Bệnh viện đầu ngành sai phạm nghiêm trọng, y đức xuống điểm âm

Thứ Sáu, 25/10/2013, 21:14

Dư luận tại TP Hồ Chí Minh đang vô cùng bức xúc trước những sai phạm "không thể chấp nhận được" của Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Bằng thủ đoạn tráo, cắt xén, ghép phim X-quang trong chụp chiếu; liên kết, liên doanh với các đơn vị ngoài luồng, các lãnh đạo của hai bệnh viện đầu ngành này ăn chia và lôi kéo bệnh nhân mổ dịch vụ, bỏ túi hàng tỷ đồng…

"Ăn phim" X-quang, ép bệnh nhân phải mổ dịch vụ

Sau nhiều tháng thanh kiểm tra nhằm làm rõ những thắc mắc, khiếu nại của dư luận liên quan đến các hoạt động khám chữa bệnh, bố trí nhân sự, hoạt động phẫu thuật theo yêu cầu, việc đấu thầu trang thiết bị, thực hiện liên doanh liên kết… , chiều ngày 7/10/2013, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã công bố kết luận thanh tra về những sai phạm của hai Bệnh viện Bình Dân và Chấn thương Chỉnh hình. Có thể nói, với hai bệnh viện này, cách thức "sai phạm, luồn lách" dù có khác nhau, nhưng chung quy lại vẫn là trục lợi, đặt quyền lợi cá nhân, lợi ích nhóm lên hàng đầu mà quên đi sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc.

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình là đơn vị sự nghiệp thuộc quản lý của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Bệnh viện có quy mô 450 giường nội trú, 1.000 giường ngoại trú, được xếp loại chuyên khoa đầu ngành hạng I. Tuy nhiên, kết luận thanh tra tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình cho thấy, trong giai đoạn 2010-2012, bệnh viện có 14 phòng phẫu thuật thì nơi đây dành 9 phòng phẫu thuật dịch vụ và luôn có 9 bác sĩ phẫu thuật. Điều đáng nói là trong danh sách 9 bác sĩ này có hai bác sĩ đều giữ chức vụ phó giám đốc là Châu Văn Đính và Phan Văn Trí. Cả hai đều tham gia mổ để kiếm tiền dù họ đã có lịch phân công thường trực theo quy chế bệnh viện và bảng chấm công trực. Có thể nói, đây là hành vi ăn cắp giờ công. 

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình.

Đặc biệt, bệnh viện này đã định hướng hoặc ép bệnh nhân phải phẫu thuật theo yêu cầu (dịch vụ). Cụ thể, tháng 10/2010 có 1.594 ca phẫu thuật, trong đó phẫu thuật theo yêu cầu là 1.071 ca (chiếm tỷ lệ 67%). Tháng 10/2011 có 1.897 ca phẫu thuật, trong đó phẫu thuật theo yêu cầu là 1.279 ca (chiếm tỷ lệ 68%). Tháng 6/2012 có 2.140 ca phẫu thuật, trong đó phẫu thuật theo yêu cầu là 1.470 ca (tỷ lệ 69%)… Những số liệu này dù có chênh lệch với số liệu lấy từ sổ phẫu thuật do đoàn thanh tra tổng hợp nhưng kết quả cho thấy, tỷ lệ phẫu thuật theo yêu cầu tại bệnh viện này chiếm tỷ lệ rất cao, vào khoảng 70% trong tổng số các ca phẫu thuật. Điều đáng nói ở đây, đa số các trường hợp theo yêu cầu không phải là phẫu thuật ngoài giờ mà là phẫu thuật trong giờ hành chính trong các ngày từ thứ 2 đến thứ 6.

Dù trong ngành chưa có quy định cụ thể nhưng thực tế tỷ lệ phẫu thuật theo yêu cầu của bệnh viện như vậy là một điều khó lý giải với dư luận của một đơn vị y tế công lập như Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. Tất cả các trường hợp phẫu thuật yêu cầu chỉ khác với phẫu thuật chương trình là cộng thêm tiền công phẫu thuật (đây là khoản thu nhập khá cao) và tất nhiên bệnh nhân sẽ được tiến hành phẫu thuật sớm hơn. Nhưng ngược lại thì bệnh nhân phải chịu chi phí ca mổ lớn hơn.

Cũng theo kết luận thanh tra, không chỉ "chăm chăm" mổ dịch vụ, các bác sĩ ở bệnh viện này còn dùng nhiều thủ đoạn để cắt xén, đánh tráo phim nhằm móc túi người bệnh. Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên phim chụp cho bệnh nhân ngoại trú còn lưu trữ trong tháng 10/2011 (những trường hợp này bệnh nhân không mang phim về), ghi nhận có 444 trường hợp đổi phim (A thành B) trong tổng số 1.126 tờ phim lưu, chiếm tỉ lệ 39,43%. Đồng thời, việc sai kích thước phim in ra trong khu vực điều trị nội trú chủ yếu cũng là việc đổi phim. Nếu áp dụng tỉ lệ sai của phim B, C vào tổng số phim sử dụng hàng năm của bệnh viện thì số tiền sai lệch ước tính lên tới hơn 3 tỷ đồng (chênh lệch giá tạm tính giữa phim A và phim B, C trung bình là 14.500 đồng theo giá gốc mua vào).

Một hình thức gian lận tinh vi khác là việc cắt ghép phim, một tấm phim loại A phía bệnh viện đã chụp ghép từ 2 đến 4 hình ảnh sau đó cắt thành từng phim nhưng tính tiền tương đương với 4 tấm phim loại B. Trong 5 tháng cuối năm 2011 đoàn thanh tra phát hiện mỗi tháng có khoảng hơn 2.000 phim bị cắt ghép. Bên cạnh đó phía bệnh viện cũng làm thất thoát hơn 15.500 phim X-quang trong 3 năm từ 2010 đến 2012. Nếu tính trung bình giá mỗi tờ phim là 31.350 đồng thì bệnh viện đã làm thất thoát số tiền hơn 488 triệu đồng…

Thanh tra Sở Y tế cho biết vẫn chưa thể chắc chắn hành vi cắt, ghép phim để tạo ra phim thừa xảy ra từ khi nào và số phim thừa này do ai quản lý, chiếm dụng ra sao. Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm chính về số phim sai trên là BS. Hồ Văn Thạnh, nguyên Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và các cá nhân liên quan đều không thừa nhận trách nhiệm. Do đó, Thanh tra Sở Y tế đã kiến nghị UBND thành phố chuyển Thanh tra Thành phố tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình để làm rõ sai phạm và tìm ra những đối tượng trục lợi bất chính.

"Nhóm lợi ích" đút túi riêng hàng tỷ đồng

Tiếp đến, kết luận thanh tra của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tại Bệnh viện Bình Dân cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm của bệnh viện này liên quan đến công tác tổ chức quản lý cán bộ, cho thuê mặt bằng, đấu thầu mua sắm trang thiết bị, đấu thầu cung ứng thuốc, sai phạm quy chế chuyên môn trong khám chữa bệnh… Sai phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống của "nhóm lợi ích" tại bệnh viện được đặc biệt nhấn mạnh có liên quan đến việc liên doanh liên kết đặt máy tại bệnh viện để ăn chia, nhất là từ khi giám đốc bệnh viện Nguyễn Chí Hùng nghỉ hưu, bệnh viện đã có nhiều đơn thư tố cáo về các dấu hiệu sai phạm...

Những tấm phim X-quang của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình bị thu giữ.

Theo đó, từ năm 2008-2012, bệnh viện này liên doanh, liên kết đặt máy siêu âm tại bệnh viện với Phòng khám đa khoa Lạc Việt, liên kết đặt máy CT- Scanner với Công ty TNHH Việt Nhật, đặt máy tán sỏi với Công ty TNHH Huynh Đệ Phương Đông… Tất cả những liên doanh này không có chủ trương của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh và đều không xây dựng đề án. Đương nhiên, gần như các hợp đồng đặt máy đều được bệnh viện tự quyết và đáng nói hơn là sau khi đi vào hoạt động, phía bệnh viện lại chấp nhận để tỷ lệ ăn chia phần trăm lợi nhuận thu được nghiêng hẳn về phía đối tác.

Cụ thể, với máy siêu âm (trắng đen và màu) khi chưa thu hồi vốn, đối tác hưởng 70% còn bệnh viện chỉ hưởng 40% và khi đã thu hồi vốn đối tác tiếp tục hưởng 60% bệnh viện hưởng 40%. Tỷ lệ ăn chia của loại máy tán sỏi và hệ thống kỹ thuật số cho máy X-quang cũng tương tự.

Trong khi đó, tại hợp đồng máy CT-Scanner, Công ty TNHH Việt Nhật hưởng lợi nhuận tới 80%, bệnh viện chỉ nhận 20%. Sau khi đối tác thu hồi vốn hai bên tiến hành thương thảo nhưng tỷ lệ ăn chia vẫn được giữ nguyên. Thanh tra Sở Y tế khẳng định, chỉ trong vòng vài năm phía đối tác đã thu hồi vốn, việc hợp đồng và lợi ích của hai bên cần phải thương thảo lại, tuy nhiên bệnh viện vẫn giữ nguyên tỷ lệ "ăn chia" như cũ là không hợp lý và không có lợi cho bệnh viện. Như chỉ riêng trường hợp một máy siêu âm màu (KTC) đã thất thu số tiền của bệnh viện gần 500 triệu đồng. Hay một máy X-quang kỹ thuật số khác cũng được bệnh viện chi cho đối tác hơn 77 triệu đồng không đúng hợp đồng…

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tiến hành liên kết với bên ngoài để cho thuê mặt bằng mở nhà thuốc nhưng đã gây thất thoát gần 1,9 tỷ đồng chỉ trong vòng 4 năm... Với những sai phạm gây thất thoát nhiều tỷ đồng của bệnh viện, Thanh tra Sở Y tế đã quyết định thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 3,4 tỷ đồng, trong đó các cá nhân phải hoàn trả thất thoát bao gồm ông Nguyễn Chí Hùng, nguyên giám đốc bệnh viện, gần 1,17 tỉ đồng, ông Nguyễn Văn Vĩnh - Phó giám đốc hơn 723 triệu đồng, bà Trần Thị Xuyến 531 triệu đồng, ông Vũ Lê Chuyên 415 triệu đồng, ông Hoàng Vĩnh Chúc 254 triệu đồng…

Không dừng lại ở đó, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ hàng loạt những sai phạm khác trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế từ năm 2009 - 2011, như không thành lập các tổ đấu thầu; không thực hiện duyệt dự toán gói thầu, không lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu; không có báo cáo thẩm định kết quả đấu thầu... tạo lợi thế cho một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng dẫn đến giá trúng thầu cao hơn giá kế hoạch, thậm chí có máy mua về "đắp chiếu", không sử dụng…

Những sai phạm rõ ràng và nghiêm trọng của hai bệnh viện vừa nêu cộng với những sai phạm được công bố trước đó của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (những sai phạm liên quan đến việc cắt ghép tráo đổi phim bị phanh phui tại bệnh viện này gây thất thoát hơn 600 triệu đồng…) và Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP Hồ Chí Minh (ban giám đốc bệnh viện mắc nhiều sai phạm trong công tác quản lý, mua sắm trang thiết bị và xây dựng…) đã khiến cho niềm tin và hình ảnh của những bệnh viện công trong con mắt người dân bị ảnh hưởng rất xấu. Bởi họ có quyền đặt nghi vấn rằng ngoài những bệnh viện kể trên, có còn hay không những "nhóm lợi ích riêng" đang lợi dụng những kẽ hở trong quản lý, nhất là việc xã hội hóa, để trục lợi.

Có lẽ việc kêu gọi minh bạch hóa công, tư trong bệnh viện công luôn là bài toán khó cho những người quản lý khi xã hội hóa ngành này và các nhóm lợi ích vẫn tồn tại trong các bệnh viện, thậm chí trong từng bộ phận khoa, phòng của bệnh viện. Ở đây, không thể đổ cho trình độ quản lý yếu kém để xảy ra thất thoát vì như đã thấy, những người làm công tác quản lý ở các bệnh viện này đã có những khoản "bổng lộc" rất lớn từ những sai phạm mà họ cố tình làm ngơ hoặc "biết sai mà vẫn làm"… Không thể phủ nhận vai trò của việc xã hội hóa y tế, tuy nhiên, nếu không có phương án quản lý hợp lý để phân định rõ công - tư trong các bệnh viện sẽ tạo kẽ hở lớn để cho nhiều đối tượng mượn "việc công" để làm "việc tư" kiếm tiền bỏ túi riêng.

Trả lời báo chí trước đó về vấn đề "lợi ích nhóm" và xã hội hóa y tế, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thẳng thắn nhìn nhận: "Đúng là xã hội hóa y tế giúp tăng cơ hội tiếp cận với các thiết bị hiện đại, tuy nhiên nếu không được kiểm soát, nó cũng nảy sinh các vẫn đề như lạm dụng chỉ định để tăng cường sử dụng thiết bị xã hội hóa vì đó là nguồn thu. Bộ Y tế đã có hàng loạt quy định về hội đồng bình bệnh án, bình đơn thuốc; tăng cường minh bạch thông tin bằng bệnh án điện tử... như vậy mọi chỉ định của thầy thuốc nếu có bất thường cũng sẽ được phát hiện và chấn chỉnh.

… Rõ ràng các quy định thì đã có đầy đủ, vấn đề cốt lõi vẫn là trách nhiệm thuộc về các hội đồng chuyên môn trong bệnh viện, của người đứng đầu đơn vị; vì người tổ chức thực hiện xã hội hóa nếu đảm bảo các nguyên tắc để minh bạch, công khai, tuân thủ nghiêm túc các quy định thì sẽ hạn chế rất nhiều tiêu cực trong nội bộ cũng như trong hoạt động khám chữa bệnh. Công khai minh bạch đồng nghĩa với việc không còn lợi ích nhóm trong đơn vị vốn là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình trong cán bộ, công nhân viên".

Lữ Xuân
.
.
.