Hợp pháp hóa mại dâm, tiếp tay cho nạn buôn người?

Thứ Sáu, 05/07/2013, 15:46

Sau hơn 10 năm thực hiện Luật mại dâm, Đức đã trở thành nhà thổ lớn nhất châu Âu với trung bình 1 triệu đàn ông trả tiền cho quan hệ tình dục, hơn 3.500 nhà thổ cùng 400 nghìn gái mại dâm hoạt động "hết công suất" mỗi ngày, mang lại 14,5 tỷ đô la doanh thu mỗi năm. Tuy nhiên, nước Đức đang phải đối mặt với hệ lụy từ việc hợp pháp hóa mại dâm khi nạn buôn người có nhiều biến tướng.

"Cơn bão" gái Đông Âu

Alina - một cô gái Romania nói với phóng viên tờ Spiegel về lý do tại sao cô muốn rời bỏ ngôi nhà của mình. "Cha tôi thường xuyên uống rượu và đánh vợ, đôi khi lạm dụng chính con gái mình". Thông qua bạn trai mới của một người bạn, Alina nghe nói về khả năng kiếm đến 1.170 USD nếu làm gái mại dâm ở Đức.

Mùa hè năm 2009, Alina đã cùng một người bạn trai lái xe qua Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc đến Đức. Họ đến thẳng khu vực Schnefeld - nơi có nhiều nhà thổ. Chỉ một vài giờ sau khi xuất hiện, Alina đã có khách hàng đầu tiên. Cô kể rằng, nhiều người trong số họ đã dùng thuốc để tăng cường khả năng tình dục, thậm chí có thể kéo dài cả đêm.

Những người đàn ông xếp thành hàng dài bên ngoài phòng của Alina. "Tôi không có thời gian để dừng lại đếm bao nhiêu người đàn ông đã vào giường". Alina và những "đồng nghiệp" buộc phải trả các chủ chứa 800 euro/tuần. Cô ngủ chung giường cùng với ba người phụ nữ khác và điều duy nhất cô nhìn thấy khi đến Đức là trạm xăng Esso -  nơi cô thỉnh thoảng được phép đi mua thuốc lá hay đồ ăn nhẹ, tất nhiên có sự giám sát của bảo vệ.

Gái mại dâm ở đây cung cấp dịch vụ tình dục rất đa dạng, qua âm đạo, miệng và hậu môn, thậm chí sẵn sàng phục vụ nhiều đàn ông trong cùng một thời điểm mà dân trong nghề gọi là "gangbang". "Tất nhiên, không phải lúc nào những người đàn ông cũng sử dụng bao cao su. Trong thời gian "đèn đỏ", tôi sẽ đưa bọt biển vào trong âm đạo để khách hàng không phát hiện", Alina nói.

Alina chỉ là một trong số rất nhiều các cô gái Đông Âu mong muốn "đổi đời" bằng nghề bán hoa ở Đức. Theo các cơ quan chức năng ở Đức, 2/3 trong số 400 nghìn gái mại dâm hoạt động trên lãnh thổ Đức đến từ nước ngoài, phần lớn trong số đó đến từ các nước Đông Âu, điển hình là Romania và Bulgaria. Phụ nữ từ Romania và Bulgaria đổ xô đến Đức hoạt động mại dâm tăng mạnh kể từ khi hai nước gia nhập EU.

Những biến tướng mới của nạn buôn bán người

Theo Báo cáo của Văn phòng tội phạm liên bang Đức (BKA), có 636 trường hợp "buôn bán người vì mục đích bóc lột tình dục" trong năm 2011. 13 nạn nhân dưới 14 tuổi và 77 nạn nhân khác dưới 18 tuổi, nhiều phụ nữ trong số đó đến từ các nước EU. 

Báo cáo cũng nhận định, "có dấu hiệu cho thấy, họ là nạn nhân của nạn buôn người nhưng rất khó để cung cấp bằng chứng trước tòa án". Axel Dreher, một giáo sư chính trị quốc tế và phát triển tại Đại học Heidelberg tiến hành phân tích số liệu giữa hoạt động mại dâm và nạn buôn người từ dữ liệu của 150 quốc gia, nhận định, "có thể xác định một xu hướng: nếu mại dâm là hợp pháp, nạn buôn bán người có xu hướng tăng so với những nơi khác".

Hầu hết phụ nữ, những người đến Đức hoạt động mại dâm không bị bắt cóc trên đường phố và hầu hết biết rõ rằng, họ đến Đức không phải làm nhân viên tiệm bánh hay tiếp thị. Thông thường, họ là những người phụ nữ đem lòng yêu một người đàn ông và theo người đàn ông này đến Đức, cũng có thể họ biết mình sẽ trở thành gái mại dâm. Nhưng những cô gái trẻ không bao giờ biết trước điều gì tồi tệ đang chờ họ ở phía trước, càng không biết rằng, họ sẽ khó giữ được khoản tiền kiếm được.

Trong tháng 12/2012, khán giả truyền hình Đức đã bị "sốc" khi xem chương trình "Wegwerfmdchen" (tạm dịch: Những cô gái "dùng một lần"). Trong tập phim "Tatort" được quay tại thành phố Hanover nằm ở phía Bắc nước Đức, đã quay lại hình ảnh chủ chứa đưa hai phụ nữ trẻ bị thương nặng vào thùng rác sau khi hai cô phục vụ khách hàng với hình thức "hoạt động tình dục tập thể". Vài ngày sau khi tập phim được phát sóng, cảnh sát Munich tìm thấy hai cô gái mặc đồ hở hang đang khóc sướt mướt trong một công viên nhỏ.

Hợp pháp hóa mại dâm vẫn là vấn đề gây tranh cãi ở Đức. Những người ủng hộ chủ trương này thì cho rằng, mọi người đều có quyền lựa chọn nghề nghiệp cho mình. Một số nhà nữ quyền thậm chí ca ngợi, hợp pháp hóa mại dâm là sự giải phóng phụ nữ, để phụ nữ làm tất cả những gì họ muốn với cơ thể của mình.

Tuy nhiên, trong thực tế, ranh giới giữa mại dâm tự nguyện và bắt buộc rất mờ nhạt. "Nếu bạn muốn bảo vệ phụ nữ thì hợp pháp hóa mại dâm không phải là cách để làm điều đó", Rahel Gugel, một giáo sư luật chia sẻ

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.