Cái miếng an toàn

Thứ Ba, 24/09/2013, 10:00

Vẫn biết, người Hà Nội sành ăn, tinh tế trong ẩm thực nhưng có lẽ chưa thời nào mà người Hà Nội phải phát khổ vì miếng ăn như thế. Mà cũng lạ thường, những người khổ toàn những người có tiền cả chứ có phải nghèo hèn gì đâu.

Mùa Trung thu đến và cứ theo cái lẽ thường mùa nào thức đó, mỗi gia đình kiểu gì cũng phải có vài cái bánh nướng, bánh dẻo cho đúng cái vị Trung thu. Bánh nhãn hiệu ngon thì có nhiều; bánh mẫu mã đẹp cũng có nhiều; bánh giá cả nào cũng đủ cả, tùy theo nhu cầu của mỗi gia đình mà thôi.

Và trong hằng hà sa số những loại bánh nướng bánh dẻo ấy, bánh Bảo Phương là một thương hiệu khá nổi tiếng, gắn chặt với cái gọi là bánh “gia truyền”; “thủ công”…

Chẳng biết miếng bánh Bảo Phương ấy cao quý đến mức nào, nhưng nghĩ đến cái cảnh người người nườm nượp xếp hàng mua theo kiểu phân phối hạn chế, mua trong tiếng cáu gắt của người bán mà thấy không còn muốn ăn bánh trung thu nữa. “Miếng ăn là miếng nhục”, các cụ nói rồi. Vậy mà chen chúc nhau, hành xác nhau, hành tâm nhau (nghe đâu còn cả tụt quần ra chửi bới nhau) chỉ vì miếng bánh thì cũng ngượng quá.

Vẫn biết, người Hà Nội sành ăn, tinh tế trong ẩm thực nhưng có lẽ chưa thời nào mà người Hà Nội phải phát khổ vì miếng ăn như thế. Mà cũng lạ thường, những người khổ toàn những người có tiền cả chứ có phải nghèo hèn gì đâu. Có tiền mới ăn cái bánh Bảo Phương; có tiền mới xếp hàng ăn bát phở Bát Đàn; có tiền mới ghé cháo chửi; bún chửi; miến chửi… Kể cũng hay ho, tự dưng người có tiền bị chửi tuốt.

Nhiều người thắc mắc lắm vì chuyện đó ở Hà nội và đúng là người tiêu dùng Hà Nội đã quá hiền lành. Thử hỏi, nếu khách hàng chấp nhận ăn bớt ngon đi một tí, mà vui, thì liệu những quán chửi kia còn tồn tại được không hay là họ cũng buộc phải thay đổi thái độ phục vụ. Nhưng khổ nỗi, người Hà Nội coi đó là đặc sản, coi sự vất vả trần ai để có miếng ăn ngon là thể hiện sự tinh tế, có gu thưởng thức. Thế nên, ai chửi cứ chửi, ai xếp hàng rồng rắn khổ sở để ăn vẫn cứ xếp hàng…

Người người nườm nượp xếp hàng mua theo kiểu phân phối hạn chế.

Nhưng có một lý do khác cũng khiến người ta phải xếp hàng như thế mà nhiều người không nhận ra, hoặc nhận ra mà không nói. Đó là thực phẩm ở những hàng đông khách đến mức xếp hàng ấy vốn dĩ tươi ngon hơn những mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường. Ví như bánh Bảo Phương chẳng hạn. Nghe nói bánh ấy không dùng chất bảo quản nên không để lâu được mà phải ăn ngay. Thế nên người Hà Nội đổ xô vào chỗ ấy là phải. Không chỉ là ngon nữa mà là an tâm, dù thực ra, cũng có ai được chứng kiến cụ thể họ làm bánh thật ra như thế nào đâu.

Chuốc lấy phiền toái, mất thời gian, mệt nhọc… để mua miếng-bánh-yên-tâm chính là cái vấn đề lớn ở đây, chứ không phải chuyện sành ăn hay sẵn sàng chịu khổ cho một bữa ngon.

Nói thẳng ra, chúng ta đang sống trong một môi trường không an toàn và chính cái môi trường không an toàn đó khiến ai cũng nơm nớp lo sợ trước khi dùng gì, trước khi làm gì và cả trước khi ăn gì. Thôi thì cứ chắc chắn hơn cả. Ai mà không sợ chết, ai mà không sợ bệnh tật. Cứ ăn cái gì an tâm cái đã, mất chút thời gian, chịu mệt một tí, bị bạc đãi một tí mà an tâm thì cũng đâu có sao?

Miếng ăn không biết sạch hay không? Cái chợ không biết sẽ cháy lúc nào? Cái tàu thủy chẳng biết có khi rồi cũng lật nhào? Cái xe đò ai dám chắc lúc đang chạy nó không bốc cháy, hay đâm vào một cái xe nào đấy? vv và vv… Bước chân ra ngoài đường ở xứ mình bây giờ, nhìn đâu cũng thấy rủi ro cả. Nhiều khi, chẳng phải chỉ vì đẹp trai thôi mà đi học cũng bị đánh đó sao? Hoặc cũng lắm lúc, mắt lác cũng bị ăn đòn hội đồng nơi quán café, quán nhậu chỉ vì chúng tưởng mình nhìn đểu.

 Rồi chỉ một nhà khoa học kia thách đấu với Bộ GTVT về chuyện đường sắt Việt Nam có thể tăng tốc độ được hay không cũng khiến ối người sợ đi máy bay bỗng giật mình hiểu ra rằng hóa ra từ hồi đó tới giờ, mình đang ngồi trên những chuyến tàu không phải là an toàn tuyệt đối như suy nghĩ. Đấy, môi trường sống nó mất an toàn như thế, ai chẳng cố mà mua lấy sự an tâm, kể cả đôi khi chỉ là an tâm giả tạo thôi.

Và trong một môi trường lúc nào cũng nơm nớp bất an như thế, con người ta sinh ra mâu thuẫn: vừa luôn nghi ngờ nhưng cũng vừa rất cả tin. Thấy cái gì cũng ngờ vực với cả tá câu hỏi chỉ xoay quanh mỗi một vấn đề "có sạch không? Có an toàn không?". Nhưng cũng chỉ một lời rỉ tai, kiểu như "bánh chỗ đó ngon lắm, sạch lắm, an toàn lắm" thôi, chưa kịp kiểm chứng gì, thấy người ta đổ xô vào xếp hàng thì mình cũng lao vào xếp hàng mà mua. Về ăn thì ai chẳng tấm tắc khen. Mất nửa ngày xếp hàng, miếng bánh nào lúc ấy chẳng ngon???

Cái cần làm bây giờ để dân không còn khổ tâm nữa vì cái sự mất an toàn, xem ra không phải là việc dễ dàng chút nào vì đụng vào lĩnh vực nào cũng nhìn thấy vấn đề của nó. Nhưng những việc không dễ dàng ấy vẫn là những việc có thể giải quyết được chứ chẳng phải nhiệm vụ gì bất khả. Không lẽ, cứ chép miệng cho qua mà không biết rằng, có khi chính con cháu mình, vài chục năm nữa, vẫn còn xếp hàng đến khổ vì miếng-an-toàn như chính chúng ta hôm nay???

H. Anh
.
.
.