Các dự án Du lịch sinh thái tại Lương Sơn, Hòa Bình:

“Bánh vẽ” làm khổ dân

Thứ Sáu, 07/06/2013, 16:32

Cách đây gần chục năm, người dân xã Tân Vinh (Lương Sơn, Hòa Bình) được một phen háo hức khi hàng loạt các dự án bất động sản kết hợp du lịch sinh thái về đầu tư. Tất cả các thuyết trình của nhà đầu tư đều rất hay rằng: Sẽ đánh thức tiềm năng thế mạnh về du lịch, tạo cơ hội công ăn việc làm cho người dân địa phương. Thế rồi gần chục dự án "treo" ngốn hàng nghìn héc ta rừng giờ chỉ là những khu đất bỏ hoang.

Du lịch sinh thái chỉ là ”bánh vẽ”?

Do địa thế đẹp, nằm ngay cạnh quốc lộ 6, cách trung tâm thủ đô Hà Nội chừng 1 giờ ôtô chạy, xã Tân Vinh được nhiều nhà đầu tư lựa chọn cho các dự án du lịch sinh thái. Các hạng mục mà nhà đầu tư "vẽ" ra ở các dự án này khá đầy đủ và hấp dẫn: Biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, resort hạng sang, nơi vui chơi giải trí, nhà vườn, ngân hàng... có dự án còn kết hợp cả trồng rừng.

Theo khảo sát của chúng tôi, gần như vẫn chưa có dự án du lịch sinh thái nào tại xã Tân Vinh đi vào khai thác. Tất cả chỉ là những tấm biển treo cạnh các khu đất. Lãnh đạo địa phương này phải thừa nhận, đang phải giải quyết nhiều hậu quả từ tình trạng dự án treo tràn lan, điển hình là các đơn thư khiếu nại của người dân về thu hồi đất, rất phức tạp và khó giải quyết.

Nằm không xa quốc lộ 6, phong cảnh tuyệt đẹp của núi non, vị trí được liệt vào đẹp nhất nhì huyện Lương Sơn, với cái tên rất "tây" Sunset Villas and Resort. Thế nhưng dự án này gần như đắp chiếu, không có hoạt động gì đáng kể. Bà Bùi Thị Hải (xóm Đồng Tiến, Tân Vinh) người sống ngay cạnh dự án Sunset Villas and Resort và khu đô thị sinh thái Việt Âu cho biết: "Dự án về đây đã vài năm rồi nhưng cũng chẳng thấy gì thay đổi.

Hàng ngày vẫn thấy ôtô con đi qua nhà tôi vào khu dự án, chắc là ông chủ về thăm đất. Trước đây biết dự án về đất thổ cư cũng có phần nóng hơn, cũng có khách đến hỏi mua đất ở nhưng với giá chỉ khoảng 500 đồng/m2. Tiếng là miền núi nhưng đất thổ cư cũng hiếm lắm, nhà nào cũng đông con, chia cho mỗi đứa 1 miếng là hết rồi. Mức đền bù thì không đáng kể, đất lại bỏ hoang nên không thu hút được lao động địa phương".

Dự án Sunset Villas & Resort có chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư du lịch Kim Bôi. Tại đây ngoài đoạn đường được đổ bê tông qua khu dân cư vào thì hầu như chưa hạng mục nào được hoàn thành. Hai đoạn đường nhỏ mới được san lấp và trải tạm đá mạt còn rất sơ sài. Thế nhưng trên các trang mạng đã đầy những thông tin giới thiệu và rao bán sản phẩm. Không xa là khu đô thị sinh thái Việt Âu do Công ty CP Việt Âu Hòa Bình làm chủ đầu tư cũng nằm "án binh bất động".

Những hạng mục được nhà đầu tư “vẽ” ra rất hoành tráng.

Ông Hoàng Quốc Tấn, Chủ tịch UBND xã Tân Vinh cho hay, mới đầu liên hệ với địa phương xin đất lập dự án, làm thủ tục, chủ đầu tư nào cũng vẽ ra một dự án hoành tráng nhưng đến khi triển khai thì mất tăm. Trong tổng 9 dự án tại địa bàn thì có tới 6 dự án được tỉnh phê duyệt, các dự án còn lại mới dừng lại ở mức độ khảo sát, thăm dò địa hình. Không riêng xã Tân Vinh, xã Lâm Sơn nằm liền kề cũng được liệt vào hạng "nóng" các dự án "treo". Với cái tên rất thơ mộng, kiêu sa "Thung lũng Nữ hoàng" cũng cùng chung số phận "án binh bất động". Dự án này gần như không có bất kỳ hoạt động nào đáng kể. Vài ba căn nhà thấp tầng lèo tèo bị cây dại gần như phủ kín.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đây là khu nhà nghỉ từng để cho thuê một thời gian rất ngắn sau đó lại bỏ hoang. Đây là dự án chiếm diện tích đất lên tới 141,7 ha. Năm 2004, UBND tỉnh Hòa bình đã ra quyết định thu hồi 141,7 ha đất tại xã Lâm Sơn do Nông trường Cửu Long, Lâm trường Lương Sơn và của cả các hộ gia đình đang sản xuất để giao cho Công ty CP Đầu tư và Du lịch Bạch Đằng thuê 50 năm thực hiện dự án khu du lịch "Làng văn hóa các dân tộc Hòa Bình". Sau nhiều năm triển khai ì ạch, cách đây 1 vài năm dự án này được chuyển giao cho Công ty CP Du lịch Thung lũng Nữ hoàng để xây dựng khu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí “Thung lũng Nữ hoàng”.

Không thể thu hồi đất vì vướng luật!

Tình trạng các dự án không thể tiếp tục triển khai không chỉ xảy ra tại Hòa Bình mà còn ở rất nhiều tỉnh thành khác. Hiện riêng tỉnh Hòa Bình có tới 69 dự án đô thị, khu dân cư, đô thị sinh thái với diện tích khoảng 7.439 ha. Trong đó, riêng xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn có 4 dự án từ lâu đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 như: dự án khu đô thị sinh thái Việt Âu 25 ha, dự án xây dựng khu biệt thự sinh thái Tân Vinh 30 ha của Công ty CP Đầu tư Quốc tế Mỹ Đình, dự án khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn 98 ha của Công ty CP Đầu tư Renco Sông Hồng, dự án làng sinh thái Việt Xanh 49,9 ha của Công ty CP Đầu tư Bất động sản Việt Nam.

Bà Hải không còn háo hức với những chiếc bánh vẽ của chủ đầu tư.

Với sự đầu tư ồ ạt như vậy, câu hỏi được nhiều người đặt ra là lãnh đạo tỉnh trước khi ký phê duyệt dự án có biết năng lực tài chính của chủ đầu tư hay không? Ông Hoàng Quốc Tấn, Chủ tịch UBND xã Tân Vinh thừa nhận không hề hay biết gì về các nhà đầu tư, tất cả đều do cấp trên chỉ đạo xuống. Xã chỉ biết tạo điều kiện, làm thủ tục xin đất và hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Dự án Sunset Villas and Resort chỉ là bãi đất bỏ hoang.

Trong một lần trả lời báo chí ông Bùi Hải Quang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình cho hay, mặc dù đã biết năng lực tài chính của các nhà đầu tư nhưng rất khó khăn trong việc thu hồi đất. Tỉnh chỉ còn biết chờ sửa đổi luật để thực hiện thu hồi. Các dự án đã giải phóng mặt bằng, đầu tư dang dở việc thu hồi là vô cùng khó khăn vì địa phương không thể có kinh phí đền bù cho chủ đầu tư.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá về nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng hàng loạt dự án chậm tiến độ, bỏ hoang tại Hòa Bình. Thứ nhất hạ tầng của tỉnh Hòa Bình còn yếu và chưa đạt yêu cầu. Thứ hai, năng lực tài chính của các chủ đầu tư còn rất yếu. Thực tế cho thấy các chủ đầu tư không "trụ" được tại các đô thị lớn nên đã phải tìm về tỉnh Hòa Bình. Như vậy bản thân họ đã yếu lại trong bối cảnh kinh tế suy thoái cũng là nguyên nhân dẫn tới sự đình trệ của các dự án.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh chia sẻ, mọi vi phạm pháp luật đất đai khi phát hiện phải xử lý kiên quyết theo quy định của pháp luật. Nhưng việc xử lý không cực đoan đến mức cứ vi phạm là phải thu hồi mà pháp luật quy định rất nhiều biện pháp có thể áp dụng để xử lý.

Việc dự án triển khai chậm do những nguyên nhân chủ quan phải xem xét đến năng lực của chủ đầu tư, kể cả trong trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Nếu lỗi thuộc về chủ đầu tư trong khi cơ quan quản lý nhà nước đã có biện pháp nhắc nhở, gia hạn vẫn không khắc phục thì phải thu hồi. Kiên quyết xử lý các dự án.

Nếu không hoàn thành các chỉ tiêu về nông thôn mới thì không phải lỗi của chúng tôi!

Ông Hoàng Quốc Tấn Chủ tịch UBND xã Tân Vinh bức xúc:

Toàn bộ dự án đầu tư tại đây là do cấp trên cấp phép thế nhưng nhiều dự án chỉ cắm biển, nhận đất chứ chưa có triển khai thực hiện hạng mục nào. Việc có quá nhiều dự án "treo" như vậy ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con trong xã. Bà con không thể ổn định để sản xuất được. Ngay bây giờ quy hoạch nông thôn mới lại vướng vào đất của dự án. Do vướng mắc về luật nên tỉnh cũng chưa thể thu hồi được, nhiều vùng đất bỏ hoang trong khi bà con đang cần đất để sản xuất. Chúng tôi quy hoạch đến chỗ này lại vướng vào dự án, vấp vào dự án. Nếu nay mai chúng tôi không hoàn thành chỉ tiêu về nông thôn mới thì lỗi cũng không phải do chúng tôi!

Ts Đỗ Đức Định - Chủ tịch Hội đồng khoa học, Trung tâm nghiên cứu kinh tế - xã hội Việt Nam chia sẻ:

Việc thu hồi đất đai để phục vụ các dự án kinh tế - xã hội thời gian qua đã diễn ra một cách tràn lan, nảy sinh nhiều bất cập. Theo quy định hiện nay, mức đền bù trả cho người dân không dựa vào thỏa thuận với nhà đầu tư nên mức giá chưa sát với giá trị thực sự của mảnh đất, thậm chí thường thấp hơn nhiều giá trị thực. Vấn đề này cần phải được xem xét lại cho hợp lý khi chưa sửa đổi Luật Đất đai. Điều này đã đẩy người dân mất đất vào hoàn cảnh khó khăn, đồng thời đem lại lợi ích cho nhà đầu tư và tạo cơ hội tham nhũng cho một số quan chức. Chẳng hạn thu hồi đất của dân để giao cho một doanh nghiệp làm dự án. Sau khi đầu tư một chút tiền làm đường sá, họ lại phân lô để bán ngay cho những người khác với giá rất cao, gấp vài chục lần, thậm chí vài trăm lần mức giá cho người dân bị  thu hồi. Hậu quả là trên lý thuyết, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng trên thực tế có trường hợp đất đai đang thuộc "sở hữu" của một nhóm lợi ích. Bất cập này còn khiến người lao động không có đất sản xuất, gây ra những cuộc khiếu kiện kéo dài. Theo thống kế của cơ quan nhà nước, có tới 70% các vụ khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai. Nếu không thay đổi, thực tế này sẽ còn tiếp diễn.

Phong Anh
.
.
.