Chuyện đặc biệt của một cô gái câm bị lừa bán ra nước ngoài:

Cuộc hạnh ngộ của… người chết trở về

Thứ Tư, 18/01/2012, 14:04

Mất tích 4 năm trời, cha mẹ nhận dạng cô con gái bất hạnh của mình từ một xác người chết trôi và đưa về mai táng, chôn cất, làm giỗ trong suốt 4 năm trời với bao nhớ thương đau khổ, trong khi đó con gái họ thực chất vẫn đang sống trong một động mại dâm chứa những cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc.

Ngay cả khi cô gái được Công an giải cứu thì số phận của cô vẫn chưa hết bão dông khi không thể tìm được đường về quê mẹ do cô bị câm điếc bẩm sinh và không có một khái niệm gì về ngôn ngữ cũng như quê hương bản quán để trở về.

Cách đây 4 tháng, khi Nguyễn Thị Mai (tên nạn nhân đã thay đổi) được lực lượng Công an giải cứu từ động mại dâm bên Trung Quốc trở về, tôi đã sang Ngôi nhà bình yên để gặp em. Bởi Mai là trường hợp nạn nhân cực kỳ đặc biệt, mà ngay cả các trinh sát chuyên ngạch phòng, chống tội phạm mua bán người, cũng như các cô, các chị ở Ngôi nhà bình yên, nơi chuyên đón nhận những mảnh đời bất hạnh cũng chưa bao giờ gặp phải.

Em bị câm, điếc và cũng không biết chữ. Khi mọi người đưa tờ giấy trắng cho Mai, bảo em viết về bố, mẹ mình, em chỉ nguệch ngoạc được mấy chữ: "Thảo, Định, Gà, Vịt". Ngày ấy, chẳng ai đoán được ý nghĩa của mấy từ em viết ra, nhưng sau này, khi hiểu được hoàn cảnh của em, tôi mới biết được rằng, đó là nỗ lực hết sức của một cô gái khuyết tật, mới được đến lớp 1 học chữ vỏn vẹn có 2 tuần…

Em Mai bị lừa bán sang một động mại dâm bên Trung Quốc và bị nhốt chung với một số cô gái cũng bị lừa bán từ Việt Nam sang. Trong số đó có Nguyễn Thị P., trú tại tỉnh Ninh Thuận. Do nhẹ dạ, cả tin, cô gái đã bị một nhóm bạn làm quen qua mạng Internet lừa bán sang Quảng Đông (Trung Quốc). Ở nơi đất lạ, P. và các bạn bị bọn chủ động chứa hành hạ, bóc lột rất tàn tệ. Thương mình, P. còn thương hơn một người bạn khuyết tật bị giam chung phòng, đó là Mai. Mai bị ép đi khách, bị đánh đập, nhưng vì câm điếc nên em không thể phản kháng, nhiều khi chỉ biết rối rít ra ký hiệu tay chân để xin bọn chủ tha cho.

Trong một lần bọn chủ sơ hở, P. đã điện thoại được về cho gia đình kể về hoàn cảnh hiện tại của mình và xin gia đình báo Công an giải cứu cho mình và Mai. Mẹ P. đã thông qua Công an tỉnh Ninh Thuận gửi lá đơn đẫm nước mắt đến các CBCS Phòng 6 Cục C45 để xin giải cứu cho con mình. Với sự nỗ lực phối hợp của các cán bộ Phòng 6, Văn phòng Interpol Việt Nam, ngày 31/8, Công an Trung Quốc đã giải cứu được cho cháu P. và cháu Mai, đưa trở về Việt Nam an toàn. P đã được gia đình đón nhận về luôn, còn Mai, em cũng chẳng biết gia đình mình ở đâu nên đã được các chú Công an đưa về Ngôi nhà bình yên của TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Trong Ngôi nhà bình yên, Mai là nhân vật đặc biệt bởi em không biết nguồn gốc của mình. Em bị câm điếc, không thể nói, viết được. Có hai nạn nhân trong một vụ giải cứu khác, quê ở Đắk Lắk, hiện cũng đang ở Ngôi nhà bình yên nhận ra Mai vì đã từng nhìn thấy cô gái đặc biệt này ở Đắk Lắk. Nhưng cụ thể, nhà Mai ở đâu thì không ai biết. Ngày hai cô gái quê ở Đắk Lắk hồi gia, các cô ở Ngôi nhà bình yên cũng nhờ họ về lần tìm địa chỉ của gia đình em Mai nhưng không có kết quả.

Mọi người ở Ngôi nhà bình yên đã đưa Mai xuống trường câm điếc Xã Đàn để các cô giáo ở đây nói chuyện với em. Nhưng Mai chưa hề học ngôn ngữ cơ bản của người câm điếc nên cũng không thể biểu đạt được ý nghĩa của ngôn từ này. Em cứ huơ chân, múa tay theo cách riêng của mình nên các cô giáo cũng đành… bó tay.

Không có cách nào khác, các chị, các cô ở Ngôi nhà bình yên đã bàn nhau để em ở lại như một thành viên, rồi cho em đi học nghề ở Trường Trung cấp Dạy nghề Hoa Sữa để có một nghề. Tuy bị câm điếc nhưng Mai xinh xắn, rất khéo tay và chịu khó, việc gì em cũng làm gọn gàng và rất đẹp, từ thêu, móc đến làm đồ ăn. Sáng nào Mai cũng dậy sớm, quét dọn nhà cửa sạch sẽ. Dường như đối với em, đó là niềm vui.

Thế nhưng, một câu chuyện cổ tích đã xảy ra, một kết thúc có hậu đã đến với cô gái đặc biệt Nguyễn Thị Mai trong những ngày cuối năm rộn không khí đoàn tụ đón Tết cổ truyền Nhâm Thìn. Dù bị thất lạc, trôi dạt các nơi nhưng lúc nào Mai cũng cất giấu rất kỹ trong người một quyển sổ ghi 10 số điện thoại của những người thân trong gia đình. Ngày mới về Ngôi nhà bình yên, Mai đã đưa cho các cô ở đây gọi hộ liên tục mấy ngày cho các số máy ấy. Nhưng có số thì đã thuê bao là người khác, không biết em Mai là ai, có số thì tắt máy, ngoài vùng phủ sóng. Nhìn đôi mắt háo hức của Mai dõi theo các cuộc điện thoại rồi lại tắt ngấm niềm hy vọng, mọi người ai cũng thương cô gái.

Thế nhưng, khi mọi người đã không còn hy vọng tìm được nguồn gốc của Mai thì cô gái khuyết tật ấy vẫn kiên trì và âm thầm đi tìm nguồn cội cho mình. Cứ một vài ngày, em lại nhờ bạn ở cùng phòng bấm lần lượt các số điện thoại mà em có, đặc biệt nhằm vào số điện thoại của một người chị họ tên là Thu, người mà em ra ký hiệu với mọi người là rất thương em.

Rồi đến ngày 25/12/2011, đúng ngày Noel, có lẽ ông trời cũng cảm thương cho số phận và sự nỗ lực của cô gái đã chịu quá nhiều thiệt thòi của số phận. Khi em nhờ bạn bấm vào số máy điện thoại của chị Thu, điện thoại đã có tín hiệu. Giọng nói quen thuộc của chị Thu vang lên khiến Mai không cầm được nước mắt, em cứ rối rít ra ký hiệu gọi chị. Đầu dây bên kia, dường như chị Thu cũng đã nhận ra đứa em họ tội nghiệp của mình. Chị khóc và gọi tên em…

Sáng hôm sau, từ sớm, chị Thu đã đến Ngôi nhà bình yên để nhận em. Hai chị em ôm choàng lấy nhau khóc. Chị Thu cho biết, chị vừa đi công tác ở nước ngoài về nên mới sử dụng lại số sim điện thoại trong nước. Nào ngờ, ông trời run rủi, đã nhận ngay được điện thoại của đứa em tội nghiệp. Chị Thu kể rằng, cách đây 4 năm, Mai đã bị mất tích. Gia đình tìm kiếm khắp nơi không được.

Bà Thảo xúc động cảm ơn các cán bộ Phòng 6 C45 và TW Hội LHPN Việt Nam đã giúp mẹ con bà đoàn tụ.

Đến tháng 7/2008, khi phát hiện có một cô gái bị chết đuối ở huyện Hoài Đức, gia đình Mai đã đến nhận. Vì thấy quần áo của cô gái xấu số giống con mình nên mẹ Mai một mực nhận xác đưa về chôn. Hơn 3 năm qua, mẹ Mai đã lập bàn thờ con gái và thắp hương cúng giỗ con rất cẩn thận. Đến cuối năm nay, mẹ Mai định sang cát cho con gái có "nhà mới", nhưng vì đi xem thầy bói, thầy phán chưa sạch nên đành để đến năm sau. Tuy gia đình Mai đã nhận và thờ con, nhưng trong lòng chị Thu vẫn không bao giờ tin rằng cô em họ của mình đã chết. Rất nhiều lần, chị Thu đã đưa thông tin về em lên mạng Internet để nhờ bạn bè tìm hộ…

Bà Thảo mẹ đẻ của Mai kể rằng, cả đêm 26/12/2011, bà nóng lòng như lửa đốt, không ngủ được, cứ đi ra, đi vào mong trời sáng và đến chiều 27/12 để được đến gặp con như lời hẹn của các bác, các cô ở TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà Thảo gạt nước mắt cho biết, cũng tại hoàn cảnh gia đình bà quá khó khăn nên mới dẫn đến cảnh tan hợp hôm nay. Hai vợ chồng lấy nhau từ năm 1982 và có 3 mặt con. Mai là con gái thứ 2 và bị câm điếc bẩm sinh. Lúc đầu, cả nhà 5 người ở cùng với mẹ chồng. Nhưng vì bố Mai cờ bạc, rượu chè hay sinh chuyện nên bà nội Mai, không cho ở chung nữa. Bà Thảo dắt díu 3 đứa con ra ở nhờ một cái nhà kho, hoàn cảnh kinh tế gia đình cực kỳ khó khăn. Bố Mai lại bỏ nhà đi sống với một phụ nữ khác.

Không chịu được tủi cực, năm 1990, vợ chồng bà Thảo ly hôn, rồi một thời gian sau, cả hai tái giá với người khác. Mai và chị gái về sống với bà nội, còn em trai út về sống với bố. Năm 6 tuổi, Mai cũng được đến trường, nhưng rồi cô bé không chịu được sự kì thị của mọi người nên đành nghỉ ở nhà sau 2 tuần học chữ. Chính vì thế, khi ở Ngôi nhà bình yên, nỗ lực lắm, Mai đã viết được mấy chứ: "Thảo, Định, gà, vịt", nghĩa là tên bố mẹ em và gà, vịt là những con vật đã gắn với tuổi thơ em.

Cách đây 4 năm, Mai đi làm thuê ở một quán cà phê tại Hòa Bình, cũng suýt một lần bị gã xe ôm lừa bán cho một động mại dâm nhưng được mẹ tìm đến cứu kịp. Vào mùng 4 Tết năm 2008, Mai đưa một cô bạn gái cũng bị câm điếc về nhà ăn Tết. Sau đó, Mai bị cô bạn đưa đi mất tích. Chắp nối các câu chuyện từ mọi người, và cả những ký hiệu từ Mai, có thể hiểu cô bạn kia đã đưa Mai đến phố Khâm Thiên và vứt lại, sau đó em lang thang, trôi dạt vào tận Đắk Lắk, rồi bị một nhóm bạn xấu lừa đưa sang Trung Quốc bán…   

14h ngày 27/12/2011, bà Thảo cùng mọi người trong gia đình đã đến TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại 20 Thụy Khuê để gặp lại đứa con gái mà bà ngỡ đã về với cát bụi. Từ ngày ngỡ Mai đã mất, những đêm không thể ngủ, bà lại dậy thắp hương, lầm rầm khấn cho vong hồn con gái siêu thoát. Bà không thể ngờ và không dám tưởng tượng đến cuộc hạnh ngộ hôm nay.

Bước vào phòng, nhìn thấy Mai, bà Thảo òa khóc. Mai cũng lao vào ôm mẹ. Vòng tay của bà Thảo như níu chặt đứa con bất hạnh, cảm giác như bà sợ nếu nới lỏng ra, một phút thôi, đứa con của bà lại rời xa bà đi mất. Giây phút ấy, không ai cầm được nước mắt. Một kết thúc có hậu của câu chuyện về quãng đời lưu lạc của cô gái đặc biệt Nguyễn Thị Mai. Em sẽ được gia đình đón về ăn Tết mấy ngày, sau đó sẽ trở lại Ngôi nhà bình yên để được đi học nghề tại Trường Trung cấp dạy nghề Hoa Sữa

T. Hòa
.
.
.