Xét xử vụ tham nhũng tại Hóc Môn: Quan tham “ăn đất”

Thứ Ba, 17/08/2010, 11:52
Phiên toà khai mạc ngày 3/8/2010. Nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Khoẻ và 8 bị cáo khác đang phải đối diện với bản án tử hình và nhiều mức án nghiêm khắc khác được đề nghị trong cáo trạng. Ân hận là tất nhiên, nhưng bất ngờ thì không. Con đường ra đứng trước vành móng ngựa, các bị cáo đều nhìn thấy trước, thấy rất rõ. Nhưng vì lòng tham, họ đã nhắm mắt bước liều, bất chấp những hậu quả để lại là hết sức nghiêm trọng.

Thời mở cửa, có một thực tế trái khoáy và có phần khôi hài đang tồn tại: Không đậu đại học, cao đẳng thì đi du học, không có nghề ngỗng chuyên môn gì cả thì mở công ty riêng, làm giám đốc! Năm 1998, trả xong  món nợ luật pháp 9 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Thiên Hoà được tha với hai bàn tay trắng. Không hôn thú, Hoà sống chung với Trần Thị Hà và có một đứa con.

Vốn liếng không nhiều, chuyên môn chẳng có nhưng vợ chồng Hà - Hoà vẫn nuôi mộng "làm ăn to". Năm 2002, hai người làm hồ sơ xin thành lập Công ty TNHH Xây dựng, thương mại, kinh doanh nhà Thành Phát do vợ làm giám đốc, chồng giữ chân phó giám đốc. Trụ sở công ty đặt tại số 10A KP2 đường HT25, phường Hiệp Thành, quận 12, TP HCM. Lập công ty không phải để kinh doanh, chỉ nhằm lừa đảo. Số vốn 1 tỷ đồng, hai vợ chồng vẫn khai vống lên thành 5 tỷ, không hiểu sao vẫn được xác nhận và cấp giấy phép. Trong đó, phần đóng góp ý nghĩa nhất của anh chồng chỉ là cái tên đã được đổi họ và chữ lót, thành Hà Văn Hoà!

Không tuyển nhân viên nào, hai năm liền sau khi thành lập,  Công ty Thành Phát vẫn chẳng có bất kỳ một hoạt động gì nên công ty không hề có thêm nguồn thu giúp tăng vốn. Vậy nhưng đến năm 2004, cặp vợ chồng liều vẫn khai tăng khống vốn của Thành Phát lên thành 50 tỷ đồng. Ý đồ của Hà - Hoà là dùng pháp nhân của công ty xin được lập dự án xây dựng khu dân cư và khu công nghiệp tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Nếu được chấp thuận, họ sẽ sử dụng hồ sơ dự án này thế chấp vay tiền ngân hàng để thực hiện dự án, sau đó chiếm đoạt, trong khi dự án khu công nghiệp thì sẽ đem phân lô bán nền!

Đầu tháng 11/2002, Phó giám đốc Hà Văn Hòa đã ký công văn gửi một số cơ quan chức năng xin lập dự án khu dân cư và công nghiệp sạch tại ấp 6, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Tiền vốn để thực hiện dự án thì không có, nhưng "tiền khôn" để "bôi trơn" thì vợ chồng Hà - Hoà sẵn sàng chi rất mạnh tay. Nhờ đó, Trần Văn Tè, Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, thay vì ngăn chặn đã nhanh chóng ký xác nhận lên hồ sơ chuyển UBND huyện Hóc Môn đề nghị xem xét giải quyết. Tè còn sốt sắng giới thiệu Đặng Công Danh, Giám đốc Công ty TNHH Danh Khoa cho vợ chồng Hà - Hoà để qua Danh, cặp vợ chồng này có thể tiếp cận được Nguyễn Văn Khỏe - Chủ tịch UBND huyện  và  Dương Minh Trung, Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch & Đầu tư huyện Hóc Môn, nhằm thiết lập một liên minh ma quỷ làm giàu bất chính.

Biết rõ Công ty Thành Phát không hề có năng lực tài chính thực hiện dự án, nhưng Nguyễn Văn Khoẻ vẫn nhanh chóng ký xác nhận để công ty này được giao đất.

Mặt khác, phần đất dự án mà Công ty Thành Phát đăng ký trên thực tế đã được chính Nguyễn Văn Khỏe với tư cách là Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn ký văn bản gửi các cơ quan chức năng chấp thuận cho Công ty TNHH Thiên Long Vân đầu tư dự án khu dân cư và khu công nghiệp. Thế nhưng, Khoẻ vẫn ghi vào đơn của Công ty Thành Phát gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc và các ngành chức năng TP HCM nội dung xác định "khu vực này chưa có doanh nghiệp xin lập dự án đầu tư".

Đổi lại, vợ chồng Hà - Hoà đã nhờ Đặng Công Danh đưa đến tận nhà riêng "biếu" Nguyễn Văn Khoẻ 250 triệu đồng ngay sau khi nhận được văn bản có nội dung xác nhận. Khi đó, cả bên đưa, bên nhận đều chưa một lần gặp gỡ hay quen biết gì nhau! Đặng Công Danh đã âm thầm ăn bớt 100 triệu đồng, chỉ đưa cho Khoẻ 150 triệu.

Thấy Chủ tịch Khoẻ có vẻ "chịu chơi", đầu năm 2003, Trần Văn Tè đã mạnh dạn đưa vợ chồng Hà - Hoà đến ra mắt làm quen, có  thêm sự "góp vui" của Dương Minh Trung. Sau cuộc gặp gỡ này, cứ đến cuối tuần, Hà - Hoà lại tổ chức  một chuyến du hí đi Vũng Tàu để Nguyễn Văn Khoẻ, Dương Minh Trung, Trần Văn Tè "tái tạo năng lượng" (thật ra là hao phí năng lượng), nhằm tiếp tục nghĩ cách giúp Thành Phát lấn sâu hơn trong các thương vụ "ăn đất" gian dối và lừa đảo. Ngoài ăn chơi, nhân các dịp lễ tết, Nguyễn Văn Khoẻ còn được Hà - Hoà đến tận nhà biếu xén, cung phụng thêm nhiều lần, gồm 430.000.000 đồng, 15.000 USD, 1 sừng tê giác và còn cho mượn 700.000.000 đồng nhưng đừng hòng có cơ hội đòi lại.--PageBreak--

Đầu năm 2005, trong một chuyến đi Vũng Tàu, Nguyễn Văn Khỏe đặt  thẳng vấn đề với Hà Văn Hoà là xong việc xin được dự án, Hòa phải mua cho Khỏe một xe ôtô hiệu Lexus (trị giá 185.000USD). Đầu năm 2006, Khỏe nhắc Hà về việc Hòa đã hứa. Biết không trốn được, Hà điện thoại hẹn gặp riêng Khỏe tại một quán cà phê trên đường Mạc Đĩnh Chi, Quận 1. Tại đây, Hà đưa trước cho Khỏe 1 tỷ đồng để đặt cọc mua xe, hứa chừng nào có xe thì đưa tiếp 2 tỷ đồng còn lại.

Lần khác, Khoẻ lại "nhờ" Hà cho mượn tiền mua "mấy chục" gốc mai đón Tết, mỗi gốc 20 triệu đồng. Biết ông chủ tịch có ý vòi vĩnh, vợ chồng Hà lại phải xì tiền ra. Sau nhiều lần, ngoài số tiền "quà biếu", Nguyễn Văn Khoẻ còn nhận thêm tổng cộng 1,4 tỷ đồng tiền hối lộ để nhắm mắt ký bừa vào hồ sơ dự án ma của Công ty Thành Phát nhằm "ăn" 18,1 ha đất ở xã Đông Thạnh.

Không chỉ đòi phần mình, Nguyễn Văn Khoẻ còn không  ngần ngại chiếm cả phần kẻ khác. Khỏe khai nhận lời giúp Hà tác động lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố sớm phê duyệt bản vẽ quy hoạch chi tiết 1/500 cho Công ty Thành Phát. Hà đưa cho Khoẻ 5.000 USD và 50.000.000 đồng để  nhờ Khoẻ "bôi trơn". Xong việc, Nguyễn Văn Khỏe giữ số tiền này  lại xài luôn, chẳng chi cho đương sự như đã hứa.

Trong thửa đất giải toả làm dự án của có 6.000 m2 đất của gia tộc Trần Văn Tè. Khi làm thủ tục đền bù giải toả, Tè đã ép Công ty Thành Phát phải nâng khống  200.000đ/m2 cho phần đất mà Tè và người cô ruột của ông ta được  thụ hưởng (2.000 m2). Nhưng khi giao tiền cho cô ruột, Tè lờ đi khoản chênh  lệch này, đút  túi riêng thêm  một khoản 400 triệu đồng. Việc giải toả gặp rắc rối vì một số hộ dân không đồng ý mức giá, Trần Thị Hà đưa thêm cho Trần Văn Tè 100 triệu đồng để Tè lo giúp. Nhận tiền cho vào túi xong, Trần văn Tè quên luôn, không thực hiện, giúp đỡ gì sất. Trần Thị Hà xót của cũng đành làm ngơ.

Bị cáo Trần Thị Hà và Nguyễn Văn Khỏe sau phiên xử.

Tất cả các bước thủ tục giấy tờ đều phải qua sự thu xếp, giải quyết của Dương Minh Trung trước khi đệ trình cho Nguyễn Văn Khoẻ ký. Cũng chính Trung là người được Nguyễn Văn Khoẻ chỉ đạo tìm lý do đẩy dự án của Công ty Thiên Long Vân ra, lấy đất giao cho Công ty Thành Phát. Biết vai trò của mình, Trung cũng tận lực khai thác. Hai mùa Tết 2003, 2004, Trung đã nhận của vợ chồng Trần Thị Hà 70 triệu đồng, sau đó đòi thêm 20 triệu đồng nữa để mua máy tính xách tay biếu lãnh đạo. Không biết "lãnh đạo" là ai nhưng Trung đã hỏi, Trần Thị Hà cũng phải đưa.

Nhờ có hồ sơ khống được xác nhận, Công ty Thành Phát mới vay được tiền "thực hiện dự án" của ngân hàng. Lập tức, Trung lại đến, đòi vay lại 2,252 tỷ đồng (tháng 11/2005) nhưng sau đó chỉ hoàn trả 2 tỷ đồng, định bụng sẽ quên luôn số còn lại. Một năm sau, vụ "dự án" bị vỡ lở, sợ bị liên lụy, Trung mới đem 252 triệu đồng trả lại, nhưng bắt Hà Văn Hoà ghi lùi thời gian trả tiền lại vào ngày 25/11/2005.

Tiền bôi trơn chọn chảy vào đúng túi quan tham đã phát huy tác dụng. Dù tổng vốn thực tế chỉ có 1,9 tỷ đồng, Công ty Thành Phát vẫn hoàn tất được hai hồ sơ  là dự án đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Đông Thạnh với "quy mô dự án 10, 8686 ha" và "dự án khu dân cư có diện tích 72.000m2" nằm kề nhau. Tổng kinh phí đầu tư các dự án hơn 181,22 tỷ đồng, trong đó "vốn tự có của chủ đầu tư: 139,22 tỷ đồng; chiếm khoảng 76,83%, nhu cầu sử dụng vốn vay: 42 tỷ  đồng, chiếm khoảng 23,17%" đã được xác nhận với đầy đủ các loại chữ ký và con dấu cần thiết...   

Có dự án trong tay, Hà và Hoà lại dùng nó để thế chấp ngân hàng, tiếp tục giai đoạn hai trong quy trình lừa đảo, vay (thực chất là âm mưu chiếm đoạt) được 3.000 lượng vàng của Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Chợ Lớn. Không thẩm định đúng quy trình, không kiểm tra năng lực thực hiện dự án và khả năng thanh toán nợ, bất chấp các quy định về thủ tục giải ngân, một loạt cán bộ của Chi nhánh NN&PTNT Chợ Lớn gồm Nguyễn Công Định - Nhân viên tín dụng, Lưu Thị Minh Hiền - Trưởng phòng Tín dụng chi nhánh và Trần Văn Tuyến - Giám đốc chi nhánh đã tiếp tay cho Trần Thị Hà và Hà Văn Hoà hoàn tất quy trình lừa đảo. Thậm chí, họ đã sốt sắng đến mức cho Công ty Thành Phát vay nhiều hơn gần 9 tỷ đồng so với nhu cầu vay vốn (ma) theo hồ sơ (ma) mà công ty này đã lập.

Tất nhiên, sẽ không có sự sốt sắng nào cả, nếu như không có sự phát huy tác dụng của những "đồng tiền đi trước". Vào năm 2003, thông qua một người bạn Hòa và Hà quen biết Nguyễn Công Định. Định đã giúp Hòa, Hà lấy danh nghĩa Công ty Thành Phát vay 18 tỷ đồng, tài sản thế chấp chính là căn nhà 26 Trường Sơn, Tân Bình - căn nhà mà họ đang… muốn mua  nên vì thế  mới phải đến ngân hàng vay tiền! Sau đó, biết Hòa, Hà đang làm hồ sơ xin thực hiện dự án tại xã Đông Thạnh, Định có hứa hẹn sẽ giúp vay tiền đầu tư dự án. Nguyễn Công Định đã đưa Hà Văn Hòa, Trần Thị Hà đến nhà riêng Trần Văn Tuyến và Lưu Thị Minh Hiền làm quen, nhờ vả và nhận được lời hứa sẽ giúp vay tiền.

Đầu tháng 1/2005, Nguyễn Công Định đã nhắc lại  những lời hứa hẹn này và… hỏi mượn của Trần Thị Hà 200 triệu đồng. Sau khi Công ty Thành Phát được vay 3.000 lượng vàng và 18 tỷ đồng của Chi nhánh NHNN&PTNT Chợ Lớn, Trần Thị Hà mặc nhiên xem số tiền này là tiền bồi dưỡng, không nhắc lại và Nguyễn Công Định cũng tự hiểu như vậy, không hề có ý định hoàn trả.

Ngay trong ngày nhận được 3.000 lượng vàng vay, Hà còn đưa thêm cho Định 150 triệu đồng để Định đem về cho Trần Văn Tuyến và Lưu Thị Minh Hiền. Một phần trong số tiền vay, sau này cặp vợ chồng lừa đảo đã dùng để đem… thanh toán bớt cho chính ngân hàng!

Hậu quả của việc "giúp đỡ" này là vợ chồng Hà - Hoà đã sử dụng chiêu "mỡ nó rán nó", chiếm đoạt được gần 10,6 tỷ đồng của Chi nhánh NHNN&PTNT Chợ Lớn

Nguyễn Hồng Lam
.
.
.