Hàng trăm nhà dân sống trên miệng… "thủy thần"!

Thứ Ba, 25/11/2014, 17:00

"Bây giờ ban đêm khi ngủ, gia đình tôi không dám đóng kín cửa vì sợ có chuyện sạt lở xảy ra, cả nhà sẽ không kịp chạy ra khỏi nhà, nguy hiểm đến tính mạng", bà Huỳnh Thị Nga (ngụ đường Đào Sư Tích, ấp 3, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), lo lắng việc căn nhà của mình có thể bị sạt lở xuống rạch Ông Lớn bất cứ lúc nào, cho biết.

Nơm nớp nỗi lo nhà cửa trôi sông

Trong số 38 vị trí có nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn toàn TP HCM tập trung tại các quận 2, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ (năm 2013 có tới 59 vị trí sạt lở) thì có tới 18 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 11 điểm nguy hiểm và huyện Nhà Bè là địa phương có số điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm nhiều nhất (9 điểm) khiến người dân phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.

Bà Dương Kim Đê (71 tuổi, ngụ ở số 140/4B Đào Sư Tích, ấp 3, xã Phước Kiển) dẫn chúng tôi ra phía sau nhà bà ở sát bờ rạch Ông Lớn và chỉ những phần diện tích của nhà bà đã và đang bị con rạch này "nuốt chửng". Trong đợt sạt lở hồi tháng 7 vừa qua, căn nhà vệ sinh ở sát rạch đã bị sụp hoàn toàn và nhiều kiến trúc phía sau nhà bà cũng bị nứt gãy, hư hỏng nặng.

"Ở đây nhiều nhà dân cũng giống như nhà tôi, luôn trong tâm trạng lo lắng vì không biết lúc nào đất hay nhà mình bị đổ sụp xuống sông. Tình trạng kéo dài cũng mấy tháng nay rồi nhưng đến giờ chúng tôi vẫn chưa thấy có động tĩnh gì của các ban ngành chức năng cả", bà Đê cho biết.

Ngay sát nhà bà Đê là nhà đất của bà Bùi Thị Trực (140/4A Đào Sư Tích, ấp 3, xã Phước Kiển). Cũng vào trung tuần tháng 7 vừa qua, khu vực phía sau nhà bà đã bị sạt lở hơn 100m2 đất. Tường rào nhà bà bị nứt toác, cái chòi bà dựng để hóng mát cũng đang có nguy cơ bị sụp xuống sông.

"Mấy ngày nay bà ấy không ở đây nữa mà đưa tôi chìa khóa nhà, nhờ tôi trông nom giúp vì bà ấy thấy ở đây nguy hiểm quá, dù nhà đất bà ấy khá rộng và kiên cố", bà Đê cho hay.

Sạt lở đã khiến nhà vệ sinh của gia đình bà Đê bị sụp xuống sông.

Có lẽ gặp phải tình trạng nghiêm trọng nhất là nhà đất của gia đình bà Huỳnh Thị Nga (51 tuổi, địa chỉ 102B Đào Sư Tích, ấp 3, xã Phước Kiển) ở ngay đầu con hẻm 140 tính từ đường lớn Đào Sư Tích đi vào. Theo quan sát của chúng tôi, căn nhà gia đình bà làm quán ăn trước đây giờ gần như sụt nghiêng hẳn về phía dưới con rạch và không thể sử dụng làm gì được nữa.

Theo lời bà Nga thì ngay cả cái chái có mái che khá rộng để che mát căn nhà chính phía trong cũng bị con rạch này "nuốt" mất từ hơn 1 năm nay. Riêng căn nhà chính mà gia đình bà đang ở phần sát phía sông cũng đang nằm trong dạng bị "hở hàm ếch", có thể gặp nguy cơ sụp xuống sông bất cứ lúc nào.

Bà Nga tỏ ra bất an: "Bây giờ ban đêm khi ngủ gia đình tôi không dám đóng kín các cửa vì sợ có chuyện sạt lở xảy ra, cả nhà sẽ không kịp chạy ra khỏi nhà, nguy hiểm đến tính mạng. Người dân chúng tôi lúc này chỉ mong muốn nhanh được giải tỏa để có tiền đền bù đi mua nhà đất chỗ khác ở cho ổn định an cư lạc nghiệp chứ cứ trong tình trạng nơm nớp này quả thật rất bất an".

Các công trình của nhà bà Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngoài khu vực ấp 3, xã Phước Kiển vừa được xếp vào diện sạt lở nguy hiểm, hiện nay huyện Nhà Bè còn có những điểm nóng sạt lở nghiêm trọng khác như khu vực hai bên rạch kênh Cây Khô, đoạn từ ngã ba kênh Cây Khô đến Tắc Bến Rô thuộc xã Phước Lộc có khá nhiều nhà dân sinh sống sát mép bờ. Nơi đây đã từng sạt lở nhiều lần vào năm 2011. Tương tự, tại xã Hiệp Phước, Phước Lộc, Nhơn Đức… nguy cơ sạt lở thuộc dạng rất nguy hiểm vì những nơi trên đều có dân cư sinh sống sát bờ sông, kênh, rạch. Đặc biệt, khu vực cầu Phước Long về hạ lưu qua ngã ba Rạch Tôm, huyện Nhà Bè, người dân lo nơm nớp mỗi khi có mưa to…

Có thể kể, gần đây sau cơn mưa lớn chiều 24/6/2014, bờ sông Long Kiển bất ngờ bị sạt lở mạnh, ăn sâu vào con hẻm 1419 đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển. Một đoạn hẻm bê tông dài khoảng 12m, rộng 2,5m bị sạt xuống sông khiến bảy căn nhà cuối hẻm bị cô lập. Người dân đã phải cắt hàng rào thép của một gia đình gần đó để lấy lối đi lại. Tới chiều ngày hôm sau, thủy triều dâng cao khiến đoạn sạt lở lại tiếp tục bị khoét sâu. Sau khi sự việc xảy ra, người dân còn phát hiện vết nứt trên nền đất của một số hộ dân xung quanh. Nguyên nhân vụ sạt lở được cơ quan chức năng xác định là do mưa lớn cộng với triều cường dâng cao, kết hợp với dòng nước chảy xiết đã cuốn đi đất, đá gia cố đường đi.

Gần một tháng sau đó, vào rạng sáng 15/7, một vụ sạt lở nghiêm trọng tiếp tục xảy ra trên địa bàn ấp 3 và 4, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Hơn 500m2 đất vườn của khoảng 10 hộ dân tại đây bị lọt xuống sông, tường nhà bị nghiêng, nứt nghiêm trọng. Vụ sạt lở này chính là nguyên nhân gây ảnh hưởng lớn tới các hộ bà Đê, bà Trực, bà Nga… như đã đề cập ở trên.

Theo một số người dân tại đây cho biết, trước đây, lòng con sông này chỉ rộng khoảng 70m, nhưng đến nay đã rộng xấp xỉ 100m. Nguyên nhân là do tình trạng khai thác cát tràn lan dọc tuyến sông này khiến hướng dòng chảy bị thay đổi, tạo nên những đoạn nước chảy xiết, gây lở hàm ếch, tiềm ẩn nhiều hiểm họa cho người dân sống hai bên bờ.

Ngoài ấp 3, xã Phước Kiển thì nhiều năm nay tại ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, cứ đến mùa mưa là xảy ra sạt lở. Trước thực trạng đó, cơ quan chức năng huyện Nhà Bè cũng đã triển khai xây kè, đắp bờ bao ngăn sạt lở nhưng thực tế còn nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao vẫn chưa được triển khai vì lý do khách quan. Theo người dân địa phương, thành phố đã có kế hoạch di dời, tái định cư cho người dân từ lâu nhưng giá đền bù vẫn chưa được duyệt nên người dân chưa có điều kiện để chuyển đi nơi khác…

Công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch đang gặp nhiều khó khăn

Thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã gắn bảng cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở để người dân cảnh giác nên tránh được những thiệt hại về tài sản và người. Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, nguyên nhân dẫn đến sạt lở do tình trạng xây cất lấn sông, kênh, rạch, hồ chứa nước vẫn còn tồn tại làm thu hẹp dòng chảy dẫn đến gia tăng lưu tốc dòng chảy, biến đổi dòng chảy cục bộ gây xói lở hàm ếch dẫn đến sạt lở. Đồng thời cảnh báo việc san lấp, xây dựng trái phép lấn chiếm sông, trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng tải trọng sát bờ sông tạo áp lực gây sạt lở. Ngoài ra, khai thác cát bừa bãi với quy mô lớn trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai cũng đã và đang làm thay đổi dòng chảy, gây mất cân bằng bùn cát dẫn đến gia tăng xói lở bờ sông, kênh, rạch.

Phần nhà đất phía sau của nhà bà Trực cũng bị nứt gãy, có nguy cơ đổ sụp xuống sông.

Có thể khẳng định, chuyện sạt lở bờ sông, kênh rạch không phải là vấn đề mới đối với TP HCM. Thống kê cho thấy, trong nhiều năm trở lại đây, hầu như năm nào tại các quận, huyện ngoại thành cũng xảy ra những vụ sạt lở lớn, gây hư hại tài sản của người dân, thậm chí đã ghi nhận một trường hợp chết do bị sập nhà bên bờ sông. Những sự cố liên tiếp này là mối quan tâm thường trực của hàng nghìn hộ dân đang hằng ngày, hằng giờ đối mặt với "thủy thần", họ mong mỏi các cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục và chống sạt lở để có thể đảm bảo an toàn cho cuộc sống của họ. Trong tháng 2/2014, UBND TP.HCM cũng đã có đề án quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai giai đoạn 2014 - 2016. Theo đó, từ nay đến hết năm 2016 sẽ tiến hành di dời gần 1.300 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, trong đó, hết năm nay sẽ di dời 647 hộ, năm 2015 là 388 hộ và năm 2016 là 259 hộ… Riêng với xã Phước Kiển thì lãnh đạo xã này cho biết, xã đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng xây dựng bờ kè để đảm bảo an toàn cho người dân nhưng hiện vẫn chưa thành hiện thực.

Trước đó, trao đổi với báo chí về thực tế này, ông Bùi Hòa An, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã cho biết, trước đây khu vực sạt lở ở đường Đào Sư Tích, ấp 3, xã Phước Kiển không nằm trong những khu vực sạt lở nghiêm trọng thuộc diện di dời khẩn cấp của thành phố nên chưa có đề án xây dựng bờ kè. Tuy nhiên, trước thực tế hiện nay, huyện đã đưa khu vực này vào đề án sạt lở của huyện để trình thành phố xem xét nhằm có hướng xử lý. Do dân cư sống ở đoạn sông này khá đông nên nếu có dự án và kinh phí xây bờ kè thì phải xây dài hơn 1 km mới đảm bảo an toàn được. Trường hợp hộ dân nào muốn thuê nhà nơi khác để ở thì UBND huyện sẽ hỗ trợ tiền thuê. Lãnh đạo huyện cũng sẽ yêu cầu các ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, nếu có dấu hiệu sạt lở nguy hiểm thì phải báo ngay huyện để có hướng giải quyết.

Ông Hồ Vũ Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè phân tích, do hiện tượng biến đổi khí hậu khó lường và một số công trình lớn trên sông, rạch của thành phố hiện đang trong quá trình xây dựng dang dở nên sẽ tác động nhiều đến dòng chảy các con sông, rạch. Và điều này sẽ khiến phát sinh những điểm sạt lở mới. Trước đây điểm này (tức khu sạt lở ở đường Đào Sư Tích, ấp 3, xã Phước Kiển) không nằm trong diện sạt lở nguy cấp nhưng đợt triều cường vừa qua đã gây sạt lở nghiêm trọng hơn. Trước thực trạng đó, xã đã ghi nhận tình hình và báo cáo lên huyện và Khu quản lý đường thủy nội địa - Sở Giao thông Vận tải TP HCM, để nếu có xảy ra việc sạt lở trên diện rộng sẽ đề xuất việc xây dựng bờ kè để chống sạt lở gấp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân".

Phú Lữ
.
.
.