Hôn nhân cận huyết thống - luật tục làm suy thoái giống nòi

Thứ Sáu, 27/02/2015, 10:00
Hôn nhân cận huyết thống không còn là chuyện mới lạ, song với cuộc sống hiện đại ngày nay là điều khó chấp nhận, mặc dù nó vẫn tồn tại ở các bản làng vùng sâu, vùng xa, dân trí thấp ở Cao Bằng. Nếu tảo hôn là câu chuyện đau lòng về trẻ vị thành niên bị người lớn sắp đặt, ép buộc thì kết hôn cận huyết thống là nghịch lý hôn nhân, khép lại giống nòi.

Anh em trong nhà lấy nhau… để thêm gần gũi

Những năm gần đây, việc kết hôn cận huyết thống ở huyện Bảo Lạc giảm nhiều, tuy nhiên một số nơi đồng bào vẫn chưa bỏ hủ tục này. Các cán bộ địa phương đã nỗ lực, không ngại khó khăn vượt núi băng rừng để vận động bà con dân tộc ít người không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Trong chuyến đi lên huyện Bảo Lạc, chúng tôi nghe được câu chuyện lạ cười ra nước mắt, đó là chuyện hai anh em lấy hai chị em con bác ruột ở bản Khau Pầu, xã Hồng Trị.

Ngôi nhà vợ chồng anh Hoàng A Dìa và chị Mã Thị Mị phải đi qua 3 quả đồi với lối mòn chỉ bằng một gang tay xuyên dọc các đám nương rẫy vừa được làm sạch cỏ. May mắn vợ chồng anh Dìa vẫn còn ở nhà, khi chúng tôi đến thì thấy anh đang bổ củi, chị Mị đang ngồi khâu áo mới chuẩn bị tục đón Tết sớm. Cách trên đỉnh khoảng 50 mét là nhà gia đình anh Hoàng A Dờ - em trai Dìa. Tuy nhiên, hôm nay anh Dờ và vợ là Mã Thị Đơ - em gái của Mị đã lên nương rẫy.

Anh Hoàng A Dìa và chị Mã Thị Mị cùng những đứa con.

Năm nay vừa được 25 tuổi nhưng khuôn mặt anh Dìa đã già đi nhiều. Ngồi bên bếp lửa than hồng, anh trò chuyện trông rất thật thà, chất phác. Khi nhắc đến chuyện tình duyên giữa hai vợ chồng, anh Dìa tỏ vẻ ngượng ngùng khi nhìn sang vợ mình đang ngồi đan trang phục truyền thống ở ngoài cửa. Anh chia sẻ: "Mình và Mị đã quen nhau từ nhỏ, họ hàng nên đi lại gặp suốt mặc dù khác bản, cách nhau một quả đồi. Khi lớn lên ngày nào lên rẫy cũng gặp nhau nên thích là "bắt" về làm vợ luôn. Kết hôn vào năm 2006 đến giờ cũng đã có với nhau 4 đứa con.

Trong thời gian đó, em gái vợ mình hay sang đây chơi nên em trai với nó thích nhau luôn. Khi biết chuyện, bố mẹ và họ hàng cũng đồng ý và còn bảo hai đứa lấy nhau để họ hàng thêm gần gũi. Gả cho dòng họ khác tiếc lắm. Hiện giờ chúng nó đã sinh được một đứa con. Em trai út là Hoàng A Dé cũng có vợ và 3 con rồi. Bố mẹ thì ở với em út mình".

Ông Nội Viết Định, Phó Chủ tịch xã Hồng Trị cho biết: Thực trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn vẫn còn tồn tại dai dẳng. Nhiều bản làng các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ… kết hôn cận huyết thống rất gần, mới đến đời thứ hai. Nguyên nhân do tập tục ăn sâu vào tiềm thức của bà con với quan niệm, kết hôn trong dòng tộc để củng cố, gắn bó quan hệ họ hàng, dòng tộc. Dân trí thấp, nhiều cặp vợ chồng 30 - 40 tuổi vẫn mù chữ hoặc chưa học hết lớp 3, 4. Thế nên, họ vẫn theo tục lệ cũ sắp đặt và quyết định kết hôn cận huyết thống cho con mình.

Ông Thào A Tú, Trưởng bản Khau Pầu thuộc xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).

Luật tục làm suy kiệt giống nòi

Chuyện kết hôn cận huyết thống ở đồng bào vùng cao là câu chuyện đã tồn tại từ lâu đời. Tuy nhiên, đây là một nghịch lý hôn nhân làm suy kiệt nòi giống, để lại hậu quả đau lòng cho thế hệ sau và ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Khi cán bộ địa phương đến tuyên truyền, vận động, cái lý để chống lại, né tránh lời nói của cán bộ là "từ xưa đến giờ vô kể cặp vợ chồng lấy nhau có quan hệ ruột thịt, gần gũi chưa qua đời thứ 3, con cháu của họ vẫn khỏe mạnh đấy thôi.

Những đứa trẻ sinh ra rồi chết đi hoặc bị bệnh tật, dị tật là do số trời định sẵn, không may mắn hoặc tại "con ma" làm. Của cải, đất đai dòng họ phải được cất giữ, không thể mang cho những dòng họ khác hoặc dân tộc khác". Chính vì vậy, không ít người bỏ mặc những lời khuyên ngăn và mặc cho số phận định đoạt cuộc đời. Họ không biết rằng, quan niệm luật tục đó là "lưỡi dao" vô hình "chặt đứt" tương lai của con cháu, làm suy kiệt giống nòi và để lại hậu quả nghiêm trọng.

Chúng tôi đi vào xóm Lũng Ỉn, xã Thái Học, huyện Nguyên Bình để gặp gia đình ông Triệu Dào Phúc và bà Đặng Mùi Mui - cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống. Kết hôn từ năm 1977, ông Phúc và bà Mui sinh được 5 đứa con thì có 2 người bị tàn tật. Người con gái thứ 2 tên là Triệu Mùi Gin (sinh năm 1980) quanh năm ốm đau, một tay không cử động, các ngón tay gập vào nhau, chỉ phụ giúp gia đình được một số công việc nhẹ và không mấy khi đi ra ngoài nên tính nhút nhát, tự ti. Còn người con trai thứ 3, anh Triệu Tòn Chài (22 tuổi) lại bị lưng gù, chân tay khó vận động nên không làm được việc nặng. Gia đình ông Phúc vốn đã khó khăn nhưng từ khi có hai đứa con bị bệnh tật bẩm sinh, cuộc sống càng thêm lao đao.

Bà Đặng Mùi Mui (56 tuổi) cùng con gái bị dị tật là Triệu Mùi Gin vì kết hôn cận huyết thống.

Nằm cách xóm Lũng Ỉn khoảng 2km, xóm Lũng An cũng có một cặp kết hôn cận huyết thống, đó là vợ chồng anh Hoàng Tòn Diệu (20 tuổi) và chị Bàn Mùi Coi (18 tuổi). Diệu lấy vợ là con của cậu ruột mình, vì vậy mặc dù đã kết hôn được hơn 3 năm nay nhưng hai vợ chồng vẫn chưa sinh con, nếu có thai mấy tháng đều bị sẩy. Người Dao, Mông, Lô Lô… ưa thích sống trên núi cao, thung lũng xa đô thị nên việc đi khám bệnh cũng gặp khó khăn và người dân chưa ý thức được vai trò quan trọng của việc khám chữa bệnh. Hễ có bệnh tật họ lại mời thầy cúng, nếu không khỏi mới đưa đến bệnh viện.

Một trường hợp khiến nhiều người đau lòng: cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống là anh Vi Văn Đôn và chị Nông Thị Nhung, sinh được 5 người con thì 4 đứa bị dị tật. Vừa rồi, do quá ốm yếu, đứa con thứ 3 đã mất. Anh chị vốn là anh em con cô, con bác, bị gia đình ép cưới thành vợ chồng. Sau khi sinh đứa con đầu lòng tên là Vi Văn Đông, anh chị cũng không hề biết là do kết hôn cận huyết thành ra như thế. Cuộc sống mưu sinh ở chốn sơn cước đã khó khăn, nay hai vợ chồng phải mang thêm gánh nặng, khổ sở. Có lẽ đó cũng là bi kịch của một cuộc kết hôn cận huyết thống bắt nguồn từ luật tục, quan niệm cổ hủ mới nên nỗi.

Cần kiên quyết xóa bỏ tập tục lạc hậu   

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Cao Bằng, sau gần 5 năm (2009 - 2014) triển khai mô hình "Can thiệp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống", trong 784 cặp kết hôn thì có 17 cặp kết hôn cận huyết thống. Vấn đề này vẫn còn tồn tại dai dẳng trong và ngoài vùng có mô hình can thiệp, chủ yếu là vùng các dân tộc như Dao, Mông, Lô Lô…

Việc gỡ bỏ ngay kết hôn cận huyết thống không thể hoàn thành trong thời gian ngắn. Nếu trong xã hội vẫn còn có người tật nguyền, bệnh di truyền do hành vi thế hệ trước, không chỉ chính gia đình họ chịu đựng thiệt thòi mà trở thành gánh nặng xã hội, làm giảm chất lượng dân số, một bộ phận dân tộc bị suy kiệt giống nòi. Trách nhiệm không chỉ ngành chuyên môn mà là nhiệm vụ chung của cộng đồng xã hội.

Người Dao, Mông, Lô Lô chủ yếu tập trung sinh sống ở thung lũng đá, núi cao.

Trước tình trạng tảo hôn và kết hôn cận thuyết thống xảy ra ở các dân tộc ít người thuộc các tỉnh miền núi nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận cao của nhân dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước xóa bỏ được tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Tin rằng, nếu các cấp, các ngành đồng loạt thực hiện một cách kiên trì, những câu chuyện đau lòng trên sẽ không tồn tại nữa, đặc biệt là ở nơi các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao, trình độ còn hạn chế.

Lưu Vĩnh - Minh Phượng
.
.
.