Vụ "cấm" ngư dân ra khơi đánh cá gây xôn xao dư luận tại Thừa Thiên - Huế:

Bị cấm cản ra khơi, ngư dân vác đơn đi cầu cứu!

Thứ Năm, 05/12/2013, 10:58
Ông Nguyễn Viết Mạnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Vang (Thừa Thiên- Huế) cũng khẳng định: "Đơn vị đã nhận đơn thư giải quyết khẩn cấp của anh Nguyễn Thanh Trực, đại diện cho các thuyền viên và cổ đông. Chúng tôi lập tức chỉ đạo UBND xã Phú Thuận khẩn trương mời chủ tàu và các thành viên của con tàu có số hiệu TTH 962.72 để hoà giải. Đã 8 năm bắt tay nhau cùng làm ăn rồi chứ có phải mới ngày một ngày hai đâu mà bây giờ "cạn tình" thế. Nếu để kéo dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người.

Hơn một tháng nay, tàu cá mang số hiệu TTH - 962.72 (thuộc KH-M09) không được ra khơi để đánh bắt hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Mặc dù đây là tàu được Đảng và nhà nước hỗ trợ để khuyến khích động viên ngư dân an tâm sản xuất, đánh bắt xa bờ. Xuất phát từ nguyên do mâu thuẫn trong làm ăn, ông Nguyễn Văn Phẩm (SN 1955) đã tìm mọi cách ngăn cản không cho chiếc tàu này ra khơi, hòng chiếm dụng con thuyền làm của riêng. Việc làm hết sức vô lý này gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho các thuyền viên và cổ đông…

Tàu sắp ra khơi bỗng dưng bị treo bến để chờ "hóa giá"?!

Quá bức xúc trước sự việc trên, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Trực (SN 1976), trú tại thôn An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang (Thừa Thiên- Huế) đã gửi đơn thư phản ánh đến các ngành chức năng để mong được làm rõ vấn đề. Ông Trực cho biết: "Nguyên trước đây, giữa 5 ngư dân cùng với ông Nguyễn Văn Phẩm có mua chung một con thuyền mang ký hiệu TTH - 962.72, với công suất 130CV để đánh bắt hải sản xa bờ, do ông Phẩm làm chủ tàu.

Qua thời gian làm ăn, anh em tụi tui với ông Phẩm vẫn vui vẻ, không có xích mích chuyện gì. Chuẩn bị đánh bắt hải sản vụ Bắc, tôi gọi ông Phẩm tới nhà bàn bạc thì bất ngờ ông này đòi hoá giá con tàu với giá 650.000.000 đồng. Ông ấy bảo: "Nếu chú lấy được thì lấy, còn không thì tôi lấy". Nghe vậy, tôi nói không bán tàu, ông có lên giá thì anh em chúng tôi vẫn cương quyết giữ con tàu để bám biển.

Vì quá bức xúc trước việc làm vô lý, ngăn cản tàu ra khơi nên một số ngư dân đã có cuộc xô xát với ông Nguyễn Văn Phẩm.

Việc nhận lấy tàu không thành nên ông Phẩm đã làm đơn kiến nghị UBND xã Phú Thuận tạm giữ con tàu không cho ra khơi đánh bắt cá từ ngày 17/10 đến nay. Ngày 25/10, anh em tui bất ngờ nhận được giấy của UBND xã Phú Thuận mời đến giải quyết việc mua bán con tàu. Nhận tin ai cũng bỡ ngỡ. Hai phiên hoà giải giữa chủ tàu với thuyền trưởng cùng một số anh em trong cổ đông đều không mang lại kết quả theo như ý muốn của chúng tôi khiến cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn trăm bề".

Thuyền trưởng Trực cho biết thêm: "Dân mình bám biển là vì mưu sinh và bảo vệ Tổ quốc. Trước đây, khi làm ăn thua lỗ thì ông Phẩm không nhảy vào tranh giành. Chính bản thân tui đi vay tiền để cho ông vào khẩu phần. Nhưng khi làm ăn được thì ông ấy lại giành thuyền, đòi đấu giá và muốn chiếm dụng con thuyền… Cả đời mình làm nghề đánh cá trên biển thì theo đuôi con cá, bây chừ ông đòi bán thuyền đi thì tui và các thuyền viên lấy chi sống và nuôi vợ con. Không chỉ gia đình tui mà các anh em cổ đông khác cũng đều lâm vào cảnh tương tự. Con tàu đã gần một tháng nay treo bến không ra khơi. Hơn nữa tàu cá TTH 962.72 hiện đang là thành viên của KH-M09 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế".

Sau khi xảy ra vụ ẩu đả, tranh giành nhau vào sáng  18/11, ông Nguyễn Văn Phẩm làm đơn gửi lên UBND xã với nội dung: "Trong thời gian qua, gia đình chúng tôi có mâu thuẫn trong làm ăn chung với con tàu mang kí hiệu 962.72 cùng anh Nguyễn Thanh Trực, một số thuyền viên và các cổ đông khác. Tuy nhiên, qua hai phiên hoà giải của UBND xã và phiên hoà giải lần 3 có sự tham gia của lãnh đạo huyện nhưng không thành. Vậy mà không hiểu sao ông Trực đã tự ý chạy tàu của tôi và vận chuyển tài sản về nhà một cách ngang nhiên". Cũng trong đơn này, ông Phẩm yêu cầu chính quyền địa phương bảo vệ tài sản chiếc tàu. Trong khi chưa được giải quyết thì không cho tàu ra khơi. Ngoài ra, ông này còn yêu cầu lãnh đạo các cấp nên mời những thành viên của cổ đông đến để ông đích thân hoá giá bán hoặc anh Trực hoá giá để cha con ông mua lại tất cả.

Kì lạ là ông Phẩm chỉ có 1/5 cổ đông trên con tàu này. Qua phiên hoà giải của lãnh đạo huyện, các bên đã thuận ý và xin lỗi lẫn nhau. Cho nên anh Trực đã kêu gọi anh em thuyền viên và các cổ đông đến tu sửa con tàu, mua thêm một số dụng cụ ngư lưới để tiếp tục ra khơi đánh bắt cá cho vụ Bắc. Thế nhưng, trong khi anh em đang dọn vệ sinh và sơn quét lại tàu thì hai cha con ông Phẩm tới quyết không cho người bảo dưỡng. Đồng thời, ông này không quên đòi quyền lợi và "ôm trọn" cả con tàu về mình. Hậu quả, hai bên đã "hỗn chiến", xô xát, đôi co lẫn nhau như phim hành động…!

Phải giải quyết dứt điểm để ngư dân tiếp tục bám biển

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Vang (Thừa Thiên- Huế) cũng khẳng định: "Đơn vị đã nhận đơn thư giải quyết khẩn cấp của anh Nguyễn Thanh Trực, đại diện cho các thuyền viên và cổ đông. Chúng tôi lập tức chỉ đạo UBND xã Phú Thuận khẩn trương mời chủ tàu và các thành viên của con tàu có số hiệu TTH 962.72 để hoà giải. Đã 8 năm bắt tay nhau cùng làm ăn rồi chứ có phải mới ngày một ngày hai đâu mà bây giờ "cạn tình" thế. Nếu để kéo dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người

Hoài Thu - Thiên Phúc
.
.
.