Chuyện thật như đùa quanh tấm sổ đỏ ở Đường Lâm:

Đất chưa có, sổ đỏ đã nằm ở ngân hàng

Thứ Ba, 07/10/2014, 17:30
Năm 2003, UBND thị xã Sơn Tây và UBND xã Đường Lâm có chủ trương giao đất giãn dân ở khu Yên Ngựa, gò Bố Về. 115 hộ đã được xét đơn và được chấp nhận cấp đất tại khu vực này. Thế nhưng, hơn chục năm qua, nhiều hộ gia đình thuộc diện mua đất giãn dân ở Đường Lâm vẫn chưa được cấp đất. Điều đặc biệt là dù chưa có đất nhưng nhiều hộ đã nhận sổ đỏ. Và có cả những hộ gia đình chưa có đất, chưa từng được nhìn thấy sổ đỏ thì đã có giấy đòi nợ từ hiệu cầm đồ, từ ngân hàng về việc thế chấp sổ đỏ vay tiền. Thậm chí, có cả trường hợp người chết đã nhiều năm nhưng vẫn "đội mồ" sống dậy để ký vào văn bản nhận sổ đỏ… Những chuyện kỳ lạ đó đã và đang diễn ra ở Đường Lâm suốt nhiều năm qua.

Sổ đỏ chưa nhận đã bị cắm trong hiệu cầm đồ, ngân hàng

Gia đình ông Nguyễn Văn Thành và gia đình ông Kiều Văn Sang đã làm chung một cái đơn gửi lên Ủy ban nhân dân xã Đường Lâm trình bày về việc gia đình hai ông bỗng một ngày nhận được giấy đòi nợ từ một hiệu cầm đồ. Trong giấy đòi nợ viết rằng, do gia đình hai ông cắm sổ đỏ vay tiền, giờ đã đến thời hạn phải trả nên hai ông phải đến để trả nợ.

Sổ nhà ông Thành được cắm với số tiền 1 tỉ, sổ nhà ông Sang cắm với trị giá 800 triệu đồng. Bản thân cả ông Sang và ông Thành trước đó chưa từng một lần được nhìn hình hài cuốn sổ đỏ của nhà mình. Vậy mà khi tận mắt được mục sở thị cái sổ đỏ phô tô mang tên mình cũng là lúc hai ông biến thành "con nợ" khổng lồ.

Ông Thành bức xúc chia sẻ với phóng viên: "Chỉ vì sự việc này mà gia đình tôi đã đánh cãi chửi nhau không biết bao lần. Vợ nghi chồng, con nghi bố. Không khí gia đình tôi thực sự rất nặng nề. Tôi đã ở cái tuổi gần đất xa trời rồi. Nếu không làm rõ được việc này thì có chết tôi cũng không nhắm mắt. Giờ còn sức tôi sẽ còn phải đi đòi lại danh dự cho bản thân".

Người dân Đường Lâm đã viết rất nhiều đơn gửi các cấp có thẩm quyền nhưng chưa được giải quyết.

Cùng chung nỗi niềm như ông Thành, ông Sang nói: "Hằng năm chúng tôi vẫn đóng thuế đất, đầy đủ cho nhà nước. Đến khi xã thông báo có dịp làm sổ đỏ, gia đình tôi cũng nộp phí để làm. Thế nhưng, đã nhiều năm qua mà vẫn chưa nhận được sổ đỏ. Đến khi nhìn thấy thì sổ đỏ đã bị cắm rồi. Khi chúng tôi nộp đơn lên xã trình bày sự việc thì đại diện của xã nói bản thân họ cũng chưa từng nhìn thấy sổ đỏ của gia đình tôi. Gia đình tôi và gia đình bác Thành cũng đã làm rất nhiều đơn gửi tới các cấp chính quyền, thế nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được câu trả lời thích đáng nào".

Ở xã Đường Lâm hiện có tới hơn 40 hộ dân có sổ đỏ nhưng chưa được giao đất.

Gia đình bà Kiều Kim Kính còn bi đát hơn nhiều: "Năm 2008, trong một cuộc họp cử tri, gia đình tôi được nêu tên trong những hộ có được cấp đất giãn dân. Vợ chồng con cái tôi vui lắm. Thế nhưng chỉ đến năm 2010 thì chính quyền xã thông báo với gia đình tôi là lô đất của gia đình tôi đã được chuyển nhượng cho một người khác dưới Hà Nội". Khỏi phải nói vợ chồng bà Kính đã bàng hoàng đến thế nào bởi bản thân vợ chồng bà chưa từng đặt bút ký vào bất cứ một văn bản chuyển giao đất nào, vậy mà đùng một cái mảnh đất ấy lại thuộc quyền sở hữu của người khác.

Mảnh đất gò Bố Về vẫn còn là những cái ao, gò đất lô nhô.

Bà Kính bất bình nói: "Theo luật khi chuyển nhượng quyền sở hữu đất đai thì bắt buộc phải có sự nhất trí giữa vợ và chồng và phải có đủ chữ ký của cả hai. Thế sao giấy tờ mua bán, chuyển nhượng mảnh đất của gia đình tôi với bà Sáu (người mua đất) lại chỉ có chữ ký của chồng tôi. Chỉ riêng thế thôi cũng là không đủ cơ sở pháp lý. Đằng này chồng tôi đã mất và so sánh những chữ ký trước đó của chồng tôi và chữ ký trong việc mua bán đất lại không hề giống nhau một chút nào. Chắc chắn đã có sự mập mờ, gian lận trong việc này. Gia đình tôi cũng đã làm đơn kiến nghị đi nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết. Hiện cuốn sổ đỏ cấp cho mảnh đất của gia đình tôi đang được người ta cắm trong ngân hàng rồi".

Có sổ đỏ nhưng không có đất

Gia đình chị Phan Thị Bích Thủy mua đất từ năm 2004, đến năm 2010 được cấp sổ đỏ. Cầm sổ đỏ trong tay, gia đình chị Thủy cũng giống như nhiều hộ gia đình khác ở Đường Lâm đã nhiều lần lên xã để đòi hỏi đất, thế nhưng lần nào họ cũng nhận được một câu trả lời, hiện đất chưa san ủi được. Khu đất mà những người dân ở đây mua lúc đó còn là những cái ao. Và 10 năm sau khi có giao dịch mua bán đất thì giờ nó vẫn nguyên vẹn là những cái ao mênh mông nước.

Chị Thủy nói mà như khóc: "Kể từ khi được mua đất, chúng tôi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về đất cát, thế nhưng đến giờ vẫn không được giao đất. Hồi đó vợ chồng tôi không có nhà, phải ở nhờ bố mẹ trong một túp lều võng xuống. Những ngày mưa gió vợ chồng tôi phải buộc hai chiếc cột hai bên để chống sập. Nghe tin xã Đường Lâm bán đất giãn dân, vợ chồng tôi cuống cuồng đi vay lãi để nộp. Vì đất thì có ít mà người mua thì nhiều nên nếu lo tiền chậm sẽ không còn đất để mua. Tôi nhớ hồi đó hai vợ chồng phải vay với lãi xuất 50 nghìn đồng/triệu/ngày. Hồi đó hai vợ chồng tưởng vỡ nợ vì mua đất. Nhu cầu chúng tôi cấp thiết là thế, vậy mà 10 năm rồi xã vẫn không cấp đất cho chúng tôi. Không an cư khó mà lập nghiệp được".

Chị Thủy mong mỏi được cấp đất để xây nhà.

Trên thực tế, mặt bằng để cấp đất cho 45 hộ dân có sổ mà không có đất vẫn còn ngổn ngang những hồ, ao, gò. Vậy mà trong hầu hết những tấm sổ đỏ mà nhiều hộ dân Đường Lâm nhận được đều ghi là những mảnh đất vuông vức.

Sự không minh bạch này diễn ra suốt nhiều năm qua đã làm khổ nhiều hộ dân ở Đường Lâm. Hầu hết những người được xét duyệt mua đất giãn dân đều là những hộ nghèo, những người không có diện tích đất ở. Vậy mà đã hơn một thập kỷ trôi qua những gì họ có chỉ là sự lo lắng, hoang mang… không biết khi nào mình có đất. Nhiều gia đình đã phải sống trong cảnh chật chội như gia đình ông Phạm Khắc Đàm. "9 người trong gia đình tôi hiện vẫn phải sống trong một căn nhà 20 chục mét vuông. Lúc nào cũng mong mỏi được chính quyền cấp đất để dựng một nếp nhà khang trang cho nó ra hồn. Nhưng càng đợi càng bặt vô âm tín. Càng đợi càng tuyệt vọng. Đơn cũng đã gửi đến khắp các cơ quan đoàn thể rồi, thế nhưng đến đâu cũng đều chỉ có chung một câu trả lời "sẽ xem xét giải quyết" mà thôi.

Cấp cả sổ đỏ cho người đã chết

Trong hàng loạt những nghịch lý về việc cấp sổ đỏ ở Đường Lâm thì việc cấp sổ đỏ cho người đã quá cố được xem là… hài hước hơn cả. Theo những người dân Đường Lâm cho biết, người được "ưu ái" trong phi vụ cấp sổ đỏ ấy là cụ Nguyễn Đình Chi. Trong tấm sổ đỏ cấp ngày 19/12/2006 cho gia đình cụ Chi có đầy đủ cả tên của cụ Chi và vợ là bà Nguyễn Thị Cháu. Nếu chỉ nhìn qua tấm bìa đỏ đó sẽ thấy nó cũng giống như tất cả những tấm bìa đỏ khác.

Ông Thành và ông Sang bức xúc khi cuốn sổ đỏ mang tên mình lại nằm trong tiệm cầm đồ.

Thế nhưng điều đặc biệt là, người được đứng tên trong sổ đỏ ấy là cụ Nguyễn Đình Chi thì đã mất từ năm 2001. Bà Nguyễn Thị Thuần, một người dân Đường Lâm cho biết: "Tôi chả tin là có sự kỳ bí, một người chết lại có thể đội mồ sống dậy để ký các giấy tờ liên quan đến thủ tục cấp sổ đỏ. Chúng tôi sẽ kiện việc này đến khi nào có câu trả lời thỏa đáng thì thôi".

Khi được hỏi về sự "lạ lùng" này thì Trưởng phòng Tài nguyên môi trường, ông Chu Quang Dũng chỉ nói một câu là "chúng tôi sẽ về xem xét lại hồ sơ''.

Có trường hợp, một lô đất ở khu gò Bố Về lại được bán cho cùng một lúc hai người. Một người dân Đường Lâm bức xúc: "Đã có trường hợp, khi người dân định xây dựng trên lô đất mà mình đã mua thì bị một người khác đến ngăn chặn việc xây dựng. Họ nói, đó là đất của họ. Đến khi quay lại hỏi cán bộ xã thì cán bộ xã chỉ nói xòa một câu "nhầm, nhầm". Cán bộ mà cứ "nhầm" kiểu thế thì dân phải chịu khổ đến bao giờ?".

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sơn Tây Chu Quang Dũng cho biết: "Sự việc đã tồn tại từ nhiều năm nên rất phức tạp. Ngay sau khi nhận được đơn kiến nghị của 9 hộ dân xã Đường Lâm, tháng 10/2013, UBND thị xã Sơn Tây đã thành lập Tổ công tác 233 để xem xét, nghiên cứu hồ sơ còn lưu lại được tại UBND xã Đường Lâm, do các phòng ban cung cấp cũng như kiểm tra tại thực địa khu đất giãn dân này.

Ông Hà Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây: Thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ Hà Nội, lãnh đạo Thị ủy và UBND thị xã Sơn Tây đang tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng và UBND xã Đường Lâm khẩn trương đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn tại kéo dài, ổn định cuộc sống của nhân dân

Hiện UBND thị xã Sơn Tây giao UBND xã Đường Lâm phối hợp với phòng chức năng của thị xã thuê đơn vị tư vấn đo đạc, khảo sát thiết kế, lập dự toán để thực hiện và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng đường đi vào khu đất giãn dân gò Bố Về; tổ chức hội nghị lắng nghe, giải quyết các kiến nghị của các hộ dân.

Cùng với đó, tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra rà soát về giải phóng mặt bằng, xét duyệt giao cấp đất và cấp sổ đỏ tại một số khu vực trên địa bàn xã Đường Lâm, trong đó có khu gò Bố Về.

Phong Anh
.
.
.