Vết trượt dài của một nữ sinh trung học

Thứ Năm, 29/07/2010, 15:30
"Bố mất, mẹ vào tù vì buôn ma túy. Ngay từ nhỏ cô gái ấy luôn khát khao một sự quan tâm, chở che của người thân.

Hoa khôi đất trại

18 tuổi, nếu không phải khoác trên mình bộ đồ sọc đen trắng thì Vũ Thu Huyền đã làm cho bao chàng trai phải mê đắm bởi vẻ đẹp đằm thắm và dịu dàng của một thiếu nữ Hà thành. Phải công nhận là Huyền đẹp, cái đẹp căng tràn của tuổi xuân xanh. Ngay cả khi mang trên mình 2 cái án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trộm cắp, trong bộ quần áo của trại giam, ở Huyền vẫn toát lên vẻ đẹp kỳ lạ.

Cô bảo, em thích làm đẹp lắm. Ở trại này (Trại giam số 6 - Cục V26 Bộ Công an, đóng chân trên địa bàn xã Hạnh lâm, Thanh Chương, Nghệ An), các chị cùng đội vẫn bảo em trẻ nhất và đẹp nhất. Ngay khi cán bộ bảo có nhà báo muốn gặp, dù rất vội nhưng em vẫn kịp trang điểm, em bây giờ không đủ tự tin khi gặp người lạ. Không dấu được vẻ nhí nhảnh, hồn nhiên, cô ngây thơ: "Mà trông em bây giờ xấu lắm phải không anh"?

Vết trượt

Vũ Thu Huyền sinh năm 1992, trong một gia đình tương đối khá giả ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tuổi thơ của cô bé Huyền cũng ấp áp, cũng ngập tràn yêu thương như bao đứa trẻ may mắn khác của đấtThủ đô văn hiến. Dẫu vậy, ký ức những ngày đẹp đẽ ấy nhanh chóng đi qua khi bố cô lâm bệnh rồi đột ngột qua đời.

Sau ngày bố bỏ mẹ con Huyền mà đi, cuộc sống buồn tẻ cũng nhanh chóng kết thúc khi mẹ lập bập đi bước nữa. Mất bố, Huyền đã sống khép kín và thu mình lại, từ khi trong nhà có thêm người mới, em lại càng thu hẹp cuộc sống của mình hơn. Cô bảo, ở trường em cũng chơi với rất ít bạn, không biết tại sao nhưng chơi với nhau được một khoảng thời gian rất ngắn là em lại thấy chán, có lẽ bọn em không tìm được tiếng nói chung.

Từ chỗ sống thu mình, thiếu đi sự quan tâm của gia đình, Huyền bắt đầu biết đến những bữa trốn học, những đêm kinh hoàng trên xa lộ cùng lũ bạn "bụi đời" mới kết thân, thỉnh thoảng chán đời em lại tìm đến vũ trường để tìm cảm giác mạnh. Huyền cho biết, nói là cảm giác mạnh nhưng kịch thì em cũng chỉ mới châm điếu thuốc, uống ly bia chứ ma túy, thuốc lắc thì tuyệt nhiên em chưa và cũng không bao giờ chạm đến.

Năm Huyền vừa bước chân vào cấp 3, một bước ngoặt cuộc đời khiến em rẽ ngang số phận, ấy là người mẹ mà em vẫn luôn kính trọng do túng quẫn trong kinh doanh đã bập vào ma túy và bị bắt khi đang giao hàng cho người ta. Sau giây phút tưởng như quỵ ngã, em đã dặn lòng mình phải đứng dậy để đối mặt với thực tế. Nhìn đứa em trai bé bỏng cùng mẹ khác cha bật khóc trong ngày mà chiếc xe tù chở mẹ từ TAND quận Hoàng Mai về Trại giam Phú Sơn, em thề với lòng mình là sẽ làm tất cả vì đứa em. Mẹ vào tù, những ánh mắt soi mói, kỳ thị bắt đầu chiếu vào em, ngay cả ở trên lớp học lẫn mỗi lần ra đường.

Ngày, em tỏ ra bình tĩnh và cứng rắn, nhưng mỗi khi đêm xuống đối diện một mình với đêm, Huyền đã khóc cạn nước mắt. Vũ Thu Huyền tâm sự, với em lúc nào cũng thèm cảm giác được quan tâm, thậm chí là thèm được mắng chửi hay đánh đập. Nhiều bữa, trở về thấy căn nhà trống huơ trống hoác cảm giác thiếu thốn tình cảm lại ập đến, bước chân vô định của em lại lẫm chẫm ra đi...

Ăn cắp để mua đồ chơi cho em khác cha

Biết một mình chẳng thể thay đổi được số phận, từ chỗ cam chịu Vũ Thu Huyền chuyển sang bất cần, hằn học. Rồi, trong sự rối ren của lý trí, những tiểu thư con nhà giàu vốn là bạn thân từ trước, nay trong mắt Huyền đều là những đứa con gái hư hỏng, được chiều chuộng quá mức. Sự ghen ghét, đố kỵ đã dẫn em đến con đường phạm tội, phạm tội mà em không hề ý thức được rằng mình đang tự đánh mất chính tương lai xán lạn đang chờ đón phía trước.

Ban đầu là nhằm vào những đứa bạn cùng lớp, em mượn chúng lúc thì máy ảnh, lúc laptop, có khi là điện thoại di động hoặc bất cứ thứ gì mà em thấy "ngứa mắt", khi chúng mang vào lớp. Mượn được rồi, thay vì trả lại em mang vào ký gửi tại các tiệm cầm đồ hoặc đem đi bán. Hết mượn, em chuyển sang lấy trộm, vẫn với những đứa con gái mà em cho rằng hư hỏng, được chiều chuộng quá mức và vẫn đúng thứ đồ quen thuộc ấy.

Huyền cay đắng nhớ lại: "Em chỉ nghĩ đơn giản là đang học sinh thì không nên dùng những thứ ấy. Với lại làm vậy để chúng bớt kiêu căng, ngạo mạn. Em làm vậy cũng không phải để lấy tiền tiêu pha gì cho bản thân mà toàn bộ số tiền có được em đều dành cả để mua quần áo, đường sữa và đồ chơi cho đứa em trai cùng mẹ khác cha. Em thương nó lắm...".

Rồi Huyền bị tố cáo tới cơ quan Công an, em bị bắt về tội lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và bị kết án 18 tháng tù, cho hưởng án treo. Trong khoảng thời gian ấy, được nhà trường tạo điều kiện, Huyễn vẫn cố gắng học và hoàn thành xong cấp ba.

Hết học, lại bị quản thúc vì án treo, Huyền chẳng biết đi đâu, làm gì nên thỉnh thoảng em lại theo chân lũ bạn "đổi gió".

Chính cách sống phóng khoáng của em cộng với cái dớp "mẹ nó vào tù vì ma túy" đã khiến cho nhiều người không có cảm tình gì với anh chị em Huyền. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do để khiến em phải thụ án tại Trại giam số 6. Đến lúc này, Huyền vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh cách đây chưa lâu, khi em bị bắt ngay cửa hàng điện tử chỉ cách nhà em mấy khu phố.

Hôm ấy, em dẫn đứa em trai đi mua máy ảnh, lúc cô bán hàng đang lúi húi tìm kiểu máy mà em thích thì cũng là khi đôi mắt Huyền tia đúng vào chiếc điện thoại di động (mà em vẫn chưa kịp biết đó là điện thoại gì, giá bao nhiêu tiền, chỉ nhớ là nó còn mới và rất đẹp). Như một sự vô thức, khi bàn tay em vừa vớ đúng chiếc điện thoại thì cô chủ cửa hàng cũng vừa ngước mắt lên và bắt gặp, chẳng cho em kịp có cơ hội giải thích, cô ấy đã la lên, rằng con bé này lại ngựa quen đường cũ, lại ăn cắp; rằng mẹ mày đang nằm trong tù mà mày vẫn không tỉnh ngộ à, vân vân và vân vân.

Đoạn, người ta dẫn em lên Công an phường, lật giở hồ sơ thấy cái án treo đang sờ sờ, em hết cơ hội thanh minh. Huyền kể, thực ra lúc đó em cũng không có ý định ăn cắp, chỉ muốn cầm lên xem vì thấy đẹp, với lại đi với em còn có đứa em mới 5 tuổi, làm sao em lại làm thế trước mặt nó được. Chắc người ta kỳ thị vì cái quá khứ chẳng mấy đẹp đẽ gì của em. Vẫn biết là không nên nghe cave kể chuyện, không nghe người nghiện trình bày nhưng rơi đúng vào trường hợp của Huyền, tôi vẫn chạm được niềm tin vào những lời em giải thích, dù có đôi phút mong manh…    

Giọt nước mắt muộn màng

Trong câu chuyện với chúng tôi, những giọt nước mắt của cô bé 18 tuổi đầu này đã rơi thật nhiều khi em kể về anh trai và các bác ở nhà. Huyền nghẹn ngào nhớ lại, trong những lúc như thế này em vẫn thấy hạnh phúc vì được các bác và anh trai luôn ở bên cạnh, động viên và an ủi em cải tạo tốt để nhanh chóng trở về.

Em còn nhớ mãi, hôm phiên tòa xử em, người anh trai đã bật khóc nức nở suốt từ đầu cho đến khi tuyên án, trong làn nước mắt giàn dụa, Huyền vẫn nghe văng vẳng câu nói "gắng cải tạo thật tốt để về với anh". Lần nào nhận được quà có tên của anh và các bác, em cũng khóc. Em khóc vì hạnh phúc và cả nỗi ân hận. Hạnh phúc vì trong sai lầm em vẫn được người thân dang rộng vòng tay để thứ tha, đón nhận. Còn ân hận vì đã phụ lòng tin của mọi người, phụ rẫy và chà đạp lên tình thương yêu vốn mong manh và thuần khiết ấy.

Trong câu chuyện với tôi, Huyền cũng nhắc đến người yêu của mình nhưng chỉ một lần duy nhất. Huyền kể, bọn em quen  nhau đã 5 năm, khi em vào trại thì anh ấy mới biết. Anh ấy tốt lắm, thỉnh thoảng cũng gọi điện động viên, an ủi em.

Lần mới đây nhất, anh ấy có bảo, luôn coi em như người em gái. Dù không nói ra nhưng em biết, anh ấy đã không đủ can đảm để chờ đợi em. Em chỉ còn biết cầu mong anh ấy luôn hạnh phúc...".

Tôi hỏi, sau khi ra khỏi trại giam, em đã tính đến sẽ làm nghề gì để kiếm sống chưa? Chỉ nghe vậy, đôi mắt Huyền chợt sáng lên. Em cũng đã nghĩ kỹ rồi, án em không phải là án dài, đam mê của em là thời trang. Ước mơ của em là sẽ mở một cửa hàng thời trang, cũng có thể là em sẽ học nghề trang điểm vì nghề này bây giờ đang thịnh. Em muốn có điều kiện để chuộc lỗi và chăm sóc đứa em trai, em rất thương nó...

Tĩnh Nhi
.
.
.