Hãy làm điều đúng đắn

Thứ Sáu, 12/12/2014, 16:01
Khi thông tin về chuyện du khách người Việt bị lừa khi mua iPhone ở Singapore sôi nổi trên mạng, tôi lặng lẽ để ý đến ý kiến của Gabriel Kang, một công dân đảo quốc sư tử. Đó là ý kiến rất đơn giản, mang tên "Let's make things right", có thể tạm dịch là "Hãy làm điều đúng đắn".
 Kèm theo ý kiến riêng của mình trên Facebook, Kang đã vận động một phong trào quyên tiền để trả lại cho du khách người Việt nọ cũng như để tặng anh một chiếc iPhone 6. Việc Kang làm được nhiều người Singapore ủng hộ. Đơn giản, họ muốn trả lại công bằng cho người du khách kia để rồi từ đó, hình ảnh đẹp của đất nước Singapore cũng sẽ được “trả lại”.

Những hành động nhỏ ấy của họ đã thể hiện lòng ái quốc rất lớn. Và chính những hành động nhỏ kiểu đó, với xuất phát điểm từ lòng ái quốc, đã tạo nên một “quốc thể” cho tất cả những công dân của Singapore. Mà nhân tiện nhắc đến quốc thể, chắc chúng ta sẽ không lạ lẫm gì khi gần đây, nhiều người Việt cứ bàn nhau mãi về cái gọi là quốc thể ấy. Nhưng đáng buồn hơn cả là không ít người Việt dường như đã, đang và vẫn nhắc đến quốc thể theo kiểu “yêu nước bằng mồm” là chủ yếu.

Đã bao giờ có một ai trong chúng ta phát động một phong trào đơn giản mang tên “Hãy làm điều đúng đắn” như kiểu Gabriel Kang đã làm ở Singapore hay chưa? Dường như là chưa. Chúng ta có thể chứng minh mình lỗi lạc, văn minh, đẳng cấp, sang trọng bằng những ngôn từ trên các trang mạng xã hội, trên các diễn đàn nhưng ngay lập tức, bước xuống phố thôi, chúng ta lại hành xử như những kẻ kém văn hoá nhất.

Đó đã là một thói quen, như thể ăn sâu vào trong tiềm thức và nhiều khi ta lặp lại thói quen ấy mà không kịp nhận biết là mình đã làm sai. Thói quen này mới chính là một trong những thứ nguy hiểm nhất kéo chậm lại sự phát triển của một xã hội muốn hướng tới văn minh.

Hai du khách Hồng Kông bị cướp hồi 2011.

Chợt nhớ, có lần hai du khách người Hồng Kông bị cướp giật mất sạch đồ đạc, giấy tờ tùy thân ở TP Hồ Chí Minh và họ phải bán những bức hình mà họ đã chụp phong cảnh ở những địa danh Việt Nam họ từng đi qua để lấy tiền cầm cự. Người Việt dừng lại nhìn họ với ánh mắt thương hại. Và cũng có cả những người chỉ đơn thuần nhìn họ vì hiếu kỳ. Nhưng chẳng một ai có được một hành động đúng đắn để trả lại hình ảnh đẹp của đất nước mình trong đôi mắt thất vọng của hai du khách nọ. Lúc đó, chẳng hiểu quốc thể đã nằm ở đâu trong lòng họ? Hay quốc thể cuối cùng cũng chỉ là lời nói đầu môi, để chứng minh rằng mình là người thông tuệ hơn kẻ khác trong các cuộc đấu bút trên mạng?

Câu chuyện du khách bị nạn ở Việt Nam như đôi du khách Hồng Kông kể trên không phải là hiếm. Vậy mà chúng ta chỉ quan tâm đến câu chuyện đó theo khía cạnh tiêu cực mà ít ai nghĩ đến những điều tích cực. Đó là chúng ta chỉ lao vào chỉ trích, thậm chí miệt thị sự xuống cấp của một bộ phận trong xã hội thay vì chúng ta cần hành động để làm cho cái xấu ngày càng trở thành thiểu số trong xã hội ấy. Người Việt xưa nay vốn dĩ được coi là hiếu khách nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng gần đây, người Việt đang dần bị "mất điểm" trong nhìn nhận của không ít bạn bè quốc tế. Vậy thì phải chăng đã đến lúc cần một thức tỉnh thực sự, một thức tỉnh tập thể, một thức tỉnh để tất cả cùng mang trong mình một tâm thức "Hãy làm điều đúng đắn".

Để kết lại bài viết này, tôi cũng muốn nhìn nhận lại chính bản thân mình, để tự nhắc chính mình về việc “Phải làm điều đúng đắn”. Thêm một người làm điều đúng đắn, xã hội sẽ thêm được một phần công chính. Và tôi lặng lẽ gửi thư cảm ơn Gabriel Kang, vì cách anh ta đã quan tâm đến người Việt gặp nạn ở đảo quốc sư tử. Kèm theo đó, tôi cũng không quên ủng hộ một khoản tiền cho phong trào mà anh ta đang vận động. Bởi tôi nghĩ, ít ra đó cũng là một việc làm đúng đắn, mặc dù nó vô cùng bé nhỏ.

Hãy làm việc đúng đắn đi thôi… Đã đến lúc rồi, dù có thể là hơi muộn…

H.Anh
.
.
.