Đám tang và những trò lố của showbiz

Chủ Nhật, 04/08/2013, 10:11

Người xưa thường dạy: Nghĩa tử là nghĩa tận. Nhưng, trong môi trường showbiz hiện nay, ma chay còn mang một nghĩa khác hơn nữa: thể hiện mình và làm những trò lố để tạo hiệu ứng trước đám đông.

Thân hay không cũng thương xót

Thực tế là chẳng ai thích đi đám ma hết, đó là một nơi mang đầy sự mất mát, lạnh lẽo và sự kính cẩn đến mức nghiêm ngặt. Những người tự nguyện đến với những nơi chỗ như vậy thường là bạn bè thân quen, họ hàng thân thuộc hoặc là những đối tác, cơ quan đồng nghiệp của người đã khuất hay của họ hàng của người vừa ra đi.

Vậy nhưng, showbiz với những người làm văn hóa nghệ thuật thì đôi khi vì "nghệ sĩ tính" nên mọi thứ cũng "rộng lượng" hơn. Thân hay không cũng không quan trọng, miễn là đồng nghiệp là đến, dù có khi cả chục năm người đến viếng và người mất chưa từng nói chuyện với nhau khi còn sống.

Hãy nhìn từ đám tang của Wanbi Tuấn Anh. Như một con virus lây lan, sự thương xót, đau đớn, bàng hoàng của những "nghệ sĩ" đó xuất hiện tràn lan trên các dòng chủ đề (status) trên các trang mạng xã hội của những người như vậy. Họ viết đủ kiểu về tình người, tình đời, về sự hạn hữu của sự sống và về con người tài năng vừa ra đi.

Nhưng, quan trọng ở chỗ mối quan hệ của họ và người vừa mất thân thiết như thế nào thì lại không thấy nhắc tới. Có khi là chỉ biết nhau qua… mặt báo. Nhưng như thế cũng có hề gì vì cứ thể hiện sự cảm thông đi ít nhiều bạn sẽ được nhiều người like (cái này là phản cảm nhất vì thông báo người mất mà có người "thích" thì thật đáng sợ) và sự mùi mẫn của bạn sẽ ghi điểm trong mắt những người đã hoặc đang "thập thò" hâm mộ bạn.

Từ tang lễ của Wanbi Tuấn Anh mới chợt nhớ lại cách đây 4 năm, tang lễ của đạo diễn Huỳnh Phúc Điền cũng là một tình trạng tương tự. Một đám tang lớn chưa từng thấy trong showbiz Việt, một làn sóng tiếc thương rầm rộ trên mạng xã hội ảo và cả trong xã hội thật khiến cho những người chẳng may có không biết người vừa xấu số là ai cũng cảm thấy xấu hổ.

Nhưng, thời gian trôi đi, 4 năm đã qua, số lượng người nhớ tới ngày giỗ của Huỳnh Phúc Điền còn lại được bao nhiêu? Một năm sau đây, sẽ có bao nhiêu người trong những người đang rầm rộ thể hiện cảm xúc của mình trên facebook sẽ nhớ được ngày giỗ đầu của Wanbi Tuấn Anh?

Sự mất mát nào cũng đau đớn cả, không ai so bì sự mất mát và càng không so bì sự tiếc thương. Nhưng một khi sự tiếc thương trở nên quá đại chúng đến mức đầy nghi hoặc về tính mục đích của hành động đó thì sự tiếc thương vô tình lại bị/được mang trên mình theo nhiều toan tính/mưu cầu khác xa với định nghĩa căn bản và thường nhật nhất của hành động đó.

Rất đông nghệ sỹ đến viếng Wanbi Tuấn Anh.

Nói nghệ sĩ giả dối thì oan cho họ quá vì đâu phải ai cũng như vậy. Nhưng nếu nói nghệ sĩ thật lòng, yêu quý đồng nghiệp và không ngại giấu giếm cảm xúc của mình trước mỗi tổn thất hoặc hạnh phúc của người khác thì cũng lại là điều bất công với… công chúng. Hay bởi họ là nghệ sĩ nên đôi khi, đôi chỗ cũng có vài người diễn hơi "quá đà"? Có lẽ vậy!

Nguyền rủa người khác là lẽ thường

Chúng ta vẫn thường "dạy dỗ" và "rao giảng" cho nhau rằng, chẳng ai có quyền quyết định hoặc phán xét cuộc đời của người khác. Điều đó chẳng bao giờ là sai. Vậy thì tại sao trên facebook trong những ngày Wanbi Tuấn Anh đi xa lại có những status của những người làm báo, cư dân mạng nói rằng: Xin Thượng Đế hãy trả lại Wanbi Tuấn Anh; con sẽ gửi Bà Tưng - Angela Phương Trinh cho người". Một status đủ để đánh giá người viết nó "nông - sâu" cỡ nào.

Wanbi là Wanbi, Bà Tưng là Bà Tưng, Angela Phương Trinh là Angela Phương Trinh, ai cũng có cuộc đời, ai cũng có người thân và ai cũng có mục đích sống và giá trị cống hiến khác nhau theo từng tiêu chí đánh giá của từng cá nhân trong và ngoài cuộc. Cớ sao lại ngang nhiên coi một con người khác như một đồ vật để đổi chác trong khi bạn chẳng có chút trách nhiệm nào trong cuộc đời người ta.

Bạn chẳng sinh cũng chẳng nuôi dưỡng lại càng không mua sắm gì cho họ thì tại sao lại lôi họ ra làm trò đùa, làm một đồ vật như vậy? Có bao giờ bạn tự hỏi mình sẽ như thế nào nếu thay vì tên đó mà là tên bạn nằm ở vế sau của dòng chữ status vô cảm đó.

Xét sâu hơn, dòng chữ đó khác nào bạn đang rủa một người sống hãy chết đi và mạng sống của bạn hoàn toàn không xứng đáng bằng một người khác. Hãy nhớ tới một câu nói nổi tiếng rằng: Ai thấy mình xứng đáng hãy ném hòn đá đầu tiên. Nếu bạn thấy đời mình xứng đáng sống hơn đời người khác, thấy người A đáng chết hơn người B thì bạn hãy thử nghĩ ra một người mà cho rằng họ xứng đáng sống hơn bạn để bạn thay thế đưa họ mạng sống thì bạn sẽ hào hứng chứ?

Mỗi người sinh ra có một mục đích sống, có một ý nghĩa khác nhau với từng cuộc đời xung quanh khác nhau. Cớ sao bạn lại đi cho mình cái quyền tước đi của người khác như vậy, cứ như thể bạn là đấng tối cao tạo ra con người và giờ bạn có quyền lấy lại.

Vậy thử hỏi, với người đã khuất, bạn yêu và thăm nom họ được bao nhiêu lần trong từng đó thời gian bạo bệnh hay chỉ nói cho sướng miệng, cho a dua theo phong trào và cho thỏa sự sung sướng của việc được phát ngôn mà quên đi rằng cái quyền đó hoàn toàn chẳng thuộc về riêng ai. Và, điều quan trọng nhất, khi bạn nói ra điều đó thì nó chỉ càng chứng tỏ bạn khá là… phẳng não.

Hãy thôi thói đạo đức giả

Ngay sau khi tin Wanbi Tuấn Anh ra đi, tràn ngập trên tất cả các báo, ngay trang đầu là những tin tức liên quan đến sự ra đi này. Nào là W mất lúc mấy giờ (chúng tôi sẽ cập nhật thêm thông tin chi tiết); Chùm ảnh về sự đau khổ của người nhà Wanbi Tuấn Anh trong bệnh viện…

Qua ngày hôm sau sẽ là: Những bức hình đáng nhớ của Wanbi Tuấn Anh; Wanbi Tuấn Anh: ngôi sao nghị lực; Wanbi Tuấn Anh muốn được làm tang lễ màu trắng; Giải mã căn bệnh đã lấy đi Wanbi Tuấn Anh; Vẻ ngọt ngào của Wanbi Tuấn Anh sẽ còn mãi với khán giả… Nhiều đến độ, một chị bạn của người viết chỉ là chủ của một quán cà phê bình thường phải kể rằng chị đi chợ mà nghe được hai người phụ nữ thắc mắc rằng Wanbi Tuấn Anh là ai mà sao đợt này lại xuất hiện bạt ngàn trên báo thế?

Đành rằng biết là sự ra đi nào cũng đáng để công chúng biết đến nhưng sự ra đi nào cũng tang thương và có cần phải chi tiết, cụ thể đến thế không? Hơn nữa, trước đó, trong thời gian bạo bệnh, sao không thấy bất cứ báo nào đến phỏng vấn để hiểu về tình cảnh của người trong cuộc, sao không có sự chia sẻ động viên bằng nhiều cách khác nhau khi người còn sống để đến lúc mất đi rồi thì mới thể hiện ồ ạt như vậy.

Trẻ em la hét xin chữ ký người nổi tiếng khi đến viếng đám ma Wanbi Tuấn Anh.

Còn nếu nói một cách khắc nghiệt thì rõ ràng Wanbi Tuấn Anh không phải là một thiên tài âm nhạc, cũng không phải là một ngôi sao gạo cội với sự đóng góp dày dạn cho một nền âm nhạc lại càng không phải là một ngôi sao giải trí hàng đầu với lượng fan khổng lồ. Thậm chí, nếu khắc nghiệt hơn, có thể hỏi rằng những người đã từng là fan của anh chàng này chắc gì hiện còn yêu thích anh như một thần tượng?

Trong khi đó, xã hội vẫn còn những tin tức khác, ngành văn hóa nghệ thuật vẫn còn những sự kiện khác cần được cung cấp đến bạn đọc. Có những con người những số phận, thậm chí là cả nghệ sĩ khác cũng đang cần đến sự giúp đỡ mà tại sao lại bỏ rơi họ chỉ để chạy theo lia ống kính vào những giọt nước mắt đang chực chờ trên bờ mi của những ngôi sao, nghệ sĩ đến viếng mà chẳng cần quan tâm xem họ và người mất có thân thiết với nhau hay không. Ví dụ như một bài báo viết rằng: Minh Hằng áo xanh đến viếng Wanbi Tuấn Anh sẽ gợi mở cho bạn đọc điều gì? Tâm điểm là Minh Hằng hay Wanbi Tuấn Anh hay chiếc áo xanh?

Thói đạo đức giả có lẽ ăn sâu hoặc ít nhất cũng làm những người chứng kiến, quan sát thấy nó phải lên tiếng, phải cảm thấy khó chịu vì nó quá lộ liễu và đầy sự sân si xuất hiện trong chính những người tự xưng "đồng nghiệp". Nó nhiều và quá đà đến độ một đồng nghiệp của người viết, đồng thời cũng là nhạc sĩ, đã phải "tâm sự" vài dòng trên facebook rằng: Khi anh ta ốm đau bệnh tật, bạn đang ở đâu? Thậm chí là cả lúc anh ta cần sự giúp đỡ nhất từ bạn. Và khi anh ta mất thì bạn ngay lập tức thể hiện mình đau buồn về chuyện đó nhưng để làm gì? Bạn đang thể hiện sự thương tiếc, cảm thông hay chỉ muốn thể hiện chính bản thân mình mà thôi?

Hãy sống thật với chính mình, dù chỉ ít nhất một lần, bạn sẽ thấy rằng mình đáng sống như thế nào. Còn bạn cứ chạy theo những thứ người khác quan tâm và nhìn vào mình thì điều đó thật đáng sợ. Nó sẽ chỉ là thứ vỏ bọc ngoài thân, cũng sẽ nhanh chóng mất đi, cho dù bạn có là nghệ sĩ hay là ai đi chăng nữa.

Hơn nữa, nghệ sĩ không phải lúc nào cũng cần phải diễn, cũng có lúc hãy là con người của chính bạn chứ đừng mãi đeo chiếc mặt nạ hoặc tự "bôi vẽ" lên mình lớp phấn dày cộm mang tên "đạo đức giả"

Du Miên
.
.
.