Europol “bó tay” trước nạn hàng giả

Thứ Hai, 31/07/2017, 10:55
Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) vừa cảnh báo, số tiền thu được từ kinh doanh hàng giả đã ở mức 600-1.000 tỷ euro/năm và hoạt động trái phép này đang ngày càng mang lại lợi nhuận khủng cho các nhóm tội phạm có tổ chức.


Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Âu (EESC) công bố báo cáo cùng lời kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên phải hành động và hợp tác để chống lại vấn nạn này.

Theo báo cáo của EESC, hàng giả rất nguy hiểm đối với người tiêu dùng và họ không thể tự mình chống lại sự “xâm chiếm” của hàng giả. Báo cáo của EESC cũng chỉ rõ, lĩnh vực tư nhân có thể dựa vào các đối tác như những đơn vị cung cấp dịch vụ internet, các nhà sản xuất nội dung, các doanh nghiệp thanh toán điện tử, quảng cáo hay đăng ký tên miền Internet trong cuộc chiến chống nạn hàng giả và vi phạm bản quyền.

Những chiếc túi Louis Vuitton bị làm nhái.

Và một trong số những nguyên nhân khiến hàng giả có đất sống là do tình trạng khác nhau về luật pháp giữa các nước thành viên EU trong việc thực thi các tiêu chuẩn châu Âu.

EESC cho rằng, hàng giả không thể tồn tại nếu không có người tiêu dùng, do đó cần cải thiện công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng về những nguy cơ do hàng giả gây ra, đồng thời chỉ cho họ thấy các phương cách nhận biết hàng giả.

EESC cũng khuyến khích các ứng dụng sáng tạo về truy xuất nguồn gốc, và mở rộng hoạt động thu thập thông tin để ngăn chặn sự tấn công của hàng giả. Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 700.000 người chết mỗi năm vì sử dụng thuốc giả.

Cùng chung đánh giá với EESC, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng, khoảng 5% hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu (với tổng trị giá khoảng 85 tỷ USD) là hàng giả hay vi phạm bản quyền sản phẩm. Theo ước tính của OECD, hàng giả có thể khiến nền kinh tế thế giới mất 250 tỷ USD/năm.

Theo khuyến cáo của Europol, hàng giả đang mang lại lợi nhuận khủng cho các nhóm tội phạm có tổ chức, trong đó khoảng 39% GDP của EU và 26% số việc làm ở “lục địa già” đến từ lĩnh vực công nghiệp có mức độ bảo hộ trí tuệ cao. Mặc dù được coi là thị trường khó tính, luôn đề cao bản quyền trí tuệ, nhưng châu Âu vẫn đang đứng trước thách thức hàng giả từ Trung Quốc.

Theo giới truyền thông, Đức là nạn nhân lớn nhất của nạn hàng giả trong EU - khoảng 56 tỷ euro/năm. Hàng giả và hàng nhái không những khiến châu Âu mất đi một lượng việc làm lớn, mà còn gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Theo báo cáo của Europol, chỉ riêng bán quần áo và giày dép giả ở châu Âu đã khiến EU mất 26,3 tỉ euro trong năm 2015.

Còn theo OECD, hàng giả đã khiến 800.000 việc làm, cùng khoản tiền thuế 14,3 tỷ USD mỗi năm “đội nón ra đi”. Giới kinh tế cho rằng, nền kinh tế thế giới thiệt hại tới 300 tỷ euro/năm vì hàng giả.

Theo giới chuyên môn, sự bùng nổ hàng giả đến từ tâm lý ham giá rẻ của người tiêu dùng. Theo ông Christian Peugeot, Chủ tịch Unifab, hàng giả không bao giờ tôn trọng các tiêu chuẩn an toàn của châu Âu và đó là mối đe dọa đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Trong báo cáo dày 74 trang được công bố hơn 1 tháng trước (22-6) Europol cho rằng, trong năm 2015, chỉ Trung Quốc đại lục và Hongkong đã cung cấp 86% hàng giả ra thế giới, mang lại khoản lợi nhuận lên tới 396,5 tỉ USD/năm.

Điều này đồng nghĩa với việc, trong 500 tỉ USD hàng giả tiêu thụ trên thế giới (chiếm 2,5% tổng kim ngạch nhập khẩu thế giới), Trung Quốc đại lục và Hongkong đã chiếm gần 400 tỉ USD - họ làm giả bất cứ thứ gì miễn có mẫu. Europol cho biết, thuốc lá là mặt hàng bị làm giả lớn nhất ở châu Âu.

Hàng giả bị tiêu hủy ở Pháp.

Năm 2015, trong số gần 88.000 trường hợp buôn bán hàng giả, thuốc lá chiếm tới 27% và phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc. Europol cho rằng, tội phạm ăn cắp bản quyền là vấn đề nhức nhối nhất ở Trung Quốc, nhưng lại đem về lợi nhuận khủng.

Europol cảnh báo, sự xuất hiện của các chuyến tàu thẳng Trung Quốc - châu Âu, với giá cước chỉ bằng 1/2 cước vận chuyển đường hàng không và 1/2 thời gian vận chuyển bằng tàu biển, đã khiến hàng giả Trung Quốc có cơ hội xâm nhập “lục địa già”.

Gần 2 năm trước (trung tuần tháng 12-2015), Cơ quan Điều tiết thị trường nội địa châu Âu công bố báo cáo, khoảng 518.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp của EU có nguy cơ bị hàng giả đe dọa. Các doanh nghiệp châu Âu trong lĩnh vực sản xuất tân dược, quần áo, giày dép và các phụ kiện thời trang hàng hiệu khác mất khoảng 43,3 tỷ euro/năm. Đồ chơi và trò chơi trở thành lĩnh vực bị làm giả lớn thứ 3 - khối lượng hàng giả bán ra chiếm 12,3% thị trường trong lĩnh vực này, gây thiệt hại 1,4 tỷ euro/năm và khoảng 6.150 việc làm bị xóa bỏ.

Thiện Lân
.
.
.