Hơn 400.000 người Mỹ đang sống trong cảnh "nô lệ hiện đại"

Thứ Ba, 24/07/2018, 20:18
Báo cáo do Chỉ số nô lệ toàn cầu vừa được Qũy Walk Free công bố hồi trung tuần tháng 7 cho thấy hơn 400.000 người Mỹ đang sống trong cảnh "nô lệ hiện đại". Báo cáo cũng khẳng định, các nạn nhân "nô lệ hiện đại" phần lớn đều xuất phát từ châu Á.

Báo cáo trước đó của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, thế giới đang có nhiều nô lệ hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử. Hiện trên toàn thế giới có hơn 21 triệu người đang sống trong cảnh nô lệ và để giải quyết vấn đề này đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa của cộng đồng quốc tế. 

Trong khi đó, báo cáo Chỉ số nô lệ toàn cầu lại chỉ ra rằng, không chỉ ở các quốc gia nghèo khó mà tại những cường quốc, số người nghèo bị biến thành nô lệ cũng không nhỏ. 

Người sáng lập Qũy Walk Free Andrew Forrest nói: "Mỹ là một trong những nước tiên tiến nhất trên thế giới nhưng có hơn 400.000 nô lệ hiện đại làm việc trong điều kiện lao động cưỡng bức. Đây là con số thực sự đáng kinh ngạc và chứng tỏ mức độ quan trọng của vấn đề này trên toàn cầu". 

Andrew Forrest còn chỉ ra rằng, những số liệu thống kê trước đó của Mỹ đã bị “phù phép”, "làm đẹp" và Mỹ đã làm trầm trọng thêm vấn đề nô lệ toàn cầu bằng cách nhập khẩu các sản phẩm, bao gồm laptop, máy tính, điện thoại di động, hàng may mặc, cá, ca cao và gỗ... 

"Hôn nhân cưỡng bức bất hợp pháp, tạo tuổi kết hôn tối thiểu 18 tuổi, cơ sở dữ liệu quốc gia về buôn người và lao động cưỡng bức... đã khiến những số liệu thống kê của Mỹ đi xuống", Andrew Forrest nhấn mạnh. 

"Ước tính Trung Quốc là nguồn hàng hóa có nguy cơ cao nhất vì Mỹ phải nhập khẩu tới 122 tỷ USD hàng điện tử và quần áo từ quốc gia này. Không có giải pháp nhanh chóng cho việc này và chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng phải thức dậy với thực tế rằng họ phải thay đổi hành vi của họ nếu họ muốn giải quyết vấn đề này, cả trong và ngoài nước", Andrews Forrest viết.

Hơn 400.000 người Mỹ đang sống trong cảnh "nô lệ hiện đại". Ảnh: Guardian.

Hãng Reuters cho hay, phương pháp thống kê của Qũy Walk Free bao  gồm ngoại suy sử dụng các khảo sát quốc gia, cơ sở dữ liệu thông tin của những người được hỗ trợ trong các trường hợp buôn người và các báo cáo từ các cơ quan khác như Tổ chức Lao động quốc tế của LHQ. 

Nhưng các nhóm chống bóc lột khác lại thận trọng với định nghĩa về chế độ nô lệ của Walk Free và phương pháp mà quỹ sử dụng để tính toán số lượng người bị ảnh hưởng. 

Trong một bài luận gần đây mang tên "Có gì sai với Chỉ số nô lệ toàn cầu?" được công bố trong Anti-Trafficking Review, tác giả Anne Gallagher lập luận rằng thuật ngữ "chế độ nô lệ hiện đại" tìm cách bao trùm dưới một chiếc ô rộng lớn với vô số nạn nhân. 

"Chúng ta chưa có tiêu chí chẩn đoán được chấp nhận rộng rãi hoặc công cụ đo lường đáng tin cậy - có nghĩa là tính toán phổ quát trong khi mục tiêu quan trọng để phấn đấu là không thể", Anne Gallagher viết. Anne Gallagher còn chỉ ra rằng, báo cáo Chỉ số nô lệ toàn cầu đã ước tính rằng, hầu hết các nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại sống ở châu Á. 

Một phần ba, hoặc 15 triệu người là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại đi qua hôn nhân cưỡng bức, một vấn đề ảnh hưởng không cân xứng đến phụ nữ và trẻ em gái...

Đồng quan điểm với báo cáo Chỉ số nô lệ toàn cầu, Công ty Tư vấn chiến lược và Nguy cơ toàn cầu Verisk Maplecroft (Anh) cũng công bố báo cáo xác định 115/198 quốc gia, chiếm tỉ lệ gần 60%, có nguy cơ cao hoặc cực cao sử dụng lao động nô lệ. 

Theo đó, nô lệ hiện đại là thuật ngữ được dùng để mô tả "tình trạng bị bóc lột mà một người không thể từ chối hay bỏ đi do bị đe dọa, bị bạo lực, ép buộc, lạm dụng quyền lực hay lừa gạt". 

Những hình thức nô lệ hiện đại có thể bao gồm bắt nợ, khi một người bị buộc phải làm việc để trả một khoản nợ, hay nô lệ trẻ em, ép buộc kết hôn, nô lệ trong gia đình hay lao động bắt buộc, nơi các nạn nhân bị ép làm việc thông qua bạo lực và hăm dọa. 

Có 5 hình thức điển hình của tình trạng nô lệ thời hiện đại gồm: bị giam giữ hàng năm trời trên các tàu đánh cá; bị buộc làm việc trong các trang trại trồng cần sa; trở thành nô lệ tình dục; bị các tổ chức tội phạm bắt phải đi ăn xin trên đường phố và bị giấu trong các ngôi nhà hoặc trang trại riêng và phải làm việc nặng nhọc mà không được trả tiền... 

Khánh Chi (tổng hợp)
.
.
.