An ninh ở Bệnh viện: Đã đến lúc chấn chỉnh khẩn cấp

Thứ Sáu, 17/01/2014, 17:25

Liên tục những vụ việc chấn động dư luận xảy ra tại bệnh viện, từ vụ bệnh nhân bị cắt chân ở bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) và mới đây nhất là vụ trẻ sơ sinh bị bắt cóc tại bệnh viện Phụ sản quận 7 thành phố Hồ Chí Minh cho thấy an ninh bệnh viện đã đến lúc đáng báo động. Chính lãnh đạo các bệnh viện cũng cho rằng, tình hình an ninh tại bệnh viện rất khó kiểm soát.

Lỗi tại bệnh viện?

Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại Phòng Hậu sản Khoa Sản Bệnh viện quận 7, Tp HCM xảy ra chỉ ít ngày sau vụ việc kinh hoàng chị gái bị em ruột cắt đứt chân khi nằm điều trị tại Khoa Phẫu thuật Thần kinh Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Những sự việc đau lòng diễn ra tại nơi mà tưởng như người dân được cảm thấy an toàn nhất khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Cuối tháng 11/2013, tại bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cũng xảy ra vụ bắt cóc trẻ em mà đối tượng gây án chính là Nguyễn Huy Hiện (32 tuổi, ở Hà Nội, cha đứa bé). Sau khi sử dụng ma túy, Hiện "ngáo đá" và dùng dao xông vào  bệnh viện cướp con rồi bỏ chạy.

Trước đó, tháng 11/2011, tại bệnh viện này, một phụ nữ vô sinh đã giả làm nhân viên bệnh viện nói đưa trẻ sơ sinh đi xét nghiệm máu rồi bắt cóc luôn con của sản phụ Trần Thị Thơm (ngụ huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Không chỉ chuyện đánh cắp trẻ sơ sinh, những vụ xô xát, đập phá, hành hung bác sĩ ngay tại bệnh viện cũng khiến cả bệnh nhân lẫn bác sĩ bất an. Điều đó cũng cho thấy lỗ hổng trong vấn đề an ninh bệnh viện rất đáng báo động. Qua trao đổi với nhiều lãnh đạo bệnh viện như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện phụ sản Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai  họ đều thừa nhận rất khó kiểm soát, nhất là những cơ sở thường trong tình trạng quá tải.

Những đứa trẻ xuất viện ở Bệnh viện Phụ sản trung ương được kiểm tra cẩn thận.

TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết sau khi xảy ra vụ bắt cóc trẻ sơ sinh vào năm 2011, bệnh viện đã lắp thêm nhiều camera, tăng cường kiểm soát các khu phòng bệnh nơi có trẻ sơ sinh, đồng thời kiểm soát sự ra vào của người nhà thông qua thẻ chăm sóc người bệnh. Ngay cả việc sản phụ xuất viện cùng trẻ sơ sinh cũng được kiểm soát chặt hơn. Ngoài bác sĩ ký giấy cho ra viện tạm thời kèm theo đứa trẻ thì khi đi qua cổng, gia đình phải xuất trình giấy và nếu ngồi trong ô tô thì phải mở kính xe để kiểm soát.

"Dù Bệnh viện đã tăng cường an ninh, thuê thêm vệ sĩ nhưng chúng tôi cũng không bảo đảm 100%. Quan trọng là người dân phải cảnh giác trước người lạ. Điều này thì nhân viên Bệnh viện phải thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân" - ông Quyết nói.

Đối mặt với hàng loạt vụ bắt cóc, hành hung tại các Bệnh viện trong thời gian qua, không ít lãnh đạo Bệnh viện bày tỏ sự hoang mang, lo lắng. Theo bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện này đã lập hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt sau vụ em trai bị "ngáo đá" cắt chân chị gái.

Dư luận từng hoang mang về vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại viện C năm 2011.

"Bình thường, người lạ ra vào phòng bệnh của bệnh nhân rất khó do có đội ngũ bảo vệ giám sát. Người thân đến chăm sóc bệnh nhân đều phải có thẻ và áo riêng theo đúng quy định của bệnh viện. Sự việc bệnh nhân bị chính người trực tiếp chăm sóc rồi cắt chân là không thể tưởng tượng được. Đây không chỉ là vấn đề an ninh của riêng một Bệnh viện nữa" - bác sĩ Hưng lo ngại.

Từ vấn đề an ninh bệnh viện, chúng ta thấy một phần trách nhiệm của bệnh viện, mà cụ thể là của những nhân viên điều dưỡng, các y tá trực tiếp điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Đôi khi, chính sự sơ sểnh, thiếu quan tâm, thiếu tận tình với bệnh nhân của họ đã dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Trách nhiệm quản lý bệnh viện

Đối với vụ việc xảy ra ở Bệnh viện Xanh Pôn vừa qua, GS.TS Cao Tiến Đức - Trưởng bộ môn Tâm thần và tâm lý học Bệnh viện 103 cho biết: Tình trạng "ngáo đá" gây ra hành động man rợ của tên Khương là một nhẽ, nhưng qua sự việc cho thấy y bác sĩ trực tại Bệnh viện Xanh Pôn cũng có một phần trách nhiệm khi để sử việc khủng khiếp này diễn ra ngay trong phòng bệnh. Khi bệnh nhân đã nhập viện rồi thì tất cả mọi sự việc liên quan đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân đều nằm trong tay các y bác sĩ.

Bệnh nhân bị cắt chân tại bệnh viện Xanh Pôn.

Bác sĩ Nguyễn Trần Kiên, Trưởng khoa bàn chân Bệnh viện Nội Tiết Trung Ương cho biết, vấn đề y đức của người bác sĩ đó chính là sự đảm bảo an toàn về mạng sống cho bệnh nhân. Để xảy ra những vụ bắt cóc, cưa chân, hành hung bệnh nhân trong bệnh viện, rõ ràng thuộc trách nhiệm của những người bác sĩ đang điều trị bệnh nhân của mình. Thậm chí các bác sĩ có thể còn phải xử lý bằng pháp luật nếu không chấp hành đúng quy chế mà chẳng may bệnh nhân chết, hoặc để xảy ra những sự cố như thời gian qua. Tuy nhiên, cũng có một vấn đề nữa là hiện nay các bệnh viện ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh đang rơi vào tình trạng quá tải. Sự quá tải khiến áp lực công việc đổ đầu lên bác sĩ và họ không có nhiều thời gian quan tâm đến bệnh nhân của mình. Hơn nữa, sự quá tải cũng khiến vấn đề kiểm soát an ninh trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, dù bao biện bằng bất cứ lý do nào đi nữa, thì để xảy ra những hiện tượng bắt cóc hay bạo lực, hành hung trong bệnh viện cũng là vấn đề đáng báo động. Trách nhiệm đó thuộc về nhân viên, bác sĩ và bệnh viện. Nếu họ thực sự tâm huyết, sát sao với bệnh nhân của mình, quản lý bệnh viện chặt chẽ khoa học sẽ không có những hiện tượng đáng lo ngại đó xảy ra trong một môi trường mà người dân đang tìm đến sự sống và bình yên

Theo TS.BS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ, quy trình kiểm tra xuất viện được thực hiện rất nghiêm ngặt. Phải trải qua 2 cửa kiểm tra gia đình mới được bế em bé ra khỏi bệnh viện. Nếu ngồi trên ô tô đi ra cổng, từ xe giám đốc đến các xe taxi đều phải mở kính, được kiểm soát của nhân viên bảo vệ.

Bệnh viện cũng lắp 25 camera tại vị trí nhạy cảm, đặc biệt là khoa sơ sinh. Tuy nhiên, vì bệnh viện quá tải, nên việc kiểm soát an ninh rất khó khăn, nhất là vào giờ thăm nom bệnh nhân. Vì thế, bệnh viện cũng tăng cường tuyên truyền cho bệnh nhân, để người bệnh cảnh giác với người lạ, kể cả với người mặc áo nhân viên bệnh viện nhưng có những hành vi bất thường.

Cho đến thời điểm hiện nay, tình hình an ninh tại nhiều bệnh viện nhỏ ở các tuyến tỉnh và huyện vẫn chưa được chú trọng. Nhiều bệnh viện, ít bệnh nhân, việc ra vào diễn ra tương đối dễ dàng. Hầu hết những người ra vào đều không bị bảo vệ hỏi giấy tờ, ở bệnh viện phụ sản Hà Nội, sản phụ đưa con nhỏ ra ngoài cũng rất thỏa mái mà không gặp bất cứ sự kiểm tra nào của lực lượng chốt tại cổng.

Nhóm PV
.
.
.