Võ sư, NSND Lý Huỳnh: "Báo đen" Chợ Lớn không tiếp tay cho cái ác

Thứ Ba, 15/06/2010, 15:34
Người võ sư nổi tiếng một thời và được mệnh danh là "Báo đen" này tâm niệm rằng, chọn người truyền võ cũng là một công đoạn khó khăn như việc học võ. Chọn sai đó có thể là một tội ác.

Lý Huỳnh kể rằng ông đến với võ sư Hai Yến năm ông 12 tuổi: "Tôi lúc đó tướng tá được cái to con hơn đám bạn cùng lứa, được cái hiền lành, ngoan ngoãn nên thầy chọn. Về sau, chính thầy nói tôi biết đó là một quyết định lâu dài và qua một thời gian quan sát tôi thật kĩ. Từ đó, những bài học về đạo võ, về cách chọn nhân tài võ thuật hình thành trong tôi một cách kĩ lưỡng".

Ông kể rằng, cách chọn võ sinh tốt nhất là nhìn cách họ thắp nhang bái sư phụ. Tính khí mỗi người thể hiện qua sự thành kính hay không bên cạnh cách xem tướng học nữa. Từ sự phân loại đầu tiên đó, ông lên một giáo án đặc biệt để mỗi người truyền dạy những cách khác nhau. Ông kể về một giai thoại mà bất cứ ai theo nghiệp võ đều biết.

Đó là câu chuyện về một võ sinh vì nghi ngờ thầy chưa truyền hết võ công cho mình mà cầm dao đứng chặn đường thầy về và yêu cầu thầy phải dạy hết. Người võ sinh đã dùng dao chém thầy đầy tà ý và người thầy tránh được. Vị sư phụ bèn ra hiệu rằng nếu muốn học hết võ của thầy hãy chém đứt đôi chiếc dù gỗ mà ông cầm trên tay.

Vị võ sinh thấy quá đơn giản và ra tay ngay, chiếc dù bị đứt lìa làm hai và phần dưới của cán dù đã đâm xuyên qua người học trò bất nghĩa kia. Đó chính là thế võ cuối cùng mà người thầy muốn học sinh phải học và nó đã được trả bằng tính mạng.

Lý Huỳnh cho rằng, tất cả các vị võ sư hầu như không bao giờ truyền hết miếng của mình cho học trò bởi biết đâu một ngày học trò phản trắc thì người thầy vẫn còn những miếng võ cuối cùng để trị và càng cần thiết hơn nếu đó là những môn sinh không biết đâu là trung là nghĩa chỉ vì sự hiếu thắng mà mờ mắt.

Lý Huỳnh nói rằng ông muốn truyền võ cho những người sẽ sử dụng nó như một thứ rèn luyện sức khỏe, bảo vệ cứu người hơn là huênh hoang ta đây. Cũng trong câu chuyện về võ đạo đó, Lý Huỳnh kể rằng ông đã có một đồ đệ từ chuyện… thách đấu. Đó là những năm trước giải phóng, có một võ sư đã đến võ đường ở chợ Bình Thới, quận 11 của ông để thách đấu ông.

Ông từ tốn nói rằng, nếu để học hỏi giao lưu thì không sao, còn nếu thách đấu so tài cao thấp thì ông không muốn. Nhưng, người võ sư kia cứ nhất quyết đòi đấu và cuối cùng Lý Huỳnh đã hạ kẻ thách đấu chỉ bằng một cú đá bằng mu bàn chân vào má phải khiến người đó ngã bất tỉnh tại chỗ. Khi tỉnh dậy, vị võ sư kia đã bái Lý Huỳnh làm sư phụ và từ đó từ bỏ ý định so tài cao thấp với người tài trong thiên hạ.

Lý Huỳnh vẫn tâm đắc rằng học võ để cứu người hơn là đánh người và ông đã thực thi điều đó khá nhiều như cách mà chúng ta vẫn thấy trong những bộ phim chưởng về anh hùng hảo hán. Ông kể rằng trong một lần đến nhà đạo diễn Nguyễn Hồng Sến chơi, đi ngang qua con đường Lý Thường Kiệt, ông thấy một đám thanh niên mười mấy người đang đánh hội đồng một người. Ông đỗ xe và vào can ngăn.

Cái hay của Lý Huỳnh là ông ý thức rất rõ sức mạnh của những thế võ của ông, nếu dùng hết lực có thể sẽ gây đối thủ trọng thương nên trong những lần "giữa đường thấy chuyện bất bình mà tha" đó, ông chỉ dùng những thế võ đơn giản nhất để giải vây mà thôi, đó có thể là những động tác khóa tay hoặc xô ngã đối phương. Ở những lần khác, có thể đó chỉ là một cú bóp vai hoặc điểm huyệt là người hành hung đã phải quy hàng.

Ông hiểu rằng với những người không học võ thì chỉ cần ông ra đòn mạnh là cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Điều đó ông học được từ những ngày tập luyện thuở thiếu thời bởi đã có những trận đấu ông đã từng xem, quan tài được để sẵn để chờ người thua "sở hữu". Đó là điều ông không bao giờ muốn chính bởi thế trong cả thảy 12 trận đã thượng đài của mình, Lý Huỳnh không bao giờ đánh nếu đối thủ đã ngã: "So tài cao thấp chứ không phải triệt hạ đối thủ" - ông cho biết.

Cũng vẫn là câu chuyện về "Cao nhân đắc hữu cao nhân trị" đó, Lý Huỳnh đã truyền đạt một cách thấm nhuần cho môn sinh của mình, trong đó phải kể tới võ sư Lý Huỳnh Cường - một võ sư tên tuổi đã từng thượng đài 14 trận toàn thắng thời trước giải phóng.

Để chuẩn bị cho trận đấu với một võ sĩ bên Lào, Lý Huỳnh yêu cầu Lý Huỳnh Cường (tất cả các học trò thân thiết của Lý Huỳnh đều được bắt đầu bằng họ Lý - PV) tập luyện thật chăm chỉ chờ ngày lên đài nhưng người học sinh cao đạo kia không nghe và nghĩ rằng mình đã tập luyện đủ. Không còn cách nào khác, Lý Huỳnh nói rằng nếu con đã thấy đủ thì đấu với thầy một trận, nếu hạ được thầy tức là đã đủ thực sự và không cần phải tập luyện nữa.

Sức trẻ và hiếu thắng, Lý Huỳnh Cường nhận lời ngay và cũng chỉ một cước của Lý Huỳnh vào mặt là Lý Huỳnh Cường nằm im tại chỗ. Những bài học như thế giờ đang được Lý Huỳnh truyền đạt lại cho 3 đứa cháu nội và 6 đứa cháu ngoại của mình sau khi đã dạy cho bố mẹ chúng. Một sự tiếp nối đầy tự hào của người nghệ sĩ xuất thân nghiệp võ nức tiếng này.

Võ thuật là sự nghiệp cả đời của Lý Huỳnh, điều đó chứng tỏ qua việc ông có tới 3 sư phụ. Võ sư Hai Yến là người đưa ông đến với nghiệp võ bằng những thế võ cổ truyền. Võ sư Huỳnh Đạt Dân là người đã đưa ông đến với sàn đấu quyền anh. Sau giải phóng, ông tiếp tục bái võ sư Huỳnh Tuyền làm sư phụ để truyền dạy cách sử dụng binh khí trong võ thuật.

Tất cả những điều đó đã được Lý Huỳnh đưa vào phim ảnh qua 22 bộ phim ông làm chỉ đạo võ thuật. Với ông, điện ảnh là cách tốt nhất để quảng bá về võ thuật Việt Nam. Ông tự hào cho rằng võ thuật Việt Nam không hề thua kém bất cứ nền võ công nào khác và một trong những hối tiếc lớn nhất đời ông chính là trận thượng đài năm xưa giữa ông và Lý Tiểu Long đã không thể thành hiện thực.

Bằng niềm tự hào đó, ông khẳng định: "Lý Tiểu Long có thể múa võ đẹp qua những bộ phim nhưng khi thượng đài thì chưa biết ai hơn ai"

Hiểu Thư
.
.
.