Hàng nóng rao bán ngập tràn trên mạng:

Cần sớm được ngăn chặn

Chủ Nhật, 09/03/2014, 08:00

Chúng ta chẳng khó khăn khi muốn tìm một địa chỉ "đáng tin" để mua các loại mặt hàng gọi là "tự vệ". Chỉ cần gõ từ khóa "mua hàng nóng", hàng loạt hình minh họa vũ khí hiện ra trước mắt như: dùi cui điện, súng bắn điện, còng số 8… Với giá chỉ vài trăm nghìn đồng cao nhất cũng chỉ từ 2 đến 3 triệu đồng. Phải chăng đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ án nghiêm trọng có sử dụng vũ khí nóng. Và có lẽ việc xử lý nghiêm những trang mạng rao bán công khai, những người buôn bán trái phép "hàng nóng" mới là biện pháp tốt nhất để giảm thiểu những vụ án nghiêm trọng.

Mua súng, dùi cui điện trên mạng… quá dễ

Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ án cực kỳ nghiêm trọng liên quan đến các loại vũ khí mang tính sát thương lớn như: Súng săn, dụng cụ chích điện, kiếm, mã tấu… cơ quan chức năng đã ban hành Pháp lệnh Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm hạn chế tối đa tình trạng sự dụng tràn lan này. Thế nhưng, các cá nhân, cơ sở kinh doanh vẫn coi như "điếc", để sở hữu một loại vũ khí nóng - lạnh quả thực dễ hơn mua 1 bó rau.

Chỉ sau vài phút lần mò trên các trang mạng, chúng tôi không khỏi giật mình trước những lời rao hàng hết sức "ngọt", bài bản kèm theo là những hình minh họa vô cùng hấp dẫn và sống động. "Chúng tôi chuyên cung cấp các loại dụng cụ tự vệ, an ninh cho cá nhân và doanh nghiệp… có nhu cầu phòng vệ chính đáng… Danh mục sản phẩm phong phú, cho khách hàng lựa chọn: Súng săn, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn điện, súng điện, bình xịt hơi cay, roi điện cầm tay, dùi cui điện, dao găm, kiếm nhật… Hàng chính hãng được nhập khẩu, đảm bảo chất lượng" - một trang mạng có tên: www.daiusa99.com, kèm theo đó là số điện thoại của một người tên Đ. Bên cạnh những trang web có vẻ "danh chính ngôn thuận" còn rất nhiều trang web trôi nổi dùng những từ rất "xã hội" dành cho những tay chơi muốn thể hiện "máu mặt" nhưng: rongb..,muar…. shop… . Chỉ cần click chuột hàng loạt  sản phẩm được phơi ra trước mắt, với những lời bình luận của chủ nhân, khách hàng rất "chất" chơi.

Lần theo thông tin trên trang web: daiusa99…, chúng tôi liên lạc với một số điện thoại của Đ. Khác hẳn cách giao dịch mua bán, người đàn ông tên Đ. ăn nói khá ngầu: "Đại ca cần hàng gì? Nóng hay lạnh? Hỏi đúng ổ rồi nhé…". Nghe giọng còn e dè, người này tỏ vẻ hiểu tâm lý: "Đại ca lần đầu múc hàng này à?". Nắm bắt tâm lý, tôi đổi giọng kiểu dân chơi Đ bắt sóng rất nhanh: "Vậy ông anh cần hàng gì? Số lượng ra sao?".

Các đối tượng bị bắt giữ khi mang vũ khí nóng đi "dạo phố".

Tôi ngỏ ý muốn mua số lượng lớn loại súng bắn điện, dùi cui điện và súng hơi về các khu vực nông thôn bán buôn, Đ. tỏ ra hào hứng: "Cái này là làm ăn rồi, vậy anh em phải gặp nhau mới cụ thể được. Toàn dân chơi, dân buôn với nhau cả". Để tránh lộ sào huyệt, Đ. hẹn gặp chúng tôi tại một quán cà phê trên đường Trung Kính. Việc bán hàng của Đ khá công khai trên mạng Internet nên gã này tỏ vẻ không có chút nghi ngờ hay cảnh giác với chúng tôi. Sau vài câu xã giao, Đ. đưa hẳn 1 danh sách gồm các loại như: súng bắn đạn điện, súng bắn điện, dùi cui, đèn pin điện, nắm đấm điện…. Tôi ngỏ ý muốn mua 4 cây súng hơi loại 9kg và 12kg để bắn chim và 2 khẩu K54 để "lận lưng".

Nghe xong, Đ. ra giá: "Ba loại đó có nhưng tùy vào hàng của nước nào. Hàng Tiệp (Tiệp Khắc - PV ) thì đắt hơn hàng Đài Loan và Trung Quốc. Giá loại 9kg từ 6-7 triệu đồng một cây, loại 12kg 9-10 triệu đồng, còn K54 khó tìm nên hơi đắt, khoảng 16 triệu đồng một "em"!". Dứt lời Đ lộ diên là một con buôn thứ thiệt khi luôn miệng giới thiệu giá của các mặt hàng: "Súng phóng điện bắn xa 10 mét, điện áp 3.000 kv, giá 2,5 triệu đồng; đèn pin phóng điện bắn xa 13,8 mét, giá 4, 3 triệu đồng;

Cách thức thanh toán của Đ. khá kín kẽ, để tránh bị lộ, Đ. tuyệt đối không giao hàng nhận hàng, chuyển tiền trực tiếp. Khách hàng phải chấp nhận "ship", tức là chuyển khoản rồi sẽ có người giàng hàng. Cách chuyển khoản cũng khá bài bản, chia làm 2 dạng: Nếu là khách quen chỉ phải chuyển 25% giá trị, còn khách lần đầu giao dịch phải chuyển 50% giá trị. Để tránh tình trạng Công an "hỏi thăm", số điện thoại của Đ treo trên trang web chỉ là số dự bị. Khi thấy có động số điện thoại đó ngay lập tức treo ngay.

Một số vũ khí rao bán trên mạng (đèn pin, nắm đấm và súng điện).

Theo chia sẻ của Đ hiện nay mặt hàng bán chạy nhất phải kể đến súng bắn điện. Mỗi ngày Đ bán trung bình được khoảng 5 - 7 khẩu súng bắn điện. Nhấp ly cà phê Đ buông lời lạnh lùng: "Gần như thằng choai nào chẳng sở hữu 1 con súng điện. Để phòng thân thì ít mà oai với đời là nhiều". Một chia sẻ khá thú vị của Đ hiện nay loại súng bắn điện và dùi cui điện xuất khá nhiều về các vùng nông thôn, ngoại thành.

Đ. chia sẻ: "Bây giờ các huyện ngoại thành, các tỉnh xa cũng lên đây lấy hàng khá nhiều. Thấy đồn rằng, bọn "cẩu tặc" bây giờ cải tiến phương pháp săn chó. Chúng nó không dùng bẫy, thuốc mê, thòng lọng mà chuyển sang dùng súng điện. Khi chó bị bắn sẽ đơ ra và tuyệt đối không có 1 tiếng kêu, chỉ việc xuống xe và mang đi. Nếu có bị phát hiện chúng nó dùng súng điện bắn ngay, vừa không lo chết người lại thoát thân an toàn". Sau khi giao dịch, để lại số điện thoại Đ. không quên dặn dò: Nếu anh em thấy ổn, làm ăn được thì liên lạc lại. Còn chỉ "check" không thì anh em kín đáo cho chút!".

Chính vì sự tiện lợi đó Internet được ví von như một "thiên đường" mua sắm, ngay cả hàng quốc cấm!

Có thể dễ dàng xin giấy phép sử dụng, hay trò lừa đảo?

Việc mua bán vũ khí dễ dàng, công khai, tràn lan như vậy cho thấy một cuộc sống hiện tại bất ổn. Con người luôn đối diện với cảm giác bất an, cần phải phòng thân. Đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Việc trang bị vũ khí nóng báo hiệu một lối sống, nhận thức, cách hành xử khá bất ổn, đáng lên án. Được biết, việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hết sức chặt chẽ. Những người dân bình thường hoàn toàn không được phép sử dụng, chỉ có lực lượng Côn an, Quân đội, bảo vệ các cơ quan doanh nghiệp nhà nước… đã được tập huấn và có giấy phép.

Đối tượng Nguyễn Mậu Công bị Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ khi vận chuyển "hàng nóng" qua biên giới.

Tuy nhiên điều khiến chúng tôi hết sức bất ngờ khi tiếp xúc với những con buôn "hàng nóng" là họ có thể lo giấy phép sử dụng một cách khá dễ dàng - chỉ cần tiền là xong! Thực chất đó chỉ là chiêu lừa đảo của một số tay buôn "hàng nóng" để nhử khách. Trở lại câu chuyện "làm ăn" với Đ khi chúng tôi tỏ ra lo lắng khi sử dụng "hàng nóng" anh này tỏ ra khá bình thản, chia sẻ: Đây toàn là hàng nhập, còn nếu khách hàng thích hàng xịn mà lực lượng Công an vẫn dùng thì giá phải rất cao. Nếu mua sẽ có hóa đơn đỏ, sau đó "đính kèm" thêm khoảng 10 triệu đồng thì sẽ lo được giấy phép sử sụng. Đ. còn tự hào khoe khoang rằng, anh ta đã từng lo hàng chục doanh nghiệp ở Hà Nội giấy phép sử dụng dùi cui và súng điện cho các nhân viên bảo vệ. "Như năm ngoái, 1 doanh nghiệp bỏ ra gần 1 trăm triệu đồng sắm "hàng" cho nhân viên bảo vệ. Chẳng phải doanh nghiệp Nhà nước hay gì mà tôi lo cho toàn bộ giấy phép sử dụng. Nếu cá nhân thích, tôi hoàn toàn lo được miễn có tiền. Dễ như đánh que diêm ấy mà!".

Nhân câu chuyện "giấy phép sử dụng", chúng tôi may mắn được gặp anh Nguyễn Văn Xuân (Đa Sĩ, Hà Đông), anh Xuân đã từng là nạn nhân của chiêu trò "xin giấy phép". Gia đình anh Xuân vốn là dân kinh doanh, nhà lại nằm gần khu vực khá vắng vẻ. Với ý định mua 1 chiếc dùi cui điện để phòng khi bất trắc. Anh Xuân có mò mẫm lên mạng và kết nối với 1 con buôn.

Khi tiếp xúc mua hàng anh Xuân tỏ ra e dè vì biết đây là hàng cấm thì được người bán hàng tư vấn ngay rằng: Cứ mua hàng đi, đây chủ yếu là hàng xịn, lực lượng 141 ở Hà Nội vẫn hay dùng. Còn nếu muốn có giấy phép sử dụng thì bỏ ra 10 triệu đồng. "Tôi cũng chẳng hiểu biết gì nhiều về luật, thấy anh ta nói vậy, tôi liền đưa cho anh ta tổng số 15 triệu đồng cả tiền dùi cui và tiền "mua" giấy phép sử dụng. Anh ta hẹn tôi đúng 1 tháng, hàng và giấy phép sẽ trao tận tay. Thế rồi vài tháng cũng không thấy đâu, gọi điện thoại thì không liên lạc được. Lúc đo,á tôi mới biết mình bị lừa".

Đại úy Hoàng Ngọc Quang, Phòng PC45, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Các đối tượng vận chuyển, buôn bán công cụ hỗ trợ thường hoạt động mạnh nhất, nhiều nhất vào thời điểm cuối năm. Lý do vì cuối năm những hàng hóa khác tiêu thụ giảm, một số đối tượng buôn bán không chuyên nghiệp về mặt “hàng nóng” này cũng tranh thủ tham gia buôn bán, vận chuyển về xuôi vì lợi nhuận cao. Để ngăn chặn việc vận chuyển này, lực lượng Công an tại các cửa khẩu phải kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, đường lẻ và sử dụng các "cơ sở". Các đối tượng này hoạt động rất láu cá. Chúng thường xuyên vận chuyển về đêm đi qua các đường tắt hoặc băng qua rừng sâu nên rất khó để phát hiện.

Theo Nghị định 25/2012/NĐ-CP, thủ tục cấp giấy phép mua công cụ hỗ trợ gồm:

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mua công cụ hỗ trợ lập thành 1 bộ. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị mua công cụ hỗ trợ. b) Bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

 c) Quyết định thành lập lực lượng bảo vệ chuyên trách (áp dụng đối với các cơ quan, doanh nghiệp thành lập lực lượng bảo vệ chuyên trách).

d) Giấy giới thiệu của người đến liên hệ. Người có tên trong giấy giới thiệu có trách nhiệm xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ.

2. Nơi tiếp nhận hồ sơ cấp giấy phép mua công cụ hỗ trợ

a) Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tiếp nhận hồ sơ cấp giấy phép mua công cụ hỗ trợ cho cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành ở Trung ương và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được phép đào tạo nhân viên bảo vệ.

b) Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ cấp giấy phép mua công cụ hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị ở địa phương. Trong thời gian 4 ngày làm việc, cơ quan Công an có thẩm quyền phải cấp giấy phép mua công cụ hỗ trợ theo quy định. 3. Thời hạn của giấy phép mua công cụ hỗ trợ là 15 ngày.

Phong Anh
.
.
.