Cần người xứng tầm cho di tích đặc biệt

Thứ Sáu, 12/07/2013, 11:15

Nhiều ngày nay trên địa bàn phường Cộng Hòa (thị xã Chí Linh, Hải Dương) người dân và các phật tử đang rất hoang mang khi Đại đức Thích Thanh Viễn người đã từng bị tước chức vị Trụ trì do vi phạm nghiêm trọng luật di sản nay lại được trở lại làm trụ trì chùa Hun (chùa Côn Sơn). Nhiều người cho rằng, với tầm quan trọng của chùa Côn Sơn thì không thể để một vị sư từng vi phạm pháp luật, vi phạm phật pháp trở lại làm trụ trì.

Vi phạm luật di sản

Chùa Côn Sơn (hay còn gọi là Thiên Tư Phúc tự hay chùa Hun) là một ngôi chùa nằm trên ngọn núi Côn Sơn, thuộc địa bàn phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng quốc gia đợt 1 vào năm 1962 và xếp hạng đặc biệt quan trọng vào năm 1994. Đến 18/6/2010 chùa Côn Sơn được Thủ tướng chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Qua tìm hiểu của phóng viên, vào hồi 22h ngày 14/12/2007, ông Hoàng Văn Viễn (pháp danh Thích Thanh Viễn, khi đó còn là Trụ trì chùa Hun - Côn Sơn) đã tổ chức dùng vải phủ các pho tượng tại thượng điện, thắp nhiều ngọn nến xung quanh.

Cho đến tối ngày 20/12/2007, ông Viễn có thuê một người tên Nguyễn Danh Sơn (34 tuổi, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) thực hiện khoan 10 pho tượng tại thượng điện chùa Côn Sơn với số tiền công là 800.000 đồng. Khoảng 21h30 cùng ngày tổ bảo vệ Ban Quản lý (BQL) di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc phát hiện và yêu cầu ông Hoàng Văn Viễn chấm dứt ngay hành vi khoan tượng trái phép này. Không những vậy, vào ngày 5/01/2008, ông Hoàng Văn Viễn đã tiếp nhận và cho treo 11 chiếc đèn chùm tại thượng điện và nhà tổ chùa Côn Sơn do bà Lã Thị Việt (Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội) cùng một số công dân phát tâm công đức mà không báo cáo, xin phép cơ quan có thẩm quyền.

Từ những sai phạm trên, ngày 30/1/2008, Sở Văn hóa - Thông tin Hải Dương (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và đã có kết luận: Việc ông Hoàng Văn Viễn chỉ đạo, tổ chức khoan, đục 10 pho tượng cổ để yểm tâm và treo 11 chiếc đèn chùm trong chùa Côn Sơn là có thật. Việc làm này đã không tuân theo trình tự thủ tục của pháp luật, không xin phép và không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Cơ quan chức năng đã trực tiếp làm việc, lập biên bản nhắc nhở, ngăn chặn nhiều lần nhưng vẫn cố tình thực hiện.

Đây là hành vi cố ý, mang động cơ cá nhân, không có cơ sở khoa học, không có căn cứ pháp lý, không đúng quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Việc khoan yểm tượng này đã ảnh hưởng lớn đến giá trị lịch sử và giá trị tâm linh của chùa Côn Sơn, gây tâm lý hoang mang lo sợ, bất bình cho nhân dân, giới tăng, ni và khách thập phương, làm mất ổn định tình hình trật tự địa phương. Sau khi hành vi của ông Viễn bị phát hiện các cơ quan chức năng đã vào cuộc và làm rõ hành vi vi phạm Luật Di sản và ra quyết định xử lý bãi miễn chức Trụ trì và phạt hành chính đối với Đại đức Thích Thanh Viễn.

Ông Nguyễn Quang Chiêm người dân xã Cộng Hòa (thị xã Chí Linh, Hải Dương) chia sẻ: "Chúng tôi là người dân sống trên địa bàn xã, thấy hành vi khoan yểm tượng như vậy, chúng tôi hết sức hoang mang. Việc thầy Viễn vi phạm luật di sản là rất rõ ràng, còn mục đích khoan yểm là gì thì cho đến nay nhân dân trong vùng cũng như phật tử thập phương vẫn chưa được rõ! Điều này khiến cho nhân dân và phật tử rất lo lắng vì chùa Côn Sơn là một di sản mang tầm cỡ quốc gia".

Trao đổi về vấn đề này, Đại đức Thích Thanh Cường, Chánh Văn phòng Giáo hội Phật giáo Hải Dương cho biết: "Không hiểu vì lý do gì mà Đại đức Thích Thanh Viễn lại khoan các pho tượng. Việc khoan này lại không báo với BQL di tích chùa Côn Sơn. Đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản. Bất kỳ một pho tượng nào khi đã được dựng và thờ thì đều đã được yểm tâm tượng. Đối với những pho tượng hiện đang được thờ tại chùa Côn Sơn đã được dựng từ lâu, các hòa thượng, tăng ni và bậc tiền nhân khi rước tượng về thờ đã chấn, yểm theo đúng phong tục và lễ nghi truyền thống. Việc lén lút chấn, yểm tượng của Đại đức Thích Thanh Viễn không những vi phạm nghiêm trọng pháp luật của nhà nước mà còn làm trái với phong tục, lễ nghi của Phật giáo. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của phật tử, của nhân dân".

Cần tìm người xứng tầm!

Tuy nhiên vừa qua, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương lại ban hành quyết định số 268/QĐ - PG ngày 10-7-2009 bổ nhiệm Đại đức Thích Thanh Viễn được quay lại làm trụ trì chùa Côn Sơn đã khiến nhân dân và phật tử vô cùng bất ngờ và lo lắng. Theo Đại đức Thích Thanh Cường, việc ra quyết định phục hồi trụ trì chùa Côn Sơn cho Đại đức Thích Thanh Viễn là chưa làm đúng quy trình. Khi nhận được "Đơn đề nghị trụ trì" của thầy Thích Thanh Viễn, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hải Dương phải cho triệu tập tất cả thường trực ban trị sự và ghi vào nghị quyết. Sau đó phải có văn bản gửi sang chính quyền để tổ chức cuộc họp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan, chứ không thể dựa trên một tờ đơn mà ra quyết định phục hồi lại trụ trì được.

Một pho tượng bị Đại đức Thích Thanh Viễn đục trên vai.

"Thực hiện nghị quyết TW khóa 8 về duy trì, phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc thì chúng ta phải lựa chọn người thực sự có tài, có đức để truyền giáo pháp của Đức phật. Thầy Viễn đã từng có vết xước như vậy nay lại được trở về làm trụ trì là hết sức nhạy cảm, khiến lòng dân hoang mang". - Đại đức Thích Thanh Cường nhấn mạnh.

Đại đức Thích Thanh Cường cho biết thêm, lá đơn "Đề nghị trụ trì" là tự ý Đại đức Thích Thanh Viễn đi xin chữ ký từng người một, từng chùa một. Và khi xin xong tất cả các chữ ký, Thượng tọa Thích Thanh Vân Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hải Dương căn cứ vào đó ra quyết định phục hồi. Chính bản thân Đại đức Thích Thanh Cường là Chánh Văn phòng cũng không hề hay biết. Nếu như Đại đức Thích Thanh Viễn muốn khôi phục lại trụ trì phải yêu cầu họp lại tất cả các ban ngành trước, xem có đồng ý hay không. Hơn nữa phải có ý kiến bằng văn bản trong Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo Hải Dương. Chứ không thể tự dưng đi xin mấy con dấu mà có quyết định khôi phục lại ngay được.

Nói tóm lại việc ra quyết định phục hồi lại trụ trì cho Đại đức Thích Thanh Viễn là chưa có nghị quyết. Chính vì chưa có nghị quyết nên chưa thể có đề nghị lên UBND tỉnh Hải Dương, Ban Tôn giáo tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nội vụ xem xét có được chấp nhận hay không. Một vị sư làm công tác tôn giáo, hiểu về tôn giáo mà lại vi phạm về tôn giáo thì quả là không nên. Cần đề nghị tỉnh hội Phật giáo tỉnh Hải Dương tìm người đủ tài đủ đức, có trình độ uyên thâm về phật pháp để đưa phật giáo của Trúc Lâm Tam Tổ... Phải là người trân trọng, hiểu các di tích lịch sử của chùa Côn Sơn giới thiệu cho khách du lịch.

"Nếu đây là một ngôi chùa tư nhân thì việc ra văn bản này là hợp lý. Nhưng chùa Côn Sơn lại là một Di tích quốc gia đặc biệt, vừa rồi lại có đề án 10 năm nâng cấp là lễ hội quốc gia, chứ không phải là chùa của tỉnh nữa" - Đại đức Thích Thanh Cường cho biết thêm.

Thiết nghĩ cửa chùa là chốn tôn nghiêm, thanh tịnh, chưa bàn đến vấn đề tôn giáo, ai sẽ trụ trì tại chùa Côn Sơn. Việc quan trọng trước mắt phải là việc bảo tồn những di sản vô giá tại đây. Đặc biệt tránh những việc đáng tiếc đã từng xảy ra cách đây không lâu. Có như vậy mới giữ được sự tôn nghiêm và an lòng phật tử.

Trao đổi vấn đề này với Đại đức Thích Thanh Trung, Phó chánh văn phòng Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương, Trưởng ban trị sự Phật giáo của thị xã Chí Linh cho biết:

Chúng tôi chưa hề nhận được bất kỳ văn bản nào liên quan đến quyết định phục hồi chức trụ trì chùa Côn Sơn của Đại đức Thích Thanh Viễn. Theo tôi, nguyện vọng của Đại đức Thích Thanh Viễn là đúng theo quy định của Giáo hội. Tuy nhiên chữ ký của 12/13 Ủy viên thường trực ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương trong đơn đề nghị của Đại đức Thích Thanh Viễn là chưa phù hợp với quy định của Giáo hội Phật giáo.

Chúng tôi chưa từng gửi đơn đề nghị của Giáo hội Phật giáo thị xã Chí Linh tới Thượng tọa Thích Thanh Vân, và Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương chưa thông qua bất kỳ cuộc họp nào của Ban Thường trực Ban trị sự đã ra công văn đề nghị là không đúng trình tự văn bản của  Giáo hội quy định. Chúng tôi đề nghị Đại đức Thích Thanh Viễn làm lại hồ sơ xin bổ nhiệm trụ trì theo đúng quy định của Giáo hội cũng như của Pháp luật. Đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương làm việc theo đúng quy định của TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam; tôn trọng người được Giáo hội ủy quyền và tập thể ban trị sự Giáo hội Phật giáo thị xã Chí Linh. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương cần phải kết hợp với cơ quan chức năng ổn định tình hình tại địa phương, tránh trường hợp khiếu kiện sau này.

Nguyễn Khắc Minh, Trưởng ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết:

"Việc bổ nhiệm Đại đức Thích Thanh Viễn trở lại đang có hai luồng dư luận. Chúng tôi vẫn luôn nhận được câu hỏi tại sao lại đồng ý đưa một vị Đại đức đã từng vi phạm nghiêm trọng luật pháp và Phật pháp trở lại làm trụ trì. Bất luận thế nào đi chăng nữa, chúng tôi và nhân dân cũng mong muốn trong tương lai ở chốn tổ này có được một vị  sư có đủ tầm, đủ tâm. Sao cho xứng đáng với tầm cỡ của di tích lịch sử đặc biệt chùa Côn Sơn".

Phong Anh
.
.
.