"Cuộc sống địa ngục" của những trai trẻ di cư bán dâm đồng tính ở Đức

Thứ Năm, 27/02/2020, 13:31
Để sinh tồn, nhiều nam thanh niên di cư trẻ tuổi người Afghanistan và Iran phải tìm đến con đường bán dâm ở công viên Tiergarten.

"Cuộc sống chỉ cách địa ngục một bước chân"

Công viên Tiergarten ở thủ đô Berlin có sức hấp dẫn với nhiều người vì sự lãng mạn với những bãi cỏ được cắt tỉa đẹp mắt, khu rừng rậm rạp, hồ đẹp như tranh vẽ và vườn thú sinh động. Tại đây, các gia đình, nhóm bạn bè đi dã ngoại có thể tổ chức các hoạt động thăm qua du lịch, vui chơi ngoài trời … Không dừng lại ở đó, giờ đây, tại công viên này, người ta có thể bắt gặp những người tị nạn nam giới Afghanistan, Iran bán dâm cho hàng trăm khách hàng mỗi ngày.

Nhiếp ảnh gia người Ai Cập Heba Khamis, 31 tuổi đã giành nhiều thời gian để tìm hiểu và chụp ảnh những chàng trai trẻ bán dâm tại công viên Tiergarten - một công việc không dễ dàng, thậm chí phải đối mặt với rủi ro nhất định. Khamis cho biết, hầu hết những chàng trai bán dâm trong độ tuổi từ 15 đến 32, là người dân tộc Shia Hazara, đến từ Afghanistan - một nhóm thiểu số bị Taliban đàn áp.

"Tất cả đều cảnh giác khi có sự xuất hiện của người lạ nên việc tiếp cận họ rất khó khăn. May mắn, một người đàn ông có tên là Ali đã giúp tôi kết nối với những chàng trai khác trong công viên. Suốt một năm rưỡi, tôi đã gặp, ghi chép các cuộc nói chuyện, chụp ảnh… để có được cái nhìn chân thật nhất", Heba Khamis chia sẻ.

Vì mưu sinh, nhiều chàng trai trẻ tị nạn đã phải tìm đến con đường bán dâm đồng tính ở Đức.

Ahmed, một người Afghanistan đã bán dâm trong công viên được ba năm nói rằng, đối với anh và các "đồng nghiệp", khi đã xuất hiện ở công viên này thì cuộc sống chỉ cách địa ngục một bước chân. 

Heba Khamis cho biết, nhiều người đàn ông bán dâm rơi vào trầm cảm. Họ tự làm tổn thương chính mình bằng vết bỏng hoặc vết cắt trên da. Tất cả đều muốn rời khỏi công viên. Ma túy trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của những chàng trai.

Nhiều chàng trai bán dâm ngủ ngay tại công viên. Nhà vệ sinh công cộng nữ thường được sử dụng cho các cuộc gặp gỡ tình dục. Mujtaba là một người tị nạn Afghanistan, sinh ra ở Iran cho biết, nếu bị trục xuất, anh sẽ bị đưa đến Afghanistan, một đất nước anh chưa từng biết đến. Đây là điều mà anh thực sự lo ngại.

Chàng trai Omran cho biết, anh mất cha, chị gái và anh trai khi ngôi nhà bị Taliban đánh bom cách đây nhiều năm. Cuộc sống khó khăn khiến anh quyết tâm đến Châu Âu với hy vọng thay đổi cuộc đời. 

Một thanh niên khác có tên là Roman chia sẻ, anh nhận được tiền viện trợ xã hội là 239 euro/tháng. Sau khi thanh toán các hóa đơn, anh còn khoảng 40 euro. Khi hết tiền, Roman buộc phải tìm đến con đường bán dâm.

"Đó có vẻ như là một thất bại"

Đức hợp pháp hóa mại dâm vào năm 2002 và năm 2017 thông qua luật yêu cầu người bán dâm phải đăng ký với chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn nạn buôn bán và bóc lột người. Tuy nhiên, những người đàn ông Afghanistan và Iran bán dâm ở công viên Tiergarten không có được sự hỗ trợ nào. Những người tị nạn không thể đi học hoặc làm việc hợp pháp khi chưa được cấp phép cho tị nạn. 

"Khi bạn là một người tị nạn không có giấy tờ, một người Hồi giáo đến từ nơi mà quan hệ tình dục đồng tính bị cho là "đáng xấu hổ" và cấm kỵ thì đó là tình huống rất khác", Heba Khamis nói.

Nhiều chàng trai trẻ bán dâm rơi vào trầm cảm.

Những người xin tị nạn Afghanistan và Iran mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành các thủ tục xin tị nạn tại Đức. Thậm chí, họ phải đối mặt với khả năng bị trục xuất rất cao. Những chàng trai trẻ đang bị mắc kẹt giữa việc bán dâm - công việc cấm kỵ trong văn hóa quốc gia họ trong khi phải mỏi mòn chờ đợi được cấp phép tị nạn. "Họ không có giấy tờ hợp pháp nên không thể sống cuộc sống bình thường, không được chấp nhận ở bất cứ nơi nào", Heba Khamis nói tiếp.

Trong khi một số ít chàng trai được cấp giấy phép tị nạn và rời khỏi công viên thì phần lớn vẫn rơi vào bế tắc. Một số người quyết định cặp bồ với khách hàng thường xuyên của mình, hoặc chuyển sang tôn giáo khác để xin tị nạn chính trị. 

Một số chàng trai nói rằng, họ sinh ra ở Afghanistan, sau đó trốn sang Iran và cuối cùng tới châu Âu với khát vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, khi đến đây, họ không có được một ngôi nhà hoặc điểm đến an toàn. "Đó có vẻ như là một thất bại. Đôi khi tất cả chúng ta chiến đấu hết sức vì một thứ mà cuối cùng lại trở nên mệt mỏi vì điều đó", một chàng trai trẻ người Afghnistan nói. 

Mạnh Tường (Tổng hợp)
.
.
.