Chuyện dùng súng của cảnh sát một số nước

Thứ Hai, 11/01/2016, 17:00
Cảnh sát Trung Quốc được trang bị vũ khí và dụng cụ bắt buộc cũng như tùy chọn. Những thứ bắt buộc mang theo bên mình là dùi cui, còng tay, bình xịt hơi cay và đèn pin. Những thứ tùy chọn gồm dao, súng và áo vest chống đâm. Súng tiêu chuẩn mà cảnh sát Trung Quốc sử dụng là khẩu nòng xoay 9mm. Cảnh sát Trung Quốc ít khi mang theo súng nhưng từ tháng 3-2014, nhiều tỉnh đã tăng cường súng cho cảnh sát để đối phó với mọi tình huống khẩn cấp. Bộ Công an cũng có những chương trình huấn luyện để đào tạo cảnh sát sử dụng súng.
Nga

Cảnh sát Nga hoạt động dưới quyền của Bộ Nội vụ (MIA). Đây là cơ quan liên bang thuộc chính phủ, phụ trách điều tra, đảm bảo trật tự trị an, giám sát đường cao tốc, đảm bảo an toàn giao thông. MIA có lực lượng vũ trang riêng mang tên Lực lượng Nội địa, được thành lập và trang bị vũ khí giống quân đội chính quy nhưng hoạt động riêng biệt. Họ sử dụng vũ khí hạng nặng nhằm xử lý các tình huống liên quan tới khủng bố, tội ác nghiêm trọng và được huấn luyện sâu hơn so với cảnh sát.

Khẩu súng thông dụng nhất với cảnh sát Nga là khẩu PM "Makarov" và được nhiều người coi là quá lỗi thời. Vũ khí mà cảnh sát Nga được phép dùng gồm súng lục, súng nòng xoay, tiểu liên và súng máy. Những dụng cụ đi kèm gồm dùi cui cao su, còng tay, bình xịt hơi cay.

Cảnh sát Trung Quốc được trang bị súng khi làm nhiệm vụ.

Mỹ

Cảnh sát Mỹ được yêu cầu mang súng khi làm nhiệm vụ. Nhiều người còn được cho phép mang theo khẩu súng thứ hai có thể ngụy trang được. Cảnh sát Mỹ thường dùng nhiều mẫu súng khác nhau như Glock, Smith & Wesson, SIG Sauer, Beretta, Heckler & Koch và thường là 9mm. Trước đây, cảnh sát Mỹ chỉ dùng súng nòng xoay đơn giản. Nhưng sau vụ xả súng ở Norco năm 1980 và Miami năm 1986 đã khiến lực lượng cảnh sát nước này được trang bị thêm súng với độ sát thương lớn hơn.

Một số cảnh sát được yêu cầu mang shotgun (súng bắn đạn ghém) hoặc súng bán tự động trong ôtô đề phòng trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, cảnh sát Mỹ còn được trang bị thêm súng điện Taser. Dù vậy, một số trường hợp nạn nhân tử vong sau khi trúng đạn từ súng Taser đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về độ an toàn của loại vũ khí này. Cảnh sát Mỹ được trang bị áo giáp, thường là chuẩn IIA, II hoặc IIIA có thể mặc dưới áo đồng phục. Đội đặc nhiệm SWAT thường mặc áo chuẩn III hoặc IV có tấm thép chống đạn.

Nhật Bản

Trái ngược với vẻ bình yên trong phim ảnh, cảnh sát Nhật được phép sử dụng súng. Tuy nhiên, họ chỉ mang theo một khẩu nòng xoay đơn giản của hãng Smith&Wesson chứ không phải súng 9mm như cảnh sát Mỹ. Cảnh sát Nhật không được phép mang theo súng dự phòng như cảnh sát Mỹ. Nhiều khi họ mang theo đèn pin hoặc còng tay để trong bao súng ngụy trang làm khẩu thứ hai. Khi không làm nhiệm vụ, cảnh sát không được phép mang theo súng. Những nhân viên cảnh sát ngồi bàn giấy, cảnh sát giao thông, thám tử mặc thường phục không được mang súng.

Thay vì dùng súng, cảnh sát Nhật thường dùng võ thuật trong các trường hợp không cần thiết sử dụng vũ khí. Họ được huấn luyện 90 giờ võ judo và 90 giờ võ kendo so với 60 giờ đào tạo sử dụng súng. 60% cảnh sát Nhật có đai đen judo.

Cảnh sát Nhật mang theo súng nhưng hiếm khi sử dụng.

Pháp

Pháp là quốc gia mà cảnh sát được trang bị súng ống đầy đủ nhất thế giới. Có hai thành phần cảnh sát ở Pháp. Đầu tiên là Cảnh sát quốc gia được trang bị súng lục và sĩ quan được yêu cầu mang theo vũ khí bất kì khi làm nhiệm vụ. Súng tiêu chuẩn Sig Sauer SP2022. Họ cũng được phép mang theo dùi cui, còng tay, bình xịt cay, súng bắn đạn cao su. Shotgun đôi khi cũng được phép sử dụng trong các tình thế khẩn cấp. Thành phần thứ hai của cảnh sát Pháp là Gendarme. Họ là lực lượng bán quân sự chịu sự quản lý của Bộ Quốc phòng. Lực lượng Gendarme cũng được trang bị vũ khí giống Cảnh sát Quốc gia.

Ở những nơi công cộng như nhà ga, bến bãi, địa điểm du lịch hoặc gần tòa nhà chính phủ sẽ xuất hiện lính với súng trường lăm le trên tay (băng đạn thường không được nạp trừ khi có báo động khủng bố). Đây là hình ảnh những Vệ binh Pháp với mũ nồi xanh đặc trưng.

Nguyễn Lai - Linh (tổng hợp)
.
.
.