Chỉ tại cái quỹ đất mà rác, “ma” lẫn lộn

Thứ Năm, 30/05/2013, 14:20

Chỉ tại quỹ đất của xã không có nên hàng nghìn thi thể người chết của bốn thôn xung quanh đều được chôn cất tại khu nghĩa trang thôn Đại Bắc, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Cũng vì quỹ đất không có nên hàng nghìn tấn rác thải của các thôn bên cạnh đều tập kết về đây. Lại cũng vì cái điệp khúc "quỹ đất không có" nên người dân ở đây vô hình trung tự dưng ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ) với ma và rác. Nói tóm lại, chỉ tại cái quỹ đất…!

Khi người sống, người chết và rác gần nhau

Cách trung tâm UBND xã Quỳnh Long chưa đầy 500m, khu nghĩa trang dưới chân núi Kiến thuộc thôn Đại Bắc, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu có diện tích rộng 6ha. Đây là nơi chôn hàng nghìn thi thể người chết của 4 thôn gồm Đại Bắc, Phú Liên, Đại Hải và Đại Tân từ hàng chục năm nay.

Thôn Đại Bắc có 202 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu, trong đó có 30 hộ gia đình sống giáp ranh khu nghĩa địa, đặc biệt trong số này có 7 - 8 hộ sống cách khu nghĩa trang 5 - 6m. Đó là hộ gia đình ông Đào Kháng, Đào Chiến, bà Thoa, ông Thế Trung, bà Chín, ông Lê Sửu và bà Ngân.

Thậm chí, ngôi mộ song táng của dòng họ Nguyễn Phúc và lăng tổ thứ hai của dòng họ Đào cách nhà dân chỉ vài mét. Lý giải điều này, ông Trần Quang Vệ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long cho biết: "Trong những năm 1987 - 1995, các hộ dân này đã tự ý khai hoang, lấn chiếm đất xây dựng nhà ở, đến năm 1996 được HĐND, UBND xã Quỳnh Long hợp thức hóa hồ sơ đề nghị UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn ngôi mộ dòng họ Nguyễn Phúc do yếu tố tâm linh nên không di dời đến nơi khác được; lăng tổ thứ hai của dòng họ Đào đã được quy hoạch lại khuôn viên và nâng cấp từ năm 1992."

Khi người dân thôn Đại Bắc cùng ăn, cùng ngủ, cùng thở với ma thì xã lại có chủ trương xây dựng khu bãi rác tập trung tại chính khu đất mà ranh giới âm dương đang còn "nhập nhằng" này. Bãi rác có diện tích rộng khoảng 1.300m2, là nơi tập kết rác thải của toàn xã Quỳnh Long rồi sau đó mới được chuyển về xử lý tại bãi rác thải của huyện ở xã Ngọc Sơn.

Như vậy, cũng là một đơn vị hành chính như các thôn xóm khác trên địa bàn nhưng người dân thôn Đại Bắc có một "số phận đặc biệt" khi sống dưới một vòm "tiểu khí quyển" đồng thời một lúc cả ma và rác.

… "Tiểu khí quyển" ô nhiễm, bà con kêu trời

Khu nghĩa trang trên có từ lâu đời và đến nay người chết của 4 thôn vẫn được chôn cất tại đây. Nếu trước đây mùi xú uế từ các xác chết phân hủy dưới lòng đất chưa "nồng" và đang ở mức độ mà dân cư thôn Đại Bắc còn "chịu đựng" được thì 10 năm trở lại đây, số lượng người chết tăng cao, mùi hôi thối trở nên kinh khủng hơn. Cùng với thời tiết nắng nóng, mùi xác chết của người và mùi hôi thối nồng nặc của xác gia súc, gia cầm cũng như những hỗn tạp khác từ bãi rác trong khu nghĩa trang theo gió len lỏi vào từng ngõ ngách của mỗi gia đình.

Với người chết, phong tục của người Việt từ bao đời nay là chôn sâu cất kín. Tuy nhiên, nhiều người dân thôn Đại Bắc cho biết khi nghĩa trang vắng người, nhiều gia đình khi chôn người chết xong, đốt quần áo, những vật dụng quen thuộc của họ ngay bên cạnh mộ luôn. Tùy theo tính chất, đặc điểm của chiều gió và mùa mà họ đốt, gió nam đốt vào buổi sáng, gió nồm lại đốt vào buổi chiều. Và dù sáng hay chiều thì mùi tỏa ra thật ghê rợn.

Bà Ngô Thị Thoa, một trong những hộ gia đình sát sườn nghĩa trang nhất nói: "Môi trường bị ô nhiễm; nhiều đêm, nhiều ngày không ăn không ngủ được nhà báo ơi. Gia đình kêu mãi với xóm, với xã rồi cũng bằng thừa. Theo quy định thì có một khu để đốt các thứ như quần áo, chăn chiếu, màn của người chết nhưng có những người để ngay tại mộ đốt nên bao nhiêu khói từ ngoài kia bay vào, môi trường sống của những gia đình quanh đây bị ảnh hưởng rất lớn. Mới ngày hôm qua thôi, sau khi chôn, họ còn xé quần áo từng miếng rồi đốt. Cả nhà đang ăn cơm chiều thì không chịu được mùi khói nên chạy ra ý kiến với họ. Họ bảo đất của xã hội, chỗ nào trống trải thì tau chôn. Họ nói rứa, mình biết làm chi được?"

Một góc khu nghĩa trang dưới chân núi Kiến.

Mặc dù đã có một bãi rác tập trung nhưng xung quanh nghĩa trang, cạnh ven tường nhà dân rác thải vẫn rất nhiều. Khi gió mạnh, không biết bao nhiêu bao bóng theo gió cuộn lên bay tứ tung khắp nơi. Bà Thoa còn nói thêm: "Ngày trước có bức xúc nhưng không đến nỗi bức xúc như bây giờ. Chúng tôi ăn ở ngay bên bờ bên bãi, không biết kéo nhau đi đâu. Ngay cả giếng Kiến ngày xưa nước trong, cả làng ra lấy về uống thì giờ cũng chẳng ai dám dùng. Thậm chí, giếng nước của gia đình mỗi lần trời mưa, chẳng hiểu sao màu đỏ ngàu, bong bóng sủi bọt. Nhà tôi không dám lấy nước ăn, chỉ dùng vào việc giặt giũ, rửa ráy mà thôi."       

Với khoảng cách từ khu vực sinh sống tới khu nghĩa trang gần như thế thì việc "tiểu khí quyển" của thôn Đại Bắc bị ô nhiễm là điều khó tránh khỏi, chỉ là chưa biết ô nhiễm đến mức nào mà thôi. Ông Trần Xuân Huê, một người dân sống trong thôn nghi ngờ: "Từ năm 2003 tới nay, toàn thôn có tới khoảng 60 người chết vì bệnh ung thư, trong đó khoảng 30 người ở độ tuổi rất trẻ (từ 18 - 30 tuổi). Không biết có phải do ô nhiễm môi trường hay không?" 

Khi chất vấn về vấn đề này thì ông Trần Quang Vệ cho hay: "Tình trạng ô nhiễm môi trường do nghĩa trang và bãi rác thải thì có; còn việc người dân thôn Đại Bắc bị bệnh ung thư nhiều hay mắc bệnh lạ là chưa có cơ sở. Bởi trước đây khi nhận được ý kiến phản ánh của nhân dân, chúng tôi cũng đã mời Sở Khoa học Công nghệ về kiểm tra nguồn nước và mẫu đất nhưng không có kết quả gì". Tuy nhiên, khi được hỏi Sở này đã đo không khí chưa thì ông Vệ lắc đầu.

Chỉ tại quỹ đất không có!

Quỳnh Long là một xã đất chật người đông, số nhân khẩu toàn xã lên tới con số 10.000 người. Trong tổng số 173,3ha đất tự nhiên, diện tích đất ở chỉ có 33,3ha, còn lại là đất bồi ven biển và hoang hóa). Toàn xã có 2 nghĩa trang truyền thống, riêng khu nghĩa trang núi Kiến có diện tích hẹp, lại bố trí ở gần khu dân cư nên mới có tình trạng ô nhiễm như thế.

Khu tập trung rác ở trong nghĩa trang.

Ông Vệ nói: "Sau khi khảo sát tình hình thực tế cũng như dựa trên điều kiện mặt bằng đất đai của toàn xã Quỳnh Long, xã thấy ngoài thôn Đại Bắc ra thì chẳng còn thôn nào có mặt bằng khả thi để đặt nghĩa trang. Thậm chí, toàn bộ diện tích đất của khu nghĩa trang dưới chân núi Kiến này cũng là do ông Nguyễn Đức Thuận hiến tặng từ năm 1955, chứ xã hoàn toàn không có đất.

Và cũng vì điệp khúc "quỹ đất địa phương hết" nên sau khi được sự cho phép từ phía Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Quỳnh Lưu, một lần nữa rác thải từ các thôn trong xã lại dồn về đây và không ai khác, chính những người dân thôn Đại Bắc phải hứng chịu. Rõ ràng, trong chuyện này, người dân nơi đây phải chịu quá nhiều thiệt thòi khi trở thành "cái rốn" chứa tất thảy mọi xú uế, hỗn tạp từ các nơi khác đổ về. Lý do chỉ vì họ có một khu đất nghĩa trang do người dân hiến tặng từ đời nào và quỹ đất địa phương không có nên các cấp chính quyền đều chăm chăm trông cậy vào đây để giải quyết các vấn đề xã hội, môi sinh.  

Khổ, nói đi nói lại cũng chỉ tại cái quỹ đất eo hẹp nên mới thế! Nhưng mà nếu xưa kia, ông Thuận không tự nguyện hiến đất của mình để xây nên nghĩa trang thì "số phận" của hàng nghìn thi thể người chết ấy sẽ như thế nào?

Ông Trần Quang Vệ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long:

"Nhằm khắc phục phần nào mức độ ô nhiễm môi trường, xã cũng đã tiến hành 4 biện pháp, bao gồm: Hướng dẫn người dân khâm liệm đúng quy trình, thủ tục; quy hoạch và có biển cấm chỉ rõ nơi nào được chôn và nơi nào không được chôn; tăng cường tuyên truyền và dọn dẹp khu vực nghĩa trang; đồng thời khi có điều kiện cải táng thì cải táng để dồn đến nơi xa dân cư hơn và tập trung lại thành các họ tộc để quy hoạch thành những khuôn viên. Ngoài ra, xã cũng gửi thư kiến nghị lên các cấp cao hơ n để quy hoạch nghĩa trang theo cụm xã. Vì có thể quỹ đất ở các xã khác trên địa bàn huyện khá hơn xã Quỳnh Long".

Chương 10, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia của Thông tư số 02/2010 do Bộ Xây dựng ban hành quy định khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường (ATVSMT) nhỏ nhất từ nghĩa trang đến đường bao khu dân cư, trường học, bệnh viện, công sở như sau:

- Đối với nghĩa trang hung táng là 2.000m khi chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải từ mộ hung táng và 500m khi có hệ thống thu gom và xử lý nước thải từ mộ hung táng; đối với nghĩa trang cát táng là 100m.

- Đối với nghĩa trang chôn cất một lần, tối thiểu là 500m.

Đậu Dung
.
.
.