Xã Hòa Bình, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định:

Hóa chất được chôn giữa cánh đồng và nghi vấn bỏ ngỏ

Thứ Ba, 01/10/2013, 16:10

Ngay trong đêm, sau khi phát hiện thứ mùi vị lạ và khó chịu bốc ra từ cánh đồng cách khu dân cư khoảng 500m khiến nhiều người tức ngực, khó thở, chảy nước mắt, nước mũi, hàng trăm người dân của 2 xóm (xóm 8 và xóm 10, xã Bình Hòa, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đã vội vã kéo nhau chạy ra.

Tại đây, đơn vị thi công Dự án "Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn xã Hoành Sơn" đã sắp sửa hoàn tất các công đoạn cuối cùng. Những chai lọ, can phuy, bao bì dán nhãn mác nước ngoài… vứt chỏng chơ trên mặt đất. Diễn ra trước sự việc Công ty Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa) gây ô nhiễm và để lại dư chấn xã hội gần đây, câu chuyện của bà con xã Bình Hòa dường như ít người để ý hơn. 

Bất an đeo bám hằng ngày vì hóa chất tồn lưu

Kể lại sự việc xảy ra vào chiều tối ngày 11/06/2013, ông Lại Thế Lãng và ông Nguyễn Văn Nhị (trú tại xóm 8) vẫn chưa hết bàng hoàng: "Vào hồi 19h, chúng tôi phát hiện có luồng khí bay lên không trung cao chừng 100m, kèm thứ mùi nồng nặc, hơi khắm bao quanh xóm 8 và xóm 10. Nhiều người thấy khó thở, chảy nước mắt, nước mũi, nôn ọe. Cảm thấy bất thường, dân hai xóm kéo nhau chạy ra cánh đồng ngay trong đêm. Tại đây, người ta đã tiến hành xử lý xong một trong 4 bể chứa chất độc hại. Hai bể khác thì đang được 50%. Hóa chất gì thì người nông dân chúng tôi chịu, chỉ biết đựng trong những phuy, can, bao bì dán nhãn mác "Made in China" và "Made in Korea". Chưa hiểu thực hư câu chuyện này thế nào, vì an toàn của chính mình, chúng tôi ngăn không cho họ làm nữa".

Theo nhiều người dân, vào ngày 2/9 năm ngoái, người ta đã bắt đầu rục rịch chuẩn bị khởi công dự án này. Mỗi bể có chiều dài 16m, rộng 14m, sâu 3m7, chứa khoảng 800m3. Đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm nay, người ta bắt đầu tiến hành đổ đất nhiễm hóa chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vào bể. Nhân công là người từ nơi khác về và họ làm đêm làm hôm, ít khi làm ngày. Khi dân làng hỏi thì họ bảo đấy là hố để chứa nước thải của bãi rác dân sinh ngay bên cạnh. Mà bãi rác này lại nằm trong quỹ đất công để xây dựng các công trình phúc lợi mà mỗi hộ gia đình đã tự nguyện hiến 36m2 đất/khẩu nhằm thực hiện chương trình nông thôn mới của Nhà nước trước đó. Cho tới khi sự việc ngày 11/6 được phát giác thì người dân không hề biết tới sự tồn tại của Dự án "Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn xã Hoành Sơn" này.

 

4 bể chôn lấp hóa chất giờ biến thành một hồ nước.

Ông Lại Thế Thông (trú tại xóm 8) không hiểu: "Tại sao tên dự án là xử lý triệt để nhưng lại không xử lý tại Hoành Sơn đi, đưa về Bình Hòa là thế nào, nơi nào chẳng như nhau? Bao quanh chúng tôi là hố rác và bãi tha ma của xã Giao Hà, tiếp đến là nghĩa địa Bình Hòa rồi bãi rác dân sinh vẫn chưa đủ ư? Giờ thêm dự án này, dân chúng tôi chỉ có ô nhiễm mà chết thôi".

Ông Thông còn cho biết thêm: "Từ sau hôm dân kéo ra ngăn không cho thi công tiếp thì dự án cũng nằm đắp chiếu luôn. Nhiều lần bà con lên Ủy ban yêu cầu đắp quây gọn khu vực đó tránh ô nhiễm môi trường nhưng chẳng có ai để ý tới. Trận bão sau đó làm nước dâng lên, ngập bề mặt cả 4 bể. Giờ khi nhìn vào, 4 bể không còn là 4 bể mà là một hồ nước lớn mênh mông, tràn ngập ra 20 mẫu ruộng quanh đó, theo nguồn nước đổ ra sông, ra biển. Nhiều sinh vật thủy hải sản chết. Dân Bình Hòa cũng cất vó, cất lưới từ lâu rồi. Có tôm cá gì nữa mà đánh bắt. Dân lội xuống cày cấy còn thấy sợ".

Việc lớn lại chỉ được thông qua dân chủ đại diện

Sau sự việc xảy ra chiều tối ngày 11/6, chiều hôm sau, UBND xã có xuống và kí quyết định tạm dừng thi công. Trong cuộc họp này ngày 20/6, toàn bộ bà con 2 xóm đều yêu cầu mang tất cả số hóa chất đó đi. Biên bản cuộc họp này cũng ghi rõ đồng chí Phan Văn Phong - Phó Giám đốc Sở TN-MT tiếp thu ý kiến và nguyện vọng của bà con nhân dân rồi về báo cáo lại với UBND tỉnh". Tuy nhiên một thời gian dài sau đó chẳng thấy trả lời gì, bà con viết đơn lên xã và huyện.

Người dân còn kể thêm tới ngày 8/8 vừa rồi, họ lại kéo nhau lên UBND xã thì xã bảo xã không đủ thẩm quyền để giải quyết việc này. Khi hỏi ai là người đưa ra quyết định thu hồi đất này thì ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch xã Bình Hòa trả lời rằng UBND huyện ra quyết định thu 1.790,1m2 đất hai lúa để giao cho dự án. Trong khi trước đó, vào tháng 7, trong buổi tiếp xúc cử tri, khi hỏi về quá trình  thi công, ông Phạm Quang Tuyến, Chủ tịch xã nói rằng xã không biết gì, còn đất do UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 800m2 đất công và giải phóng mặt bằng đền bù 50.000 đồng/m2. Tuy nhiên, nói vậy nhưng vẫn chưa có tiền. Chúng tôi hỏi tiếp ông Yên, sau khi huyện đưa ra quyết định thu hồi đất, các anh có nhận được thông báo giao đất cho bên nào thi công không thì ông Yên bảo không. Khi hỏi tại sao dự án đã khởi công từ 2/9 năm ngoái mà UBND ra quyết định thu hồi lại đến 5-2 năm nay mới có quyết định, tức là chưa có quyết định mà họ đã làm thì ông Yên cũng không trả lời được. Chúng tôi lại đành kéo nhau ra về.

Trong buổi làm việc với ông Phạm Quang Tuyến, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, ông cho biết đây là đề án cấp tỉnh do Sở TNMT làm chủ đầu tư. Địa phương chỉ nằm một phần trong dự án này thôi. Sở TNMT đã về khảo sát, đánh giá tác động môi trường và chọn địa điểm chôn lấp tại Bình Hòa. Ông Tuyến cũng cho biết, theo ông, "không có tình trạng cá tôm chết và người dân lội xuống cày cấy thấy ngứa và lở loét vì hiện nay lúa vẫn phát triển xanh tốt bình thường (PV - Trong khi người dân nơm nớp lo sợ những hóa chất này là thứ "thuốc độc" làm họ chết dần chết mòn, ảnh hưởng tới đời sau). Và việc nhân dân băn khoăn, lo lắng và  bức xúc cũng là một điều dễ hiểu tuy nhiên sự việc không đến mức độ như vậy. Đó không phải là chất độc mà là đất tồn lưu của hóa chất BVTV (?!)".

Mẫu vỏ can, bao bì có tại hiện trường.

Khi chất vấn về việc một dự án quan trọng như thế này tại sao không tuyên truyền rộng rãi cho dân thì ông chủ tịch trả lời: "Việc người dân nói họ không biết là không phải. Khi tỉnh đưa về đã có thông báo cho người dân ở khía cạnh là dân chủ đại diện, tức là cấp ủy chi bộ gồm xóm trưởng, xóm phó, mặt trận của các tổ chức chính trị tại 2 đơn vị này. UBND xã đã tổ chức hội nghị để thông báo đề án này dân chủ đại diện về vận động nhân dân".

Tuy nhiên, khi liên lạc với ông Nguyễn Văn Phán, xóm trưởng xóm 8 thì ông lại cho hay: "Nếu tổ chức cuộc họp thông báo rộng rãi cho dân thì rất khó nên chúng tôi không làm. Thứ nhất là vấn đề kinh phí, hai là có báo dân thì người ta cũng rất ít đi họp. Vì thế, tuyên truyền có mức độ thôi, mở hội nghị thì không làm được đâu. Với tính chất 1 người nhân lên 2 người, 2 nhân lên 3…, dân ai biết thì báo lại với người khác nên số người không biết ít thôi"(?!). Phóng viên CSTC có thắc mắc với ông Phán rằng tại cơ sở xóm, việc tổ chức họp dân cũng như thông báo làm gì cần nhiều kinh phí tới vậy thì ông Phán vẫn khăng khăng "Khó lắm, khó lắm". Thật khó hiểu!

Chỉ tại oxi già đổ quá nhiều một chỗ (?!)

Trước những phản ánh của người dân thì Sở TN&MT có công văn phúc đáp gửi UBND xã và UBND huyện để rồi từ đó thông báo rộng rãi cho dân. Trong đó Sở này có viết rằng: "Trong quá trình thực hiện xử lý chôn lấp đất tại bể xử lý (quá trình vận chuyển đất ô nhiễm do hóa chất BVTV đến khi xử lý và sử dụng các dung dịch xử lý), do chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích nhân dân, đã gây nên sự nghi ngờ".

Lý giải sự việc xảy ra 11/6 có luồng khí thải bốc lên, Sở này cho biết do đơn vị thi công đã sử dụng oxi già để xử lý sau khi đã đổ từng lớp đất ô nhiễm xuống bể chôn lấp. Khi tiến hành, phản ứng oxi hóa diễn ra tạo hơi nước, nhiệt và các gốc hydroxyl tự do (*OH) mà thực tế nhìn thấy là các làn khói trắng bay lên. Về bản chất, các chất sinh ra không gây hại đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, tại thời điểm chiều tối ngày hôm đó, đơn vị thi công đã đổ quá nhiều oxi già tập trung một chỗ gây sủi bọt trắng và khói bốc lên trùng với thời điểm nhân dân đốt rơm rạ đã tạo hiệu ứng cộng hưởng, gây nên cảm giác khó chịu, cay mắt. Sở TN&MT cũng đề nghị UBND huyện, UBND xã thông báo tới nhân dân 2 xóm, tạo điều kiện để dự án hoàn thành (!). Tuy nhiên dân cho biết lời giải thích của Sở không làm họ thấy thỏa đáng và họ vẫn ngày đêm lo lắng cho số phận của mình cũng như số phận của thế hệ tương lai.

Công văn trên có từ ngày 11/7, sau sự cố vào ngày 11/6 1 tháng. Việc 1 bể hóa chất được lấp, 2 bể còn lại mới được một nửa và bị bỏ bê với số hóa chất "phơi trần" giữa cánh đồng cộng với sự trùm lấp do mưa khiến khu vực này biến thành hồ, tràn ra các mẫu ruộng đến nay cũng gần 5 tháng. Tuy nhiên, từ đó tới nay chẳng đơn vị nào đoái hoài. Việc ô nhiễm là điều chắc chắn mặc dù Sở TN&MT bảo rằng các chất sinh ra không gây hại đến sức khỏe con người (?!) và ông chủ tịch xã nhất mực cho rằng "đó không phải là chất độc mà là đất tồn lưu của hóa chất BVTV!". Và ô nhiễm tới đâu thì cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để làm rõ. Thậm chí, nếu cần thiết, việc đánh giá lại tác động môi trường là một việc không hề thừa thãi.

Thời gian qua, việc người dân huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) phát hiện việc chôn hóa chất của Công ty Nicotex Thanh Thái gây ô nhiễm đến môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân trong vùng xuất hiện với tần suất dày đặc trên các phương tiện truyền thông. Qua sự việc đó với sự việc ở xã Bình Hòa trên, chuyện lắng nghe nhân dân trong công tác giải quyết các vấn đề môi sinh thiết nghĩ vẫn là một điều chưa bao giờ cũ mòn!

Đậu Dung
.
.
.