Bác Hồ với quyết định "Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt"

Vụ án Trần Dụ Châu, bài học không chỉ cho ngày hôm qua…

Thứ Tư, 25/08/2010, 16:00
Cách nay gần 60 năm, ngày 5/9/1950 tại chiến khu Việt Bắc diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Đó là vụ án Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ và làm nhiều điều bỉ ổi.

Có thể nói đây là vụ án tham nhũng điển hình xảy ra trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, quân và dân ta còn gặp muôn trùng khó khăn, ăn đói, mặc rét nhằm đẩy mạnh công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì việc đưa vụ án này ra xét xử công khai trước công đường không chỉ vạch trần các hành vi tham nhũng, sa đọa của kẻ phạm tội mà còn là lời cảnh tỉnh cho những kẻ coi thường pháp luật, tham ô trộm cắp… tài sản Nhà nước, sống sa đọa đang nhởn nhơ ở ngoài xã hội. Kết thúc phiên tòa, hai bị cáo trong vụ án này là Trần Dụ Châu và Lê Sỹ Cửu bị tuyên phạt với mức án cao nhất - tử hình.

Bản án đã nhanh chóng báo cáo lên Hồ Chủ tịch. Sau khi cân nhắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu. Quyết định xử tử hình Trần Dụ Châu của Bác thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và đã được nhân dân đồng lòng ủng hộ.6 giờ chiều hôm sau, Trần Dụ Châu đã bị đưa ra trường bắn trước sự chứng kiến của các cán bộ Bộ Tư pháp, Nha Công an Trung ương, Cục Quân nhu và một số cơ quan khác.

Xã luận Báo cứu quốc ra ngày 27/9/1950 đã khẳng định: "Trong tình thế kháng chiến và trong giai đoạn quyết liệt hiện nay, vụ án Trần Dụ Châu có một ý nghĩa lớn lao. Nó làm toàn thể nhân dân bằng lòng và thêm tin tưởng ở chính quyền và đoàn thể nhân dân.

Nhân dân đã thấy rõ: Chính quyền và đoàn thể không bao giờ dung túng một cán bộ nào làm bậy, dù cán bộ cao cấp đến đâu đi nữa. Vụ án này còn làm vui lòng tất cả những cán bộ quân nhu ngay thẳng, chí công vô tư, đã không để Trần Dụ Châu lôi cuốn. Nó đã cho chính quyền và đoàn thể ta nhiều kinh nghiệm trong việc dùng cán bộ, giáo dục và kiểm soát cán bộ".

Xã luận Báo Cứu quốc cũng nhấn mạnh: "Có người e ngại: Chúng ta mở toang vụ án này, công khai vạch rõ những tội lỗi nhơ bẩn của Trần Dụ Châu và bè lũ có thể làm một số dân chúng chê trách, hay kẻ địch bám vào đấy để nói xấu chính quyền, đoàn thể ta. Không! Chúng ta không sợ phê bình và tự phê bình những khuyết điểm của ta. Chúng ta khác bọn phản động và hơn hẳn chúng ở chỗ đó. Đấy là một sự khuyến khích nhân dân thẳng thắn, phê bình những sai lầm của cán bộ, của chính quyền, đoàn thể vì họ đã hiểu chính quyền, đoàn thể ta là chính quyền, đoàn thể của họ và họ nhất định không tha thứ những kẻ nào đi ngược quyền lợi của họ".

Trở lại những hành vi phạm tội của Trần Dụ Châu và đồng bọn, kết quả điều tra cho hay: Trần Dụ Châu, SN 1906, tại một tỉnh ở miền Trung nước ta. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Châu hoạt động trong Nha Hỏa Xa và Hội công nhân cứu quốc Hỏa Xa. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Trần Dụ Châu được điều ra Bắc và được giao nhiệm vụ di chuyển một kho hàng gồm gạo và muối từ Vân Đồn (Hà Đông) đưa lên Việt Bắc để phục vụ cho công cuộc kháng chiến cứu quốc.

Là một người tháo vát và năng động lại có đầu óc kinh doanh, Trần Dụ Châu được tín nhiệm điều vào làm việc ở Cục Quân nhu. Phải thừa nhận rằng, thời gian đầu làm việc tại đây, Trần Dụ Châu đã hoàn thành các công việc được giao, góp phần cung cấp lương thực, thực phẩm và các trang thiết bị cho bộ đội. Do vậy chỉ sau một thời gian không dài, Trần Dụ Châu đã được phong quân hàm Đại tá và được bổ nhiệm làm Giám đốc Nha Quân nhu.

Đáng ra ở cương vị ấy, Trần Dụ Châu phải ý thức được trách nhiệm lớn lao của mình, tiếp tục có những cống hiến cho cách mạng, nhưng không, sau ngày được giao quyền cao, chức trọng, nắm trong tay một khối lượng lớn tài sản và tiền bạc, lợi dụng cơ chế kiểm tra, kiểm soát thời đó còn lỏng lẻo và thiếu kinh nghiệm, không tự rèn luyện bản thân đã dẫn Trần Dụ Châu đi vào con đường ăn chơi trụy lạc, tham ô, nhận hối lộ, cố ý làm trái các quy định của Đảng, Chính phủ khiến cho một khối lượng lớn tài sản, tiền bạc của Nhà nước bị thất thoát và chiếm đoạt.

Nhà báo Hồng Hà, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân và nguyên là phóng viên Báo Cứu quốc, người được giao theo dõi và tường thuật phiên tòa xét xử vụ án Trần Dụ Châu đã cho biết: Tại phiên tòa, trước những chứng cứ đanh thép, Trần Dụ Châu đã phải cúi đầu nhận tội. Cụ thể, Châu đã lấy cắp của công quỹ một số tiền lớn: 57.959 đồng Việt Nam, 149 đô la Mỹ, các tài sản khác trị giá 143.900 đồng Việt Nam.

Giải thích thêm, nhà báo Hồng Hà nói: "Giá gạo ở Thái Nguyên - Bắc Cạn vào thời điểm năm 1950 là 50 đồng/1 kg; còn chiến sĩ ta mỗi ngày chỉ được cấp vài lạng gạo và hơn 10 đồng tiền thức ăn. Ngoài ra Châu còn nhận hối lộ khá nhiều tiền chuyên quyền, độc đoán, sống sa đọa, đồi trụy".

Kết quả điều tra còn cho biết: Ngày ấy theo yêu cầu của Châu, trạm tiếp liệu thu - đông 49, các kho số 1, số 4 và số 10 thường xuyên phải cống nộp cho Trần Dụ Châu một số tiền và hiện vật: Như rượu, đồ hộp, thuốc lá… Trần Dụ Châu đã sử dụng số tiền bạc và tài sản ấy để tiêu xài cá nhân và bao gái. Nhiều lần người ta thấy Châu sử dụng xe công để đưa gái về Bắc Kạn ăn chơi.

Trong cuộc sống, hàng ngày, Trần Dụ Châu còn quan hệ bất chính với một nhân viên dưới quyền. Để che lấp dư luận, Trần Dụ Châu đã tự ý bổ nhiệm cô gái này vào chức vụ "bí thư văn phòng" của Nha Quân nhu, nhưng lại làm việc cùng buồng và ăn ngủ cùng nhà. Các cán bộ điều tra vụ án này trong quá trình thu thập chứng cứ đã thu được cuốn nhật ký của cô "bí thư văn phòng" Nha Quân nhu, trong đó có gần 100 bức ảnh lãng mạn mà cô chụp chung với Trần Dụ Châu.

Có một vụ việc xảy ra ở văn phòng Nha Quân nhu thời ấy đến nay vẫn còn lưu giữ trong trí nhớ của một số người. Đó là trận đánh ghen ầm ĩ giữa cô "bí thư văn phòng" Nha Quân nhu với một cô gái khác mà Trần Dụ Châu thường giới thiệu với mọi người là cô "em nuôi" của y. Chả là trước đó vài tuần, cô "bí thư văn phòng" Nha Quân nhu được cử đi dự lớp tập huấn ở tỉnh Phú Thọ. Kết thúc lớp tập huấn, cô trở về cơ quan thì vô tình bắt gặp cô "em nuôi" của Trần Dụ Châu đang ăn nằm tại buồng riêng của Châu. Thế là trận đòn ghen nổ ra gây dư luận xấu trong và ngoài Nha Quân nhu. Sau lần ấy, dư luận về lối sống sa đọa cùng với những hành vi tham nhũng của Trần Dụ Châu đã đến với các ban, ngành chức năng đang đóng đô ở chiến khu Việt Bắc.

Nhiều người không chỉ viết đơn tố giác mà còn vượt qua một chặng đường dài để đến gặp và cung cấp các tư liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội của Trần Dụ Châu cho các cán bộ điều tra. Tài liệu trong hồ sơ về vụ án tham nhũng này mỗi lúc một dày thêm. Mở rộng công tác điều tra còn được biết: Đồng hành với Trần Dụ Châu còn có Lê Sỹ Cửu, một tay chân đắc lực nhất của Trần Dụ Châu. Lê Sỹ Cửu, kém Châu 10 tuổi, mồ côi cha và mẹ từ năm lên 8 tuổi. 12 tuổi hắn ra Móng Cái làm thuê cho một nhà buôn Hoa Kiều. Lớn lên tham gia buôn thuốc phiện theo tuyến Móng Cái - Hải Phòng.

Sau ngày Cách mạng Tháng 8 thành công, Lê Sỹ Cửu trở về miền Trung xin vào làm việc ở một cơ quan, sau đó bị đuổi. Cửu quay ra Bắc và gặp Trần Dụ Châu. Biết nhân thân của Cửu là một người không tốt, nhưng Châu vẫn giới thiệu Cửu vào làm việc ở Ban Vận tải Quân giới. Một thời gian sau Cửu lại vi phạm kỷ luật và bị thải hồi. Sau lần ấy, Cửu mò lên Cao Bằng kiếm ăn. Tại đây, tháng 8/1947 Lê Sỹ Cửu gặp lại Trần Dụ Châu và được Châu đưa vào làm việc ở Nha Quân nhu, làm nhân viên tiếp liệu ở địa bàn tỉnh Cao Bằng. Trong thời gian làm việc ở đây, nhờ Trần Dụ Châu che chở, Lê Sỹ Cửu đã trở mặt lộng hành, lấy cắp tiền công quỹ, ăn chơi sa đọa.

Nghe tiếng xấu về Lê Sỹ Cửu rộ lên ở nhiều nơi, Trần Dụ Châu vội điều Cửu về một tổ chức mới do Châu tự lập ra. Đó là "Ban thế phẩm đay" và bổ nhiệm Cửu giữ cương vị là Trưởng ban. Để che lấp dư luận, Trần Dụ Châu lý giải rằng, đây là nơi chuyên lo các đồ mặc mùa đông cho bộ đội. Từ nay các chiến sĩ của ta không phải lo đến cái rét ở núi rừng nữa. Một vài người tưởng thật, nào ngờ đó lại là một mánh khóe của Trần Dụ Châu nhằm dễ bề ăn cắp tài sản của nhà nước. Các kết quả điều tra đã vạch trần bộ mặt thật của Trần Dụ Châu. Tại đây, Châu và đồng bọn đã lấp cắp 3/4 số tiền mà cấp trên đã phát cho Ban Thế phẩm đay. Chiếm đoạt số tiền này, Trần Dụ Châu giao cho Lê Sỹ Cửu đi buôn lậu. Lê Sỹ Cửu khai: Mỗi khi đi mua vải về cho ban, Cửu đã nâng giá thêm từ 20 đến 25 đồng một tấm vải để lấy tiền bỏ túi cá nhân. Bằng thủ đoạn này, một chuyến được giao đi mua vải, Cửu kiếm được 50 vạn đồng Việt Nam.

Còn khi xuất vải để giao cho cơ sở nhuộm, Cửu chỉ tính tấm mà không tính mét vuông và cho xẻ đôi các tấm vải dài để nhuộm. Do vậy khi nhận lại đã dôi ra 1.225 tấm, Lê Sỹ Cửu bỏ túi 66 vạn đồng. Thời điểm ấy, người bán vải thường giao tận kho của Nha Quân nhu không tính tiền vận chuyển, nhưng khi quyết toán Lê Sỹ Cửu tính cả tiền cước phí vận chuyển. Một chi tiết khác mà các cán bộ điều tra có được là khi nhà thầu lĩnh hàng thì phải cung cấp đủ khuy, cúc, nhưng Lê Sỹ Cửu lại tính với ban tiền khuy, cúc. Với 2 hành vi tham nhũng nói trên, Lê Sỹ Cửu đã lấy cắp được của nhà nước 4 vạn đồng. Ngoài ra Lê Sỹ Cửu còn cho khắc một con dấu giả Nha Quân nhu để cấp cho một số đối tượng buôn lậu. Mỗi lần như thế, Cửu được các đối tượng này hối lộ cho 2 vạn đồng.

Bằng những việc làm bất chính nói trên, Lê Sỹ Cửu giàu lên rất nhanh. Hắn ăn chơi sa đọa không kém quan thầy của mình là Trần Dụ Châu. Khai trước cán bộ điều tra, Lê Sỹ Cửu đã thú nhận: Hàng tháng Cửu hối lộ đều đặn cho Trần Dụ Châu 40 vạn đồng.

--PageBreak--Những việc làm tội lỗi của Trần Dụ Châu và Lê Sỹ Cửu không thể che mắt được mọi người. Tại nhiều cuộc họp chi bộ cũng như các đợt sinh hoạt chính trị khác, những việc làm xấu xa, bỉ ổi của Trần Dụ Châu đã được đưa ra phê bình, kiểm điểm. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đất nước đang bộn bề với biết bao công việc của cuộc kháng chiến kiến quốc, điều kiện đi lại, thông tin liên lạc khó khăn, các đơn vị đóng quân lại phân tán và ở xa cơ quan đầu não do vậy việc vạch trần tội phạm của hai đối tượng này chưa kịp thời và triệt để.

Trong khi đó, một số cán bộ đảng viên trong Nha Quân nhu dám đấu tranh vạch mặt Trần dụ Châu thì bị bọn chúng tìm cách đẩy đuổi đi nơi khác. Thậm chí Trần Dụ Châu còn cho tay chân viết thư mạo danh gửi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vu cáo trắng trợn rằng: "Họ là những kẻ phá hoại, chia rẽ quân đội". Nhưng rồi "cái kim ở trong bọc lâu ngày cũng bị lòi ra". Việc làm của chúng dù có tinh vi, xảo quyệt đến đâu cũng không che giấu nổi các cán bộ của cơ quan điều tra. Chúng đã bị bắt giữ và đưa ra xét xử.

Tại phiên tòa đặc biệt xét xử vụ án Trần Dụ Châu diễn ra tại chiến khu Việt Bắc, Thiếu tướng Trần Tử Bình, ngồi ghế công tố đọc bản cáo trạng, ông nhấn mạnh: "Trong tình thế ta gấp rút chuẩn bị tổng phản công, mọi người đang nai lưng buộc bụng tích cực phục vụ kháng chiến. Quân đội ta đang hy sinh để đánh trận mở màn cho chiến dịch mới, thì tôi thiết tưởng mà cũng là lời yêu cầu tòa dùng những luật hình sẵn có để xử Trần Dụ Châu và theo chỉ thị của vị Cha già dân tộc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) là cán bộ phải cần, kiệm, liêm, chính… Để làm gương cho cán bộ và nhân dân, để cảnh tỉnh những kẻ đang miệt mài nghĩ những phương kế để xoay tiền Chính phủ, để trừ hết loài sâu bọ ăn cắp công quỹ, tham ô dâm đãng… Bản án mà tòa sắp tuyên sau đây phải là bài học đạo đức cách mạng cho mọi người. Nó sẽ làm cho lòng căm phẫn của nhân dân được thỏa mãn, làm cho nhân dân thêm tin tưởng, nỗ lực, hy sinh cho cuộc toàn thắng của nước nhà".

Bản án dành cho Trần Dụ Châu và Lê Sỹ Cửu được dư luận quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ và khích lệ cán bộ, chiến sỹ không chỉ ở Nha Quân nhu mà còn ở các mặt trận. 11 ngày sau ngày đưa Trần Dụ Châu ra xử bắn ở pháp trường, hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ quân nhu tận tuỵ và anh dũng đã vượt qua nhiều khó khăn và thử thách cam go kịp thời đưa ra mặt trận hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, quân trang… phục vụ đắc lực cho các trận đánh ở Chiến dịch Biên giới, đặc biệt là trận đánh tiêu diệt địch ở Đông Khê, mở đầu cho chiến dịch có quy mô lớn, giải phóng nhiều tỉnh khu vực biên giới Việt - Trung, tạo bước ngoặt quan trọng để quân và dân ta làm nên "Chiến thắng Điện Biên, lừng lẫy địa cầu".

Kết thúc bài xã luận "Nhân vụ án Trần Dụ Châu", Báo Cứu Quốc ra ngày 17/9/1950 đã nhấn mạnh "Cái chết nhục nhã của Trần Dụ Châu còn là một lời cảnh cáo những kẻ lén lút đang tính chuyện đục khoét công quỹ của Chính phủ, trục lợi của nhân dân. Tất cả những bọn ấy hãy coi chừng dư luận sắc bén của quần chúng và luật pháp nghiêm khắc của Nhà nước nhân dân! Chúng ta phải thẳng tay vạch mặt và trừng trị những bọn ấy, những kẻ tham ô, hoang phí, những kẻ mưu sống phè phỡn trên mồ hôi, nước mắt của người khác, để tiến tới xây dựng một nền tảng chính quyền nhân dân thật vững vàng. Đây không phải là việc riêng của Chính phủ, của đoàn thể mà đấy là bổn phận của tầng lớp đông đảo quần chúng nhân dân chúng ta".

Thực ra không phải đến thời điểm xảy ra vụ án Trần Dụ Châu, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh mới nhìn nhận, đánh giá cũng như mới có quyết định nghiêm khắc với các đối tượng có hành vi tham nhũng, tha hoá đạo đức mà ngay sau ngày Cách mạng Tháng 8 thành công, Nhà nước dân chủ nhân dân được thành lập, Bác Hồ của chúng ta đã chỉ ra những hiện tượng tiêu cực, lợi dụng tình hình "đục nước béo cò" mưu cầu lợi ích cá nhân, gây oán thán trong dân, làm sứt mẻ lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.

Vì vậy, ngay từ ngày 23/11/1945, tức là sau hơn hai tháng kể từ khi đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt với nhiệm vụ giám sát tất cả công việc và nhân viên của các UBND và các cơ quan của Chính phủ. Tiếp đó Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ký sắc lệnh bổ nhiệm vào Ban Thanh tra đặc biệt này những vị vừa có tài, vừa có đức, có uy tín với nhân dân.

Một năm sau, vào ngày 27/11/1946, thời điểm mà Hồ Chủ tịch chuẩn bị ra lời kêu gọi “Toàn quố kháng chiến”; trong hoàn cảnh lịch sử ấy Bác Hồ vẫn ký Sắc lệnh số 223 về việc  "Xử phạt đối với tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ, biển thủ công quỹ hoặc của công dân". Có thể nói đây là đạo luật chống tham nhũng đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Sắc lệnh này chỉ có 5 điều với hơn 300 chữ nhưng đã hội đủ những nội dung  cơ bản của cuộc đấu tranh chống tham nhũng và thể hiện tính nghiêm minh của một nhà nước pháp quyền dân chủ nhân dân. Việc đưa vụ án Trần Dụ Châu ra xét xử là một trong những minh chứng sinh động về tư tưởng chủ đạo của văn bản pháp luật này.

Đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng việc tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên phải thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống quan liêu và xa rời quần chúng nhân dân. Theo Bác, thực hành tiết kiệm không phải là bủn xỉn, "không phải xem đồng tiền to bằng cái nong", gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép mọi người nhịn ăn, nhịn mặc; trái lại, cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, để dần dần nâng cao mức sống của nhân dân; tiết kiệm để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, để cải thiện đời sống nhân dân.

Bác coi thực hành tiết kiệm là một quy luật đi lên của một đất nước, một phương pháp của chế độ kinh tế, không phải chỉ nước nghèo mới thực hành tiết kiệm mà cả nước giàu cũng phải tiết kiệm. Người còn chỉ rõ: "Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm chính là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ".

Đương thời Bác cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tham ô, lãng phí, đó là bệnh quan liêu: "Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét mọi mặt không đi sâu  vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn". …

Từ những sự phân tích về bản chất, nội dung và nguồn gốc của tham ô, lãng phí, quan liêu Bác Hồ đã đề ra những biện pháp nhằm chống lại các căn bệnh này một cách có hiệu quả. Những biện pháp đó theo Bác là: Thứ nhất phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thứ nhì, phải dựa vào quần chúng, phát động quần chúng tích cực tham gia đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu và thực hành tiết kiệm. Thứ ba, phải hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước, đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ. Thứ tư phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra và xử lý kỷ luật nghiêm minh những tập thể, cá nhân vi phạm. Thứ năm, thường xuyên chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ngày 24/7/1962 khi đến nói chuyện với hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước về Cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô lãng phí, quan liêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ ý nghĩa, nội dung, phương hướng của cuộc vận động, phân tích những biểu hiện, nguyên nhân và tác hại của các bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu; quan liêu trong cán bộ hiện nay, đồng thời phê phán những thái độ không đúng.

Người nhấn mạnh: "Cuộc vận động này là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu. Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ, chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình".

Hơn một năm sau, ngày 26/12/1963, tại phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ, Người nhắc nhở Chính phủ phải làm tốt cuộc vận động "Ba xây - ba chống". Người nói: "Hiện nay chúng ta làm "Ba xây, ba chống" còn kém. Anh chị em công nhân và nhân viên ở cơ sở rất hăng hái nhưng từ cấp giám đốc lên đến bộ trưởng, thứ trưởng thì còn nhiều người chưa chuyển cho nên có chỗ cuộc vận động bị tắc lại. Bây giờ phải làm "Ba xây, ba chống" cả hai chiều, từ dưới lên, từ trên xuống. Bản thân các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng, các cán bộ lãnh đạo phải "Ba xây, ba chống". Hơn ai hết người lãnh đạo phải nhận rõ cuộc vận động này là rất quan trọng để làm cho tốt".

Khi biết chưa nơi nào phát động "Ba xây, ba chống" chưa nơi nào có dân tham gia, Người phê bình nghiêm khắc những cán bộ sợ quần chúng, không dám phát động, phong trào. Có thể thấy Hồ Chủ tịch đã phải dành một phần thời gian và sức lực vào cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm. Hồ Chủ tịch đã nói: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".

Hơn 60 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 223 - Đạo luật chống tham nhũng đầu tiên của nhà nước dân chủ mới. Sắc lệnh 223 vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử; nhất là trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng; nhằm thúc đẩy công cuộc đổi mới theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh thì quyết định của Bác Hồ với việc “Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”, rõ ràng không chỉ là bài học của ngày hôm qua mà còn mang tính thời sự nóng hổi cho ngày hôm nay về tính nghiêm minh của pháp luật và kỷ cương phép nước.

Việc Quốc hội thông qua Luật Chống tham nhũng cũng như việc hình thành các tổ chức chống tham nhũng ở Trung ương, các Bộ, ngành, các địa phương chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ta nhằm xây dựng một chính quyền của dân, do dân và vì dân như tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lưu Vinh
.
.
.