Vì sao Bộ Y tế có lệnh ngừng lưu hành Thiên Thanh Hoàn?

Thứ Năm, 01/07/2010, 18:41
Để làm rõ thực hư sự hợp tác giữa 3 nhà khoa học, GS.TSKH Đái Duy Ban, PGS.TS Lê Quang Huấn, TS Dư Đình Động, vấn đề bản quyền, tác dụng của Thiên Thanh Hoàn một cách khách quan nhất, chúng tôi đã tìm hiểu tại một số cơ sở cai nghiện của TS Động và trao đổi trực tiếp với ông. Cùng thời điểm này, trên các báo lớn như Nhân dân, Tuổi trẻ TPHCM, CSTC tuần đều đồng thời đăng tin, Bộ Y tế yêu cầu ngừng sản xuất và sử dụng thuốc cai nghiện Thiên Thanh Hoàn. Câu chuyện vẫn tiếp tục cần được làm sáng tỏ…

Vì người nghiện, buộc phải "đốt cháy giai đoạn"!

TS Động bắt đầu nghiên cứu bài thuốc Thiên Thanh Hoàn từ năm 2003, đến năm 2007 thì thử nghiệm trên người. Người tình nguyện đầu tiên là anh Ngô Quốc Hoàn, hàng xóm của ông. Theo cách nói của TS Động thì anh Hoàn đã "đốt" mấy mảnh đất vào heroin. Anh này đã đề nghị, "cho cháu uống luôn. Một sống, hai chết" bởi hàng ngày phải lệ thuộc vào heroin khác nào chết rồi, giả sử uống Thiên Thanh Hoàn mà chết thì cũng là bình thường.

Đến người thứ hai là anh Đỗ Hiếu, hiện là Chủ nhiệm CLB Thiên Thanh Hoàn, anh này nghiện cũng gần chục năm, cũng vài lần bán đất, mỗi ngày tốn từ 1-2 triệu đồng vào ma túy, đến nay đã cai nghiện thành công được 2 năm rưỡi và đang giúp những người có hoàn cảnh trước đây giống mình thoát khỏi kiếp nô lệ của ma túy.

Đã có lúc, TS Động còn nghĩ sẽ phối hợp với chính quyền cơ sở, đề nghị mượn trạm y tế của phường để "giải quyết" hết hơn 100 con nghiện ở phường Định Công. "Có lẽ, suy nghĩ này xuất phát vì đang trên đà "thắng thế"?", tôi hỏi. "Đúng là mình rất bức xúc, rất muốn làm sạch địa bàn bằng cách áp dụng ngay bài thuốc của mình", TS nói.

Thì ra, lúc đầu thử nghiệm trên người tình nguyện, vị TS này cũng không yêu cầu họ ký cam kết. "Đến người thứ bao nhiêu thì ông yêu cầu họ làm cam kết?" - tôi hỏi ông Động. "Đến người thứ mười mấy gì đó, vì chính những người từng tình nguyện trước đó "nhắc" tôi, họ nói nên yêu cầu làm cam kết. Từ đó đến nay đã có 1.500 người được uống Thiên Thanh Hoàn. Nếu nói rằng tất cả những người này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm thì 1.500 người đã uống thuốc là một con số lý tưởng để trả lời về hiệu quả của một công trình khoa học. Và tôi xin nói đến giai đoạn này thì là an toàn rồi. Thiên Thanh Hoàn không gây ra phản ứng phụ như đi ngoài, mệt mỏi như các thuốc hỗ trợ cắt cơn khác, người bệnh thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy. Thiên Thanh Hoàn giải quyết được việc đó, xóa được đường mòn phân tử, các mã hóa thông tin vào vùng não đặc biệt", TS Động cho biết.

Cũng theo ông Động, hiện 80% trong số 1.500 người tình nguyện đã cai nghiện thành công. Vậy còn 20% (300 người tái nghiện) là vì sao? Ông Động cho rằng: "Đó là do môi trường, bạn bè, xã hội và bản thân người nghiện ý chí kém. Người nghiện sau khi uống thuốc Thiên Thanh Hoàn hay bị tái nghiện trong 3 tháng đầu, đây là thời gian cơ thể đang phục hồi cơ quan sản xuất mooc-phin nội sinh.

Khi anh tiếp tục đưa ma túy vào thì cơ thể không sản xuất nữa khiến anh phải lệ thuộc vào ma túy bên ngoài". "Nghĩa là quan trọng nhất vẫn là ý chí, bản lĩnh của người nghiện?". "Đúng thế. Thiên Thanh Hoàn thực sự hiệu quả nếu trong vòng 3 tháng đầu sau khi uống thuốc, bệnh nhân cách ly được hoàn toàn với ma túy". Khi chúng tôi nêu vấn đề, liệu con số 80% không tái nghiện có chính xác thì ông Động cho biết, mỗi người tình nguyện đều để lại tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại. Tuy nhiên, dư luận vẫn có quyền hoài nghi tính xác thực của con số này bởi nó không được thực hiện độc lập với người sáng chế ra thuốc.

Khi chúng tôi đề cập đến việc, thuốc Thiên Thanh Hoàn chưa được "cấp phép" sản xuất và sử dụng thì TS Động cho biết, nếu đúng trình tự thủ tục thì phải mất 5-7 năm, khi đó sẽ nhiều người nghiện mất cơ hội được dùng thuốc. Vì người nghiện nên ông chấp nhận "đốt cháy giai đoạn". Cũng vì người nghiện vẫn tìm đến đề nghị được uống thuốc nên mặc dù Thanh tra Bộ Y tế đã yêu cầu ngừng sản xuất, sử dụng và đăng tin trên Internet trước ngày 16/4 nhưng chưa được thực hiện.

Theo ông Động, ông có tất cả 5 cơ sở ở Thanh Hoá, Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Ninh và Hà Nội. Người đứng ra "cai quản" các cơ sở này đều là người từng đoạn tuyệt với ma tuý nhờ Thiên Thanh Hoàn. Sau khi Thanh tra Bộ Y tế có yêu cầu dừng sản xuất, sử dụng, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã đến kiểm tra cơ sở cai nghiện bằng thuốc Thiên Thanh Hoàn tại địa bàn mình quản lý. Còn tại Hà Nội, ngày 17/5, khi chúng tôi đến cơ sở do anh Đỗ Hiếu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên Thanh Hoàn đứng đầu thì vẫn thấy nhận người đăng ký sử dụng mới và uống thuốc Thiên Thanh Hoàn theo lịch. Còn về số tiền 20.000.000đ thu của người cai nghiện một đợt uống thuốc (năm 2009 là 10.000.000 đ) thì TS Động cho rằng, "ông còn phải bù thêm vì thấp hơn so với chi phí".

Thiên Thanh Hoàn và BAHUDO là hai chế phẩm độc lập?

Trở lại việc Báo CAND nhận được đơn phản ánh của ông Ngô Văn Minh, ở TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình khi cho rằng, Thiên Thanh Hoàn là bản copy mờ của đề tài nghiên cứu chế phẩm BAHUDO chưa được công bố, chúng tôi đã chuyển nội dung phản ánh này đến TS Dư Đình Động và ngày 30/9/2009 nhận được văn bản phản hồi.

TS Động nêu: Nếu coi "Thiên Thanh Hoàn là bản coppy của đề tài nghiên cứu chế phẩm BAHUDO trong cai nghiện ma tuý chưa được công bố" thì bản chính của thuốc cai nghiện ma tuý là chế phẩm BAHUDO. Nếu vậy thì công dụng của chế phẩm này như thế nào? Đã chữa được cho ai khỏi bệnh chưa?...

Kết quả của việc nghiên cứu chế phẩm BAHUDO ở thời điểm "tay 3" đã đến mức cần phải coppy chưa? Chắc chắn là chưa (vì đã có gì đâu mà copy). Còn cái gọi là "bản sao mờ" (ý nói là Thiên Thanh Hoàn - PV) thì từ tháng 11/2007 đến nay có 555 người tình nguyện thử nghiệm thành công. Đây là bằng chứng cho thấy, Thiên Thanh Hoàn được nghiên cứu độc lập, tính an toàn và hiệu quả đã được khẳng định, được nhân dân tin dùng.

Ông Minh đã không biết hoặc không muốn biết tại sao, nhóm nghiên cứu "tay 3" có cam kết, biên bản làm việc... nhưng chưa có thành quả, rồi theo đề nghị của ông Đái Duy Ban, Lê Quang Huấn vào tháng 2/2007 thì dừng lại, các ông đã không thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình cho sự hợp tác ở giai đoạn này (tất cả chi phí đều do tôi chi trả). Sau khi độc lập nghiên cứu ra sản phẩm và đã thử nghiệm cai nghiện thành công cho một số người tình nguyện, tôi đã dẫn hai ông đến gặp họ và rồi sau đó hai ông (bằng lập luận ba người đã ký cam kết, cùng hội, cùng thuyền...) đã nhiều lần đề nghị tôi nói ra cách nghiên cứu bào chế thuốc. Tôi đã không đồng ý, bởi như thế là không công bằng, bởi đây không phải là sản phẩm chung của 3 người. Hai ông không có đóng góp tí gì về tài chính, công sức, trách nhiệm... vào sản phẩm Thiên Thanh Hoàn nên không có quyền mang cam kết ra để đòi hỏi quyền lợi.... Cái tôi sử dụng sản phẩm chung của giai đoạn có hợp tác nghiên cứu là rút kinh nghiệm từ thất bại đó mà tìm ra một lộ trình nghiên cứu mới để có được Thiên Thanh Hoàn.

Căn cứ vào tài liệu hiện có, chúng tôi chỉ ra tiến trình của sự hợp tác giữa 3 ông Ban, Huấn, Động để bạn đọc phân định. Thứ nhất, TS Động nêu, "tháng 2/2007, theo đề nghị của ông Ban, Huấn thì dừng lại". Trong báo cáo gửi lãnh đạo Viện Khoa học hình sự ngày 14/9/2009 về việc nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng thuốc cai nghiện ma tuý Thiên Thanh Hoàn, TS Động nêu: Giai đoạn bắt đầu nghiên cứu tiền khả thi từ năm 2003 đến tháng 1/2007. Giai đoạn này ông có mời hai nhà khoa học là Đái Duy Ban và Lê Quang Huấn (từ 21/8/2006 đến 12/1/2007), ở công đoạn chiết tách hoạt chất TTX từ cá nóc; giai đoạn nghiên cứu độc lập từ tháng 2/2007 đến nay. “Giai đoạn này không có sự tham gia của hai nhà khoa học nêu tên trên, chỉ có cán bộ, chiến sỹ Trung tâm giám định ma tuý do tôi chủ trì trực tiếp tiến hành. Kinh phí nghiên cứu hoàn toàn tự túc (cá nhân).

Thực tế, chúng tôi đã xin đăng ký đề tài khoa học độc lập cấp nhà nước vào ngày 31/7/2007 và đăng ký nhiệm vụ khoa học và công nghệ 2 năm 2008-2010 nhưng chưa được chấp nhận”. TS Động khẳng định, từ tháng 2/2007 đến nay là giai đoạn nghiên cứu độc lập (không có sự tham gia của ông Ban, ông Huấn) nhưng ngày 30/5/2008, giữa 3 ông vẫn có biên bản thoả thuận. Phải chăng đây là sự vô lý? Hoặc có thể điều này cho thấy, sự bất nhất trong giải trình của TS Động.

Biên bản thoả thuận này nêu: Giao Lê Quang Huấn chuẩn bị thuyết minh đề cương nghiên cứu năm 2008 và năm 2009-2010 cấp Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam để tiến hành thử nghiệm trên động vật; các thành viên trong Ban chủ nhiệm tiếp tục nghiên cứu cơ chế tác động của thuốc, các chỉ tiêu sinh hoá, các chức năng sinh lý của gan, thận, thần kinh, huyết học, hệ miễn dịch trên động vật trước và sau sử dụng thuốc để nghiệm thu đề tài cấp Viện Khoa học công nghệ Việt Nam và trình lên Hội đồng Y đức Bộ Y tế để xin thử nghiệm trên người; sau khi hoàn thành các nội dung trên, theo thoả thuận ban đầu của Ban chủ nhiệm, TS Dư Đình Động sẽ thay mặt nhóm tác giả đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước; Bản quyền tác giả sẽ thuộc: GS.TSKH Đái Duy Ban, TS Dư Đình Động, PGS.TS Lê Quang Huấn.

Hiện nay, TS Động vẫn khẳng định, Thiên Thanh Hoàn và BAHUDO là hai chế phẩm độc lập.

Giữa một loại thuốc chưa được phép sản xuất và sử dụng nhưng đã sản xuất và sử dụng (Thiên Thanh Hoàn) và một loại thuốc đang đề nghị bộ chuyên ngành cho phép thử nghiệm lâm sàng trên người sau khi có các kết quả thử nghiệm về độc tố và tác dụng dược lý (BAHUDO) có liên quan gì đến nhau? Câu trả lời thuộc trách nhiệm của cơ quan chuyên trách cùng sự giám sát của đơn vị có thẩm quyền. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một bài viết khác.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã ký Công văn số 2160/VPCP-KGVX ngày 2/4/2010 về việc kiểm tra và xử lý những vi phạm trong việc sử dụng thuốc hỗ trợ cắt nghiện ma túy Thiên Thanh Hoàn. Đại diện Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan thống nhất ý kiến, việc Tiến sỹ Dư Đình Động sản xuất, quảng bá và sử dụng thuốc Thiên Thanh Hoàn trong điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy trên người tình nguyện khi chưa được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành là vi phạm quy định của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, vi phạm Nghị định số 147/2003/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư Liên tịch số 15/2004/TTLT/BLĐTBXH-BYT của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội và Bộ Y tế về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép và quản lý hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện. Tuy nhiên, vì mục đích cộng đồng và vì đây là vấn đề nhạy cảm, ưu tiên trong nghiên cứu khoa học để đáp ứng chủ trương xã hội hóa, đa dạng hóa các thuốc, phương pháp điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy của Nhà nước, nên Thanh tra Bộ Y tế không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính của Chính phủ, mà yêu cầu Tiến sỹ Động chấm dứt việc sản xuất, sử dụng và thông tin về thuốc Thiên Thanh Hoàn trước ngày 16/4/2010.

Cao Hồng - Đinh Hiền
.
.
.