Bi kịch của gia đình từ việc cãi nhau chuyện xây mộ cho người thân

Thứ Tư, 30/07/2014, 15:36

Nhìn cảnh ông lão 85 tuổi đứng trước vành móng ngựa tường trình lại hành vi đã ra tay giết hại đứa con trai ruột, ai nấy đều cảm thấy xót thương. Dù mang tội danh giết người nhưng có lẽ tất cả mọi người đều cảm thấy tiếc nuối hơn là hờn trách con người này. Ở tuổi của ông, sự chín chắn, vững vàng có thừa nhưng chỉ vì một phút nóng giận, không làm chủ được mình, người cha đã cướp đi tính mạng của đứa con do mình sinh ra. Mọi chuyện giờ đã an bài, con chết, bố đi tù nhưng có lẽ câu chuyện về gia đình ông Phạm Văn Thuận, sinh năm 1930, ở thôn An Luận, xã An Tiến, huyện An Lão, Hải Phòng sẽ còn khiến cho nhiều người cảm thấy nhói lòng mỗi khi nhắc đến. 

Con trai vạch bụng thách bố đâm chết

Bản cáo trạng được Tòa án nhân dân TP Hải Phòng đọc trong phiên xét xử diễn ra vào ngày 6/6/2014 khiến cho rất nhiều người chứng kiến cảm thấy phân vân trong lòng. Toàn bộ câu chuyện bi kịch của gia đình bị cáo Phạm Văn Thuận bắt đầu từ khoảng đầu tháng 11/2013. Vợ ông Thuận đã mất cách đây vài năm nên đến thời điểm này cả gia đình gấp rút chuẩn bị cho lễ cải táng.

Con trai ông Thuận là anh Phạm Văn Tán, vốn là một người đã đứng tuổi nhưng thi thoảng hay rượu chè, nói năng không chuẩn xác. Hơn nữa, trong gia đình anh Tán và ông Thuận được cho là “xung khắc” nên hai người rất ít khi nói chuyện chứ chưa nói gì đến việc bàn bạc đại sự. Khi lo liệu công việc “sang cát” cho vợ, ông Thuận chủ động lo liệu mọi việc, cùng lắm chỉ bàn với người con gái chứ không một lần gọi anh Tán ra để bàn chuyện.

Phận là con trai, thấy bố coi thường nên anh Tán cảm thấy vô cùng tức giận. Rất nhiều lần anh Tán đã nói ra suy nghĩ của mình và cho rằng ông Thuận cư xử như vậy là không được. Mặc cho người con trai nói này, nói kia, ông Thuận cứ thế lẳng lặng làm việc của mình. Một số người cũng khuyên ông Thuận là nên bàn chuyện với con trai nhưng ông vẫn luôn khẳng định quan điểm của mình rằng “nói làm gì với thằng nát rượu đấy”.

Sự việc đi lên đến đỉnh điểm vào buổi trưa ngày 7/11/2013, khi đó giáp đến ngày bốc mộ, ông Thuận gọi con gái sang nhà để bàn bạc công việc. Khi hai bố con đang ngồi trong nhà nói chuyện thì bất ngờ anh Tán đi chơi về. Có lẽ lúc đó do vừa uống vài chén xong nên khi thấy bố và em gái bàn chuyện không nói gì với mình, anh Tán cảm thấy vô cùng tức giận. Hằm hằm lao vào nhà tỏ thái độ không vui, anh Tán nói với ông Thuận rằng, ông già rồi chuyện gì cũng tự ý làm, chẳng bao giờ bàn bạc với con cái.

Nghe thấy con trai nói vậy, ông Thuận liền buông lời trách mắng và nói với giọng khá coi thường anh Tán: “Mày đi ra ngoài, tao không nói chuyện với mày, thằng điên, thằng say, thằng dở…”. Nghe thấy bố mắng, anh Tán cảm thấy nỗi bực tức lên đến cực điểm nên giữa hai bố con đã xảy ra xô xát. Trong lúc giằng co, anh Tán vơ lấy con dao nhọn ở gần phía mình rồi giơ lên bảo ông Thuận rằng: “Ông có giỏi thì đâm tôi chết ở đây đi”.

Thấy con cầm dao, ông Thuận lao tới giằng lấy rồi cầm chặt trong tay. Thấy bố cầm dao, anh Tán liền vạch áo ra rồi ưỡn bụng ra phía trước, miệng nói lớn: “Đây, ông đâm chết tôi đi”. Lúc này, em gái anh Tán đã giằng được con dao và lao vào can ngăn. Tuy nhiên, trong lúc nóng giận, ông Thuận đã giằng lấy con dao trong tay con gái rồi phóng trúng ngực anh Tán. Trúng dao của bố, anh Tán từ từ đổ gục ngay trước cửa nhà. Lúc này, mọi người xung quanh mới ùa tới nhanh chóng đưa anh Tán đến bệnh viện, tuy nhiên, do vết dao đi vào chỗ hiểm, mất máu nhiều nên nạn nhân đã tử vong sau đó. Về phần ông Thuận, sau khi phóng dao trúng người con trai, sẵn con dao trong tay, ông liền đưa lên cổ để tự tử. Tuy nhiên, do người con gái đứng ngay bên cạnh nên đã kịp thời ngăn cản. Sự việc sau đó được trình báo lên cơ quan chức năng, ông Thuận bị bắt bởi hành vi giết người và cũng từ đây đại gia đình của ông lão này rơi vào tình cảnh vô cùng thê lương. Mọi người khi nhìn thấy nhau chỉ biết khóc than trước cảnh bố đi tù, con bỏ mạng.

Lời xin lỗi của người cha

Không một lời bào chữa, không một lần nói lời xin giảm nhẹ tội, trước vành móng ngựa, ông Thuận khai báo rành mạch, chi tiết cụ thể sự việc đã xảy ra. Cụ ông này bảo rằng, tội của tôi đáng chết lắm. Tôi cũng chẳng thiết sống nữa, ở tuổi tôi, nếu còn được tự do cùng lắm cũng chỉ được vài năm nữa là cùng. Nay tôi đã gây ra trọng tội như vậy, mong tòa, mong nhà nước cho tôi được đền mạng để cảm thấy thanh thản hơn...

Suốt trong phiên xét xử, khuôn mặt của ông Thuận mang một sắc thái hối lỗi đến tận cùng. Ông thừa nhận tất cả và lời cuối cùng chỉ nói rằng “mong mọi người hãy tha thứ, mong linh hồn của cậu con trai hãy tha thứ. Hành vi của tôi diễn ra trong lúc nóng giận chứ thực tâm chẳng phải vậy”. Tuy nhiên cho đến khi ông Thuận giãi bày rằng, hổ dữ chẳng ăn thịt con, nay tôi tự cầm dao đâm chết con trai mình thì chẳng bằng đến cả loài cầm thú... nghe những lời phân trần này, bất kỳ ai cũng đều cảm thấy xót xa, rất nhiều người đã khóc khi nghe những lời nói của cụ ông này.

Bản án 10 năm tù giam có lẽ là “hợp tình, hợp lý” được những người chứng kiến trong phiên tòa cảm thấy chính đáng. Những thành viên trong gia đình ông Thuận thì chẳng thể nào kìm nén được cảm xúc của mình, những cảm giác trái chiều tồn tại trong suy nghĩ của mọi người và nó khiến cho tất cả cảm thấy dằn vặt. Biết nói lời trách cứ sao đây cho hành động giết hại anh Tán của ông Thuận và biết nói sao đây khi người cha già tuổi 85 đang là bị cáo đứng trước tòa... Tất cả diễn ra như một vở bi kịch đi tới cực điểm.

Trong quá trình khai báo tại tòa cũng như trước đây khi làm việc với cơ quan điều tra, ông Thuận bảo rằng, đúng là trước đây bản thân ông có cách sống cũng không hợp lý lắm. Xuất phát từ sự xung khắc giữa hai bố con mà liên tục xảy ra mâu thuẫn. Hai bố con ông Thuận không hợp nhau nên chẳng bao giờ nói chuyện hay ngồi tâm sự. Từ đây, giữa hai người luôn tồn tại một khoảng cách rất lớn. Sống theo quan điểm việc ai người đấy làm, anh Tán có gia đình riêng, con cái cũng đã trưởng thành, còn ông Thuận lại luôn có suy nghĩ “không muốn phiền hà đến con cháu”.

Từ khoảng cách lớn giữa hai bố con nên khi lo liệu công việc cho vợ, ông Thuận nghĩ rằng, mình còn sống thì đây là trách nhiệm của bản thân nên cứ thế chủ động triển khai. Còn về phần anh Tán, bản thân người đàn ông này cũng luôn nghĩ rằng, mẹ đã qua đời thì việc sang cát là cơ hội cuối cùng để báo hiếu nên rất muốn được đứng ra lo liệu. Có lẽ từ những suy nghĩ như vậy đã đẩy hai bố con ông Thuận đến chỗ mâu thuẫn để rồi khi mà tất cả đều không kìm chế được bản thân thì sự việc đáng tiếc xảy ra cũng như là một hệ quả tất yếu.

Cảnh ông Thuận lặng lẽ bước lên xe chuyên dụng phía sau là tiếng khóc nghẹn ngào của những người thân, ai nấy đều cảm thấy xót xa. Những ngày tới đây, cuộc sống của ông Thuận sẽ diễn ra trong trại giam nhưng chẳng ai có thể khẳng định được rằng, liệu cụ ông này còn đủ sức khỏe để thi hành trọn vẹn bản án của mình nữa hay không?

Đan Thủy
.
.
.