An Giang tình trạng tự sát tăng cao

Đáng thương hay đáng trách

Chủ Nhật, 27/10/2013, 12:55

Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh An Giang, tình trạng người dân tự tử tăng cao gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là hiện nay số nạn nhân tìm đến cái chết đa phần lại rơi vào những trường hợp người lớn tuổi. Nhiều cái chết thương tâm xảy ra đã để lại nỗi đau xót khôn nguôi cho gia đình, người thân và bạn bè.

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang thì chỉ trong 8 tháng đầu năm 2013 đã tiếp nhận 294 ca tự tử hầu hết là người lớn. Với nhiều nguyên nhân khác nhau như thất tình, buồn phiền gia đình, bi quan trong cuộc sống... đã làm cho các nạn nhân trở nên mù quáng, liều lĩnh, nông nổi tự tước đi quyền được sống quý giá của chính mình.

Điển hình như bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, 56 tuổi, ngụ khóm Mỹ Quới, phường Mỹ Quý, thành phố Long Xuyên được người nhà phát hiện chết trong tư thế treo cổ vào lúc 23 giờ 30 phút ngày 2/5/2013 do bi quan trong cuộc sống. Sự ra đi đột ngột của bà khiến người con trai mang căn bệnh hiểm nghèo bẩm sinh vô cùng bàng hoàng, hụt hẫng, không biết mình phải sống những ngày còn lại ra sao khi thiếu vắng bàn tay chăm lo của mẹ.

Nhưng đau lòng hơn hết vẫn là trường hợp của gia đình ông Hoàng Đình Long, ngụ khóm Đông Phú, phường Đông Xuyên, thành phố Long Xuyên bỗng dưng mất đi đứa con trai duy nhất mà vợ chồng ông thương yêu hết mực, chỉ vì phút cạn nghĩ, Hoàng Trường Nam đã treo cổ quyên sinh vì người tình.

Vừa giận, vừa thương cho đứa con khờ dại của mình, ông Long tâm sự: "Tôi và mẹ nó hi sinh cả đời, làm lụng vất vả cũng chỉ vì con, bao nhiêu tâm huyết dồn hết cho con vậy mà giờ đây con trả hiếu bằng cái chết quá đau đớn để tre già phải khóc măng non. Không thể nào diễn tả hết nỗi đau mà gia đình tôi phải gánh chịu, cứ về nhà là như thấy hình bóng của con vẫn còn ở đâu đó".

Đáng thương và cũng đáng trách hơn là cái chết thương tâm của anh Nguyễn Phương Tuấn, 42 tuổi, ngụ khóm Bình Đức 3, phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng  7/7/2013 đến nay vẫn không ai biết rõ nguyên nhân vì sao anh treo cổ tự tử, nhưng đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của đứa con trai tội nghiệp, khi chỉ còn một ngày nữa là con anh đi thi đại học Luật. Nên dù học rất khá, con anh cũng phải ngậm ngùi rớt 0,5 điểm.

Chị Võ Thị Thanh Vân, vợ anh Tuấn đã xúc động tâm sự: "Tôi không biết mình có thể lo cho hai đứa con nên người, học hành thành đạt hay không. Khi chỉ còn mấy mẹ con nương tựa vào nhau và mẹ chồng năm nay đã ngoài 60 tuổi, sức yếu. Điều lo lắng nhất bây giờ là làm sao lo tương lai cho con đang tuổi ăn, tuổi lớn lại thiếu đi sự chăm lo, dạy dỗ của cha nó".

Chị Vân bên di ảnh của anh Tuấn.

Thời gian gần đây, nhiều người thường chọn cách tiêu cực để giải quyết những buồn phiền, áp lực trong cuộc sống bằng con đường treo cổ tự tử. Đây là một trong những hình thức cực kỳ nguy hiểm và để lại hậu quả rất lớn. Theo các bác sĩ giám định pháp y, những trường hợp treo cổ tự tử thường thì nạn nhân bị gãy đốt sống cổ chết trước khi bị dây siết cổ, còn nếu cơ may sống sót cũng sẽ để lại di chứng khá nặng nề.

Theo bác sĩ chuyên khoa II - Lâm Võ Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang cho biết: "Các trường hợp tự tử được đưa đến bệnh viện cấp cứu đa phần là uống thuốc trừ sâu, chúng tôi ít gặp các ca treo cổ, có lẽ do họ không có cơ hội để đến đây vì chỉ cần treo cổ từ 1 đến 2 phút thì nạn nhân sẽ chết ngay. Có nhiều gia đình dù biết con đã tắt thở nhưng với tâm lý còn nước còn tát, họ mang người thân vào sơ cứu nhưng các nạn nhân đều chết trước đó. Nếu trường hợp nào may mắn, phát hiện kịp thời đưa ngay đến bệnh viện để giữ lại hơi thở cho bệnh nhân và họ sẽ phải chịu cảnh sống đời sống thực vật, do lúc treo cổ máu không lên não được gây ra tình trạng não bộ bị thiếu ôxy dẫn đến tổn thương não".

Những cái chết đã được dự báo trước nhưng có lẽ do gia đình thiếu quan tâm đến người thân của mình nên không phát hiện, khuyên bảo kịp thời để sự việc đáng tiếc xảy ra như bà Tuyết từng có lần tự tử không thành và lá thư tuyệt mệnh dài mấy trang được bà ghi chép cẩn thận từ rất lâu. Còn trường hợp của anh Nam và anh Tuấn cũng có tâm sự với bạn bè vào mấy ngày trước đó về ý định tự tử của mình.

 Để nhận biết một người có dấu hiệu sắp tự tử, Thạc sĩ Lê Thanh Hùng, Trưởng bộ môn tâm lý giáo dục, Trường Đại học An Giang cho biết: "Những người có nguy cơ tự tử cao là người trầm cảm (stress), lúc nào cũng trong tình trạng vô vọng, tâm lý buồn chán, co cụm, rút lui khỏi các giao tiếp gia đình, bạn bè. Thường xuyên cáu gắt, bi quan, bất mãn, mất ngủ, người mệt mỏi...

Giải pháp để hạn chế tình trạng này thì gia đình, xã hội cần quan tâm tìm hiểu, tạo điều kiện tốt nhất để giúp đỡ người thân, bạn bè vượt qua những khó khăn. Còn về mỗi cá nhân thì phải biết sống và suy nghĩ tích cực, mọi người cần quan tâm, chia sẻ, tâm sự để có sự đồng cảm, giúp đỡ lẫn nhau. Nhất là phải bố trí, sắp xếp lịch làm việc, học tập, sinh hoạt khoa học, hợp lý, tránh căng thẳng và hãy tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh"

Quỳnh Mai
.
.
.