hậu quốc tế, thí sinh cuộc  thi Miss Erth, giá chào "khiêm tốn" 90 triệu đồng. "Khủng  khiếp" nhất là bộ "Tứ linh hội tụ" mang dáng dấp 4 linh vật Long - Ly - Quy - Phượng nặng hơn 3 tấn bằng gỗ lũa (gốc rễ cây tự nhiên), khởi điểm được kêu giá 2 triệu USD, tương đương  40 tỷ  đồng .

Chỉ thu được hơn 1,1 tỷ đồng thay vì con  số kỷ lục 73,9 tỷ đồng như đã từng hồ hởi tuyên bố trước công luận, cả Công ty Gia Gia, nhà tổ chức đêm hội lẫn Hội Chữ thập đỏ TP HCM, đơn vị được xác  nhận quyền thụ hưởng, quản lý, phân bổ số tiền thu được sau đêm đấu giá đều kêu trời. Gặp gỡ báo chí để trần tình vào ngày 23/11, đại diện của cả hai pháp nhân này đều khẳng định họ bị lừa bởi những khách mua không nghiêm túc, bởi sự đùa cợt, phá đám và lừa đảo. Mỗi đơn vị đều hơn một lần tuyên bố sẽ đưa vụ việc ra pháp luật hoặc chuyển hồ sơ, chứng cứ sang cơ quan Công an để yêu cầu xử lý.

Quả bóng trách nhiệm  được sút thẳng về phía những khách hàng đã thắng và tự ý từ bỏ quyền thắng đấu giá mà quên  mất rằng giữa họ và nhà tổ chức ngay từ đầu đã không hề có một ràng buộc pháp lý nào. Ba trong số bốn người (hoặc đại  diện pháp nhân) thắng đấu giá qua điện thoại đều chỉ là những cái tên ảo, không xác định. Nếu có muốn, có lẽ nhà tổ chức cũng không thể truy tìm được.

Ngoài  những  cái tên tự xưng, dấu vết duy nhất mà "những kẻ đáng bị kiện" để lại chỉ là những số điện thoại thuê bao trả trước giá 50.000 đồng, tức "sim rác", dùng xong  là vứt, ai mua cũng được! Một ông Thanh Bình nào đó đặt mua bức tranh đá quý giá 3 tỷ đồng. Một người khác tên Lương Đức Hải, xưng là doanh nhân, chốt giá 12 tỷ đồng để được xem là chủ nhân chiếc trống đồng. Viên hồng ngọc quyết định bán giá 11 tỷ đồng cho người tự nhận là đại diện Công ty Bình Điền Long An, tên Phát. Chỉ riêng bộ Tứ linh hội tụ với giá chốt kỷ lục 47,9 tỷ đồng  là có người mua xuất hiện hẳn hoi trên sân khấu: ông Phan Văn Đạt, đại diện của Công ty Gốm sứ Bảo Long Bát Tràng.

Xuất hiện hay không thì những người tham gia đấu giá - trực tiếp hoặc gián tiếp - cũng không lệ thuộc  bất kỳ  một chế tài nào. Họ tham gia đấu giá nhưng không cần  hồ sơ dự đấu, không nộp tiền ký quỹ để dự phòng tự  ý từ bỏ quyền thắng đấu giá. Vì thế, ngay khi theo dõi trực tiếp diễn tiến phiên đấu giá - quá vội vàng, hấp tấp, đấu lấy được kiểu tranh mua bán vội - người xem đã cảm giác ngay  sự bất ổn, cứ  như thể đang theo dõi  một trò đùa hay một vở diễn tập tuồng chưa chín.

Quả nhiên không sai. Ánh đèn sân khấu  rực rỡ  vừa tắt, những người mua cũng bặt tăm, điện thoại tắt ngấm và … chẳng biết ở  đâu mà tìm. Người duy nhất có thể tìm được thì sau  nhiều ngày cù cưa đã nại ra nhiều lý do rất không thuyết phục để từ chối nộp 47,9 tỷ đồng và nhận bộ Tứ linh về.

Thay vào đó, đại diện của Công ty Gốm sứ Bảo Long Bát Tràng đã nộp cho Hội Chữ thập đỏ TP HCM 1 tỷ đồng, gọi là "đóng góp từ thiện". Nếu quả thật, nhà tổ chức và Hội Chữ thập đỏ TP HCM có đầy  đủ cơ sở pháp lý vững chắc để có thể yêu cầu luật pháp vào cuộc xử lý hành vi "xù" quyền thắng đấu giá, chắc chắn Hội sẽ (và phải) từ chối nhận 1 tỷ đồng này để kiên quyết buộc Bảo Long Bát Tràng thực hiện nghĩa vụ nhận bộ Tứ linh và nộp đủ 47,9 tỷ đồng. Thực tế không diễn ra như thế. Kêu cứ kêu, đề nghị ủng hộ  với số tiền chỉ hơn 2% con số đã cam kết, Hội cũng cứ nhận. Chỉ với diễn biến này, chính Hội Chữ thập đỏá TP HCM đã thừa nhận kết  quả của cuộc đấu  giá là không hề mang tính chất bảo đảm pháp lý. Vậy thì kiện ai, kiện  cái gì?

Mặt khác, giữa con số công bố và số tiền thực sự thu được cho công tác từ thiện cũng chỉ  là một sự nhập nhèm. Giả sử không có sự cố đồng lúc cả 4 người thắng đấu giá đều "xù", số tiền thực sự để làm từ thiện cũng nhỏ hơn rất nhiều so với con số 73,9 tỷ đồng được công bố. Riêng tiền gốc phải trả cho chủ nhân  của 4 vật phẩm, theo giá khởi điểm đã hết 49,9 tỷ đồng. Số còn lại, dĩ nhiên Hội cũng chưa thể sử dụng cho người nghèo hết được, vì phải trừ chi phí, phải chia tỷ lệ với nhà tổ chức…--PageBreak--

Trong trường hợp không có sự cố, những con số tỷ lệ và chi  phí này sẽ không  bao giờ được công khai với công luận.  Mặc nhiên xã hội sẽ ngây thơ, phấn khởi và cảm động mà tin rằng người nghèo đã có thêm môt số tiền rất lớn để sẻ chia bớt khó khăn, thiên tai, địch hoạ, khi cứ đinh ninh vào kỷ lục thu được là 73,9 tỷ đồng từ thiện. Sự cố tiêu cực hoá ra lại có một tác dụng tích cực, giúp xã hội nhận rõ được một sự thiếu minh bạch  tiềm ẩn giữa mục đích từ thiện - như công bố - và công tác tổ chức quyên góp mang danh nghĩa từ thiện.

Không khó để nhận ra rằng mục đích từ thiện đang lép vế trước mục đích kinh doanh. Ông Võ Ngọc Hà, chủ nhân bộ Tứ  linh đã ký  một hợp đồng uỷ quyền cho Công ty Truyền thông ASEAN C&C ở Hà Nội (đơn vị đồng tổ chức phiên đấu giá) do ông Nguyễn Trung Thành làm Chủ tịch HĐQT, để công ty này toàn quyền thay ông đưa vật phẩm tham gia đấu giá. Theo điều khoản và phụ lục được lập vi bằng, ông Hà sẽ nhận lại số tiền Việt tương đương 1 triệu USD. Nếu bán được cao hơn con số này, phần cao hơn dư ra, Công ty ASEAN C&C được toàn quyền sử dụng cho mục đích từ thiện. Thế nhưng, vào sàn đấu giá, công ty này đã đặt giá khởi điểm cao lên gấp đôi thành 40 tỷ đồng (tương đương 2 triệu USD). Tất nhiên, theo "quy ước" đấu giá từ thiện, tiền dành cho từ thiện chỉ được tính từ con số dư dôi nằm sau mức ấn định 40 tỷ đồng.

Quy tụ hơn 90 hoa hậu thế giới dự thi Hoa hậu Trái đất tham gia, đêm hội  đã xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chỉ cách một gang tay, đúng  khoảng cách  giữa ý thức nghiêm túc và sự bỡn cợt (của người mua), Công ty ASEAN C&C đã… suýt "thành công  vang dội" với thương vụ lãi ròng 1 triệu USD! Thế nhưng, khi thương vụ thất bại, phía công ty  lại không hề  có một động thái  tích cực và khả dĩ nào để bảo đảm bên B trong hợp đồng đã ký (tức ông Hà) sẽ nhận được số tiền bán vật phẩm. Để mặc cho đối tác tự "bơi", tự "cãi nhau" với người mua  và sau đó tốn công sức chi phí vận chuyển bộ Tứ linh về  lại nơi xuất xứ, đại diện của công ty này cho rằng họ chỉ có trách nhiệm "làm tăng giá trị" cho vật phẩm mà thôi. Trách nhiệm thanh toán, bên mua từ chối trả tiền nên họ cũng đành chịu!

Trần tình với báo giới, ông Đinh Gia Diên, Giám đốc Công ty Gia Gia than thở, phía tổ chức đã bị âm khoảng 2,5 tỷ đồng trong số khoảng 4 tỷ đồng chi phí. Trong số này có khoản 1 tỷ đồng "mua bản quyền" của Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên Media. Và, đêm hội (thật ra chỉ nên gọi là phiên đấu giá) diễn ra hôm trước thì ngày hôm sau Gia Gia mới nhận được bản fax giấy phép, nhưng "chắp vá, không rõ thật hay giả"!

Lại thêm một bằng chứng nữa chứng tỏ "đêm hội" đã được xác định ngay từ đầu như một cơ hội kinh doanh, của  một (hay một vài) công ty kinh doanh. Hội Chữ  thập đỏ chỉ góp danh nghĩa, ngoài ra không có vai trò gì khác. Chỉ với việc bán bản quyền, nói trắng ra quan trọng nhất là việc xin cho được giấy phép tổ chức, phần lợi được hưởng đã là 1 tỷ đồng thì e rằng  mục  đích của đêm đấu giá nói trắng ra là không "vì người nghèo" mà phải vì người… không  nghèo. Danh nghĩa đưa ra càng cao cả, sự  thật càng tăng phần mai mỉa.

Nhìn vào diễn biến thực tế, chúng tôi  cho rằng cần rạch ròi, minh bạch hai điều. Nếu đã gọi là vì mục đích từ thiện, nhà tổ chức không có quyền đánh giá, than  thở chuyện  âm - dương, lời - lỗ để yêu cầu có sự can thiệp của cơ quan luật pháp.  Lâu nay, rất nhiều cơ quan, đơn vị, hội đoàn  đã  tổ chức rất hiệu quả, rất tích cực không ít chương trình quyên góp, vận động vì  mục đích từ thiện. Nếu đúng nghĩa, toàn bộ  mọi phí tổn  tổ chức, điều hành, đơn vị tổ chức phải chịu trách nhiệm. Cũng chỉ  những đơn vị thật sự đủ năng lực chịu trách  nhiệm gánh vác phí tổn mới được phép tổ chức các hoạt động này. Phần đóng góp hảo tâm từ các nguồn hiến, tặng, mua  bán… thu được phải dành trọn cho mục đích từ thiện. Trong trường hợp đó, chi phí bỏ ra phải được xem như "khoản đầu tư", tuyệt đối không thể xem là "khoản phí tổn" như trong kinh doanh, không được phép "hạch toán lời lỗ".

Rõ ràng, các đơn vị dự phần trong "Đêm hội Hoa hậu Trái đất và Doanh nhân hướng về miền Trung" không  hội đủ các yêu cầu  này. Họ chỉ có thể đứng ở tư cách tổ chức đêm hội như một hoạt động kinh doanh có điều kiện, có điều khoản liên quan đến từ thiện trong phần phân chia lợi tức. Trong trường hợp đó, kết  quả thất bại hoàn toàn là do lỗi của đơn vị tổ chức. Mời đối tượng tham gia đấu giá không đủ năng lực, không có hợp đồng định rõ phương thức chế tài, không đủ ràng buộc pháp lý trong điều khoản thi hành… tất nhiên việc dẫn  đến kết quả "âm, hay "lỗ" cũng không hề là chuyện bất thường. Do đó, chính đơn vị tổ chức phải chịu trách  nhiệm.

Nếu cần nói thêm thì đó là dư luận hoài nghi về tuyên bố "âm" đã đưa ra, khi  mà thực tế, nhà tổ chức đã phát ra 350 vé mời, giá 7 triệu đồng/vé. Thậm chí, việc sang nhượng, như phản ánh của  một số khách tham dự, còn khiến một  số tấm vé  bị đẩy giá lên gấp bội, lên đến cả ngàn đô la. Ngoài ra, nhà tổ chức còn thu  được bản quyền truyền hình, còn được lợi về thương hiệu nhờ sự tuyên truyền v.v…

Việc lạm dụng đấu giá từ thiện để xuất hiện, để đánh bóng cá nhân và thương hiệu; việc đùa cợt, phá đám đấu giá là những hành vi đáng bị lên án và xử lý. Không thể loại  bỏ triệt để các hành vi này, nếu chỉ trông chờ vào sự  tự giác của những kẻ háo danh, thiếu tự trọng. Cần có những quy định chặt chẽ được thể chế hoá trong việc tổ chức công tác xã hội từ thiện để không phải bất kỳ ai, đơn vị nào cũng có thể nhảy vào biến nó thành một cơ hội kinh doanh lạm dụng danh nghĩa.

Người nghèo, xã hội luôn trân trọng mọi sự đóng góp, sẻ chia  từ  trách nhiệm và lòng hảo tâm. Tuy nhiên, tự trọng xã hội trong một số trường hợp sẽ nói lời từ chối. Đừng đem đến cho người nghèo, vùng còn khó khăn những khoản đóng góp, giúp đỡ, ủng hộ được chia ra, trích ra từ những nguồn nhập nhèm, thiếu minh bạch và đầy tai tiếng!

Nguyễn Hồng Lam
.
.
.