Chạy đằng giời khỏi ngày khói vây

Thứ Ba, 13/08/2013, 14:22

Mỗi lần khói thải ùn lên, trẻ con không được chạy ra ngoài ngõ chơi mà ở hẳn trong nhà, người già thì đeo khẩu trang trước khi bước ra khỏi cửa, thậm chí có bà cụ bế cháu ngồi trong nhà, đóng kín cửa mà vẫn không thoát khỏi luồng khói thải từ Bệnh viện Quân y 7 tràn vào.

Khói len lỏi vào tận hang cùng ngõ hẻm, đâu đâu cũng ngập ngụa toàn khói là khói. Và cũng vì ngộ độc khói nên suốt những năm qua nhiều hộ dân thuộc phường Bình Hàn, phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) vẫn chạy... khói như cơm bữa. Nhưng mà chạy đằng giời! Vì phía nào cũng là những ngày khói vây…

Ngộ độc khói

Hẳn nhiên không phải ngộ độc bởi thứ khói đốt rơm đốt rạ, bay bay, lãng mạn một miền hoài cổ mà ta vẫn thấy lác đác trong thơ ca. Hẳn nhiên cũng không phải là thứ khói bếp khiến ta mủi lòng cay cay rưng rưng một niềm quê cũ. Dân xung quanh bờ khu vực Hào Thành, TP Hải Dương ngộ độc bởi khói đốt rác thải y tế của Bệnh viện Quân y 7 (trực thuộc Quân khu 3). Và mỗi lần khói bốc lên, cũng là lúc những người dân này được một phen khiếp đảm. 

Đó là tình trạng tồn đọng suốt những năm qua mà nhiều hộ dân ở khu 1, khu 2, phường Bình Hàn và một phần phường Nguyễn Trãi phải hứng chịu. Trong đó, vì tính chất hướng gió quy định (gió Đông Nam) mà dân ở phường Bình Hàn chịu đựng cảnh ngập ngụa bởi khói trực tiếp, nặng nề hơn. "Nặng nề", "u uất", "khét lẹt", "khó chịu", "không thở được" là những cụm từ mà dân khu vực này dành cho "đặc sản" khói bay lên từ ống dẫn khói thải của Bệnh viện 7.

Trong cuộc nói chuyện, bà Nguyễn Thị Vân (trú tại Khu 1, phường Bình Hàn) liên tục bảo "không thở được": "Đã nhiều năm nay, chúng tôi phải sống chung với khói. Có những gia đình không ngửi được mùi khét lẹt như thế lên bèn chạy qua nhà tôi trú tạm như chạy lũ. Đúng là không thở được! Bảo các ông ấy bao nhiêu lần, khi đốt thì đốt cao lên hoặc chui xuống đất mà đốt, chứ hai ống khói chình ình ra kia ai mà chịu được. Nhà bà Thứ, anh Thắng, chị Thu, anh Vận..., nói chung là tất cả cái nẻo này chúng tôi không thể ngửi được. Cái mùi tổng hợp như thế, bảo chúng tôi chịu đựng được sao nổi? Đấy, mẹ ông Chủ tịch là cụ Nguyễn Thị Hồng còn phải bịt mũi, tức ngực, đeo khẩu trang mỗi lần bước chân ra khỏi cổng đó. Chính mẹ ông Chủ tịch chứ nói ai cho xa. Đúng là không thở được!".

Bệnh viện 7 cứ 3 lần/tuần xả khói ra môi trường.

Được biết, cứ 3 lần/ tuần Bệnh viện 7 lại đốt rác. Thời gian đốt thường kéo dài vài tiếng đồng hồ vào buổi chiều. Điều đó đồng nghĩa với việc 3 lần/ tuần, trong thời gian đốt rác, người lớn lại ra "thiết quân lệnh" cấm tiệt bọn trẻ con chạy nhảy chơi đùa ngoài đường, người già có việc buộc phải ra khỏi nhà thì đeo khẩu trang. Còn ai không có việc gì thì cứ ở tít trong nhà, đóng kín tất cả các cửa.

Tuy nhiên, "ba đầu sáu tay" cũng không thoát khỏi việc chịu trận. Lắm hôm, dù đóng kín cửa mà khói như con "quỷ lộ" vẫn len lỏi vào tận trong nhà. Mùi khói khét lẹt, khó thở, sặc sụa vô cùng. Cuối cùng, không chịu được, họ đành dắt nhau chạy khói như chạy lũ qua bên nhà hàng xóm - những hộ gia đình sống xa hơn bờ Hào Thành, ít chịu ảnh hưởng bởi khói hơn.

Cụ Lương Thị Thứ, một người già sống tại "xứ khói" cho biết: "Người ta đốt từ bên đấy sang bên đây ảnh hưởng lắm. Không khí ô nhiễm và không được trong lành. Bố mẹ cháu đi làm suốt ngày nên chỉ có 2 bà cháu ở nhà thôi. Có hôm đóng cửa kín mà khói vẫn vào được. Một ống khói màu đen, một ống khói trắng, cứ thế ùn lên, sợ lắm. Nhà này bố mẹ cháu đang thuê, bởi khói như thế mà chúng nó đang bàn dắt nhau đi thuê chỗ khác đấy".

Ông Nghiêm Viết Nam, Tổ trưởng khu dân cư số 1 chia sẻ thêm: "Tình trạng khói bay mù trời như thế này diễn ra liên tục suốt những năm qua. Chả bao giờ nó nghỉ! Bên kia mé sông là phường Nguyễn Trãi, bên này là phường Bình Hàn. Khói luồn sâu vào ngõ ngách bên trong, lồng sang con đường nhựa bên kia. Toàn khói là là, bay bay kín đặc. Trông kinh lắm.

Trước kia người ta đốt, khói dẫn lên từ ống cao, mặc dù có bay vào nhà nhưng còn đỡ; nhưng 2 năm trở lại đây, ống khói thấp hơn, mùi khói xông thẳng vào nhà người dân. Chúng tôi bức xúc lắm. Vì chúng tôi không gặp được cán bộ lãnh đạo bệnh viện nên chỉ biết kiến nghị lên phường và thành phố thôi. Hầu như tháng nào chúng tôi cũng kiến nghị, cuộc họp nào cũng kiến nghị. Tuy nhiên, hình như chẳng ai đoái hoài. Mà có thể vấn đề của chúng tôi không đến được tai và mắt của các vị ấy cũng nên!".

Đặc biệt hơn, nhiều người dân sống tại khu vực này đặt ra nghi vấn khói có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng gần đây nhiều trẻ nhỏ hay bị ho và gặp các bệnh về đường hô hấp. Với mật độ đốt rác thải, lại là rác thải y tế dày đặc như thế, các bậc phụ huynh đi làm để con ở nhà cùng ông bà cũng không yên tâm được.

Bà Thứ bế cháu đang kể chuyện.

Khói bay ra là thứ khói không độc?

Đem tình cảnh của gần 100 hộ dân sống tại khu vực quanh Hào Thành mà trực tiếp nhất là khu dân cư số 1, số 2 (phường Bình Hàn) trao đổi với bác sỹ Phạm Đình Viên, Chủ nhiệm Khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện 7 cho biết: "Đúng là có việc một tuần 3 buổi bệnh viện đốt rác. Tuy nhiên, khói bay ra không hề gây ô nhiễm môi trường và cũng không làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân".

Theo lý giải của bác sỹ Viên,  từ năm 2011 trở về trước, để xử lí rác thải y tế nguy hại, bệnh viện dùng công nghệ tiêu đốt. Có 2 lò, một lò đốt do Việt Nam sản xuất, một lò do Nhật sản xuất.

Lò Việt Nam đốt công suất lớn, không đảm bảo nên khi dân phản ánh nhiều quá, bệnh viện kết hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hải Dương đã vào kiểm tra và sau đó đã thay bằng lò tiêu đốt của Nhật, khí thải ra đảm bảo vệ sinh môi trường. Điều này được Trung tâm kiểm nghiệm của Bộ Quốc phòng về kiểm nghiệm. Ngoài ra, Sở Tài nguyên - Môi trường cũng vào kiểm tra hằng năm và kết luận tất cả đều đảm bảo vệ sinh môi trường.

Khi thắc mắc về cơ chế vận hành của lò tiêu đốt Nhật Bản này, bác sỹ Viên nói thêm: "Lò này hoàn toàn là công nghệ Nhật Bản, do họ lắp đặt từ A tới Z. Lò có công suất đốt từ 160 - 200kg/ngày và cứ 20kg/ 1 giờ. Nó hoạt động theo nguyên lý đốt 2 lần qua 2 mô-đun: lần 1, mô-đun trực tiếp đốt chất thải; lần 2, khi khói lên trên chừng 1,5m ở giữa, có mô-đun đốt tiếp. Sau đó, khói ấy được đi qua hệ thống nước phun lớn nên lớp cặn lắng xuống rồi mới đi ra ngoài theo các ống dẫn với làn khói không độc, đảm bảo vệ sinh môi trường".

Dọc khu dân cư số 1 - nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của khói thải.

Ông còn nói thêm: "Ngoài việc sử dụng lò tiêu đốt rác thải của Nhật, bệnh viện còn có hệ thống bể ngầm xử lý nước thải y tế theo công nghệ lắng động và sục khí ozon, sau đó ra một bể cuối cùng xử lí bằng hóa chất thân thiện nên nước ra ngoài trong, không gây ô nhiễm. Hệ thống xử lý nước thải này do tỉnh đầu tư, đơn vị làm chủ đầu tư là Sở Y tế Hải Dương. Việc đốt rác luôn có một cán bộ chuyên vận hành và có cả tổ theo dõi nhật kí hằng ngày, mỗi ngày đốt bao nhiêu và rác thải ra bao nhiêu đều được ghi lại hết".

Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, hệ thống bể ngầm xử lý nước thải y tế theo công nghệ lắng động và sục khí ozon là điều khó có thể thực hiện được nếu không muốn nói là… "hoang tưởng" vì chi phí quá đắt đỏ. Công nghệ này chỉ được dùng cho nước thải sinh hoạt (đó là chưa nói đến việc nước thải sinh hoạt còn khó) và chỉ được dùng để xử lý nước thải khó phân hủy mà thôi. Tùy theo mô hình, dựa vào công suất máy phát, lưu lượng khí mà nó đắt như thế nào. Mà hằng ngày, lượng nước thải bệnh viện thải ra là cực lớn. Nếu dùng hệ thống này khác gì "dùng dao mổ trâu giết gà"?

Việc người dân liên tục kêu ca về tình hình khói gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới đời sống và sức khỏe của mình và lý giải của người đại diện phát ngôn cho bệnh viện là bác sỹ Viên dường như quá mâu thuẫn nhau. Một bên nói có ảnh hưởng, một bên nói không ảnh hưởng khiến vấn đề càng ngày càng đi vào sự trì trệ, tồn đọng và chưa được giải quyết ổn thỏa trong suốt thời gian qua.

Nhất là, theo Quyết định số 64 ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ, Bệnh viện 7 từng là một trong số 84 bệnh viện trên cả nước cần phải xử lý ô nhiễm môi trường một cách triệt để thì việc những đơn vị chức năng có liên quan cần phải ngồi với nhau và bàn lại câu chuyện nhức nhối này thiết nghĩ là một việc cần phải làm sớm.

Và phải làm ngay vì hằng ngày, người dân "xứ khói" vẫn chạy khói như chạy lũ. Mà… có chạy đi đâu cũng chẳng thoát nổi những ngày khói bay.

Được biết, cùng với quá trình công nghiệp hóa không ngừng, rác thải cũng được tạo ra ngày càng nhiều với những thành phần ngày càng phức tạp và đa dạng. Tác động tiêu cực của rác thải nói chung và rác thải có chứa các thành phần nguy hại nói riêng rất rõ ràng nếu như chúng không được quản lý và xử lý theo đúng kỹ thuật. Vấn đề xử lý rác thải hiện nay đang trở thành một câu chuyện nóng đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đậu Dung
.
.
.