Cái giá của cô gái trẻ khi đưa cháu ruột của mình lên mạng xã hội làm công cụ quảng cáo

Thứ Sáu, 26/06/2015, 14:00
Trên mạng xã hội Facebook gần đây xuất hiện câu chuyện về cô gái trẻ “nhận nuôi con tử tù" đã lấy đi rất nhiều nước mắt, sự thương cảm của cộng đồng mạng. Tuy nhiên sự thật đằng sau câu chuyện ấy đã khiến không ít người bất ngờ và bàng hoàng.

Câu chuyện bắt đầu từ ngày 3 tháng 4, cô gái tên Trần Ngọc Bích Trâm đăng lên Facebook thông tin tìm người cha sắp phải thi hành án tử hình cho em bé bị bỏ rơi trước của nhà. 

Cô kể lại rằng sáng 3 tháng 4, khi cô mở cửa quét sân thì thấy bên ngoài thềm nhà có ai đó bỏ lại một em bé được ủ trong khăn bông kèm theo một bộ quần áo sơ sinh với một khoản tiền. Trưa cùng ngày, Trâm trình báo với Công an khu vực và anh Công an nói với Trâm nếu 60 ngày không ai đến nhận thì Trâm có thể làm thủ tục để nhận nuôi bé. 

Trâm đã chia sẻ với bạn bè và trên cả Facebook để xem có ai tới để nhận lại em bé không. Sau đó đến ngày 11 tháng 5, Trâm lại nhận được một túi đồ, Trâm bất ngờ và xúc động vì biết được đây là bức thư của bố cháu bé. Trong túi đồ gồm những vật dụng của cháu, dây buộc tóc và những con hạc giấy. Trong thư anh có viết: “...anh xin được tử hình. Ngày 29 tháng 5 sẽ có phán quyết. Anh gấp cho con gái anh 1.000 con hạc giấy và 8 con chim công rất đẹp nhưng cán bộ phát hiện họ lấy hết của anh...”.

Bức thư cảm động của người bố cùng với câu chuyện về những con hạc giấy đã lấy đi biết bao nước mắt của cộng đồng mạng với lòng thương con vô bờ bến của ông bố tử tù. Và anh mong muốn rằng con gái anh sẽ nhận được sự chăm sóc từ một cô gái có tấm lòng nhân hậu như Trâm. Toàn bức thư là những lời lẽ cảm động, tình yêu thương của một ông bố chuẩn bị án tử hình dành hết vào để làm những việc cuối cùng cho cô con gái bé bỏng .

Câu chuyện của Trâm đã nhận được sự thương cảm của cộng đồng mạng với hàng trăm nghìn lượt thích (like) và hơn 70.000 lượt chia sẻ (share) trên Facebook. Với sự lan truyền nhanh chóng trên Facebook qua các lượt like và share, tất cả mọi người đều hoàn toàn tin vào câu chuyện thương cảm của cô gái ấy. Có rất nhiều người còn muốn giúp đỡ về mặt vật chất để cô có thể nuôi em bé này một cách tốt hơn.

Thực chất đứa bé chính là ai?

Theo một số nguồn tin thì câu chuyện này được người dân và chính quyền địa phương xác minh là không có thật, tuy nhiên tại sao lại được Trâm chia sẻ trên Facebook với số lượng like và lượt chia sẻ quá lớn đã gây hoang mang cho người đọc. 

Chiều 18/5 vừa qua, ông Lại Văn Vang (Trưởng ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, nơi gia đình Trâm đang sinh sống) đã xác nhận là không nhận được bất kì lời khai báo nào về vụ việc có bé bị bỏ rơi trước cửa nhà của Nguyễn Thị Bích Trâm theo như lời chia sẻ của cô. Và anh Linh (Công an khu phố được Trâm cho là đã trình báo) cũng khẳng định: "Tôi không nhận được bất kì trình báo nào liên quan đến đứa bé bị bỏ rơi trước cửa nhà ai cả”. 

Một số người hàng xóm sống xung quanh khu vực nhà Trâm cũng lên tiếng, bà Nguyễn Thị Đính cho biết: “Trong xóm nhỏ này ai cũng thương yêu trẻ con, nếu xảy ra sự việc lớn như vậy thì mọi người chắc chắn sẽ biết và báo lên chính quyền địa phương chứ không để cô gái trẻ như vậy nuôi giữ một đứa bé. Khi vô tình biết thông tin này trên mạng, chúng tôi rất ngạc nhiên vì chúng tôi ở tại nơi đây nhưng không nghe nói gì". 

Ngoài ra, bà Võ Thị Thanh Trúc (công chức tư pháp, hộ tịch xã Vĩnh Lộc B) cho biết ngày 3 tháng 6, họ không có lịch hẹn trả giấy tờ nào liên quan đến việc cho phép nhận con nuôi: "Trong thời gian qua có nhiều người hỏi về việc xin nhận con nuôi, nhưng chưa có hồ sơ nào được gửi đến, càng không có ai tên Trâm đến hỏi việc xin con nuôi. Thời gian từ khi thành lập hồ sơ xin con đến khi xác minh và có giấy tờ xác nhận là khoảng 30 ngày chứ không phải cứ nói nhận là được nhận. Việc gì cũng phải có trình tự và theo pháp luật của Nhà nước", bà Trúc cho biết.

Chân tướng sự thật

Và rồi câu chuyện đã đi tới hồi kết khi mẹ của Trâm là bà Trần Thị Ngọc lên tiếng tiết lộ toàn bộ sự thật. Bà đã quá đau đầu và mệt mỏi khi cô con gái của mình đã đưa câu chuyện đi xa như vậy. Bà khẳng định đứa bé mà Trâm đưa lên mạng không phải con của người tử tù nào cả mà chính là cháu ruột của bà. Từ bức thư đến túi đồ để ngoài nhà đều do Trâm và bạn Trâm bày ra. 

Bà Ngọc cho biết: “Bức thư đó được viết tại nhà tôi, do một người bạn của Trâm tên H. ngồi viết, lúc đó tôi không biết H. viết những gì, nhưng khi Trâm đăng bức thư lên mạng xã hội thì lúc đó tôi mới hoảng hốt, vì tôi biết chúng nó đã đi quá giới hạn của sự đùa giỡn. Tôi cảm thấy rất buồn phiền vì con gái mình đã biến cháu ruột của nó thành con của tử tù”.

Sau khi có được các thông tin trên, một tổ cơ quan điều tra đã vào cuộc và xác minh rằng em bé mà Trâm chia sẻ trên mạng là con của tử tù chính là con của chị N.T.L.H (quê An Giang) và anh Trần Trọng T. (33 tuổi, anh ruột của Trâm). Hai anh chị đã thuê nhà của ông Nguyễn Văn Tiền (60 tuổi, tại xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh) được khoảng 1 năm và em bé đã được nuôi dưỡng tại đây một thời gian chứ em bé này không phải con của tử tù như Trâm đã nói. 

“Bé gái kháu khỉnh này là con ruột của chị H. và anh T. Chính tôi và vợ của mình thấy chị H. mang thai và sinh nó tại đây. Không có chuyện nó là con của tử tù, nói như vậy rất tội nghiệp đứa bé”, ông Tiền khẳng định. 

Chị H. hiện đang làm công nhân tại một khu công nghiệp gần đó, anh T. làm trong một đoàn phim. Công việc của cả hai anh chị rất bận rộn nên anh chị còn chưa biết việc con mình bị chụp ảnh và lan truyền trên mạng xã hội với thân phận đứa con của tử tù.

Trước đó, chiều 15 tháng 5, sau nhiều lần điện thoại hẹn rồi hủy địa điểm, Bích Trâm đã đồng ý gặp phóng viên báo chí tại một quán cà phê ở xã Vĩnh Lộc B. Đi cùng Trâm là mẹ của cô và cháu bé mà Trâm cho là nhặt được trước cửa nhà, nghi là con của tử tù. Tuy nhiên khi gặp phóng viên, Trâm vẫn xem như mọi chuyện đều là sự thật. Trâm cho biết hàng xóm không có ai biết về việc đứa bé bị bỏ rơi nên vẫn nghĩ đứa bé là họ hàng của nhà Trâm, chỉ ai thân thiết thì Trâm mới kể rõ sự việc. 

Và việc đổ vỡ tình cảm với bạn trai vì mẹ bạn trai nghi ngờ Trâm có con với người khác trong khi bạn trai đi nghĩa vụ quân sự nên Trâm định gửi em bé lên chùa để chứng minh đây không phải con ruột của mình, nhưng vì lương tâm không cho phép nên Trâm đã quyết định chia tay bạn trai và giữ em bé lại nuôi. Và do sợ bị nghi ngờ là đưa câu chuyện lên Facebook với mục đích riêng nên Trâm đã từ chối tiền và quà tặng của các nhà hảo tâm.

Vậy sự thật là gì, chỉ là một trò đùa của những cô gái trẻ hay có điều gì uẩn khúc đứng sau sự việc này? Có thể vì công việc là kinh doanh online trên mạng Facebook nên có lẽ chính cô đã nghĩ ra những câu chuyện như thế này để thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng. Từ câu chuyện cảm động của “đứa con người tử tù” thì sẽ rất nhiều người biết đến việc kinh doanh online của Trâm và sẽ ủng hộ cô. Nhưng sau khi chân tướng sự việc lộ rõ, tất cả mọi người đều bàng hoàng và rồi bất bình với hành động của Trâm.

Nhưng có lẽ vụ việc lần này Trâm đã đi quá giới hạn cho phép, khi lấy chính cháu ruột của mình ra để làm “công cụ marketing” cho việc kinh doanh của cô, hơn nữa khi sự việc đã lộ rõ chân tướng, cô còn không hối hận mà lại vẫn tiếp tục hư cấu cho hành động của mình. Rồi sau này, anh chị ruột của cô sẽ thế nào khi biết được em gái lại mang con ruột của mình ra làm chiêu trò để câu like và lượt chia sẻ cho mục đích kinh doanh, rồi đứa bé cháu cô sẽ thế nào nếu biết cô ruột đã hư cấu thân phận của mình thành “một đứa con của tử tù”, tất cả chỉ để phục vụ cho mục đích, nhu cầu cá nhân…

Những trang mạng xã hội vẫn luôn là con dao hai lưỡi, nếu như những cô gái như Trâm coi thường sự ảnh hưởng của mạng xã hội thì chắc chắn họ sẽ phải trả giá và cái giá của sự coi thường này không hề rẻ.

Huyền Trịnh
.
.
.