Hà Nội: Ao tù nuôi sống cả nghìn hộ dân

Thứ Năm, 30/05/2013, 14:05

Gần mười năm nay, người dân thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội vẫn phải dùng nước ao tù cho mọi loại sinh hoạt của mình từ tắm, giặt đến ăn uống hằng ngày. Nước thải từ trên chảy xuống ao rồi lại được bơm ngược từ ao về sinh hoạt. Vì lý do đó mà nơi đây đã có rất nhiều người mắc bệnh ung thư và nhiều loại bệnh khác. Câu chuyện dùng nước ô nhiễm nghe như không lạ nhưng lại "cá biệt" bởi Ngọc Mỹ chỉ cách đường nước sạch sông Đà vỏn vẹn 800 mét.

Nước sạch chạy qua nhà vẫn phải dùng nước bẩn

Chúng tôi đến thôn Ngọc Than (Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội) trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, khắp trong thôn ngoài xóm đâu cũng thấy người ta nhắc đến từ "nước". Câu chuyện người dân "khát nước" chẳng còn mới mẻ và cũng không phải là hiếm. Thế nhưng chuyện lấy nước ao tù, ô nhiễm nặng để sinh hoạt, ăn uống hằng ngày thì quả là hiếm có.

Thật dễ dàng tìm vào thôn Ngọc Than, với đặc điểm là những ống nước treo lơ lửng, chạy chung với đường cáp Internet, dây điện. Ngước lên nhìn như thể tơ trời chằng chịt, từ nhà nọ nối sang nhà kia. Thỉnh thoảng lại có tia nước bắn tung tóe từ những ống nước bị nứt vì lâu ngày. Lúi húi dán lại đoạn ống bị nứt, ông Tình bức xúc: "Trời nắng chang chang thế này, ống nhựa mấy năm không nứt mới tài. Chẳng biết còn khổ đến bao giờ nữa đây! Ống nhà tôi dẫn từ ao về đến nhà là gần 1km, ngày nào cũng bị vỡ, nứt thế này đây".

Thấy người lạ, người dân Ngọc Than lại có dịp bàn tán xôn xao, người thì trình bày nỗi khổ, kẻ thì dè bỉu: "Ồi dào, các đoàn về đây quay phim chụp ảnh rồi đo đạc sau đó lại mất hút. Dân khổ vẫn khổ". Chẳng phải bây giờ dân Ngọc Than mới kêu nhưng họ kêu chẳng thấu ai, họ phải quen dần với thực tế đau đớn này. Để đối phó với tình trạng không nước, cách đây khoảng 2 năm phong trào khoan giếng khủng (khoan sâu) rộ lên. Thế nhưng chi phí cả chục triệu, vẫn không có nước, mũi khoan đâm xuống lòng đất như thể vào đá. Ông Tình nói: "Nhà tôi quyết định khoan giếng với độ sâu 70 mét, lúc đầu cũng có chút nước nhưng sau 3 tháng lại khô kiệt. Các hộ dân quanh đây đều thế. Chi phí cả chục triệu cuối cùng lại bỏ đấy".

Trong làng vẫn còn một số giếng khoan có nước, nhưng cũng rất ít và bẩn. Như gia đình ông Nguyên phải dùng đến 2 chiếc máy bơm con chuột thay nhau hút cả buổi sáng cũng chỉ được hơn 1 khối nước. Thế nhưng chi phí tiền điện cho hai chiếc máy bơm này có tháng ngốn tới 600 nghìn đồng.

Bơm nước từ ao tù về nhà để lấy nước sinh hoạt.

Nói đến đây, ông Nguyễn Duy Dũng thở dài: "Giếng nhà tôi cũng có nước nhưng vẫn phải dùng nước ao. Nước giếng ở nhà hút lên nước rất vàng, để một vài phút là chuyển sang vàng sậm, đóng váng. Nhìn thấy đã sợ nên chúng tôi chỉ dùng để rửa chuồng lợn. Ở đây quý nước như máu vậy, nhịn ăn, nhịn mặc chứ không thể nhịn uống, nhịn tắm được. Mang tiếng là Thủ đô, lại cách ống dẫn nước sạch từ  sông Đà về có 800 mét nhưng khổ sở quá!".

Dạo qua một vòng ao sen (thuộc khu di tích đình Ngọc Than, xóm giữa thôn Ngọc Than) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự ô nhiễm của nó. Nước thải, phân lợn từ các hộ gia đình đều được tống thẳng xuống ao. Rác ngập ngụa, chuột chết nổi lềnh bềnh,  khiến mặt nước ngầu bọt trắng nồng lên mùi vô cùng khó chịu. Nhiều người nói, cách mà người dân ở Ngọc Than dùng nước như thể một vòng tuần hoàn...

Bà Huệ hài hước giải thích hiện tượng này: "Ối giời, cứ chiều đến là ao này vui lắm. Trẻ con, người lớn bì bõm tắm ở giữa, phụ nữ thì thịt gà, mổ cá, rửa rau trên bờ. Nước ao được lấy về dùng xong lại theo cống chảy ra ao, chẳng đi đâu mà mất". Người dân ở đây tỏ ra bức xúc khi UBND xã cho một chủ thuê ao để thả cá. Hằng ngày chủ ao vẫn thường xuyên xả phân lợn, chất thải xuống ao để nuôi cá. Chẳng khác nào đổ thải vào bát canh. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ cho biết: "Từ khi người dân dùng nước ao để sinh hoạt, chính quyền đã cấm nuôi lợn. Thế nhưng người ta nuôi cá, việc đổ phân xuống là điều không tránh khỏi".

Dọc hai bên bờ là những bó ống nhựa được cắm sâu xuống nước, một vài gia đình cẩn thận xây gạch quây quanh để chặn rác rưởi trôi vào. Đầu tư để làm ống nước dẫn từ ao về nhà, nhiều hộ gia đình tốn kém cả chục triệu.

Để cầu may những trận mưa hiếm hoi, nhiều gia đình đã xây bể chứa. Không hiểu vì lý do gì, bể cứ xây xong là nứt đáy, dù có nước cũng không thể chứa nổi. Ông Toàn chia sẻ: "Chúng tôi ở đây chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Việc đầu tư cả chục triệu mua thùng tôn chứa nước không phải đơn giản. Chỉ có một vài gia đình khá giả họ mới đầu tư được".

Sống chung với bệnh tật

Thiếu nước, bà con Ngọc Than san sẻ nhau từng xô nước, sử dụng siêu tiết kiệm. Rửa mặt xong dùng để rửa chân tay, nước vo gạo dùng để rửa rau, thậm chí rau chỉ được rửa một lần, việc tắm giặt cũng hạn chế. Những gia đình có đám hiếu hỷ lại lo nước hơn lo cỗ. Chị Tú vừa tổ chức đám cưới cho con, chia sẻ: "Cỗ bàn thì đơn giản, chúng tôi lo được ngay nhưng nước thì quả là vấn đề. Mua nước cũng không phải là rẻ, rồi còn phải tìm nơi chứa để làm cỗ. Nhiều lúc nghĩ cũng ái ngại, khách các nơi đến thấy chúng tôi dùng nước ao lại ngại không ăn cỗ. Họ cho là nước này mất vệ sinh, ăn vào sẽ mang bệnh, có đám còn thừa đầy cỗ ra đấy".

Một góc ao tù đã biến thành bãi rác.

Năm 2012, cả làng Ngọc Than chịu một phen nhốn nháo vì mất nước ao, đó là lúc chủ ao cho máy hút cạn để thu hoạch cá. Trong lúc thiếu nước, bà con đã dùng nước mương thủy lợi N18 dẫn từ Đồng Mô (Sơn Tây) về. Hệ thống lọc nước ở đây lại vô cùng sơ sài, chủ yếu là lọc qua lớp cát vàng rồi dùng luôn. Việc không đảm bảo vệ sinh là không thể tránh khỏi.

Ngoài bị bệnh ung thư, bà Phan Thị Huệ còn bị bệnh da liễu do dùng nước ao tù.

Theo phản ánh của người dân, hiện nay số người mắc ung thư tăng lên rõ rệt (khoảng 30 người), chủ yếu ung thư phổi, đại tràng. 5 người dân thôn Ngọc Than tiếp chúng tôi thì đã có tới 2 người mắc bệnh ung thư, bệnh ngoài da mẩn ngứa thì cả 5 người đều mắc. Bà Bùi Thị Hòa (người đang điều trị ung thư đại tràng) chia sẻ: "8 năm nay tôi dùng nước ao này rồi, bệnh tật đầy người đây! Bên trong thì ung thư, bên ngoài thì ghẻ lở. Chẳng hiểu cán bộ kêu đến cơ quan nào rồi mà không có nước sạch dùng?". Bà Phan Thị Huệ đưa cánh tay đầy nốt mẩn ngứa tiếp lời: "Tôi cũng đang điều trị ung thư đây. Đã bị hơn 1 năm rồi, nhà thì nghèo mà điều trị thì tốn quá! Mẩn ngứa ở đây gần như 100% bị".

Tình trạng trẻ em bị tiêu chảy, mẩn ngứa diễn ra thường xuyên. Ông Đỗ Duy Thực Trạm trưởng Trạm y tế xã Ngọc Mỹ đưa ra con số giật mình: Chỉ riêng chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản của chị em  - qua thăm khám cho 200 trường hợp đã phát hiện 115 ca viêm nhiễm phụ khoa. Như vậy tỉ lệ phụ nữ Ngọc Mỹ mắc các bệnh phụ khoa lên tới gần 70%. Trong đó, số ca mắc bệnh ngoài da là không đếm xuể. "Đáng ngại hơn cả, do phải dùng nước ao hồ tù đọng để vệ sinh cá nhân, gần đây, qua khảo sát, chúng tôi thấy xuất hiện nhiều trường hợp cháu nhỏ bị đau mắt đỏ, viêm kết mạc. Như vậy rất dễ bùng phát dịch".

Ông Bùi Ngọc Hà, Bí thư chi bộ thôn Ngọc Than cho biết:

Chúng tôi rất bức xúc trước tình trạng người dân thôn Ngọc Than đang sử dụng nguồn nước ao tù ô nhiễm này. Với các cấp ủy Đảng, đặc biệt là chi bộ Đảng, chính quyền thôn và UBND xã, nghị quyết Đảng ủy đã có nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền. Đặc biệt là đầu năm 2011 đã đề nghị lên UBND thành phố và trung tâm cấp nước sạch của thành phố làm sao sớm tạo điều kiện cho nhân dân thôn Ngọc Than được sử dụng nguồn nước sạch.

Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ chia sẻ:

Thực chất chúng tôi đếm chỉ có 67 vòi được cắm xuống ao để lấy nước sử dụng. Tuy nhiên do chi phí quá lớn nhiều hộ gia đình đã chung nhau ống dẫn nước. Chúng tôi đã có rất nhiều ý kiến với cấp trên nhưng chưa có phản ứng gì. Mới nhất, chúng tôi đang báo cáo với UBND huyện Quốc Oai, các cơ quan chức năng để có được hợp đồng với một công ty tư nhân cấp nước. Điều đau đớn nhất là đường nước sạch từ sông Đà cách trung tâm của thôn đúng 800 mét, chạy qua địa phận thôn Ngọc Than.

Giả sử nếu có một công ty tư nhân cấp nước ra điều kiện mỗi hộ nộp 5 triệu để có nước sạch thì ai cũng đồng ý. Bản thân tôi cũng sống tại thôn Ngọc Than nhưng may mắn giếng khoan vẫn còn chút nước. Tuy nhiên để hút được một vài khối nước cũng phải mất cả ngày. Chi phí điện để hút nước hằâng tháng cũng phải lên tới 600 nghìn đồng. Quả thực chúng tôi kêu không thấu!

.
.
.