Hiện tượng sốc thuốc kháng sinh: Chết nhanh như chớp

Thứ Tư, 19/06/2013, 16:28

Những cơn co giật mạnh, hiện tượng ngừng tim, ngừng thở và cái chết đến nhanh như chớp mắt là một trong các biểu hiện của bệnh nhân bị sốc phản vệ gây ra bởi những loại thuốc tưởng chừng rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Uống, tiêm hay thậm chí ngửi cũng có thể gây ra hiện tượng dị ứng.

Gần đây lại thêm nhiều các trường hợp bệnh nhân điều trị tại Khoa Dị ứng- Bệnh viện Bạch Mai thường nhập viện trong tình trạng lở loét biến dạng, bong từng mảng da tấy đỏ,… thừa sống thiếu chết, nhiều trường hợp chết đã oan, sống còn oan gia hơn vì khốn khổ khốn nạn.

Biến dạng hãi hùng vì thuốc

Khoa Dị ứng - Bệnh viện Bạch Mai đầu mùa nóng nực đã quá tải bởi các trường hợp bệnh nhân bị dị ứng thuốc. Một giường bệnh là chỗ nằm điều trị chung của 3 đến 4 bệnh nhân là chuyện hết sức bình thường. Người mề đay, người lở loét, người phát ban…

Bệnh nhân Lê Thị Thanh,  23 tuổi, bị dị ứng do thuốc chữa dạ dày sau khi uống đến đợt thứ 2 của toa thuốc. Trước ngày nhập viện một tuần, chị bị sốt cao đến 42 độ,  sau đó nổi các bọng nước cùng với mủ vàng khắp cơ thể, loét mắt, miệng, hậu môn và cả bộ phận sinh dục. Mỗi lần bọng nước bị vỡ là chị Thanh vô cùng đau đớn, hoảng sợ.

Cùng tình trạng với chị Thanh, là anh Lê Văn Quân, cơ thể anh Quân bị loét toàn bộ và bộ phận sinh dục bị các bọng nước làm cho biến dạng. Anh Quân nhập viện do bất cẩn uống phải Biseptol - một loại thuốc gây dị ứng mà anh đã từng được khuyến cáo sau đợt điều trị viêm phế quản tại một bệnh viện ở Hà Nội. Niềm mong chờ đến ngày được ra viện của các bệnh nhân này chưa biết khi nào có thể thực hiện được, lại thêm cả nỗi lo cho tương lai sau này có thể ảnh hưởng tới khả năng làm cha, làm mẹ của họ khiến tâm trạng mỗi bệnh nhân nặng nhập viện cũng theo chiều hướng xấu đi. Bác sĩ luôn phải là người đứng ra động viên tinh thần cho họ.

Trước đây, mỗi lần các em bé bị sốt, cha mẹ thường mua thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol về nhà và tự cho các bé uống mà không biết rằng thuốc có thể gây dị ứng. Bé Bùi Văn Kha mới hơn 3 tháng tuổi đã nhập viện do bị dị ứng thuốc hạ sốt. Bé bị sốt 38 độ thì bố mẹ mua một gói paracetamol loại 100mg dành cho trẻ em về uống. Sau khi uống 4 tiếng đồng hồ, không những không hạ sốt, bé lại càng bị sốt cao hơn đồng thời xuất hiện mề đay dạng bản đồ, đỏ tấy lan dần khắp cơ thể. Ngay cả viên vitamine B1 thông thường cũng gây ra dị ứng toàn bộ cơ thể cho bệnh nhân Nguyễn Thị Mai, 51 tuổi sau 8 ngày sử dụng vẫn tưởng chừng như vô hại. Khi nhập viện, bệnh nhân Mai còn "nghi ngờ" mình bị dị ứng cái gì đó và khăng khăng với bác sĩ xem lại chứ không thể do một viên B1 nhỏ xíu mà bị nổi mề đay khắp cơ thể.

Bệnh nhân Đào Viết Kh. lở loét khắp cơ thể.

Trường hợp ông Đào Viết Kh., quê Thái Bình, 53 tuổi nhập viện trong tình trạng không thể mặc được bất cứ loại quần áo gì vì người biến dạng như bị bỏng cháy. Đôi môi tróc lở đen sì, ông Kh thều thào bảo vợ mình kể lại tình cảnh khốn cùng sau khi uống  thuốc tiểu đường. Ông  Kh. phát hiện mình mắc căn bệnh tiểu đường cách đây không lâu. Sau khi đi khám và uống thuốc theo kê đơn của bác sĩ đúng một tuần bỗng nhiên thân thể ông Kh. nổi nốt ban đỏ.

Tưởng là hiện tượng dị ứng bình thường, ông Kh. vẫn ở nhà điều trị bằng các loại nước uống thanh nhiệt. Nhưng càng uống tình trạng càng tồi tệ, bề mặt da tấy đỏ rực, bong dày như ruộng khô. Đôi mắt sưng đỏ, chảy mủ không thể nhắm mở được, chân tay phải treo lên để tránh xây xát. Tình trạng đó khiến cho ông  Kh. đau đớn suốt ngày đêm, hầu như không thể ngủ được. Gia đình ông lo ngại rằng đã không chữa được bệnh tiểu đường, lại bị lở loét toàn thân sẽ khiến tình trạng nặng thêm.

Ngửi thôi… cũng chết

Bác sĩ PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng khoa Dị ứng - Bệnh viện Bạch Mai  - người đã trực tiếp điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị dị ứng, sốc thuốc kháng sinh cho biết: Dị ứng là bệnh tồn tại dạng tiềm ẩn trong cơ thể mỗi con người. Người bị dị ứng tùy theo cơ địa của bản thân người bệnh hoặc do trong gia đình cũng có người mắc bệnh dị ứng. Nguyên nhân của căn bệnh này là do bệnh nhân trải qua môi trường bộc lộ cơ địa dị ứng, đồng nghĩa với việc các loại thuốc đưa vào cơ thể là dị nguyên bộc lộ bệnh dị ứng vốn đã tiềm ẩn. Bất kì loại thuốc nào cũng có thể gây dị ứng, bất kì ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này.

Một trường hợp hi hữu trong các nghiên cứu về căn bệnh dị ứng của Bác sĩ PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng khoa Dị ứng - Bệnh viện Bạch Mai cho thấy: Trường hợp bệnh nhân Đặng Thị V., 34 tuổi bị hen phế quản. Sau khi ngửi mùi penicillin đột nhiên bị khó thở, tức ngực phải cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Khoa Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai.

Thậm chí trường hợp anh H. ở Hải Dương khi đưa con đi tiêm penicillin, do con gái anh cựa quậy khi tiêm cùng với sự bất cẩn khiến một tia thuốc bị bắn ra khỏi bơm tiêm, bay vào mắt anh H. khiến anh này chết chỉ sau mấy phút lên cơn sốc phản vệ.

Đáng tiếc hơn là bệnh nhân Hoàng Thị H., 18 tuổi, sau khi bị chó cắn được người nhà đưa đi tiêm huyết thanh phòng bệnh dại 19 ngày. Bệnh nhân bị sốt cao, phù nề chân, sưng hạch và biến chứng sang suy thận. Cháu H. không chết vì bệnh dại mà chết do huyết thanh phòng dại, gia đình đưa H. về quê được 28 ngày thì mất.

Theo kết quả nghiên cứu từ hơn 2.000 bệnh nhân đến khám và điều trị tại Khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai những  năm gần đây cho thấy, trong 28 nhóm gây dị ứng thì kháng sinh chiếm 77,80%, nhiều nhất là loại thuốc ampicillin, trong số 34 nhóm thuốc gây dị ứng hạ sốt - giảm đau- chống viêm không steroid: 5,28%, kháng lao: 3,78%; thuốc điều trị động kinh, chống co giật: 3,05%; thuốc điều trị bệnh gout tương đương với nhóm vaccine huyết thanh: 1,05% và các nhóm khác. Điều đặc biệt là các loại thuốc chống dị ứng cũng có khả năng gây ra dị ứng thuốc.

Điều tra từ 814 người điều trị nội trú thì tỷ lệ tử vong là 1,6%, riêng hội chứng Stevens - Johnson và Lyel là những hội chứng nặng do dị ứng thuốc có tỷ lệ tử vong là: 6,07% (13 người). Nói đến nguyên nhân dị ứng thuốc, bác sĩ Đoàn e ngại cho biết: Đến 60% trường hợp ngộ độc hay sốc thuốc phản vệ là do người bệnh tự mua thuốc về điều trị. Việt Nam là nước các loại thuốc được quảng cáo tràn lan trên truyền thông. Chẳng hạn như việc quảng cáo rầm rộ các loại thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt như Panadol, Paracetamol... khiến nhiều bệnh nhân tự mua về uống và bị dị ứng, sốc phản vệ. Khi đã bị sốc phản vệ, bệnh nhân thường tử vong chỉ sau một vài giây do suy hô hấp và trụy tim mạch.

Bác sĩ PGS. TS Nguyễn Văn Đoàn - Trưởng khoa Dị ứng Bệnh viện Bạch Mai:

Phần lớn bệnh nhân đến khám, cấp cứu và đến Trung tâm Dị ứng - MDLS thì bệnh đã nặng, vì bệnh nhân thiếu hiểu biết về bệnh dị ứng. Họ nghĩ rằng bệnh dị ứng là bệnh ngoài da và là bệnh nhẹ. Chính vì thế đến khi bệnh đã nặng mới đi khám. Ngoài ra, còn có khá đông bệnh nhân tự điều trị, điều trị theo mách bảo của người khác, theo đơn của người khác, dùng sai thuốc, sai đường dùng, sai liều lượng. Bệnh nhân thường đến các nơi khám không có uy tín và không có chuyên môn dị ứng. Đây là nguyên nhân khiến cho bệnh nặng hơn. Bác sĩ Đoàn khuyến cáo: sau khi dùng thuốc, phải quan sát. Khi có dấu hiệu bất thường như sốt, phát ban, mệt mỏi… phải đến cơ sở chuyên khoa ngay. Điều quan trọng là nhớ nhóm thuốc gây ra dị ứng để về sau không dùng nữa và sử dụng thuốc khác thay thế để loại trừ nguyên nhân gây ra dị ứng.

Theo các quy định trong sử dụng thuốc tránh hiện tượng dị ứng, có quy định cần phải thử test da (thử phản ứng) trước khi tiêm thuốc nếu người bệnh có cơ địa dị ứng nhưng bắt buộc phải tiêm các thuốc có nguy cơ cao gây dị ứng hoặc các thuốc dễ gây mẫn cảm chéo với các loại thuốc mà người bệnh đã từng gây dị ứng. Ngoài ra, cần phải có sẵn các phương tiện cấp cứu sốc phản vệ, cụ thể trên mỗi xe tiêm, phát thuốc ở mỗi bệnh viện phải có một lọ thuốc chống sốc phản vệ. Nhưng trên thực tế, trong thói quen sử dụng thuốc của người bệnh cũng như trong tình trạng quá tải của bệnh viện hiện nay, việc test phản ứng thuốc thường được đương nhiên bỏ qua như một trình tự thừa.

Cẩm Huyền - Hiền Anh
.
.
.