Hãy trả lại dòng suối cho em!

Thứ Năm, 21/11/2013, 09:00

Anh Võ Trung bạn tôi là một họa sĩ vẽ tranh sơn dầu nghiệp dư theo trường phái hiện thực, chủ đề là rừng hoang và những dòng suối vắng. Mùa khô năm nay anh điện thoại mời tôi về xem những tác phẩm mới. Anh vẽ 3 bức tranh về một con suối, bức đầu tiên với dòng nước trong xanh, chập chờn đá cuội, cây lá ven bờ, bức thứ hai dòng nước chuyển sang vàng ngầu và cuối cùng màu sẫm như thảm họa bùn đỏ ở Bungari.

Anh bảo con người vì lợi ích riêng đã bức tử dòng nước đến nỗi hàng ngàn hécta cà phê, chè trồng theo ven bờ vào mùa nắng đứng thẳng lưng xơ xác vì nguồn nước quá ô nhiễm không thể tưới cho loại cây công nghiệp này.

Anh Trung cho biết: “Dân làm vườn trồng cà phê, chè ở Tây Nguyên thường bám theo các dòng suối để có nước sinh hoạt và tưới hoa màu vào mùa khô. Họ xem sông, suối như là nguồn sống không những về nhu cầu mà còn về văn hóa tâm linh của núi rừng. Đối với cư dân bản địa như người Khor, Mạ, những con suối cứu giúp buôn làng như thế này đều có thần sông, thần suối, thần rừng tồn tại trong tâm thức của họ. Nhưng ở đây vì lợi nhuận trước mắt, những nhà khai thác đã bất chấp thần linh, chuyển màu con suối, họ đã gián tiếp tước đi nụ cười của những người làm vườn. Vài năm trước, bà con có đất vườn ven khu vực này đã làm đơn thưa kiện. Các cơ quan chức năng vào cuộc nhưng dòng nước vẫn chảy mang theo nỗi buồn tang tóc”.

Lúc ấy, có lẽ vì bức xúc, anh bất thần cầm tay tôi kéo xệch ra đứng trên chiếc cầu dân sinh mới xây chỉ xuống dòng nước vàng sậm đang oằn mình bò trên mặt đất, rồi ngửa mặt chửi đời chửi trời như Chí Phèo: “Đấy ông thấy! Một số nhà doanh nghiệp chỉ biết lợi nhuận của mình mà quên đi những người quanh ta, họ đã không những hủy hoại môi trường mà còn nhuộm màu tang thương cho con suối vô tội. Việc ấy, đồng nghĩa đã phủ lên bi kịch và bất hạnh cho cả ngàn con người sống ven  bờ con suối này”.

Lúc ấy đang là mùa khô, trước mặt chúng tôi là một con suối đang chờ ngày hủy diệt, dòng nước cạn dần cỏ dại mọc lên vàng úa như hơi thở của người già mang bệnh nan y nằm thoi thóp chờ ngày.

Suối Đại Lào dài khoảng 20km, là một trong những con suối lớn ở Nam Tây Nguyên. Hai mươi năm trước, mật độ dân cư vùng này thưa thớt, còn rừng da beo. Vào mùa mưa sức chảy của dòng suối như con ngựa bất kham đã từng làm ngập úng các vùng thấp trong diện rộng, có những mùa lụt cao điểm chính quyền thị xã đã không ít lần điều động Quân đội, Công an với thuyền cứu nạn mang theo mì ăn liền để cứu đói và giúp dân di tản. Đến mùa khô suối không bao giờ cạn, dòng nước trong vắt chảy rì rầm mát rượi có thể nhìn thấy đá cuội loang loáng dưới đáy. Đã bao năm qua, con suối này là cứu tinh cho con người và hàng ngàn hécta đất chè, cà phê ven bờ. Bây giờ chỉ còn là hoài niệm!

Tiếp tôi tại nhà riêng, ông Sơn, Trưởng thôn cho biết: “Việc ô nhiễm môi trường và nguy cơ thu hẹp dòng suối đã và đang đe dọa cuộc sống thường ngày của bà con sống ven bờ là có thật, hàng năm vào thời điểm giáp tết các giếng nước của bà con cạn kiệt phải ra suối gánh về sử dụng. Nay phải chạy xe máy vào suối Kiền chở nước về ăn uống. Đành rằng tài nguyên cát là vật liệu chính trong xây dựng cơ bản, tuy nhiên các nhà khai thác phải tuân theo ba lợi ích: Lợi ích doanh nghiệp, lợi ích Nhà nước và lợi ích cộng đồng. Hai lợi ích trước mình không được thông tin, còn lợi ích thứ ba kết quả bà con sống ven theo suối từ Đại Lào đến Lộc Thành lâm vào cảnh bi đát, nguồn nước đầy bùn đất hiện nay không thể tưới cho cây công nghiệp được. Nhiều hộ dân dùng máy hút lên tưới đã làm cho cà phê bó gốc chết, hàng loạt ao cá sử dụng nước suối bây giờ bỏ hoang. Anh tính! Hằng ngày vào mùa cao điểm có khoảng 20 xe tải vận chuyển cát đi khắp nơi, mỗi xe 12 tấn, tổng số cát thành phẩm là 240 tấn.

Suối BLao.

Theo chất lượng cát ở thôn này là 50/50 có nghĩa là muốn được 1 khối cát thành phẩm phải rửa trôi 1 khối đất bùn. Điều đó có nghĩa là vào thời điểm ấy, hằng ngày thải ra suối lượng bùn là 240 tấn. Con số trên không những gây ô nhiễm nguồn nước mà còn dần dần làm nông dòng suối, vào mùa nắng cỏ dại và cây ma dương mọc lên muốn tắt dòng chảy. Tôi là đại biểu Hội đồng nhân dân xã đã phản ảnh tình trạng này lên hội nghị rồi, nhưng vẫn chưa chấm dứt được”.

Cát Đại Lào là loại cát mỏ, có nghĩa là cát nằm tích tụ trong lòng đất nhiều năm, muốn khai thác phải theo trình tự. Đầu tiên xác định trữ lượng, sau đó thuê xe ủi xử lý thực bì đẩy lớp đất mặt đi mới đến lớp cát thô, tiếp theo dùng xe múc đưa nguyên liệu thô lên đổ thành đống rồi dùng máy DH22 với ống nhựa lớn hút nước từ suối lên thổi vào, lượng nước phun cực mạnh này sẽ tách cát và các tạp chất khác ra. Cát thành phẩm sẽ được dàn chuyển tự động đưa lên xe tải hoặc vào khu dự trữ, tạp chất sẽ theo dòng nước chảy xuống chỗ trũng. Vì vậy vào lúc vận hành, một số doanh nghiệp cho chảy lượng bùn thải vào hồ chứa có nơi chảy thẳng ra suối. Đó là nguyên nhân chính gây ô nhiễm dòng nước và từng ngày bồi đắp làm cạn dòng chảy và thu hẹp chiều rộng, đất sền sệt tràn xuống suối là mảnh đất tuyệt vời cho loại cây ma dương phát triển.

Chị Đằng, một người dân địa phương kể lại trong trạng thái đau buồn: “Từ ngày dòng nước bùn đổ trên khu này, tôi không thể đi sang vườn được, vì bùn lún ngập đến đầu gối. Ngay cả con chim cuốc cũng dính lầy, hôm qua mới chết một con, không biết rồi sẽ ra sao”. Ông Hân, một sỹ quan Quân đội về hưu, nhiều năm làm bạn với thiên nhiên bằng thú vui đi câu cá suối. Hằng ngày ông vác câu đi về thuộc lòng dòng nước hai mùa mưa nắng. Bây giờ ông đành phải bỏ thú tao nhã mà ông đã gắn bó cuối đời.

Ông Nhiên, nguyên Bí thư Chi bộ thôn, người đã gắn bó tại đây hơn 20 năm thở dài: “Xã Đại Lào, nơi tập trung hai mỏ khoáng sản lớn là cát và cao lanh ở phía Nam thành phố. Mười mấy năm nay, hàng trăm ngàn khối nguyên liệu thô được khai thác vận chuyển qua suối này, tài nguyên trong thôn cứ lần lượt “đội nón” ra đi, nhưng đời sống của người dân tại đây vẫn không khấm khá hoặc được hưởng bất kỳ lợi lộc gì. Cái được là hằng ngày bụi đất trắng trời từ các xe tải thổi thốc, đã khiến cho hàng chục ngôi nhà suốt ngày cửa đóng im ỉm. Tội nhất là các cháu học sinh nữ mặc áo dài, mỗi lần thấy xe chở cát hoặc cao lanh đều bỏ chạy “trốn trong sợ hãi”.

Con đường dân sinh, bà con tự hiến đất để mở rộng với trọng tải nhẹ, đến nay vẫn gồng mình cam chịu hàng ngàn lượt xe tung bụi phủ lên vườn cà phê, chè. Báo chí đã lên tiếng, các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần vào cuộc, nhưng chỉ được vài ngày dừng khai thác rồi đâu lại và đấy. Đầu năm nay, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đi thị sát các cơ sở khai thác cát và cao lanh đã xử lý hoặc thu hồi giấy phép một số tổ hợp không tuân thủ việc bảo vệ môi trường. Nghe nói lần này chính quyền rất kiên quyết. Vì ở đây là rừng núi lại không phải là công trình phúc lợi quốc gia, chả lẽ chính quyền lại ngã về vài ông khai thác cát làm tắc dòng chảy, Nhà nước phải bảo vệ đời sống cơm áo cho hàng ngàn con người làm vườn ven bờ suối chứ. Tôi chắc lần này chính quyền sẽ đứng về phía số đông những người làm vườn” - ông chép miệng.

Để kết thúc bài này, xin được trích bài văn viết về môi trường của một nữ sinh trường trung học cơ sở ở địa phương.  “ Em sinh ra và lớn lên ở ven suối Đại Lào, tuổi thơ của em gắn liền với dòng nước. Vào mùa khô chúng em thường dẫn nhau ra suối tắm giặt vui đùa. Thời ấy, nước trong xanh thấy cả mặt người. Chúng em nhặt đá cuội về chơi đồ hàng, mang sỏi trắng cho bố rải lên chậu cây kiểng, buổi chiều ra suối gánh nước tưới rau phụ mẹ. Hình ảnh ấy bây giờ không còn nữa, dòng nước hiện nay đục ngầu dơ bẩn đầy bùn, mỗi lần em lội qua về nhà ngứa cả mấy ngày… Em mong suối Đại Lào được trở lại như xưa, để sau này đi xa còn nhớ về dòng suối tuổi thơ một thời đầy vương vấn của em…”

Hồ Bách
.
.
.