Bằng thạc sĩ, tiến sĩ... bán tràn lan trên mạng

Thứ Tư, 19/03/2014, 08:00

"Học giả, bằng thật" đó là một vấn nạn của ngành giáo dục mà chúng ta đang tìm cách loại bỏ triệt để. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, chuyện "học giả, bằng thật" ấy chỉ có thể tồn tại trong cơ quan nhà nước và chuyện những cán bộ chất lượng kém vẫn đang "tung hoành" dưới nhiều chức vụ khác nhau khiến tình trạng này càng trở nên đáng báo động. Dù có nhiều kiến nghị, giải pháp được đưa ra để bài trừ vấn nạn này, thế nhưng ngay trên những trang mạng, bằng đại học, thạc sĩ và thậm chí là tiến sĩ vẫn được rao bán công khai với lời cam kết "thật 100%"…

Học tiến sĩ chỉ mất 4 ngày?

Thật không khó để tìm thấy một "cơ sở" chuyên cung cấp các loại bằng từ ngoại ngữ, THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học hay thậm chí là thạc sĩ, tiến sĩ. Theo như lời rao bán của một số trang mạng, các loại bằng ngoại ngữ thường có giá từ 4 - 5 triệu tùy theo số điểm ghi trong bằng, các loại bằng từ THPT cho đến đại học thì có giá từ 3,5 - 6 triệu, bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì đắt hơn với giá từ 15 - 25 triệu.

Gọi theo một số điện thoại để lại trên mạng, người đàn ông tên Hiền chuyên cung cấp các loại bằng nói trên cho biết: "Bọn em cung cấp bằng trên toàn quốc, anh cứ gửi thông tin cho em rồi khoảng 4 ngày là có bằng kể cả thạc sĩ, tiến sĩ…". Cũng theo người này cho biết, bằng được làm là bằng thật 100% (!?) bao gồm bằng gốc, 20 bản photo công chứng và cả bảng điểm trong quá trình học hồ sơ gốc lưu ở trường do hiệu trưởng làm, nếu khách hàng làm mất có thể xin cấp lại được và được bao công chứng ở mọi nơi trên toàn quốc.

Khi chúng tôi tỏ ý nghi ngờ sợ bằng giả, không đúng ý của chúng tôi mà vẫn bị mất tiền thì người này cho biết: "Chị yên tâm, chị chỉ cần gửi thông tin cá nhân vào mail trước cho em, 4 ngày sau xong bằng, chị có thể gặp xem xét. Nếu đúng ý chị lúc ấy chị mới phải giả tiền". Người này cho biết sẽ rao bằng đúng hẹn với chất lượng phôi bằng là thật 100% và dấu đỏ, dấu chìm đầy đủ. Tuy nhiên, khi được hỏi là nguồn gốc của dấu đỏ và tại sao lại có được bằng thật như vậy thì người cung cấp không nói thêm và dập máy.

Để tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi đã liên hệ với một "nhà cung cấp" khác tên Phong, trên trang mạng của người này có ghi rõ dòng quảng cáo: "Nhằm tạo điều kiện cho mọi người tìm được công việc ổn định, thu nhập cao hơn khi đã có kinh nghiệm, trình độ làm việc mà chưa có điều kiện đi học. Ngoài ra không nhận làm bất cứ các loại giấy tờ khác nhằm mục đích xấu (Sổ đỏ, sổ hồng… hợp đồng, chứng minh thư, bằng bác sĩ, bằng Công an….) Các loại bằng cấp mình làm có thể dùng xin việc tại các công ty tư nhân, xuất khẩu lao động, du học hoặc để nâng lương, nâng chức… không được sử dụng vào mục đích khác".

Nhiều loại bằng giả bị thu giữ.

Và khi liên hệ với anh Phong, người này cho biết, bằng của anh làm cũng có đầy đủ dấu đỏ, dấu chìm và thật 100%. Thời gian làm bằng từ 2-3 ngày và khách có thể gặp trực tiếp để nhận bằng và nhận tiền, nếu muốn làm bằng của các trường lớn như Đại học Quốc gia hay Đại học Bách khoa thì khách phải chi thêm từ 0,5-1 triệu. Dường như để cho khách hàng yên tâm hơn, "nhà cung cấp" này còn cho biết sẽ đi cùng khách hàng đến điểm công chứng để làm bản sao.

Để gây sự chú ý, có người còn có chương trình giảm giá cho khách hàng nếu làm bằng thứ 2 trở đi nhưng có một điểm chung là ai cũng cam đoan rằng bằng họ làm là thật 100%. Thế nhưng, khi hỏi về nguồn gốc của tấm bằng này thì người không trả lời, người trả lời thì cũng là vài câu bâng quơ cho có. Thậm chí một số nơi khi cảm thấy nghi vấn vì chúng tôi yêu cầu được gặp mặt và xem trước mẫu bằng, họ còn buông lời tục tĩu, xỉ vả.

Có lẽ, những người chuyên làm bằng này đều hiểu rằng, những người đã đi mua bằng giả như vậy thì có cho tiền họ cũng không dám đến trường để kiểm tra liệu bằng có thật 100% như lời quảng cáo hay không. Với họ chỉ có niềm vui khi cầm tấm bằng trong tay mà không tốn công sức, thời gian để thi, để học như nhiều người khác. Với tấm bằng giả đó, họ vẫn len chân vào được các cơ quan, xí nghiệp như ai và do không có năng lực thật sự nên nhiều cơ quan vẫn đang đốt tiền cho một số người sử dụng bằng giả này.

Phát hiện bằng giả không khó

Cách đây không lâu, chúng ta đã phát hiện hàng chục giáo viên sử dụng bằng giả để thi công chức và nhiều vụ việc các cán bộ dùng những tấm bằng giả với danh nghĩa "học từ xa" để trụ lại vị trí lãnh đạo. Và với việc bằng thạc sĩ, tiến sĩ giả bán nhan nhản như hiện nay thì không thể chắc rằng chúng ta không có những vị thạc sĩ, tiến sĩ giả đang tại vị ở những vị trí quan trọng trong hệ thống cơ quan nhà nước.

Trong phiên họp ngày 25/2/2014 của Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2015, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn cho rằng: "Việc học giả, bằng giả, học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể "chui" vào hệ thống công chức nhà nước, không chui vào được tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Nếu không lọc được thì việc thực học, thực nghiệp vẫn sẽ còn là câu hỏi". Liệu có phải chúng ta để một loạt các cán bộ, giáo viên và thậm chí là một số lãnh đạo sử dụng bằng giả cũng một phần là do quá quan trọng bằng cấp hơn là việc thực học, thực nghiệp.

Một trang mạng rao bán bằng.

Việc quản lý lỏng lẻo về chất lượng tuyển dụng cũng là một nỗi lo ngại hàng đầu. Liệu có mấy nhà tuyển dụng trong cơ quan nhà nước liên hệ với nơi cấp bằng để kiểm tra chất lượng thực hư của bằng. Cùng với việc quan trọng hóa bằng cấp để vào cơ quan nhà nước, những kẻ làm bằng giả đã lợi dụng tâm lý đó để lừa nhiều người chỉ thích bằng mà không thích học. Họ cũng là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ như ai mà không tốn chút công sức nào để đi học. Và nếu không bị phát hiện, họ vẫn là những người có học, đức cao vọng trọng được xã hội tôn trọng, kiêng nể dù thực tài chẳng có bao nhiêu.

Hiện nay việc phát hiện bằng giả bằng mắt thường không khó. Các cơ sở nhận người, tuyển dụng chỉ cần nhìn vào chữ ký và con dấu trên tấm bằng, bảng điểm là có thể dễ dàng phát hiện ra. Bởi con dấu của nhà trường hay của bất cứ của một cơ quan nào cũng thế, dấu được chấm mực và đóng trực tiếp thì không thể đẹp và có độ nét chuẩn như hình dấu giả. Trong khi con dấu giả trên những tấm bằng giả được thiết kế bằng đồ họa và in trực tiếp trên phôi bằng. Do đó, dấu giả không bị nhòe mực, từng đường nét sẽ được in đúng theo mẫu thiết kế. Còn chữ ký trên tấm bằng của bất cứ ai cũng có những điểm, chi tiết khác sau nhiều lần ký, nhưng những chi tiết cơ bản về đường nét thì không thể khác được.

Chữ ký thật thường viết nhanh nên chữ  mảnh, các nét thường viết liên tiếp, không bị đứt đoạn. Nét cuối của chữ ký thường mờ hơn do người ký thường kết thúc rất nhanh. Trong khi chữ ký trên bằng giả nhìn sẽ cứng, thô hơn, không được mềm mại như chữ ký thật, nét chữ đậm đều nhau từ đầu đến cuối do người viết không dám viết nhanh vì sợ sai. Các nét thường hay bị đứt đoạn do viết không liên tiếp (nếu là chữ ký dài).

Nếu nghi ngờ là bằng giả, nhà tuyển dụng có thể dựa vào số hiệu bằng, ngày cấp xem có trong sổ cấp bằng của nhà trường hay không. Mọi thông tin về tên tuổi, nơi sinh, khóa học có khớp không. Nếu không có số hiệu bằng, hoặc số đó là tên một người khác thì đó là bằng giả. Hoặc có thể đến tận trường xem có hồ sơ, quá trình học (danh sách lớp, sổ điểm danh, danh sách điểm, kết quả thi) có tên, ngày sinh, quê quán khớp với bằng không? Nếu không tìm thấy đó là bằng giả.

Việc xem xét cẩn trọng hồ sơ, bằng cấp của các cá nhân xin việc là cần thiết đối với các nhà tuyển dụng, cơ quan nhà nước, một là để tránh tình trạng nhận người không có năng lực nhưng vẫn có bằng cấp cao, hai là để giúp các cơ quan chức năng phát hiện và nhanh chóng triệt phá những đường dây làm bằng giả, hạn chế những tổn hại nguy hiểm cho xã hội.

Theo một cán bộ Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm thì nếu là bằng thật thì người ký bằng có dấu hiệu phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Còn nếu là bằng giả thì có dấu hiệu phạm tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 267 Bộ Luật Hình sự.

Điều 267 Bộ Luật Hình sự quy định:

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm: A) Có tổ chức; B) Phạm tội nhiều lần; C) Gây hậu quả nghiêm trọng; D) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng:

"Bằng cấp là để người ta đánh giá một trình độ của một con người ở một mức độ nào đó để tạo điều kiện cho người ta tự xem xét lại mình, đồng thời để xã hội sử dụng cái trình độ đó, đem lại hiệu quả cho xã hội. Đó là ý nghĩa của cái bằng. Gần đây, chúng ta lại đưa khái niệm, mọi chức danh đều phải có bằng cấp. Nó là cần nhưng chưa phải là đủ, nên người ta mới làm ra bằng giả. Đây là một vấn nạn của nước mình, không ai chấp nhận cả, dứt khoát phải có nhiều giải pháp để ngăn chặn. Bởi vì bằng giả gây hại đến sự phát triển của xã hội rất nhiều. Vấn nạn này rất nguy hiểm, cần phải nghiêm trị những người tạo nên những bằng giả đó và kể cả những người tự mình nhận lấy cái bằng giả đó".

Ng.Mai - Ng.Minh
.
.
.