Cảnh giác với quái chiêu lừa đảo ăn theo thời đại công nghệ cao

Thứ Tư, 03/12/2014, 12:00
Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, bên cạnh mặt tích cực cũng tạo ra không ít kẽ hở cho tội phạm công nghệ cao thực hiện các hành vi phạm tội. Để đạt được mục đích, chúng không từ bất cứ thủ đoạn nào, từ lừa trúng thưởng qua mạng điện thoại di động, mạng xã hội đến bán hàng “ảo” trên mạng internet, thậm chí lừa đảo cả những hoàn cảnh bi đát, tận khổ đang cần sự chung tay của cộng đồng.

Công an TP Đà Nẵng vừa triệt phá thành công Chuyên án CNC014, bắt 3 đối tượng Trần Trà My (SN 1991), trú huyện Châu Thành (Tiền Giang); Lâm Nguyễn Thị Bích Thảo (SN 1993), trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ và Lương Công Hay (SN 1992), quê xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

1. Điều đáng nói là các đối tượng này tuổi đời còn rất trẻ, mức độ hiểu biết về công nghệ thông tin cũng rất hạn chế, tuy nhiên đánh vào tâm lý số đông hiện nay, thích giao dịch qua mạng internet nên đã nhanh chóng thực hiện được trót lọt các phi vụ lừa đảo ngoạn mục. Theo đó, tháng 8/2013, Trần Trà My quen biết với Lưu Tuấn Minh (SN 1984), trú phường 2, quận 5 (TP HCM) nên Minh đưa My sang Trung Quốc để làm thuê tại TP Nam Ninh. Thực chất, công việc của My cũng như của nhiều phụ nữ Việt khác bị đưa sang đây là lừa khách hàng nộp tiền vào tài khoản bằng hình thức đưa ra mồi nhử là tờ rơi trúng thưởng với số tiền lên đến 500 triệu đồng của một công ty điện máy trong nước. Nhận mức lương mỗi tháng 300 nhân dân tệ và được bao ăn ở, nhưng hằng ngày Trà My đã trở thành tay sai đắc lực giúp sức cho công ty này trong quá trình lừa đảo. Theo cô gái quê Tiền Giang này, hằng ngày cô chỉ việc nghe máy điện thoại, hướng dẫn khách hàng nộp tiền vào tài khoản để “nhận thưởng”, còn nộp vào đâu, rút ra như thế nào chính cô cũng không biết. Nghiêm trọng hơn, trong lần “thử sức” là nhân viên của công ty tài chính, My đã câu nhử được nhiều người có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế. Một khi cá đã cắn câu, theo chỉ dẫn, My hướng dẫn cho khách hàng mở tài khoản có sử dụng dịch vụ internet banking, đăng ký thuê bao di động mới rồi gửi thẻ ATM và số sim này kèm theo pass đến một đối tượng thứ 3 tên là Châu Văn Bình ở Việt Nam. Tiếp đó, My được “biệt phái” về Việt Nam, đến khu công nghiệp Tân Hưng, nơi mà My có bạn bè làm ở đấy, nhờ 8 người đứng tên mở tài khoản với 39 thẻ ATM rồi mua lại. Từ những tài khoản này, My sử dụng dịch vụ Internet của nhà mạng VNPT Tiền Giang và truy cập vào trang web của các ngân hàng để thực hiện việc chuyển các thẻ ATM sử dụng dịch vụ Internet banking trước khi tiến hành đổi mã pin để những người đứng tên chủ tài khoản không thể báo mất thẻ để làm lại thẻ khác. Trong phi vụ này, My được nhận 33 triệu tiền công và 15 triệu tiền thưởng để sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân.

Trong khi đó, tinh vi và ma mãnh hơn, không cần sự giúp sức của bất cứ ai, đánh vào tâm lý thích mua sắm qua mạng của nhiều người, Lâm Nguyễn Thị Bích Thảo đã lập trang facebook mang tên “Angels House”, đăng những hình ảnh quần áo được sao chép từ mạng rồi rao bán với giá sỉ rẻ bèo. Để tạo ấn tượng với khách hàng, Thảo còn sử dụng facebook tên Bích Thảo vào group “Hội thanh lý đồ mẹ và bé Đà Nẵng” để giới thiệu về shop online một cách rầm rộ. Ngoài ra, để che giấu thông tin, Thảo sử dụng tài khoản facebook mang tên Hương An để đăng tin mua thẻ ATM trên facebook, trực tiếp giao dịch với Nguyễn Thanh Thy, trú Quảng Ngãi và mua một thẻ ATM mang tên người này, mở tại Ngân hàng Vietinbank để sử dụng vào mục đích nhận tiền đặt hàng. Mỗi khi có đối tác, Thảo tự giới thiệu tên là Thy, có kho hàng lớn tại Quảng Trị, thường xuyên đi lấy hàng ở Thái Lan. Ngày 27/5, khi một nữ khách hàng tên Hiền gửi chuyển hơn 10 triệu đồng vào tài khoản thì Thảo chiếm đoạt hết. Ngoài ra, cũng bằng thủ đoạn tương tự thông qua trang bán hàng trên facebook “Angels House”, Thảo đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người với tổng số tiền hơn 57 triệu đồng và Thảo đã rút ra rồi tiêu xài cá nhân.

Hai đối tượng lừa đảo bị Công an Đà Nẵng bắt giữ trong Chuyên án CNC014.

Lương Công Hay, đối tượng thứ 3 trong Chuyên án CNC014 cũng thực hiện quả lừa “ăn theo” công nghệ rất ngoạn mục. Mày mò trên mạng xã hội, Hay đã lập một website, đăng nhập vào mạng xã hội Beetalk và gửi lời mời tham gia trúng thưởng tại đường link “mangxahoi24h.com” với giải thưởng là chiếc xe máy Liberty cùng 50 triệu đồng của Công ty Kỹ thuật số truyền thông tương tác (InterMedia), trụ sở tại Đà Nẵng. Anh Hà Văn Cương (SN 1987) đã bắt được “tần số” giải thưởng nên gọi vào số di động của Hay thì tên này xưng là Vũ, giám đốc công ty, xác nhận có giải thưởng và yêu cầu anh Cương nộp thẻ cào để làm thủ tục nhận giải. Quá đỗi vui mừng, anh này liên tiếp nộp 4 lần với số tiền 7 triệu, song mãi không được nhận giải. Biết bị ăn quả lừa, anh Cương làm đơn tố cáo, quá trình vào cuộc xác minh, cơ quan điều tra xác định không hề có công ty InterMedia nào trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ngay sau đó, siêu lừa Lương Công Hay đã sa lưới pháp luật.

2. Thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, đặc biệt là khi mạng di động đã phủ sóng đến mọi ngõ ngách của đời sống, đến mức đứa trẻ vắt vẻo lưng trâu hay cụ già ngồi đếm thời gian trên bậc cửa hằng ngày cũng có chiếc điện thoại để dùng thì câu chuyện lừa đảo qua mạng di động không còn là một cái gì đó quá khó đối với kẻ xấu, nhất là trình độ của người dùng điện thoại không giống nhau. Còn nhớ, dịp áp Tết Nguyên đán năm 2013, ông Hà Học Phi, trú xã Đồng Văn, huyện Quế Phong đang chuẩn bị mổ lợn, gói bánh thì nhận được cuộc gọi từ số lạ vào máy bàn, thông báo gia đình đã trúng thưởng quay số may mắn của tổng đài Viettel với tổng trị giá 180 triệu đồng, gồm một xe máy SH và 70 triệu tiền mặt. Ngay sau đó, bằng nhiều chiêu khác nhau, kẻ lừa đảo đã buộc ông Học phải nộp hàng trăm thẻ cào với số tiền lên đến 25 triệu đồng. Tết năm đó, cả gia đình không buồn mổ lợn, gói bánh như mọi năm nữa. Cũng trên địa bàn Nghệ An, tháng 5/2013, chị Cao Thị Hạnh, trú xã Phúc Thành, huyện Yên Thành đang ôm con vào bệnh viện chữa trị thì nhận được cuộc gọi của người tự nhận mình là nhân viên của trung tâm công bố kết quả trúng thưởng chi nhánh một ngân hàng ở TP Đà Nẵng gọi điện thông báo cho chị là một trong số 21 người may mắn nhận được giải thưởng nhân dịp kỷ niệm 21 năm thành lập chi nhánh ngân hàng. Tổng giá trị giải thưởng là 195 triệu đồng. Tưởng thật, chị này cũng đã cào hàng trăm thẻ Viettel với số tiền 8,4 triệu đồng thì mới biết mình đã bị móc túi trắng trợn. Liên quan đến vấn đề này, ngày 17/5, cơ quan CSĐT công an huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã bắt giữ Phạm Văn Công (SN 1990), Phạm Văn Cương (SN 1995) và Nguyễn Đức Nhượng (SN 1991) đều trú tại xóm Hải Hà, xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khi bằng hình thức sử dụng điện thoại di động gọi điện đến các số thuê bao di động để lừa khách hàng đã trúng thưởng số tiền 100 triệu đồng và yêu cầu nộp lệ phí nhận thưởng bằng cách gửi mã số thẻ cào, các đối tượng đã gây ra 32 vụ lừa đảo, chiếm đoạt trên 10 triệu đồng.

 

3. Để thực hiện được mục đích của mình, kẻ lừa đảo không từ bất cứ một thủ đoạn nào. Gần đây, tại nhiều địa phương rộ lên tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những hoàn cảnh khó khăn được đăng tải trên các phương tiện truyền thông để kêu gọi sự ủng hộ giúp đỡ. Chị Trần Thị Hồng (SN 1971), trú huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) có chồng bị chết, để lại món nợ khổng lồ và bầy con nheo nhóc, được báo chí kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ. Ngay sau đó, kẻ giấu mặt gọi điện thông báo sẽ ủng hộ 35 triệu, nhưng yêu cầu gia đình phải chuyển 7 triệu làm lệ phí. Tưởng thật, chị này đã vay mượn khắp nơi, sau khi chuyển xong thì “nhà hảo tâm” lặn không sủi tăm. Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Hòe (SN 1974), cũng trên địa bàn này, có chồng tử nạn ở Đài Loan, đã bị kẻ xấu lừa lấy 7 triệu đồng bằng hình thức tương tự. Liên quan đến chiêu lừa đảo những mảnh đời nghèo khó, ngày 10/4/2014, công an Nghệ An đã bắt giữ Hoàng Nhật Tuấn (SN 1991), trú TP Vinh khi y đang lừa chiếm đoạt 10 triệu đồng của một hoàn cảnh nghèo khó đăng trên báo chí bằng hình thức yêu cầu người nhà chuyển tiền qua tài khoản để nhận số tiền “ảo” 85 triệu đồng từ Hội Chữ thập đỏ Hà Nội.

Trước những mánh khóe khôn lường, lọc lõi của tội phạm công nghệ cao hiện nay, thiết nghĩ mỗi người dân hãy tự nâng cao cảnh giác và biết cách bảo vệ mình, đừng để biến thành món mồi ngon cho kẻ xấu lợi dụng, khai thác. Đến lúc nhận chân ra sự thật thì mọi chuyện đã quá muộn màng.

Thành Nghệ
.
.
.