Gục ngã trước ảo mộng thiên đường

Thứ Tư, 31/12/2014, 13:00
Từ đầu tháng 12/2014  đến nay có ít nhất hai cô dâu người Việt bị các chàng rể người Hàn Quốc sát hại. Những vụ việc trên không những gây bàng hoàng cộng đồng người Việt tại xứ kim chi mà còn khiến cho các bậc cha mẹ của trên 65.000 cô dâu Việt đang như ngồi trên đống lửa.

Những cái chết thương tâm

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 18/12/2014, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, ngày 17/12, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc nhận được thông báo của Cảnh sát huyện Cheongdo, tỉnh Gyeongsangbuk thông báo về việc phát hiện cô dâu người Việt tên là Nguyễn Thị Phượng, sinh ngày 10/5/1987 tại Hải Phòng bị người chồng Hàn Quốc sát hại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, lại có đến 3 chị gái được những người đàn ông Hàn Quốc lấy làm vợ thông qua con đường "tuyển vợ" nên năm 2006, cũng theo con đường này, chị Nguyễn Thị Phượng cũng quyết định kết hôn với ông Lee Cheong Su, 42 tuổi. Sau đám cưới, ông Lee Cheong Su đã làm thủ tục đưa chị Phượng sang sinh sống tại số nhà 254, đường Donggok, xã Geumjeon, huyện Cheongdo, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc cùng với bố mẹ chồng và con riêng của ông Lee. Cuộc sống hôn nhân của Phượng không giống như những gì mà cô mường tượng trước đó là sẽ sống trong giàu sang phú quý và hạnh phúc. Trái lại, ngay từ khi đặt chân đến Hàn Quốc, mặc dù được cha mẹ chồng hết mực yêu thương nhưng chồng Phượng lại là người độc đoán, gia trưởng, thường xuyên xét nét từng cử chỉ, hành động của vợ khiến cho Phượng như bị sống trong sự giam cầm dẫn đến sự ức chế cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhường nhịn mãi khiến chị Phượng bị nén như cái lò xo và đến khi không chịu đựng được nữa thì bung ra, dẫn đến tình trạng vợ chồng cãi vã liên miên và đỉnh điểm là hành động bóp cổ vợ cho đến chết của Lee Cheong Su xảy ra vào ngày 17/12/2014.

Trước đó vào ngày 1/12/2014, chị Nguyễn Thị Thanh Ngân (sinh năm 1992, tại 270/13E, đường Bến Vân Đồn, phường 2, quận 4, TP Hồ Chí Minh) bị người đàn ông tên Kim Hee Cheol giết hại tại một khách sạn trên đảo Jeju, Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Ngọc Minh (cha chị Ngân) đang giãi bày nỗi lòng với phóng viên chuyên đề CSTC.

Cũng bởi hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, vì căn bệnh ung thư vú của mẹ nên cha Ngân là ông Nguyễn Ngọc Minh đã phải bán toàn bộ tài sản, nhà cửa lấy tiền lo chạy chữa cho mẹ. Làm công nhân may mặc cũng không thể kiếm được tiền phụ giúp cho cha trả nợ, lại thấy có rất đông bạn bè là những công nhân làm cùng xí nghiệp đua nhau lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc để "đổi đời", nên đầu năm 2012 Ngân giấu gia đình tìm đến một bà chủ chuyên môi giới hôn nhân "chui" với người nước ngoài tham gia vào cuộc "tuyển vợ" được tổ chức tại một căn nhà nằm ngay cạnh khu công nghiệp Hiệp Phước. Sau cuộc tuyển chọn chui ấy, Ngân được một người đàn ông ở đảo Jeju, Hàn Quốc tên là Kim Huyn Jun chấp nhận lấy làm vợ với sính lễ chỉ là một chiếc nhẫn cưới 0,5 chỉ vàng tây và 5 triệu đồng. Tuy nhiên chỉ 2 tháng sau, anh chàng này đã đòi ly dị và đẩy Ngân ra đường không thương tiếc.

Không nhà cửa, lại rất yếu tiếng Hàn nhưng không có một xu dính túi nên Ngân buộc lòng phải giấu chuyện mình đã ly hôn với chồng, một mình lang thang khắp đảo Jeju tìm kiếm việc làm kiếm tiền mua vé về nước. Ban ngày, ai kêu gì làm nấy, tối đến thì mượn tạm mái hiên của một ngôi nhà nào đó ngả lưng lấy sức chống chọi với cái giá rét khủng khiếp nơi xứ Hàn. Thời gian sau, Ngân gặp được một người bạn Việt Nam có cùng cảnh ngộ và cô này đã giới thiệu Ngân cho một người đàn ông khác tên Kim Hee Cheol nhưng buổi gặp đầu tiên ấy cũng là ngày cuối cùng cô được sống trên cõi đời này. 

Nhận tin con gái bị giết hại tại xứ người, cha Ngân đã mang căn nhà rộng 12m2 dưới gầm cây cầu Dừa, phường 2, quận 4 đi cầm định lấy tiền đi Hàn Quốc đưa thi thể con về. Tuy nhiên căn nhà này thuộc diện lấn chiếm kênh rạch, không có giá trị trao đổi nên gõ cửa mãi mà không chủ tiệm cầm đồ nào chịu cho vay tiền. Đang trong lúc bí bách nhất thì phóng viên Báo CAND liên hệ với một nhà hảo tâm và được người này ủng hộ 50 triệu đồng đủ cho ông Minh mua vé khứ hồi đi Hàn Quốc thực hiện nguyện vọng của người làm cha.

Nguyễn Thị Thanh Ngân và chồng là Kim Huyn Jin trong ngày cưới.

Thiên đường hay ảo mộng?

Để bảo vệ cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm ăn tại Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo cho Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra xử lý kẻ thủ ác, đồng thời có công hàm gửi Bộ Phụ nữ và Gia đình Hàn Quốc yêu cầu thực hiện các biện pháp cần thiết để không xảy ra tình trạng này. Tuy nhiên vấn đề không chỉ nằm ở các cơ quan chức năng mà chính bản thân những cô dâu người Việt lấy chồng Hàn Quốc mới là chủ thể quyết định sự tồn tại hay không ở nơi xứ người.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những cô gái lấy chồng nước ngoài theo dạng tuyển vợ của một số "lò" hoạt động không có giấy phép đều là những nữ công nhân ở các khu công nghiệp, chế xuất hoặc các cô gái trẻ ở những vùng quê nghèo có cuộc sống lam lũ. Đặc biệt những cô gái này thường rất hạn chế về thông tin cũng như sự giao tiếp với bên ngoài nên khi được những ông, bà chủ "lò" tuyển vợ dùng những lời lẽ ngon ngọt tuyên truyền về cuộc sống giàu sang phú quý nơi xứ người thì họ cứ ngỡ nơi đó là thiên đường cuộc sống. Với mong muốn được đổi đời, họ đua nhau tìm đến những "lò" tuyển vợ để thi tuyển, rồi sau đó nhắm mắt theo chân những người đàn ông về nơi xứ người mà không hề biết đến nửa chữ tiếng nước họ để giao tiếp. Đặc biệt các cô gái trẻ này hoàn toàn không hề có ý thức tìm hiểu và cũng không hề biết tí gì về phong tục tập quán, văn hóa, lối sống ở đất nước mà họ theo chân người đàn ông về làm vợ nên có khi về nhà chồng hàng năm bảy năm trời mà vẫn không thể hòa nhập được với cuộc sống mới.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, cha của cô gái Nguyễn Thị Thanh Ngân (bị một người đàn ông Hàn Quốc bóp cổ dẫn đến tử vong ngày 1/12/2014 tại đảo Jeju) cho biết: Năm 2012, khi biết Ngân quyết định tham gia tuyển vợ và lấy chồng Hàn Quốc, ông cùng những thành viên trong gia đình đã ra sức thuyết phục để Ngân từ bỏ ý định, nhưng Ngân nhất quyết không chịu nghe ai mà cho rằng đã được chồng tương lai hứa hẹn sẽ lo cho một cuộc sống giàu sang phú quý, có tiền gửi về phụ giúp gia đình trả nợ. Tuy nhiên khi sang làm dâu xứ người, ngoài việc không biết tiếng Hàn, Ngân còn hoàn toàn mù tịt thông tin về kinh tế, lối sống của nhà chồng tương lai nên khi sang đến nơi cô hoàn toàn vỡ mộng. Hằng ngày, cô phải đầu tắt mặt tối làm đủ các thứ công việc để kiếm tiền lo cho bốn miệng ăn trong nhà. Đến khi bị dồn nén đến chân tường thì nảy sinh cãi vã, bất đồng với chồng và những người xung quanh và cuối cùng người chồng mà cô từng hy vọng sẽ giúp cô đổi đời trước đó đã đưa đơn ly hôn ra tòa án địa phương và đẩy cô ra đường không một xu dính túi.

Đám tang một cô dâu Việt tên Mỹ Tiên bị sát hại tại Hàn Quốc.

Cũng như nhiều cô gái khác, lỡ mang tiếng lấy chồng nước ngoài để đổi đời nên dù phải chật vật kiếm cái ăn cho từng bữa nhưng Ngân vẫn cắn răng chịu đựng không dám hé răng nói với ai nửa lời dù đó là cha mẹ. Đến con đường cùng, cô đành liều nhận lời sống gá với một người đàn ông bản địa khác với hy vọng người này sẽ giúp cô tìm được công ăn việc làm kiếm tiền mua vé về nước trở lại với nghề buôn thúng bán bưng trước đó nhưng không kịp bởi cô đã bị người đàn ông này sát hại.

Trường hợp của chị Phượng thì đã được dự báo từ trước. Ba chị gái của Phượng trước đó đều đã chia tay với chồng và sống vất vưởng cùng một nhóm các cô gái Việt có cùng cảnh ngộ, vì sỹ diện nên mặc dù khổ trăm bề nhưng bề ngoài họ vẫn thể hiện mình đang có cuộc sống mỹ mãn. Tưởng rằng các chị mình đã bước chân được đến thiên đường, năm 2006, chị Phượng cũng nối gót đi theo nhưng đã hoàn toàn vỡ mộng và phải cắn răng chịu đựng khi nhà chồng cũng làm nông nghiệp ở một vùng quê hẻo lánh, hơn nữa chồng chị là người độc đoán, gia trưởng, thường xuyên chửi mắng, đánh đập vợ khiến cho cuộc sống không khác gì địa ngục.

Thấy con gái quá khổ, ông Nguyễn Đức Khoa (cha chị Phượng), sinh năm 1954, ngụ tại thôn Lãi Sơn, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng tìm cách sang Hàn Quốc để đỡ đần công việc cho con nhưng được ít tháng phải bỏ về nước bởi không chịu nổi tính tình của chàng rể. Về nước chưa được bao lâu, nay ông lại phải khăn gói quả mướp lên đường sang xứ Hàn đưa xác con về.

Tuy không phải cô gái nào lấy chồng ngoại, đặc biệt là chồng Hàn Quốc đều gặp viễn cảnh như chị Phượng và chị Ngân, song đã đến lúc các cô gái cần phải tìm hiểu thật kỹ càng về phong tục, tập quán, lối sống, gia phong của người chồng tương lai trước khi đi đến quyết định thực hiện "giấc mơ đổi đời".

Đức Cương
.
.
.