Vì sao hàng Việt yếu thế trên sân nhà?

Thứ Sáu, 10/12/2010, 16:01
Cùng loại hàng hóa, nhưng hàng Việt luôn có giá cao hơn từ 10-20%. Niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt đã tăng lên, song ở nhiều nơi, tỉ lệ tiêu thụ của hàng Việt mới chỉ đạt 15-20%. Chịu cảnh yếu thế trên sân nhà, nhưng trung bình hàng năm, giá trị xuất khẩu của hàng Việt vẫn đạt doanh thu khổng lồ, từ 60-70 tỉ USD...

Những con số tổng kết một năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" đã khiến các doanh nghiệp Việt phải nhìn lại, rằng, có đúng tâm lý sính ngoại cố hữu của người tiêu dùng đã làm hàng Việt mất chỗ đứng ở thị trường nội địa hay chính bởi khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp còn non kém? Trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang xâm nhập, chiếm lĩnh thị trường, hơn lúc nào hết doanh nghiệp Việt cần tìm lại thế "thượng phong" trên sân nhà.

Ủng hộ hàng Việt nhưng không phải ủng hộ bằng mọi giá

Theo bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công thương, thành công lớn nhất của cuộc vận động là bước đầu thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Báo cáo điều tra mới nhất của Công ty TV Plus cho thấy, đã có trên 58% người tiêu dùng quan tâm tới hàng Việt trong khi trước đây con số này chỉ dừng ở mức 23%. Trong nước, số doanh nghiệp có hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng tăng dần.

Năm 2008 có 485 doanh nghiệp thì đến giữa 2010 đã lên tới 776. Chủng loại hàng Việt trong các siêu thị đã chiếm đến 70-80%. Hàng Việt đã xuất hiện ở nhiều vùng nông thôn, miền núi khó khăn, giảm dần vị trí độc tôn của hàng Trung Quốc giá rẻ. Tính đến tháng 10/2010, Sở Công thương các tỉnh, thành phố đã tổ chức được 80 đợt bán hàng về nông thôn với 857 lượt doanh nghiệp tham gia, 1.124 gian hàng, thu hút hơn 4,7 triệu lượt khách mua sắm, đạt doanh thu gần 1.499 tỉ đồng.

Những chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã khiến doanh nghiệp Việt dần tìm lại chỗ đứng ở thị trường nội địa.

Riêng các khu công nghiệp, đã tổ chức được 24 đợt bán hàng cho công nhân với 477 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút trên 300.000 lượt khách... Tuy nhiên, thị phần của hàng Việt vẫn rất khiêm tốn, nhiều nơi chỉ đạt từ 15-20%. Trong các siêu thị, cửa hàng, vị trí bắt mắt nhất vẫn được dành cho hàng ngoại. Thị trường nông thôn chiếm tới 70% lượng tiêu thụ hàng hóa lại chưa thực sự được coi trọng. Ở nhiều vùng sâu, vùng xa, hàng Việt chưa tiếp cận được, đành "nhường sân" cho hàng Trung Quốc.

Người tiêu dùng Việt sẵn sàng ủng hộ hàng Việt nhưng không phải ủng hộ bằng mọi giá. Theo các chuyên gia, phần lớn người tiêu dùng mua hàng ngoại là bởi hàng Việt chất lượng thấp, giá quá đắt so với giá trị thực của nó, mẫu mã lại ít cải tiến. Không thể yêu cầu người tiêu dùng mua hàng Việt trong khi sản phẩm cùng loại, hàng ngoại giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn. Hơn nữa, không ít người tiêu dùng trong nước cảm thấy bị xúc phạm khi doanh nghiệp làm ra những sản phẩm tốt, chất lượng cao thì đem xuất khẩu, còn hàng lỗi, hàng kém chất lượng thì đưa về thị trường nội địa.

Thời gian qua, cũng đã xuất hiện hành vi lợi dụng chính sách kích cầu, khuyến khích tiêu dùng, lợi dụng chủ trương cuộc vận động để nhập hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ nội địa. Từ đầu năm tới nay, lực lượng QLTT cả nước đã xử lý 46.130 vụ vi phạm, trong đó có 9.463 vụ buôn lậu, 10.301 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả; 2.896 vụ vi phạm về đầu cơ, găm hàng, sai phạm về giá, thu nộp ngân sách 159,1 tỉ đồng.

Doanh nghiệp Việt rộng cửa phát triển thị trường nội địa

Thị trường cho hàng Việt đang rất rộng mở do Việt Nam có trên 87 triệu dân, trong đó 70% là dân số trẻ, thu nhập bình quân hàng năm đã đạt mức trên 1.000USD/người/năm. Sức mua của các tầng lớp dân cư liên tục tăng, năm 2005 là 7,1 triệu đồng, năm 2008 là 11,68 triệu đồng, năm 2009 bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, mức chi tiêu vẫn đạt 12,5 triệu đồng.

Việt Nam đang hình thành thế hệ khách hàng có sở thích mua sắm ngày càng sành điệu. Tỉ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực (Việt Nam là trên 70%, trong khi đó Singapore là 55,9%, Thái Lan là 67,7%...).

Doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội khi tiếp cận thị trường nội địa. Chính phủ đã có chủ trương duy trì sự ổn định của thị trường nội địa tới năm 2015, với mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ từ 11-15%, chỉ số giá hàng tiêu dùng tăng khoảng 5%/năm... Không những vậy, doanh nghiệp trong nước còn có ưu thế hơn doanh nghiệp nước ngoài ở chỗ hiểu thị trường, hiểu thị hiếu, thói quen, văn hóa tiêu dùng của người Việt.

Từ đó có thể dễ dàng quyết định chủng loại, số lượng, cách phân phối hàng hóa phù hợp. Có tới 85% người Việt Nam vẫn chọn kênh phân phối truyền thống (chợ, điểm buôn bán nhỏ lẻ...) trong khi doanh nghiệp ngoại chủ yếu phát triển kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị...).

Niềm tin của người tiêu dùng trong nước với hàng Việt rất khả quan, nhưng để doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh được thị trường thì vẫn là bài toán không đơn giản.

Người tiêu dùng chưa được bảo vệ

Doanh nghiệp kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt song bản thân người tiêu dùng lại chưa được quan tâm, bảo vệ quyền lợi. Cuộc điều tra, khảo sát của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho thấy, có tới 65% số người được hỏi cho rằng họ đã từng mua phải hàng giả, hàng nhái. Điều này cho thấy người tiêu dùng không hài lòng với chất lượng sản phẩm trong nước.

Khi có phàn nàn về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, 49% số người cho rằng doanh nghiệp đồng ý đổi lại hàng hóa, 31% cho rằng doanh nghiệp không giải quyết khiếu nại, 20% trả lại tiền. Có tới 45% số người cho rằng, khi giải quyết việc khiếu nại, doanh nghiệp tỏ ra rất khó chịu, chỉ có 33% số người được hỏi nói rằng doanh nghiệp tỏ ra vui vẻ, 22% nói doanh nghiệp không tỏ thái độ gì. Mặc dù đã có nhiều văn bản pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng việc qui trách nhiệm không rõ ràng, nên khi xảy ra vụ việc, khách hàng hoang mang không biết phải tìm đến đâu để giải quyết.

Bà Phạm Chi Lan.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan: Vì thuế, doanh nghiệp Việt thích xuất khẩu hơn là bán hàng trong nước. Không ít ý kiến phàn nàn về chuyện, các doanh nghiệp Việt chỉ chú trọng thị trường xuất khẩu (hàng năm xuất khẩu đạt mức 60-70 tỉ USD), trong khi lại chưa thực sự quan tâm tới thị trường nội địa nên mất vị thế ngay trên sân nhà. Tôi nghĩ, thực tế này cũng dễ hiểu, chúng ta không thể trách các doanh nghiệp. Vấn đề mấu chốt của kinh doanh là lợi nhuận.

Hiện nay, ở Việt Nam, xuất khẩu được miễn trừ thuế, nếu phải nhập nguyên liệu đầu vào thì được hoàn lại thuế, trong khi đó nếu tiêu thụ nội địa lại không được hoàn thuế. Hầu hết sản phẩm của Việt Nam đang phải nhập nguyên liệu đầu vào, với các tính thuế hiện nay, đem so sánh, doanh nghiệp thấy tiêu thụ trong nước không mang lại lợi nhuận so với xuất đi nước ngoài nên việc chỉ chú trọng thị trường xuất khẩu là điều khó tránh khỏi. Ở nhiều phương diện, doanh nghiệp Việt còn chưa thực sự được tạo điều kiện. Chẳng hạn như, có nhiều dự án, chúng ta đưa ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe khiến doanh nghiệp trong nước không thể thắng thầu, đành chịu thất thế trước doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Lê Xuân Bá.
Ông Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương: Nhà nước là người tiêu dùng lớn nhất, Nhà nước phải làm gương. Muốn người Việt ủng hộ hàng Việt thì hàng hóa trong nước phải có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lí, kênh phân phối tốt, chính sách hậu mãi sau bán hàng chuyên nghiệp...

Cần phải thấy rằng, người tiêu dùng lớn nhất là Nhà nước, hàng năm chiếm tới 40% tổng sản phẩm tiêu dùng. Để cuộc vận động phát huy tới mọi tầng lớp xã hội, trước hết, Nhà nước cần phải làm gương, ưu tiên chi tiêu cho mua sắm hàng trong nước. Không thể vận động mọi người dùng hàng Việt trong khi bản thân người đi vận động vẫn đang xài hàng ngoại.

Bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Dược Traphaco: Doanh nghiệp nội gặp khó vì bị hạn chế chi phí xúc tiến thương mại. Quảng cáo vẫn là kênh chủ đạo để thông tin về sản phẩm của doanh nghiệp đến được với người tiêu dùng. Doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn lớn so với doanh nghiệp nước ngoài do bị hạn chế về chi phí xúc tiến thương mại (chi phí dành cho quảng cáo). Chi phí này đã được điều chỉnh từ 7% lên 10%.

Tuy nhiên, với giá quảng cáo trên truyền hình cũng như báo giấy tăng rất nhanh thời gian quá, nếu cứ ép doanh nghiệp trong một khuôn khổ chi phí nhất định thì chẳng khác nào trói chân họ. Doanh nghiệp có thể chi nhiều tiền hơn cho quảng cáo nếu như họ có đủ tiềm lực.

Lâm Khánh Vy
.
.
.