Cung đường "hít khí bụi" kêu trời khi gặp mưa

Thứ Hai, 05/05/2014, 12:32

Suốt nhiều năm qua trên dãy núi Quán Sơn thuộc địa bàn xã Cao Thắng (huyện Lương Sơn, Hòa Bình), có không dưới 5 doanh nghiệp khai thác đá. Thế nhưng các doanh nghiệp này họ chỉ thấy nguồn lợi trước mắt mà không biết được những hệ lụy do mình tác động đến môi trường.

"Ô nhiễm" do doanh nghiệp khai thác đá

Cách công trường đang khai thác đá của một doanh nghiệp gần như thưa vắng nhà dân, tuy nhiên tiếng gầm rú của máy nghiền khiến cho bụi bay mù mịt tận đến đêm khuya. Các doanh nghiệp đặt hàng chục giàn lọc đá ngay sát mé đường khiến cung đường này cứ lâng lâng trong "màn sương bụi". Vì lý do đó, cho nên các phương tiện tham gia giao thông đi qua cung đường này đều phải gánh chịu "bão bụi" phủ trắng từ đầu đến chân.

Trước cách thức làm ăn chộp giật, các ban ngành địa phương đã tiến hành "ép" tất cả các doanh nghiệp khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn phải dồn sâu vào sát chân núi Quán Sơn. Họ cũng cấm tiệt các giàn lọc đá ven đường phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ tạm ngừng được một thời gian sau đó "đại công trường" lại hoạt động đâu vào đấy. Trên cung đường chết này, lại phải gánh chịu hàng trăm lượt xe tải từ 15, 20 tấn rầm rập quần thảo.

Hệ lụy và những ảnh hưởng đến môi trường

Dừng chân nghỉ ở một quán nước ven đường thuộc thôn Bá Lam 2, được chúng tôi nhẩm tính không dưới 15 lượt xe tải hạng nặng (từ 15 đến trên 20 tấn) chất đầy đá thành phẩm, ì ạch chạy qua. Con đường thời bình mà không khác gì con đường trong chiến tranh do bom đạn bắn phá. Hầm lầy, hố hốc, ao hồ… cứ nối tiếp khiến cho các phương tiện vượt qua luôn phải nhún nhẩy.

Công trường khai thác đá nằm ngay sát mé đường 314.

Theo như anh Bùi Đức Vịnh, Trưởng thôn Bá Lam 2 thì con đường 431 này được hình thành vào khoảng năm 1965, tuy nhiên nó chỉ được nâng cấp duy nhất một lần vào khoảng hơn chục năm trước. Cả thôn có 85 hộ dân, nửa số hộ trong thôn đều tập trung sống ven cung đường này. Những hộ dân nơi đây họ luôn phải "gánh" chịu khí bụi, riêng năm 2013 trong thôn đã có tới hơn 20 người phải nhập viện vì bị viêm phổi.

Sống với bụi bặm lâu rồi nếp sinh hoạt của người dân Bá Lam 2 cũng… quen. Họ nảy sinh không ít những "sáng kiến" tránh bụi bặm như: căng bạt chắn, dùng vải rèm che cửa sổ, hay lắp cửa kính… Ông Nguyễn Văn Cường (84 tuổi) đang buộc lại tấm bạt chắn bụi trước cửa nhà tâm sự: "Ở ven đường này hầu như nhà ai cũng phải chắn bụi, mới năm ngoái đứa con gái lớn (5 tuổi) nhà tôi nó bị viêm phổi nên cũng lo. Có hôm cả nhà đang ăn cơm thì bụi ở đường phả vào khiến cho bữa ăn không được ngon bữa nào. Tôi chỉ mong sao các cơ quan chức năng có giải pháp để cho dân chúng tôi bớt đi phần nào bụi bặm".

Đem những nỗi băn khoăn, nhức nhối của người dân sống ở cung "đường chết" đến gặp lãnh đạo địa phương. Ông Cao Xuân Ái, Chủ tịch UBND xã Cao Thắng cho biết: "Chúng tôi thừa nhận vấn đề trên là đang tồn tại ở địa phương, tuy nhiên rất khó để đẩy lùi vì vướng phải rào cản từ phía doanh nghiệp. Thời gian tới chúng tôi sẽ báo cáo vấn đề này lên cấp tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo". Một số doanh nghiệp khi được xã nhắc nhở họ đã sử dụng biện pháp như tưới nước, thế nhưng chỉ được dăm ba bữa rồi lại "tịt" hẳn

Minh Phượng
.
.
.