Chân dung mờ của những cầu thủ Đồng Nai bán độ:

Chân dung mờ của những cầu thủ Đồng Nai bán độ: Sa ngã vì tiền

Thứ Tư, 13/08/2014, 09:00
Nhận thấy tính chất phức tạp cùng những hình thức, thủ đoạn tinh vi của nạn cá độ bóng đá, ngay từ những ngày chuẩn bị diễn ra giải bóng đá World Cup, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ mà nòng cốt là các Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lập tức vào cuộc, lên kế hoạch triệt phá các đường dây cá độ. Sau hàng loạt các đường dây cá độ sử dụng trang web M88, 166bet.net với khối lượng tiền giao dịch lên đến hàng ngàn tỷ ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội bị triệt phá, lực lượng Công an còn phát hiện tại giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam (V-League) có một số trận đấu được đạo diễn bởi “bàn tay đen” nên đã âm thầm tung các trinh sát vào cuộc.

Sự chua xót của những người làm bóng đá

Sau khi đã xác địch được đích danh những tên cầm đầu cùng những cầu thủ đã được móc nối để làm độ, đêm 20/7/2014, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an đồng loại ra quân. Tại phía Nam, tiến hành bắt giữ bốn đối tượng gồm các tên Đỗ Hoàng Hà, 26 tuổi; Trần Đình Hải, 25 tuổi; Trần Văn Ba, 29 tuổi; Nguyễn Phú Thuận, sinh năm 1982, tất cả đều ngụ tại tỉnh Đồng Nai.

Được biết, bốn đối tượng này thường xuyên móc nối với các cầu thủ chủ chốt ở các câu lạc bộ để dàn xếp tỷ số các trận thuộc giải vô địch quốc gia Việt Nam. Cụ thể trận đấu giữa hai đội Đồng Nai và Than Quảng Ninh diễn ra vào chiều 20/7, bốn đối tượng này đã trực tiếp móc nối với cầu thủ Phạm Hữu Phát - Đội trưởng đội Đồng Nai để cầu thủ này chỉ đạo cho các cầu thủ trong đội dàn xếp tỷ số với phần thắng 5-3 nghiêng về đội bóng Than Quảng Ninh với giá 400 triệu đồng.

Tại phía Bắc, ngay sau khi trận đấu kết thúc, lực lượng Công an đã triệu tập 6 cầu thủ có liên quan và yêu cầu di chuyển về Hà Nội ngay trong đêm để phục vụ công tác điều tra bao gồm: Phạm Hữu Phát (đội trưởng), Nguyễn Thành Long Giang, Đinh Kiên Trung, Nguyễn Đức Thiện, Hà Niệm Tiến, Phan Lưu Thế Sơn. Sau buổi làm việc, 6 cầu thủ của đội Đồng Nai đã khai nhận toàn bộ các hành vi mua bán độ của mình.

Các đối tượng Nguyễn Phúc Thuận, Trần Văn Ba.

Tại trận đấu với câu lạc bộ Than Quảng Ninh, do ba cầu thủ nòng cốt của hàng hậu vệ là Tiago, Trần Thanh Tuấn và Phùng Quang Trung bị dính thẻ phạt trước đó không thể ra sân được nên buộc lòng BHL phải đưa Giang, Sơn, Tiến lấp vào chỗ trống. "Khi ba cầu thủ này bị mắc lỗi quá nhiều dẫn đến các bàn thua hết sức ngớ ngẩn, tôi nghĩ họ không đảm bảo được thể lực và chuyên môn nên mới thay ra chứ lúc đó cũng không nghĩ rằng họ bán độ. Chỉ đến khi trận đấu kết thúc, lực lượng Công an mời 6 cầu thủ về trụ sở làm việc thì tôi cùng các anh em trong Ban huấn luyện và anh Nguyễn Văn Long (Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá Đồng Nai) mới bật ngửa.

Riêng trường hợp Phạm Hữu Phát là cầu thủ trưởng thành từ công tác đào tạo trẻ của trường năng khiếu, từng vô địch các giải U 15, 17, 19 quốc gia nên lãnh đạo câu lạc bộ cũng như Ban huấn luyện chúng tôi dự định xây dựng cháu thành hình mẫu, là biểu tượng của bóng đá Đồng Nai và sau này sẽ đưa đi đào tạo thành huấn luyện viên. Tương lai sáng ngời như vậy nhưng không ngờ các cháu lại không chịu nghe mà bán rẻ tương lai của mình chỉ vì mấy trò cá độ"…

"Xét về tuổi tác, tôi nhiều hơn cha mẹ của bất kỳ cầu thủ nào nên trong đội bóng tôi vừa là HLV trưởng, vừa như người cha để thường xuyên dạy các cầu thủ về các mặt đạo đức trong bóng đá, lối sống và xiết các cầu thủ bằng nội qui của đội bóng. Cho đến bây giờ tôi vẫn có phần áy náy vì huấn luyện viên chỉ có thể quản lý cầu thủ về các mặt đạo đức thi đấu, tính chuyên nghiệp, chế độ ăn uống, giờ giấc… còn vấn đề phát hiện ra được nạn mua bán độ thì thật sự là khó mà chỉ có cơ quan Công an mới làm được bởi các cầu thủ thường liên lạc với những tên trùm bên ngoài bằng những ám hiệu thông qua đường Internet", ông Sự chua xót nói.

Ông Trần Bình Sự đang trình bày sự việc với phóng viên chuyên đề CSTC.

Cũng tại buổi trao đổi này, ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá Đồng Nai chia sẻ: Sau trận đấu, ông lên xe ra sân bay Cát Bi, TP Hải Phòng dự định bay về Đồng Nai ngay trong đêm để làm báo cáo chi tiết về trận đấu thì được huấn luyện viên Trần Bình Sự gọi điện yêu cầu quay trở lại để làm việc về vụ mua bán độ. Khi đến nơi, ông đã thấy 6 cầu thủ trong đó có Phạm Hữu Phát, Nguyễn Thành Long Giang là nòng cốt của đội đang ngồi sẵn trên xe của lực lượng Công an.

"Tuy là đội bóng mới lên hạng được vài năm, cơ sở vật chất còn chưa cao cấp cho lắm, nhưng phải nói rằng với sự quan tâm của các anh lãnh đạo trên tỉnh cùng mấy chục đơn vị tài trợ, cuộc sống của tất cả các cầu thủ cũng không đến nỗi phải thua kém nhiều so với các đội bóng khác. Nếu tính tất cả các khoản lương, thưởng, tiền ăn, ở cùng phí lót tay thì thu nhập của mỗi cầu thủ một năm trên dưới một tỷ đồng và bằng lương 5 năm làm Giám đốc của tôi", ông Long chia sẻ.

Và nỗi đau của những gia đình

Mặc dù đang rất bận với công việc lái xe container kiếm tiền nuôi gia đình nhưng Ông Phạm Văn Sơn (cha của Phạm Hữu Phát) vẫn bớt chút thời gian chia sẻ với chúng tôi: "Gia đình tôi có 3 đứa con cả trai lẫn gái, trong đó thằng Phát là anh lớn nhất. Hồi thằng Phát mới được 3 tuổi thì kinh tế gia đình gặp cảnh khó khăn, tìm mãi chỗ gửi con không được, tôi đành đánh liều nhốt cháu trong nhà để hai vợ chồng đi làm kiếm tiền.

Được gần một tháng thì nó ngã bệnh và hai vợ chồng phải đưa cháu đến bệnh viện huyện điều trị. Ngày xuất viện tôi mua cho nó một trái bóng bằng nhựa chỉ tính cho nó đá chơi, ai ngờ khi trở về nhà nó cứ chơi mãi với trái bóng mà không màng đến cha mẹ và cũng kể từ lúc đó mỗi lần phải nhốt cháu trong nhà để đi làm thì hai vợ chồng tôi cũng yên tâm hơn rất nhiều.

Năm cháu được 13 tuổi, mặc dù cũng chẳng khấm khá gì nhưng với niềm đam mê bóng đá của nó, vợ chồng tôi quyết định gửi cháu vào trường năng khiếu của tỉnh cho học. Khi thành tài và được đội bóng Khánh Hòa mời ký hợp đồng chuyên nghiệp, mặc dù biết bản tính nó ngoan ngoãn nhưng rút kinh nghiệm từ những vụ cá độ trước đó được phanh phui, tôi đã bỏ ra hai ngày đêm trò chuyện khuyên nhủ con đủ điều, phải ngoan ngoãn đừng ham chơi mà phải tập trung đá bóng cho thật giỏi kiếm tiền nuôi bản thân và cũng đừng bao giờ dính líu đến cá độ sẽ tàn hết cuộc đời…

Năm 2012, khi được đội bóng Đồng Nai mời ký hợp đồng, gia đình tôi mừng lắm vì được về phục vụ cho quê hương. Để tạo điều kiện tốt cho cháu,  tôi tìm thuê cho nó một căn nhà ở gần đội bóng rồi bảo hai vợ chồng mang con đến đó ở mà không cần chăm lo cho cha mẹ nữa vì lúc này công việc lái xe container của tôi cũng kiếm được kha khá, đủ cho gia đình sống ổn định. Vợ chồng tôi đã đặt hết niềm tin vào cháu chỉ với hy vọng nó sẽ chơi hết mình để cống hiến cho ngành thể thao của tỉnh nhà… ai ngờ nó lại làm những điều trái với lương tâm khiến cho vợ chồng tôi và các em của nó thật là nhục nhã, xấu hổ… biết làm sao mà ngẩng đầu lên được với bà con xóm giềng nữa… mà vợ chồng tôi có cần tiền của nó đâu mà nó lại làm chuyện bậy bạ đến vậy…", ông Sơn than thở.

Các cầu thủ liên quan đến mua bán độ được triệu tập về cơ quan Công an.

Trường hợp của ông bà Nguyễn Thành Sáng và Nguyễn Thị Huỳnh Mai (cha mẹ của cầu thủ Nguyễn Thành Long Giang) cũng không khá gì hơn. Tuy không thể gặp mặt, nhưng qua điện thoại, ông bà cho biết: Chỉ một đêm sau khi thông tin  Nguyễn Thành Long Giang cùng 5 cầu thủ khác của đội bóng đá Đồng Nai bị lực lượng Công an mời về trụ sở để điều tra vì có dính líu đến đường dây cá độ bóng đá do Nguyễn Phúc Thuận cầm đầu được đăng tải trên báo chí  đã làm chấn động cả thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang (nơi cha mẹ Long Giang ở.

Có người  khuyên ông bà hãy giữ bình tĩnh để bảo đảm sức khỏe, nhưng cũng có rất nhiều người cho rằng việc làm của Giang làm mất mặt quê hương đã nhìn ông bà bằng con mắt hờn trách, thậm chí ngay cả người cậu của Giang khi xem trên mạng Internet thấy cháu mình nhúng chàm cũng gọi điện thoại về trách móc vì ông bà Sáng không biết dạy con…

"Gia đình tôi cũng dư ăn, dư để, cũng có nhà cao cửa rộng nhất nhì cái thị xã này, thằng Giang đá bóng cũng kiếm được một mớ khá lắm chứ có nghèo đâu mà lại tự bán mình cho đám cờ bạc đưa tương lai đến chốn lụi tàn…". Vợ chồng ông Sáng, bà Mai than thở. 

Mặc dù vụ việc vẫn đang được cơ quan Công an tiếp tục điều tra mở rộng nhưng với mục tiêu đề ra từ trước, lãnh đạo đội bóng và BHL vẫn hết sức quyết tâm xây dựng lại. Mà nói như  ông Trần Bình Sự thì khi có những cái ung nhọt gây đau nhức trong đội bóng thì phải nghiến răng cắt bỏ nó đi để kịp thời trấn an tư tưởng của các cầu thủ còn lại và cùng nhau thi đấu thật tốt trong 3 trận đấu còn lại, đồng thời chuẩn bị nghiêm túc cho mùa giải mới nhằm đền đáp tấm lòng của những người hâm mộ tỉnh nhà mà thực chất họ cũng là một phần trong những nhân tố đóng góp tiền trả lương cho cầu thủ thông qua việc nộp thuế.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Bình Sự, Huấn luyện viên trưởng đội bóng đá Đồng Nai cho biết: Ngay từ lúc đội đạt 22 điểm (tức là đã đủ điểm trụ hạng) thì một số cầu thủ bắt đầu có những dấu hiệu xuống dốc về thể lực, tinh thần thi đấu và đặc biệt là không tuân thủ đấu pháp của Ban huấn luyện (BHL). Ngay sau đó, ông cùng các thành viên trong BHL, lãnh đạo Công ty cổ phần Bóng đá Đồng Nai và các cầu thủ nhiều lần xem lại băng ghi hình để mổ xẻ xem những ai thi đấu chưa đạt yêu cầu để nhắc nhở, thậm chí kỷ luật nội bộ. Ngoài ra, BHL còn động viên tư tưởng, nhắc nhở các cầu thủ tuy đã trụ hạng nhưng vẫn phải cố gắng đá cho thật tốt cho xứng đáng với sự đãi ngộ mà lãnh đạo Công ty cổ phần Bóng đá Đồng Nai dành cho họ. Những tưởng với các hình thức như vậy, các cầu thủ sẽ cố gắng, nhưng có lẽ vì mục tiêu của đội bóng ngay từ đầu là trụ hạng mà không phải là đứng thứ 1,2,3 có thể đã tạo sức ỳ cho cầu thủ.

Đức Cương
.
.
.