WikiLeaks tiết lộ những gì về Bộ Ngoại giao Mỹ?

Thứ Năm, 16/12/2010, 07:07
Mới đây, 250.000 văn bản bí mật của ngành ngoại giao Mỹ được trang web WikiLeaks đăng tải và đã có hàng loạt những tờ báo nổi tiếng thế giới New York Times (Mỹ), Der Spiegel (Đức), Le Monde (Pháp), Guardian (Anh) và El Pais (Tây Ban Nha) trích đoạn đăng lại. Các nhà ngoại giao Mỹ bình luận gì về sự kiện này, và WikiLeaks đăng tải những gì mà bà Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton cho rằng, "trang web đang chống lại thế giới"?

Ngay sau khi WikiLeaks tiết lộ thông tin, tờ báo chính luận lớn nhất Đức Der Spiegel (Đức) đã có cuộc phỏng vấn với cựu Đại sứ quán (ĐSQ) Mỹ tại Đức trong nhiều năm, ông John Kornblum để nói lên tầm quan trọng của sự thực. Ngay lập tức, nhà ngoại giao có uy tín này cho rằng, việc đánh cắp thông tin ngoại giao là thực sự, một hành động mang tính tội phạm, điều này có nguy cơ phá hủy các mối quan hệ nước lớn, đặc biệt là các mối quan hệ quốc gia vốn tạo dựng uy tín với Mỹ từ lâu.

Các tờ báo lớn nhất thế giới đều đăng tải thông tin trích dẫn từ tiết lộ của WikiLeaks.

Nhà ngoại giao trên cũng cho rằng, sau sự kiện này sẽ khiến Chính phủ các quốc gia khi chia sẻ thông tin với Mỹ sẽ thận trọng hơn. Ông cũng cho hay,  trong ngoại giao, bí quyết thông tin là cần thiết, các nhà ngoại giao, các nhà báo, họ cũng là con người, vì vậy họ có thể tiết lộ, làm rò rỉ thông tin bất cứ lúc nào. John Kornblum cũng cho rằng, đây như một "dư chấn 11-9 trong ngành ngoại giao", vì đã có tới 2,5 triệu người  truy cập sau khi trang web công bố thông tin. Ông cũng cho rằng, đây là một thông tin nhạy cảm, số lượng người quan tâm chẳng khác vụ khủng bố 11/9. Qua thông tin được tiết lộ, các nhà ngoại giao mới thấm thía vai trò giữ thông tin mật là như thế nào.

Trong văn bản ngoại giao được tiết lộ trên WikiLeaks, phía Mỹ từng kêu gọi các nhà ngoại giao làm gián điệp đối với Liên hợp quốc (LHQ) cũng như tại 30 điểm ĐSQ Mỹ ở các nước khác. Các nhà chức trách Mỹ luôn cho rằng, công việc ngoại giao gắn liền với công việc tình báo để từ đó xây dựng đường lối chính trị. Các thông tin chi tiết về TTK LHQ cũng được CIA nghiên cứu kỹ, ngoài ra, họ còn thu thập đầy đủ thông tin về các nhân vật quan trọng, từ số ĐT, số fax, số thẻ tín dụng…

Nhiều quốc gia đã có những phản ứng khác nhau xung quanh sự rạn nứt này, ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari thì cho rằng, nó không hữu ích và không đúng lúc, Bộ Ngoại giao Pakistan thì cho rằng, nó là sự phơi bày nhạy cảm nhưng vô trách nhiệm. Phía Nga nói, kiểm tra lại thông tin trước khi hành động. Người phát ngôn của Thủ tướng Đức thì cho hay, rạn nứt thông tin không ảnh hưởng tới ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước…

Phía Italia thì gượng gạo cười nhạt rằng, rạn nứt là "chuyện nhỏ như con thỏ chạy trên đồng cỏ". Có một đặc điểm chung mà các chuyên gia phân tích cho rằng, vụ rạn nứt thông tin của WikiLeaks khiến Bộ ngoại giao các nước cố lấy làm bình tĩnh nhưng thực ra trong lòng họ cũng biết tỏng những chuyện của Nhà Trắng hay làm: Ghi âm các mối quan hệ ngoại giao hoặc xử lý, hoặc chế giễu. Qua sự cố này khiến Mỹ bớt nhìn thế giới ở góc độ cửa trên, châm biếm và khiêu khích…(?)

WikiLeaks đã nói đến nhiều nhà lãnh đạo

Các tài liệu của WikiLeaks đề cập đến một loạt các nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới với những mô tả không dễ lọt tai. Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi bị mô tả là "vô tích sự, phù phiếm giả bộ là một nhà lãnh đạo châu Âu hiện đại". Giới ngoại giao Mỹ cũng có ấn tượng thiếu thiện cảm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, khi mô tả người phụ nữ quyền lực bậc nhất thế giới này là "không ưa mạo hiểm và thiếu sáng tạo".

Một bức thư tín đề năm 2009 từ đại sứ quán Mỹ tại Tripoli (Libya) nhận định, lãnh đạo quốc gia Bắc Phi Muammar Gaddafi "có mối lo sợ rõ ràng hoặc không thích sống ở nhà cao tầng".  Ông Gaddafi luôn đứng đằng sau nữ y tá Ukraine của mình,  cô gái tóc vàng khêu gợi. Giới ngoại giao Mỹ cũng "buôn" rằng, hai người đang vướng vào mối quan hệ "tình tứ".

Còn Thủ tướng Zimbabwe Morgan Tsvangirai được ngợi khen là "người đàn ông dũng cảm" trong một bức điện tín do Đại sứ Mỹ tại Harare là Christopher Dell gửi năm 2007. Trong một bức điện tín khác, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe lại được giới ngoại giao mô tả "gã già điên khùng".

Năm 2008, các nhân viên trong đại sứ quán Mỹ tại Moskva thì tưởng tượng Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đang đóng vai Robin còn Thủ tướng Vladimir Putin đóng vai Người dơi (trong tác phẩm điện ảnh Robin là em và ít quyền năng hơn Người dơi). Các bức thư tín cũng chứa đựng những bình luận về mối quan hệ đặc biệt gần gũi giữa Thủ tướng Italia Berlusconi và ông Putin. Tổng thống Pháp Sarkozy thì bị các nhà ngoại giao Mỹ mô tả là "gầy gò" và "độc đoán".

Bên cạnh đó, một loạt các nhà lãnh đạo nổi bật khác của thế giới chịu chung số phận khi bị giới ngoại giao Mỹ "săm soi" bằng những lời lẽ giễu cợt. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il bị xem là ốm yếu sau một cơn đột quỵ và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad thì được tả là "Hitler".

Những cáo buộc Trung Quốc

Tháng 11/2007, Mỹ đã hối thúc Trung Quốc ngăn chặn một lô hàng gồm các bộ phận của tên lửa đạn đạo từ CHDCND Triều Tiên tới Iran, theo một thư tín ngoại giao do báo Anh Guardian đăng tải từ nguồn cung cấp của WikiLeaks. Lô hàng này đang được vận chuyển qua Bắc Kinh và Washington yêu cầu "một câu trả lời cụ thể" với đề nghị ngăn chặn của họ. "Chúng tôi đánh giá rằng, cách tốt nhất để ngăn chặn những lô hàng như thế này trong tương lai là giới chức Trung Quốc cần phải hành động. Điều đó sẽ khiến sân bay Bắc Kinh trở thành điểm trung chuyển ít thân thiện hơn đối với những lô hàng như thế", bức thư tín ngoại giao của Mỹ tuyên bố.

Trung Quốc cũng được đề cập đến trong một bức thư tín ngoại giao khác do New York Times đăng tải, liên quan đến cáo buộc nước này đang sử dụng chiến dịch tấn công hệ thống máy tính trên quy mô lớn. Bức thư cho rằng, một mạng lưới các hacker và chuyên gia an ninh mạng tư nhân đã được Trung Quốc trưng dụng từ năm 2002 và họ đã tấn công vào mạng máy tính của chính phủ và các công ty Mỹ. Bức thư tín nhạy cảm do WikiLeaks công bố này còn trích dẫn "một đầu mối Trung Quốc" nói với ĐSQ Mỹ tại Bắc Kinh rằng, chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau vụ tấn công hệ thống máy tính của trang Google tại Trung Quốc vào tháng 1/2010.

Mỹ lo ngại kho hạt nhân của Pakistan

Những bức thư tín ngoại giao từ WikiLeaks do New York Times đăng tải cho thấy Mỹ đã lo ngại chất phóng xạ trong các nhà máy điện hạt nhân của Pakistan khi khủng bố tấn công. Các tài liệu này còn tiết lộ việc Mỹ đã nỗ lực lấy đi nguyên liệu uranium được tinh chế ở mức độ cao từ một lò phản ứng phục vụ nghiên cứu tại Pakistan từ năm 2007. Trong một bức điện tín đề tháng 5/2009, đại sứ Mỹ tại Pakistan Anne W Patterson cho biết, Pakistan đã từ chối cho các chuyên gia hạt nhân Mỹ tới thăm. Islamabad coi việc dỡ bỏ các thanh nhiên liệu hạt nhân tại nước này "giống như là Mỹ đã lấy đi vũ khí hạt nhân của Pakistan".

Muốn gặp Obama phải nhận tù nhân

Những bức thư tín của giới ngoại giao Mỹ còn tiết lộ, nhiều nước đã thảo luận về việc họ có nhận tù nhân từ nhà tù Guantanamo, nơi  giam các nghi phạm khủng bố của Mỹ, hay không.

Lãnh đạo Slovenia đã được gợi ý rằng, muốn có cơ hội được gặp Tổng thống Barack Obama thì phải nhận một tù nhân do nhà tù khét tiếng nói trên "xuất kho". Một quốc đảo nhỏ bé ở Nam Thái Bình Dương là Kiribati thì nhận được đề nghị hỗ trợ hàng trăm triệu USD về thương mại nếu chịu giúp Mỹ giam tù nhân Guantanamo. Còn Bỉ thì được hứa hẹn "cách thức rẻ tiền nhất để có thể giành được vị trí nổi bật tại châu Âu" nếu chịu giúp đỡ Washington giải quyết vấn đề tương tự.

Cũng liên quan đến nghi phạm khủng bố, một bức điện tín gửi đi từ đại sứ quán Mỹ tại Berlin năm 2007 đề cập đến vụ một công dân Đức bị nhầm là nghi phạm al-Qaeda và bị bắt tại Macedonia năm 2004, sau đó được đưa tới một nhà tù bí mật của CIA. Tài liệu này tiết lộ, sau đó Mỹ đã phải cố gắng thuyết phục Đức không phát lệnh truy nã quốc tế đối với các nhân viên CIA có liên quan đến vụ nhầm lẫn này

Nguyên Phạm (tổng hợp)
.
.
.