Xã hội thông tin và video clip gây sốc:

Xoáy vực của truyền thông

Thứ Ba, 21/12/2010, 20:29
Truyền thông ào ạt ăn theo video clip gây sốc trên mạng internet, từ đó kết luận một cách tiêu cực về đạo đức xã hội. Nhưng có thực sự công bằng khi dựa vào hiện tượng mạng để phán xét một xu hướng mang tầm quảng đại? Một cách nhìn khách quan và hoàn toàn mới của CSTC.

1. Những ngày đầu tháng 12, cư dân mạng lại dồn dập bởi một video clip được gắn cái mác sốc không kém nhiều clip học đường trước đó "choáng với clip cô giáo mắng học trò". Đoạn clip dài hơn 1 phút được bình: "hành động của một cô giáo đang trợn trừng mắt, gân cổ lên chửi học sinh: "tao vả vỡ mồm mày đấy". Clip cũng cho thấy sự lộn xộn của nhiều học sinh vây quanh cô giáo để xin điểm gây ức chế với giáo viên. 

Đang có xu hướng gây sốc bằng những video clip có nội dung nhạy cảm: cảnh nóng của giới nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng, của giới trẻ mà tập trung chủ yếu vào học sinh, sinh viên; cảnh phản cảm trong học đường mô tả quan hệ giữa giáo viên - học trò hoặc giữa trò với trò… Trong môi trường học đường, hàng loạt clip bị tung lên mạng có tính bạo lực. Đi kèm với các clip nói trên là những dòng tít hết sức gai góc: "choáng với clip nữ sinh đánh nhau, lột quần áo bạn"; "kinh hoàng clip nữ sinh tung chưởng", "giật mình clip xé ngực áo nữ sinh cho bạn xem".

Trong giới nghệ sĩ lại nóng với clip "sao lộ hàng", "sao khoe 3 vòng nóng bỏng"… Chốt lại, truyền thông dựa vào những clip trên mạng này để bình luận, lên án và đưa ra các phán xét như: đạo đức xã hội, mà biểu hiện cụ thể là đạo đức học đường đang "xuống cấp nghiêm trọng". Theo mô tip đó, hàng loạt cách nhìn cực đoan về đạo đức xã hội được mô tả thậm chí như một xu hướng khó cưỡng khiến dư luận hoang mang.

Môi trường internet bùng nổ, mỗi người cần tỉnh táo với các luồng thông tin.

2. Những video clip tung lên mạng gây sốc trên thực tế là những clip có nội dung tiêu cực hoặc clip ghi lại cảnh nóng. Việc cơ quan chức năng tổ chức xác minh làm rõ và xử lý người vi phạm trong clip được quay là cần thiết. Xử lý nghiêm khắc cũng nhằm răn đe, phòng ngừa giáo dục chung. 

Tuy nhiên, khi đánh giá một vấn đề có tính xu hướng xã hội phải thực sự toàn diện và dẫn chứng đưa ra phải có tính khái quát, có sức thuyết phục và khách quan. Những video clip tung lên mạng dù bất kỳ lĩnh vực nào, đó chỉ là hiện tượng đơn lẻ, không thể căn cứ để đánh giá, khái quát cho một tầng lớp xã hội cụ thể.

Nếu chúng ta gộp thông tin theo cách gom lại vài ba clip gây sốc trên mạng rồi gán ghép, bình luận và mặc nhiên cho đó là vấn nạn xã hội đáng báo động là cách làm mang tính quy chụp nhiều hơn. Nếu lần lại các clip gây rúng động cộng đồng mạng được cho là "báo động bạo lực học đường", với dẫn chứng như clip nữ sinh đánh bạn kiểu hội đồng ở Hà Nội, Hải Phòng, TP Vinh (Nghệ An) rồi đưa ra kết luận chung cho cả giới học đường, đó là cách nhìn nhận phiến diện.

Hành xử của những người trong clip bị tung lên mạng là rất đáng chê trách và cần xử lý nghiêm khắc, nhưng tại sao lại có thể lấy dẫn chứng từ các hiện tượng đơn lẻ như vậy để "kết tội" cho một xu hướng, một tầng lớp xã hội? Một đoạn clip bạo lực, phản văn hóa của nhóm học sinh ở quay ở một công viên tại Hà Nội làm sao đủ sức để đánh giá rằng học sinh Hà Nội ngày nay rất bạo lực và vô cảm xem bạn đánh nhau làm trò đùa cợt?

Ai sai phạm, người đó bị xử lý, còn nếu để đánh giá cho một xu hướng xã hội, tất yếu phải có khảo sát. Khi nào, tỷ lệ khảo sát, điều tra xã hội học cho thấy mức độ vi phạm nằm ở ngưỡng cụ thể mới đủ sức đánh giá.

Sự thực của những video clip gây sốc có thực sự sốc như truyền thông phán xét hay không? Quay lại clip được cho là "choáng" cô giáo văng tục với học trò bị đưa lên mạng ngày 3/12, hành xử và phát ngôn của giáo viên trong clip là sai. Tuy nhiên, nếu như phê phán cô giáo là có cơ sở, thì tại sao chúng ta không truy trách nhiệm của người đã quay và phát tán clip này lên mạng? Trong lớp học mà rút điện thoại quay lén lúc cô giáo đang phát cáu vì học sinh vây quanh xin điểm rồi tán phát lên mạng thì phải xem lại tư cách đạo đức của học sinh đó hơn là tập trung phê phán cô giáo.

Trong môi trường sư phạm, dẫu rằng những hành vi xưng hô "mày - tao" là không thiện cảm nhưng tâm lý con người không phải lúc nào cũng chế ngự được các bực tức và nếu mọi hành động của mình luôn bị các camera là học trò săm soi, rình chộp tung lên mạng thì cô giáo có còn là chính mình được nữa không? Vừa qua, khi clip mạng tung đoạn ghi âm cô giáo mắng học trò, đã có ý kiến từ Bộ Giáo dục đề nghị quy định cấm học sinh quay phim, ghi âm trong lớp học, tán phát lên mạng. Tôi cho rằng điều này là cần thiết, trường học phải có kỷ cương chứ không phải nơi muốn làm gì cũng được.

Nhưng nhiều truyền thông cho rằng quay phim, ghi âm, tán phát là cách để học sinh thể hiện quyền dân chủ và tố cáo tiêu cực, vi phạm. Có người còn đề nghị khen thưởng người đã "có công" quay phim, tán phát các video clip sốc thay cho hình thức kỷ luật! Nếu truyền thông quan niệm như vậy không khác gì "nối giáo cho giặc", tố cáo vi phạm phải đúng quy định và gửi đúng nơi, nếu là học sinh, khi muốn tố cáo vi phạm phải gửi lên ban giám hiệu nhà trường. Việc học sinh quay phim, ghi âm, tán phát lên mạng không phải vì động cơ tố cáo tiêu cực, hơn nữa hình thức tán phát như vậy rất nguy hại. Không thể lấy cái gọi là dân chủ ở đây để bào chữa cho những hành động cực đoan. 

Ở lĩnh vực nhạy cảm, nhất là của những nhân vật của công chúng như ca sĩ, người mẫu, đang có xu hướng giới truyền thông săn tìm “cảnh nóng” để tung. Mấy tháng trước, cộng đồng mạng chuyền nhau clip "bé Xuân Mai lộ hàng" và hiển nhiên những dòng tít nóng kèm clip như vậy thu hút hàng triệu người xem. Song, như trần tình của Xuân Mai, cái gọi là "lộ hàng" thực ra là cách truyền thông gán cho cô vì xem lại clip, đó chỉ là đoạn cô ca sĩ mặc váy cúi xuống nhận hoa từ khán giả và camera cố tình đưa vào đoạn  nhạy cảm. Sẽ không có sốc nào cả nếu như đoạn clip đó không kèm lời bình đầy chủ ý của tác giả.

Sự nở rộ những clip nóng của giới nghệ sĩ với bất kỳ lý do nào, bị quay lén hay chủ động quay, bị tán phát hay chủ ý tán phát, đều gây hiệu ứng khó cưỡng. Tuy nhiên, nếu truyền thông có tính săm soi, rình chộp cảnh nhạy cảm để tán phát và bình luận xôn xao trên mạng, gây hệ quả tiêu cực thì hành vi đó không thể coi là bình thường.--PageBreak--

Cách đây vài năm, một clip bị tung lên mạng gắn với tít rất giật "Cảnh sát tát dân", mô tả cảnh một Cảnh sát ở Hà Tĩnh vung tay vào người điều khiển xe máy khi Cảnh sát ra lệnh dừng xe kiểm tra nhưng người này vẫn cố tình không dừng. Hành động vung tay khá nóng nảy của Cảnh sát là phản cảm, nhưng cần đặt trong hoàn cảnh người thi hành công vụ cố đuổi theo để ngăn chặn hành động bỏ chạy của người điều khiển xe máy. Người điều khiển xe máy phạm luật lại cố tình không chấp hành hiệu lệnh, lẽ ra phải phê phán nhưng việc bình luận kiểu "Cảnh sát tát dân" rõ ràng trái bản chất sự việc.

Vụ Công an ở Quảng Ninh bắt gái mại dâm bị tung lên mạng, hành vi của những cán bộ, chiến sĩ trong clip là phản cảm, làm trái luật, phải bị xử lý. Song người tán phát, tung lên mạng có dấu hiệu phạm pháp hình sự bởi việc tung clip hai cô gái trong tình trạng lõa thể lên mạng như vậy là hành vi làm nhục.

3. Thời đại của truyền thông internet bùng phát đến chóng mặt, ở bất kỳ đâu, người ta cũng có thể dễ dàng xem và bình luận tường tận những sự kiện lớn nhỏ khác nhau trên toàn cầu. Để câu khách, truyền thông đang có xu hướng săn tìm những tin tức và video clip nhạy cảm. Nếu một đoạn clip có nội dung không bình thường của ai đó tung lên mạng, rất nhanh chóng nó được lan truyền cực khủng. Trong một bối cảnh như thế, nhiều người đang cảm thấy bất an về những gì quanh mình.

Clip, đơn giản chỉ là một chiếc máy điện thoại di động, bất kỳ ai sơ ý, và kể cả đã cẩn thận phòng tránh, cũng có thể bị phát tán. Cái khác biệt là ở chỗ: cảnh bình thường của người này - và có thể của bất kỳ ai nếu nó diễn ra trong góc riêng của họ, phút chốc thành bất thường nếu bị tung lên mạng. Đó là sự khác biệt giữa ranh giới riêng tư và tính cộng đồng, bất luận sự chủ ý hay không chủ ý của người trong cuộc.

Nhiều người bảo, xã hội bây giờ đạo đức xuống cấp quá, cứ xem các video clip bạo lực, dâm tục là thấy hoảng loạn. Cái lo ấy có cơ sở lý giải. Nhưng nếu bị cuốn hút thái quá vào cơn lốc truyền thông, thì chính bạn là nạn nhân đầu tiên phải rối về tư tưởng. Đúng là có ảnh hưởng, tác động của lối sống mới, cách nghĩ mới, nhất là trong giới trẻ khiến các chuẩn mực đạo đức đang bị xâm phạm.

Nhưng thủ phạm lớn nhất chính là mặt trái của cơn lốc internet. Thử hỏi, học sinh ngày xưa có đánh nhau không, có chửi tục không? "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò", đã là học trò thời nào cũng tinh nghịch, đành rằng cái nghịch của ngày xưa khác, có thể không manh động, nguy hiểm như bây giờ, nhưng nếu ngày xưa thời các phụ huynh, ai đó có đánh bạn, giật tóc, bắt quỳ lạy… thì cũng chỉ có nhóm bạn với nhau trong lớp, trong trường biết. Cô giáo có mắng học trò hay dùng những biện pháp phản giáo dục thì thông tin cũng chỉ dừng lại ở khuôn viên nhà trường, rộng lắm thì ra đầu làng, cuối xóm. Hết. Còn bây giờ, không có giới hạn nào. Cô giáo đứng trên bục giảng, không chỉ lo giảng làm sao cho hay, đúng, cho học sinh hiểu bài mà còn lo nói làm sao không bị lỡ lời. Dưới lớp, không chỉ là học trò mà còn có camera, ghi âm như một sự giám sát đầy căng thẳng. Một sự lỡ lời của cô giáo có thể đối diện hậu quả nghiêm trọng trong cơn bão thông tin mà học trò rất có thể tiếp tay cho hệ quả đó.

Vô hình trung, từ môi trường lành mạnh trong giáo dục, lẽ ra giáo viên và học trò trao đổi cởi mở, thân thiện theo phép tắc thì trái lại, người dạy và người học phòng ngừa lẫn nhau, người dạy phải cẩn trọng đến mức nói trước học trò thân thuộc mà phải đề phòng như nói trước công chúng, lo sợ lỡ lời. Một môi trường bất an với thông tin khủng, và khi người ta cảm thấy lo lắng quá mức thì truyền thông có nên chờ cơ hội để tung tin, phê phán thái quá hay không? 

Không biết, coi như không có chuyện. Biết nhiều, biết những cái tiêu cực lại sinh hoang mang. Thời nào cũng vậy, hai mặt trắng và đen luôn tồn tại. Người tỉnh táo là phải biết lựa chọn, cân  nhắc nghĩ suy. Truyền thông có thể là cái bẫy nếu ta rơi sâu vào vực của tin tức, video clip tiêu cực.

Trường hợp nào tung clip lên mạng bị xử lý hình sự?

Điều 226 - Bộ luật hình sự quy định "tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet". Theo đó, người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Những thông tin trái quy định pháp luật bao gồm thông tin bịa đặt, trái sự thật xúc phạm lợi ích cơ quan, tổ chức, cá nhân, cũng có thể là thông tin có thật nhưng có nội dung đồi trụy, độc hại… Người tung clip lên mạng cũng có thể bị xử lý tội "làm nhục người khác", tội "tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy".

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, nhiều hành vi tung clip lên mạng có động cơ nhằm câu khách hoặc động cơ cá nhân khác chứ không phải để cảnh báo về lối sống buông thả, không phải để nhằm giáo dục, răn đe. Đây là vấn đề phải làm rõ khi xử lý người tung clip. Như vậy, việc tung clip lên mạng mà nội dung clip đó không được phép và gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự. Những trường hợp vi phạm khác thì bị xử lý hành chính. Nếu tung clip có nội dung đồi trụy sẽ bị xử lý tội tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy.

Phan Đăng
.
.
.